Tuesday, May 6, 2014

Cầu Lê Văn Sỹ (TP.HCM): Xây mới nhưng chuyện cũ vẫn còn

TT - Ngày 30-4, cầu Lê Văn Sỹ (đường Lê Văn Sỹ - Trần Quốc Thảo, Q.3, TP.HCM) thông xe. Nhưng nhiều người dân TP.HCM tỏ ra hụt hẫng bởi việc xây cầu mới không giải quyết được vấn đề kết nối liên tục trên hai đường Trường Sa và Hoàng Sa chạy dọc hai bờ kênh Nhiêu Lộc.

 
Cầu Lê Văn Sỹ phía đường Hoàng Sa xây mới (ảnh trái) và cầu Lê Văn Sỹ trước khi xây (ảnh phải)
Cầu Lê Văn Sỹ phía đường Trường Sa xây mới (ảnh trái) và cầu Lê Văn Sỹ trước khi xây (ảnh phải) - Ảnh: Thuận Thắng - Hoàng Thạch Vân
“Tôi cứ ngỡ cầu mới đầu tư sẽ được nâng cao độ tĩnh không để làm đường chui nhằm kết nối xuyên suốt hai tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa. Ai ngờ vẫn không có gì thay đổi so với cầu cũ trước đây” - chị Nguyễn Thu Hiền, ngụ Q.Tân Bình, nói.
Giao thông khó khăn ở hai đầu cầu
Theo chị Hiền, do chiều nào cũng chạy xe máy trên đường Trường Sa để về nhà sau một ngày làm việc, nên chị hiểu rất rõ sự bất tiện khi phải chạy xe máy băng ngang đường Lê Văn Sỹ. “Trước đây, tôi phải vòng xe tới chợ Nguyễn Văn Trỗi rồi đi ngược lại, sau đó mới quẹo được vào đường Trường Sa. Đi như vậy rất bất tiện và thường bị kẹt xe trước cổng chợ. Tôi cứ đinh ninh khi xây cầu mới, cơ quan chức năng sẽ tính toán xây đường chui để kết nối tuyến đường Trường Sa, việc đi lại dễ dàng hơn. Nhưng họ không làm như vậy. Tệ hơn nữa là ngay đường dẫn lên cầu, đơn vị thi công chỉ lắp dải phân cách mềm, xe máy cứ tùy tiện băng ngang chân cầu rất dễ xảy ra tai nạn” - chị Hiền thất vọng nói.
Chủ một quán nước gần cầu Lê Văn Sỹ cho biết từ khi cầu thông xe đến nay đã xảy ra một số vụ va quẹt giao thông ngay dưới chân cầu này. “Một số khách thường ngồi uống nước tại quán của tôi cũng thắc mắc tại sao thành phố không cho làm đường chui như cầu Công Lý, cầu Hoàng Hoa Thám... để đường Hoàng Sa, Trường Sa được liền mạch” - bà chủ quán nước nói.
Thực tế cho thấy sáng 2-5, giao thông hai đầu đường dẫn lên cầu Lê Văn Sỹ hỗn loạn do dòng xe đi thẳng qua cầu thỉnh thoảng bị khựng lại bởi những chiếc xe máy băng ngang qua đường dẫn lên cầu. Chỉ trong vòng 15 phút, có gần 100 xe máy chạy băng qua đường dẫn lên cầu Lê Văn Sỹ để qua phía bên kia đường Trường Sa.
Tương tự, phía bên kia cầu Lê Văn Sỹ, nhiều xe chạy thẳng đường Hoàng Sa cũng phải cắt ngang đường dẫn lên cầu Lê Văn Sỹ. Một người dân sống gần khu vực này cho rằng thành phố bỏ tiền đầu tư thì nên làm một lần để xây dựng đường chui dưới cầu nhằm kết nối đường Hoàng Sa, không nên để xe băng ngang dốc cầu như hiện nay.
Vị trí cầu Lê Văn Sỹ trên hai tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè - Đồ họa: V.Cường
Vì sao không có đường chui qua cầu Lê Văn Sỹ?
Ông Vương Hoàng Thanh - phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình nâng cấp đô thị TP.HCM - cho biết sở dĩ không nâng cao độ tĩnh không cầu Lê Văn Sỹ là do nhà dân ở hai bên cầu chưa giải tỏa đúng quy hoạch. Nếu nâng cao cầu thì mặt tiền nhà dân ở hai bên đường chỉ còn vỉa hè 1,5m, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và kinh doanh của các hộ dân.
