Người trẻ “rơi rụng” dần
Đường dẫn vào bản Mỹ Lợi là những con dốc đứng hun hút khiến người đi xe máy phải rú ga liên tục, còn người đi xe đạp chỉ có cách gửi xe dưới chân đồi mới vào được trong bản. Ngôi làng Mỹ Lợi nằm lọt thỏm giữa những đồi mía xanh bạt ngàn. Cái bản nghèo có 100% dân số là người dân tộc Mường này đã có điện thắp sáng, có hệ thống dẫn nước sạch dẫn về tận nơi cho bà con sinh hoạt. Có điều đáng buồn là tuy đời sống kinh tế được cải thiện từng ngày, ô nhiễm môi trường đã phần nào được khắc phục, nhưng số người mắc ung thư và tử vong vì ung thư mỗi năm ở bản Mỹ Lợi vẫn không giảm.
Theo ông Nguyễn Xuân Trường - trưởng bản Mỹ Lợi, từ năm 1972 - 2014 bản Mỹ Lợi có tất cả 40 người chết do mắc ung thư. Số người tử vong vì ung thư mỗi năm một khác nhưng đều có xu hướng tăng dần. Có năm chết 1 người (năm 1972), rồi tăng lên 2 – 3 người (năm 1985 – 1986), đỉnh điểm nhất là năm 2004 – 2005 cả bản có tới 10 người chết và gần đây nhất là 4 – 5 người (2012 – 2013). Cũng từ đó, bản Mỹ Lợi được người dân trong và ngoài xã gọi tên là “bản ung thư”.
Theo thông tin ghi nhận từ ông Đỗ Văn Minh -Trạm trưởng trạm y tế xã Thành Vinh, trong văn bản báo cáo lên Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Thanh Hóa tháng 12.2013, thống kê trong giai đoạn 2008 - 2014, toàn xã có 188 người chết, trong đó có 46 trường hợp chết vì ung thư, chủ yếu là ung thư vú, ung thư gan, ung thư phổi và ung thư vòm họng. Phần lớn bệnh nhân bị ung thư là những lao động chủ lực trong độ tuổi từ 30 – 45. Riêng bản Mỹ Lợi trung bình cứ 10 người chết thì có 4 - 5 người là mắc bệnh ung thư.
Anh Bùi Hữu Đức (thắp hương cho người bố đã sớm qua đời vì căn bệnh ung thư gan.

Cầm trâu… chữa ung thư
Đối với bà con trong bản, con trâu là đầu cơ nghiệp, thế nhưng khi nhận được kết quả xét nghiệm mắc bệnh ung thư, nhiều gia đình đã phải bán nhà, cầm trâu, đánh đổi cả cơ nghiệp để lấy tiền chữa bệnh.
Trầm ngâm đứng nhìn cánh đồng mía bạt ngàn trước mắt, ông Bùi Đăng Kỳ - Bí thư chi bộ bản Mỹ Lợi buồn rầu: "Nhà tôi cũng có một anh trai và một người chú mất vì ung thư. Người chú mắc bệnh ung thư gan mất ở tuổi 41, còn người anh ra đi vì ung thư phổi khi vừa tròn 31 tuổi. Ở tuổi ấy, cả hai đang hăng làm ăn lắm thì đột ngột ngã bệnh rồi qua đời chỉ sau thời gian ngắn…”
“Trong gia đình có người mắc ung thư, của cải trong nhà cứ thế đội nón ra đi. Việc điều trị ung thư rất tốn kém, viện phí của chú và anh trai tôi hết ngót nghét 120 triệu. Nhà thì làm gì có nhiều tiền thế nên gia đình phải đem cắm vội 7 con trâu và 1 ngôi nhà để lấy tiền chữa bệnh. Thời gian điều trị kéo dài được ba tháng thì cả hai người thân của tôi đều mất...”, ông Kỳ nói.
