HÀ TĨNH (NV) - Công an Hà Tĩnh đã phải điều động hàng trăm cảnh sát cơ động đến xã Bắc Sơn, huyện Thạch Hà để giải cứu cho bốn sĩ quan công an bị dân chúng vây, trói.
Một viên đại tá là phó giám đốc công an Hà Tĩnh cho biết, hôm qua, công an huyện Thạch Hà cử 6 nhân viên đến xóm Trung Sơn, xã Bắc Sơn để thực hiện lệnh bắt một người bị khởi tố vì “gây rối trật tự công cộng.”
Dân chúng vây chặt những sĩ quan công an thực hiện các lệnh bắt mà họ xem là vô lý. (Hình: VietNamNet)
Tuy viên phó giám đốc công an Hà Tĩnh không cho biết bất kỳ chi tiết nào liên quan đến vụ “gây rối trật tự công cộng,” khiến công an huyện Thạch Hà khởi tố vụ án và ra lệnh bắt người song trên thực tế “gây rối trật tự công cộng” là tội danh thường được áp dụng đối với những người phản kháng cưỡng chế, thu hồi đất, bồi thường không thỏa đáng hoặc biểu tình chống các hành vi lạm quyền.
Ðây cũng có thể là lý do khiến dân chúng xóm Trung Sơn và sau đó là dân chúng xã Bắc Sơn vây nhóm công an đến thực hiện lệnh bắt người.
Theo viên phó giám đốc công an Hà Tĩnh đã có “hàng trăm người dân trong xóm Trung Sơn” đổ đến phản đối lệnh bắt. Do sáu sĩ quan công an vẫn thực hiện lệnh bắt và dẫn giải người bi bắt về đồn, dân chúng đã vây cả 6, sau đó trói cả 6.
Khi công an Hà Tĩnh điều động lực lượng đến “giải cứu,” dân chúng đã chống trả quyết liệt và 4 trong số hàng trăm cảnh sát “tham gia giải cứu” bị đánh trọng thương, phải chuyển đến bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cấp cứu.
Như vậy là chỉ trong vòng nửa tháng, đã có hai vụ dân chúng tấn công cảnh sát cơ động, chuyên thực thi công việc trấn áp.
Vụ gần nhất xảy ra hôm 28 tháng 3 tại Phan Rang, Ninh Thuận, khiến hai thiếu úy của lực lượng Cảnh sát Cơ động Ninh Thuận bị trọng thương khi đàn áp biểu tình. Nếu tính cả số cảnh sát bị thương khi giải tán cuộc biểu tình trước đó hai ngày thì số cảnh sát cơ động ở Ninh Thuận bị thương khi giải tán biểu tình lên tới 6 người.
Biểu tình bùng phát tại Ninh Thuận khởi đầu sau khi chính quyền tỉnh này cho phép công ty Quang Thuận-Ninh Thuận khai thác titan trở lại.
Năm 2012, công ty này được phép khai thác titan tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. Việc khai thác titan đã khiến mực nước ngầm trong vùng tụt giảm tới mức dân chúng thiếu nước sinh hoạt, trồng trọt. Chưa kể đó còn là lý do khiến môi trường ô nhiễm trầm trọng, mồ mả của nhiều người đã khuất bị xâm phạm.
Giữa năm ngoái, do dân chúng phản đối kịch liệt, chính quyền tỉnh Ninh Thuận phải yêu cầu công ty Quang Thuận-Ninh Thuận tạm ngưng khai thác titan và chưa hiểu tại sao, chính quyền tỉnh Ninh Thuận lại cho phép công ty Quang Thuận-Ninh Thuận khai thác titan trở lại.
Quyết định vừa kể đã khiến dân chúng nổi giận. Biểu tình bùng phát tại xã Phước Dinh, lan đến huyện Thuận Nam. Công an huyện Thuận Nam đáp lại bằng cách khởi tố sáu người trong số những người biểu tình với cáo buộc “chống người thi hành công vụ.” Hai trong số sáu người này bị tạm giam ngay lập tức, bốn người còn lại được tại ngoại trong quá trình điều tra nhưng cấm đi khỏi nơi cư trú.
Chính quyền và công an tỉnh Ninh Thuận không ngờ là các quyết định khởi tố và tạm giam không những không làm dân chúng chùn bước mà còn thúc đẩy họ đổ về Phan Rang, biểu tình đòi rút lại quyết định cho phép công ty Quang Thuận-Ninh Thuận khai thác titan trở lại và trả tự do cho những người bị bắt. Hai lần giải tán biểu tình trong hai ngày 26 và 28 tháng 3, tạo ra 6 cảnh sát cơ động bị trọng thương và giờ chót, chính quyền tỉnh Ninh Thuận phải nhượng bộ, rút lại giấy phép vừa cấp cho công ty Quang Thuận-Ninh Thuận tiếp tục khai thác titan ở xã Phước Dinh.
Phản kháng bằng cách biểu tình, vây trụ sở chính quyền, vây viên chức, công an thực hiện những yêu cầu càn rỡ đã trở thành chuyện phổ biến tại Việt Nam.
Chỉ trong vòng vài tuần qua, dân chúng Việt Nam đã làm điều đó trên khắp Việt Nam. Chẳng hạn hôm 24 tháng 3, hàng trăm người dân thôn Ðàn Viên, vây chủ tịch xã Cao Viên, huyện Thanh Oai, thành phố Hà Nội phản đối sự bất minh trong “dồn điền, đổi thửa.”
Vụ dân phường Dương Nội, quận Hà Ðông, Hà Nội, vây trụ sở công an quận Hà Ðông, rồi chuyển qua vây Viện Kiểm Sát Hà Ðông, đòi thả hai người bị bắt cóc hôm 27 tháng 3.
Vụ hàng ngàn dân của xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An đổ ra đường ngăn giới hữu trách cưỡng chế thu hồi đất mở rộng quốc lộ 1, khiến con đường xuyên Việt ngang qua huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An nghẽn gần như suốt ngày 28 tháng 3.
Hay mới đây, hôm mùng 7 tháng 4, khoảng 400 người cư trú tại huyện Lương Tài đã bỏ tiền thuê xe buýt đưa họ đến thành phố Bắc Ninh, vây trụ sở chính quyền tỉnh, phản đối dự án xây dựng bãi rác tại thôn Cổ Lãm, xã Bình Ðịnh.
Tuy nhiên hai vụ phản kháng vừa xảy ra ở Thuận Nam, Ninh Thuận và Thạch Hà, Hà Tĩnh đang cho thấy một xu hướng mới: Ðó là dân chúng sẵn sàng đánh trả nếu công an đàn áp các hành động phản kháng. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment