(BDT.VN) - Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hồng Trường - Thứ trưởng Bộ GTVT trước sự việc đường Trường Chinh bị bẻ cong.
Được điều chình nếu trong phạm vi cong cho phép
Chia sẻ với Đất Việt, ông Trường cho hay: "Về nguyên tắc mà nói đến đi trên đường, làm gì có đường nào thẳng đâu, mà lại lên tiếng bảo là không có đường cong, có đoạn cong thì nó phải cong, bởi vì có thể lựa chọn yếu tố mặt địa chất, địa hình để phù hợp với cảnh quan, thì bắt buộc phải làm".
Bên cạnh đó, ông Trường cũng bày tỏ, nếu vì đoạn đường khi thay đổi hướng tuyến, hiệu quả hơn thì phải chấp nhận.
Miễn là bán kính đường cong theo tiêu chuẩn mà được quy định. Theo ông Trường thì trong bước thiết kế kỹ thuật thì nó có thể điều chỉnh làm thế nào cho nó phù hợp với hiện trạng của tuyến đường, vị trí, nhưng nằm trong tổng thể quy hoạch là được.
Còn ở bước thiết kế dự án chỉ mới là tổng thể, khi đi khảo sát hiện trường, nếu đi thẳng bất lợi về địa chất, về mặt địa hình, GPMB thì có thể điều chỉnh để trong phạm vi cho phép. Không nhất thiết hai bản vẽ phải trùng nhau.
Đường Trường Chinh bị cong
Tuy nhiên, ông Trường nhấn mạnh: "Dĩ nhiên là giữa dự án và thi hành có thể thay đổi chút xíu, nhưng phải được các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận, GPMB thì phải xử lý thỏa đáng".
Còn cụ thể về con đường Trường Chinh, ông Trường cho hay con đường đó không thuộc sự quản lý của Bộ GTVT mà do Hà Nội trực tiếp quản lý.
Đường như ghi đông xe đạp: Vẫn mềm mại!
Trong khi đó, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, chiều 8/4, trước câu hỏi có hay không đường Trường chinh bị nắn cong, ông Dương Đức Tuấn – Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc giải thích: "Theo QĐ 108, theo dự kiến định hướng tuyến là thẳng, nhưng luật cho phép quy hoạch chi tiết được cụ thể hóa, quy hoạch chung đã chuyển hướng cong, tuy nhiên, cong như vậy còn là mềm mại".
Theo ông Tuấn thì đồ án điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô HN đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1998 , đường Trường Chinh là một đoạn tuyến của đường vành đai 2.
Căn cứ đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô HN đã được Thủ tướng phê duyệt, UBND thành phố HN đã tổ chức lập và phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 và 1/500 phục vụ công tác quản lý, phát triển đô thị.
Sở Quy hoạch kiến trúc HN khẳng định, quá trình lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường là hoàn toàn phù hợp với quy định.
Phương án chỉ giới đường đỏ xác định phạm vi mở đường Trường Chinh đã được UBND thành phố phê duyệt tại quyết định 19 (31/3/2008) là thống nhất và phù hợp với các đồ án quy hoạch chi tiết của khu vực đã được UBND thành phố phê duyệt, là phù hợp với quá trình quản lý quy hoạch, cấp phép xây dựng trong nhiều năm.
Ở một thông tin khác, Thiếu tướng Mai Văn Cương, nguyên Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) cho biết: "Đầu năm 2000, Văn phòng Kiến trúc sư trưởng (nay là Sở Quy hoạch - Kiến trúc) và Quân chủng PK-KQ đã có cuộc gặp gỡ trao đổi về quy hoạch mở rộng đường Trường Chinh.
Thời điểm này, lòng đường Trường Chinh đang có chiều rộng khoảng 10 m, theo phương án của Văn phòng Kiến trúc sư trưởng đường sẽ mở rộng về hai bên, mỗi bên lấy từ tim đường vào 27,5 m".
Theo ông Cương, việc điều chỉnh đường Trường Chinh thời điểm đó đã được làm đi làm lại nhiều lần theo yêu cầu của cấp trên, cũng là người có nhà trong khu vực nêu trên.
Từ quy hoạch ban đầu lấy từ tim đường vào 27,5 m, thiếu tướng Mai Văn Cương đã ký văn bản đề nghị Văn phòng Kiến trúc sư trưởng lấy từ mép đường vào 7 m. Đến năm 2007, Bộ Quốc phòng có văn bản số 762 do Thứ trưởng, trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên ký xin lui thêm 1m, tức chỉ lấy từ mép đường vào phía bắc 6 m.
Từ cơ sở các văn bản này, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định phê duyệt chỉ giới đường đỏ năm 2008 theo hình chiếc “ghi đông xe đạp”.
Ông tiết lộ: "Tôi nói thật khi thực hiện ký vào văn bản 193 xin thu hẹp 7m, cấp trên ép mà tôi là cấp dưới phải thực hiện theo.Thời điểm đó, chúng tôi đã thuê một doanh nghiệp vẽ lại bản thiết kế nhưng Hà Nội không chịu vì cho rằng công ty đó không đủ tư cách".
Chủ đầu tư: Cong ở độ cho phép?
Một mặt nữa, đó là ông Nguyễn Sỹ Bảo, Giám đốc Ban quản lý các dự án trọng điểm phát triển đô thị Hà Nội (chủ đầu tư) cho biết: "Nếu nói đường bị uốn cong quá như “ghi đông xe đạp” thì không đúng".
Theo thiết kế, nhìn trên bản vẽ phải chú ý mới thấy là nó có chỗ cong. Nhưng đấy là bờ cong cho phép. Nếu không thiết kế đường cong chuyển tiếp như thế, đường sẽ bị gấp khúc, tạo bất hợp lý về giao thông, khó chấp nhận, gây mất an toàn. Với dự án như đường vành đai 2, có mặt cắt rộng từ 53,5 đến 57,5m thì bán kính cong (R=600m) như đã thiết kế là hoàn toàn cho phép.
“Đúng là trong dự án này đường bị cong ở đoạn giữa (từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo sông Lừ), do đoạn này mở rộng về phía Nam nhiều hơn, trong khi hai đoạn đầu Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng mở rộng về phía Bắc nhiều hơn. Nhưng đứng tại một điểm ở Ngã Tư Vọng vẫn có thể nhìn thấy một điểm ở Ngã Tư Sở trên một trục thẳng” - Ông Bảo cho hay.
Thanh Huyền
No comments:
Post a Comment