- Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về việc tiếp viên của Vietnam Airlines Nguyễn Thị Bích Ngọc bị cảnh sát Tokyo - Nhật bắt giữ vì nghi liên quan đến đường dây tiêu thụ hàng trộm cắp?
Cục trưởng Lại Xuân Thanh: Đây là vụ việc nghiêm trọng vì ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của người Việt Nam nói chung cũng như các hãng hàng không trong nước, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự và pháp luật về hàng không dân dụng. Vụ việc cũng là nguy cơ uy hiếp an toàn hàng không nội bộ. Đối với ngành hàng không, phải bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối nên hành vi vi phạm của các nhân viên có nguy cơ rất lớn đến an ninh, an toàn. Khi nhân viên hàng không vi phạm, liên tục phục vụ cho đường dây ăn cắp để thu lợi bất chính thì có thể dễ dàng làm những việc khác như vận chuyển vật nguy hiểm hoặc tìm cách vận chuyển vật nguy hiểm…
- Không ít lần tiếp viên hàng không bị bắt quả tang khi buôn lậu, vận chuyển hàng trái phép… trong khi đây là nghề có thu nhập cao, được nhiều người mong muốn, vì sao thưa ông?
Thực tế, tiếp viên hàng không là nghề có thu nhập cao so với mặt bằng chung nhưng lại làm việc trong môi trường rất nhiều cám dỗ và dễ bị cám dỗ. Tiếp viên trên các chuyến bay đi từ nước này qua nước khác khiến họ dễ dàng kiếm thêm thu nhập bằng con đường khác, giống như làm thêm. Môi trường làm việc có cơ hội để kiếm thêm thu nhập chứ không hẳn do thiếu tiền và tiếp viên không chống lại được các cám dỗ đó thì rất dễ vi phạm.
Tiếp viên hàng không là nghề có thu nhập cao. (Ảnh chỉ có tính minh họa). Ảnh: Tấn Thạnh
- Dư luận đặt vấn đề phải chăng do đầu vào của nhân viên ngành hàng không phải “chung chi” nhiều, như muốn được tuyển vào làm tiếp viên phải mất 25.000 USD, phi công 50.000 USD, không lưu 15.000 USD… nên họ phải “làm thêm” để bù đắp chi phí?
Đúng là có dư luận xung quanh việc này và tôi cũng không loại trừ khả năng có tiêu cực trong tuyển chọn tiếp viên, phi công. Vấn đề đặt ra là phải chấn chỉnh, kiểm soát chặt khâu tuyển dụng nhưng không dễ ngăn ngừa. Về mặt tiêu chuẩn, Cục sẽ giám sát chặt chẽ hơn đối với nhân viên hàng không nhưng các hãng hàng không, doanh nghiệp mới là đơn vị tuyển dụng.
Tôi thấy tiêu cực thường xảy ra ở những trường hợp không đáp ứng được tiêu chuẩn nên phải dùng tiền để vượt qua. Hơn nữa, nhu cầu của doanh nghiệp chỉ cần 5 tiếp viên nhưng có 10 người nộp đơn nên việc chống tham nhũng phụ thuộc doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải minh bạch quá trình tuyển dụng.
- Theo thông tư do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa ban hành, các trường hợp vi phạm như buôn lậu, vận chuyển hàng xách tay trái phép, tiêu thụ đồ ăn cắp… của nhân viên hàng không sẽ bị tước giấy hành nghề vĩnh viễn. Đối với trường hợp tiếp viên của Vietnam Airlines bị Nhật bắt giữ thì sao, thưa ông?
Từ đầu năm 2014, thông tư về kỷ luật đặc thù của ngành hàng không có hiệu lực. Theo đó, những hành vi vi phạm về kỷ luật, an ninh, an toàn hàng không, ăn cắp, sử dụng ma túy, cố ý gây ra tai nạn hoặc sự cố hàng không nghiêm trọng, lợi dụng vị trí làm việc để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa… sẽ bị đuổi khỏi ngành và không đơn vị nào trong ngành hàng không được phép sử dụng lại lao động này.
Đối với trường hợp của tiếp viên Nguyễn Thị Bích Ngọc, Cục Hàng không Việt Nam đang cân nhắc và tùy thuộc vào Vietnam Airlines. Nếu đúng như báo chí Nhật và Việt Nam đưa tin, vụ việc xảy ra vào tháng 9/2013, trong khi thông tư của Bộ GTVT có hiệu lực từ đầu năm 2014 nhưng không đề cập hồi tố nên Cục chỉ khuyến cáo doanh nghiệp và phụ thuộc vào hợp đồng lao động của nhân viên này.
- Từ vụ việc này, Cục Hàng không có biện pháp chấn chỉnh, tăng cường kiểm soát đối với các nhân viên, tiếp viên của các hãng hàng không?
Như tôi đã nói, từ đầu năm, với việc ban hành thông tư về kỷ luật đặc thù là một biện pháp răn đe, cảnh tỉnh có tác dụng rất lớn đối với người lao động trong ngành hàng không. Ngay cả việc uống rượu, có hơi men khi làm việc cũng bị xử lý nghiêm theo thông tư này thay vì chỉ xử lý kỷ luật nội bộ doanh nghiệp. Qua vụ việc này, Cục tiếp tục có văn bản yêu cầu chấn chỉnh toàn hệ thống, tăng cường biện pháp kiểm soát nội bộ để loại trừ các hành vi vi phạm.
Vừa qua, Đảng và Nhà nước yêu cầu mỗi đơn vị phải có kế hoạch chống tham nhũng mà theo tôi, ngoài vấn đề giáo dục đạo đức, còn phải minh bạch trong công tác bổ nhiệm. Bộ GTVT đã triển khai nội dung này đến các đơn vị và yêu cầu phải xây dựng kế hoạch phòng chống tham nhũng. Đối với việc tuyển dụng tiếp viên, phi công cần phải có tiêu chuẩn rõ ràng, tiêu chí cụ thể để cơ quan quản lý kiểm tra, giám sát thay vì doanh nghiệp “âm thầm” làm.
No comments:
Post a Comment