Theo ông Ngô Quang Mãnh - giám đốc Khu quản lý đường thủy nội địa TP.HCM, trong quy hoạch TP xác định kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn từ đường Lê Bình (Q.Tân Bình) đến cầu Lê Văn Sỹ (dài khoảng 2,9km) chỉ phục vụ thoát nước nên cho xây cầu giao bằng với mặt đường Hoàng Sa và Trường Sa. Còn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ ra đến sông Sài Gòn (dài khoảng 6km) là tuyến giao thông thủy, cho nên các cầu trên đoạn kênh này đều phải xây dựng cao để xe lưu thông dưới dạ cầu, tàu bè lưu thông dưới kênh. “Như vậy, với quy hoạch này thì cầu Lê Văn Sỹ phải được xây dựng cao chứ không giao bằng như hiện nay” - ông Mãnh kết luận.
Theo ông Vương Hoàng Thanh, trong tương lai, khi đường Lê Văn Sỹ và Trần Quốc Thảo được giải tỏa đúng lộ giới thì sẽ tính đến phương án nâng cao cầu để xe lưu thông dưới dạ cầu. “Trong giai đoạn 1 có đúc sẵn các trụ cầu chịu trọng tải lớn để sau này có thể nối lên cao và cho lắp đặt các dầm cầu bằng thép để dễ tháo dỡ nếu TP có vốn đầu tư nâng cao cầu” - ông Thanh nói.
Ông Nguyễn Như Tha - giám đốc Công ty Tư vấn thiết kế công trình giao thông công chánh TP.HCM - cho biết nếu nâng cầu Lê Văn Sỹ lên cao để xe có thể lưu thông dưới dạ cầu có khả năng chân cầu kéo dài đến đường Kỳ Đồng (Q.3), gây ách tắc giao thông tại khu vực này như từng xảy ra ở cầu Nguyễn Tri Phương (Q.5 - Q.8).
Tuy nhiên, phó giáo sư, tiến sĩ Phạm Xuân Mai cho rằng với các tuyến đường trục giao thông chính TP rất cần phải xây dựng cầu cao để tạo thuận lợi cho xe lưu thông dưới dạ cầu. Đường Lê Văn Sỹ và Trần Quốc Thảo là trục đường chính nên cần phải xây dựng cầu cao để tạo thuận lợi cho xe lưu thông trên đường Hoàng Sa và Trường Sa. “Ở các nước như Pháp, Nga người ta luôn chú ý xây dựng các cầu trên cao, không chỉ phục vụ giao thông đường bộ mà còn phục vụ tuyến buýt sông. Để xây dựng tất cả các cầu trên cao tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thì TP cần quy hoạch lại khu vực này” - ông Mai nói.
Ông Hoàng Đức Hậu - hội viên Hội Cầu đường VN - cũng cho rằng chủ đầu tư dự án nêu lý do vì vướng đền bù giải tỏa nên chưa xây dựng cầu Lê Văn Sỹ có tĩnh không cao là chưa hợp lý. Bởi có những dự án đem lại hiệu quả giao thông như dự án đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi, dù kinh phí giải tỏa cao gấp nhiều lần kinh phí đầu tư xây dựng nhưng vẫn phải làm.
NGỌC ẨN - MẬU TRƯỜNG
8 cầu được nâng cao tĩnh không
Hai đường ven kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè là đường Hoàng Sa và Trường Sa (qua các quận 1, 3, Tân Bình, Phú Nhuận và Bình Thạnh). Điểm đầu là đường Lê Bình (Q.Tân Bình) và điểm cuối là đường Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh) dài 8,9km, mặt đường rộng 9m, có những đoạn chui qua cầu rộng 7m.
Trên hai tuyến đường ven kênh có tổng cộng 19 chiếc cầu. Trong đó có 11 cầu giao bằng (mặt cầu ngang với mặt đường), gồm từ cầu số 1 đến cầu số 9, cầu Trần Quang Diệu, cầu Lê Văn Sỹ (Q.3). Có 8 cây cầu được nâng cao độ tĩnh không 2,2-2,5m để xe máy và ôtô con, xe tải dưới 2,5 tấn lưu thông dưới dạ cầu, bao gồm cầu Công Lý, Hoàng Hoa Thám, Bùi Hữu Nghĩa (đã xong) và cầu Kiệu, cầu Bông, cầu Điện Biên Phủ (đang thi công), Thị Nghè 1 (đã có dự án, trên đường Nguyễn Thị Minh Khai), Thị Nghè 2 (trên đường Nguyễn Hữu Cảnh).
N.ẨN

No comments:

Post a Comment