Theo chân trưởng bản, chúng tôi tới thăm gia đình ông Bùi Đức Toàn (52 tuổi) là hộ gia đình đầu tiên có người chết vì ung thư. Người cha của ông Toàn đã mất ở tuổi 53 do bị ung thư gan. Ông Toàn kể lại: "Khi phát bệnh, cụ còn rất trẻ, khỏe và được ví như con trâu rừng, mình cụ kéo cả một cây gỗ to từ trong núi về. Thế mà, chỉ sau một trận ốm thập tử nhất sinh, cụ thấy trong người mệt mỏi triền miên, nước da xanh nhợt, người co quắp. Đưa cụ xuống bệnh viện tỉnh đi khám mới biết bị ung thư gan. Thời gian phát hiện bệnh cho tới lúc qua đời chỉ vỏn vẹn 3 tuần".
Trong số những gia đình có người chết vì bệnh ung thư tại bản Mỹ Lợi, có những cảnh đời thật trớ trêu khi một gia đình có tới 2 - 3 người thân chết vì ung thư. Đó là gia cảnh của chị Trương Thị Huấn, 30 tuổi. Bố, mẹ chồng và chồng chị đã về với tổ tiên vì căn bệnh ung thư khi tuổi đời còn rất trẻ.
Cách đây 2 năm, chị Huấn như lìa từng khúc ruột khi phải chứng kiến cảnh bố chồng và chồng lần lượt ra đi do ung thư gan, nhất là khi họ mất cách nhau chưa đầy 4 tháng và từ lúc phát hiện bệnh cho đến lúc mất chưa đầy 20 ngày. Mất đi những người thân trụ cột trong gia đình, một mình chị Huấn côi cút lo toan chuyện nhà cửa, vườn tược và món nợ hàng trăm triệu đồng. Hiện tại, chị Huấn đang nuôi hai đứa con, đứa lớn 11 tuổi và đứa nhỏ mới 9 tuổi.
Kể về gia đình, chị Huấn giàn giụa nước mắt: "Chẳng biết kiếp này rồi đến kiếp sau tôi có trả được hết nợ không nữa. Gia đình đã cầm cố 2 con trâu rồi, giờ chẳng còn gì để bán ngoài mấy sào ruộng trồng mía. Điều mà 3 mẹ con tôi sợ nhất là đến một ngày nào đó căn bệnh ung thư lại “kéo đến” gia đình tôi, khi đó chúng tôi phải làm thế nào?…”.
Trong số 46 trường hợp chết do ung thư ở bản Mỹ Lợi, có một trường hợp mới phát bệnh ung thư gan mất cách đây chưa đầy một tháng. Đó là trường hợp của ông Bùi Hữu Độ, 48 tuổi. Anh Bùi Hữu Đức (con trai ông Độ) cho biết: “Từ khi bố tôi phát bệnh cho tới lúc mất chỉ... 15 ngày. Bố biết gia đình khó khăn nên không dám vào bệnh viện điều trị, chỉ nằm ở nhà uống thuốc nam đợi chết".
Thắp nén hương lên bàn thờ bố, anh Đức phân bua: “Mấy chục năm nay, gia đình tôi cũng chủ quan sử dụng nước giếng khơi để ăn uống tắm giặt. Nghe bà con trong bản kháo nhau, ăn nước giếng khơi nhiễm hóa chất nên gia đình đang cố vay mượn xây cái bể con đựng nước. Ở khu này, nhiều người chết vì ung thư quá nên không dám dùng nước giếng nữa…”.
Trong lúc bà con bản Mỹ Lợi đang thấm thỏm lo âu về căn bệnh ung thư thì vào tháng 12.2013 Sở Khoa học – Công nghệ tỉnh Thanh Hóa đã về lấy 4 mẫu đất và 2 mẫu nước trong bản để xét nghiệm và đến nay, kết luận về các mẫu đất, mẫu nước nêu trên vẫn chưa được công bố.