Chủ Nhật, 30/03/2014 23:07
NLD-Trong quan hệ giữa các quốc gia trên thế giới, phong tỏa tài sản được coi là “đòn thù” quen thuộc để trừng phạt nhau
Những ngày qua, báo chí thế giới đã tốn biết bao giấy mực viết về sự kiện Mỹ và Liên hiệp châu Âu (EU) thực hiện một loạt biện pháp trừng phạt chống lại Nga và Crimea sau khi Tổng thống Vladimir Putin ký sắc lệnh công nhận nền độc lập của bán đảo này - đợt trừng phạt toàn diện nhất nhằm vào Nga kể từ sau chiến tranh lạnh. Trong khi Moscow tỏ ra phớt lờ, thậm chí cười nhạo lệnh trừng phạt, dư luận cho rằng đòn trả đũa của Mỹ và EU có lẽ chỉ có tác dụng giữ thể diện cho các nhà lãnh đạo phương Tây mà thôi.
Có qua có lại
Trong “danh sách đen” gồm các quan chức Nga do Mỹ đưa ra - cấm đi lại và phong tỏa tài sản - có những vị thân tín với Tổng thống Putin, gồm: Victor Ivanov - Giám đốc Cục Kiểm soát dược phẩm liên bang, cựu Phó Giám đốc An ninh liên bang, cựu nhân viên KGB; Igor Sergun - lãnh đạo Cục Quân báo Nga (GRU), Phó Tổng tư lệnh quân đội; Sergei Ivanov - Chánh Văn phòng Tối cao Phủ Tổng thống, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, cựu Phó Thủ tướng Nga; Alexei Gromov - Phó chánh Văn phòng Tối cao Phủ Tổng thống; Andrei Fursenko - trợ lý tổng thống Nga, cựu Bộ trưởng Giáo dục và Khoa học; Vladimir Yakunin - cựu Chủ tịch Công ty Hỏa xa Nga, cựu lãnh đạo ngành hàng hải; Vladimir Kozhin - Chủ nhiệm Cơ quan Quản lý tài sản của Cục Tài sản Phủ Tổng thống…
Đã có ý kiến đề nghị Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron “trừng phạt” tỉ phú Roman Abramovich (trái), đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 4 công dân Ukraine vì có hành động hoặc chính sách đe dọa đến hòa bình, an ninh, ổn định, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và trong hành vi phá hoại chính phủ Ukraine, gồm tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, Thủ tướng Crimea Sergei Aksyonov, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cirmea Vladimir Konstantinov, Chủ tịch Nghị viện Crimea Viktor Medvedchuk.
Đáp trả lại, ngày 20-3, Nga thông báo danh sách các quan chức Mỹ bị trừng phạt, trong đó có 9 cá nhân nổi cộm, gồm: Chủ tịch Hạ viện John Boehner, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Robert Menendez; các thượng nghị sĩ Harry Reid, John McCain, Mary Landrieu và Daniel Coats; 3 cố vấn và phó cố vấn của Tổng thống Barack Obama. Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow áp đặt biện pháp trừng phạt các quan chức và nghị sĩ Mỹ với số lượng tương đương nhằm đáp trả những biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với các quan chức và nghị sĩ Nga.
Khó có tác dụng
Một số quốc gia phương Tây cũng đơn phương trừng phạt Nga. Ngày 17-3, Canada đã áp đặt lệnh trừng phạt với 7 quan chức Nga và 3 quan chức cấp cao Crimea mà Ottawa cho là phải chịu trách nhiệm về cuộc khủng hoảng tại Ukraine, bao gồm cấm nhập cảnh lãnh thổ Canada và đóng băng tài sản ở Canada. Thụy Sĩ, Áo và Liechtenstein đã quyết định đóng băng tài sản và tài khoản ngân hàng của 20 công dân Ukraine, trong đó có tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych và con trai của ông - Oleksander - sau khi các nhà lãnh đạo mới tuyên bố hàng tỉ USD của nước này đã không cánh mà bay. Trước đó, theo hãng tin Reuters, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk cáo buộc ông Yanukovych đã vét sạch các kho bạc nhà nước. Theo ông, trong 3 năm qua, 70 tỉ USD đã được chuyển vào các tài khoản ở nước ngoài.
Gần đây, Mỹ cũng đã từng công bố danh sách các quan chức Nga bị trừng phạt nại cớ họ vi phạm nhân quyền liên quan đến cái chết trong tù của luật sư Sergei L. Magnitsky vào năm 2009, gồm 18 người bị cấm thị thực nhập cảnh Mỹ và bị phong tỏa bất cứ tài sản nào họ có ở nước này. Tuy nhiên, tên các quan chức Nga bị trừng phạt trong vụ này - gồm các nhà điều tra, giới chức ngành thuế, thẩm phán liên quan đến vụ Magnitsky, được liệt kê trong “đạo luật Magnisky” - không được tiết lộ. Hạ nghị sĩ Dân chủ Jim McGovern, bang Massachusetts, đã gửi danh sách “có thể trừng phạt” gồm 280 người Nga được gia đình Magnitsky soạn thảo, trong đó có tổng công tố Yuri Y. Chaika.
Vấn đề là ở chỗ nhà lãnh đạo Nga và các tài phiệt Nga có nhiều tài sản đến mức đóng băng tất cả tài sản của họ là một nhiệm vụ bất khả thi. Đơn cử, câu lạc bộ bóng đá của ông chủ người Nga Roman Abramovic, đồng minh thân tín của Tổng thống Putin. Liệu nhà chức trách Anh sẽ chiếm giữ khối tài sản khổng lồ này? Bà Anne Applebaum, tác giả từng đoạt giải Pultizer và là chuyên gia về Đông Âu, thừa nhận điều đó cho thấy London phụ thuộc vào tiền của người Nga đến mức nào. Bà nói: “Có nhiều loại người khác nhau ở London, chẳng hạn như các nhà môi giới bất động sản và nhà buôn tác phẩm nghệ thuật sống bằng tiền của người Nga”. Ông Alexander Nekrassov, cựu cố vấn của Điện Kremlin hiện sống ở London, nhận định đó là lý do vì sao Tổng thống Putin cười nhạo bất kỳ biện pháp trừng phạt nào từ phía Anh. Theo ông này, nước Anh sẽ không bao giờ “nhắm bắn” các nhà tài phiệt Nga, những người cung cấp hàng tỉ USD cho nền kinh tế Anh. Vì thế, rất khó có thể chứng kiến được lệnh trừng phạt ảnh hưởng đến chính sách của Nga ở Ukraine.
Trong khi đó, website Engineering Evil cho biết Nga đã ngay lập tức dọa trừng phạt bằng “danh sách Guantanamo” đối với những người Mỹ bị cho là vi phạm nhân quyền tại nhà tù Guantanamo, nơi giam giữ các nghi can khủng bố. Báo Kommersant đưa tin chính phủ Nga đã xác định danh tính 104 người Mỹ bị trừng phạt. Ngoài ra, nhà làm luật Vyacheslav Nikonov còn đề nghị “danh sách Viktor Bout”, gồm các quan chức Mỹ dính líu đến việc kết án tù tay buôn vũ khí người Nga Viktor Bout.
Kỳ tới: Làm kẻ thù phá sản
NGÔ SINH
No comments:
Post a Comment