Ông Nguyễn Đình Lân (bên trái ) - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ - tại cuộc họp của đoàn kiểm tra ngày 16.3
Những ngày vừa qua, người dân thôn Thọ Đơn (xã Quảng Thọ, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) vẫn chưa thể nguôi ngoai sau cơn tức giận đã lên mức đỉnh điểm trước việc khai thác cát trái phép của Doanh nghiệp khai thác vật liệu Cựu chiến binh Thọ Đơn vì ngoài việc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống còn ảnh hưởng đến vấn đề tâm linh khi hàng chục ngôi mộ đã biến mất không một dấu vết.
"Mộ con tui mô rồi?"
Đó là câu hỏi của hàng chục người dân ở làng Thọ Đơn khi nặng nề lê bước dẫn chúng tôi đi trên đồi cát ven biển phía sau làng. In hình trên đồi cát trắng là bóng những ông bố, bà mẹ, người anh, người chị lặng lẽ, xiêu vẹo tìm mộ con mình và người thân trong vô vọng, bởi lẽ "ngay chỗ này, một năm trước tui còn đi tảo mộ cho hai đứa con tui, mà chừ chỉ còn là một hố sâu hút hút vì cát đã bị lấy đi hết", ông Đoàn Văn Tụy (62 tuổi, ở xóm Giáp) nói không thành lời trong cơn bực tức.
Còn bà Đoàn Thị Dẩn (44 tuổi, ở xóm Ất) vừa dẫn chúng tôi đến một hố sâu hun hút giữa bãi cát trắng mênh mông vừa khóc nức nở như một đứa trẻ mất em.
Mà, bà Dẫn mất em thật. Bà kể cho chúng tôi nghe việc hai đứa em của bà không may qua đời sớm vì bệnh tật. Lúc đó, cũng như bao gia đình khác ở xóm nghèo này, hai người em của bà được an táng trên động cát của thôn.
Ông Tụy đau khổ khi nhìn 2 ngôi mộ của con bị "biến mất". |
Chỉ tay về phía xa xa gần giữa hố, bà nói trong nước mắt: "Năm ngoái, tui còn ra để tảo mộ cho em tui, lại còn trồng thêm mấy cây dứa dại quanh khuôn viên để cho em đỡ hiu quạnh. Vậy mà, vài tháng sau tui ra tìm mãi không thấy hai mộ của em tui mô nữa.
Mồ mả cũng mất, dứa cũng mất, tất cả chỉ còn là một cái hố sâu rộng mênh mông". Hàng chục gia đình khác như ông Trần Văn Tê (ở xóm Bính), bà Lê Thị Vé (ở xóm Ất), ông Nguyễn Văn Soi (ở xóm Giáp)... không phải ai cũng còn sức để khóc thành lời, bởi lẽ có khóc nhiều hơn nữa cũng không giúp họ tìm lại được phần mộ đã bị xúc đi.
Một số người thì bày tỏ sự bực tức bằng việc luôn miệng chửi mấy đứa bất nhân đã lấy mất phần mộ của con và người thân của mình. Ông Tụy cho biết, con gái ông tên là Cư mất năm 1977, được chôn ở đây. Năm trước vẫn còn nhưng năm nay thì động cát này bị cào xới và lấy đi hết rồi nên tìm mộ con làm sao được nữa.
Miệng nói, tay chỉ, nhiều lúc ông cứ muốn lao về phía những chiếc máy xúc của DN trên để hỏi cho ra nhẽ, nhưng nhiều người đã khuyên và giữ ông lại sợ ông gây chuyện chẳng lành...
Người dân ở đây cho biết, trên vùng cát này chưa có quy hoạch làm nghĩa trang nông thôn nên ai chôn cất ở đâu cũng được. Những phần mộ được xây cất thì may mắn chưa mất, nhưng mất ở những phần mộ đắp nấm bằng cát tại những vị trí bị DN trên khai thác trái phép.
Ông Châu đang lùa cát vào trụ bê-tông nhằm ngăn chặn sự xâm phạm mồ mả. |
Người dân còn nói, phía bên kia gần đây xuất hiện một "nghĩa địa vô danh", là nơi mà DN trên đã chôn cất những hài cốt mà họ... phát hiện được trong khi khai thác cát. "Tất cả đều không rõ danh tính, rất có thể hài cốt của những người thân đang đứng ở đây đang nằm trong nghĩa địa vô danh đó", anh Nguyễn Quang Khâm (ở xóm Giáp) bức xúc phản ánh.
"Những người mất đi phần mộ đau xót đã đành, những người chưa bị gì thì suốt ngày lo lắng đứng ngồi không yên, chẳng thiết gì làm việc", ông Nguyễn Văn Thịnh ở xóm Giáp nói. Rồi ông kể, nhiều nhà trong thôn lo mất mồ mả nên phải cắt cử nhau năm bữa, nửa ngày ra các động cát để kiểm tra.
Làm vậy suốt năm cũng ngán nên bà con trong dòng họ phải đóng góp tiền để mua vật liệu dựng mốc giới quanh nghĩa trang, mồ mả nhằm nhắc nhở DN trên không xâm phạm.
Mặc dù đã quá giờ cơm trưa, nhưng ông Trần Văn Châu (64 tuổi, ở Thọ Đơn) vẫn ngồi xổm bên một cột mốc bằng gạch trên trảng cát sát với mép vực sâu và dùng hai tay cố đẩy thêm cát vào như tin tưởng sẽ làm vững thêm cái cột mốc nằm chới với bên hố sâu do việc khai thác cát trái phép.
Ông nói mà nước mắt cứ lăn dài trên má: "Họ cứ ở dưới xúc cát, mộ thì nằm trên ni họ chả quan tâm. Cát cứ sạt xuống chừng nào là họ cứ múc từng đó.
Vậy nên mộ nằm trên cát bị lở đất trôi xuống lẫn với cát và họ múc đi là phải. Ngay cả những hàng trụ mốc tui cất công xây để bảo vệ mồ mả này nếu chỉ thêm vài ngày họ múc cát nữa thì cũng trôi theo luôn chứ đừng nói chi đến hài cốt đã được chôn cất từ lâu".
Lãnh đạo xã "bảo kê" cho sai phạm?
Đồi cát ven biển ở làng Thọ Đơn kéo dài nhiều cây số và có cao độ vài chục mét so với mực nước biển nên nó cùng với rừng phi lao tạo thành một bức tường thành vững chãi án ngữ phía biển Đông.
Những trụ bê tông được người dân xây lên nhằm ngăn chặn việc xâm phạm mồ mả. |
Người dân đã gửi đơn cầu cứu đến Báo Lao Động & Đời sống phản ánh về việc DN khai thác vật liệu cựu chiến binh Thọ Đơn thời gian qua đã khai thác trái phép ngoài khu vực mỏ cát được cấp phép tại xã Quảng Thọ, đồng thời, việc khai thác cát trái phép của DN trên đã xâm phạm đến mồ mả, ảnh hưởng đến đời sống tâm linh người dân địa phương.
Điều này đã gây nên sự bức xúc rất lớn mà đỉnh điểm là trong những ngày từ 13-16.3, hàng trăm người dân đã cùng nhau ngăn đường, đúc các trụ bê-tông nhằm ngăn chặn các xe chở cát vào khu vực mỏ của DN. Ông Nguyễn Quang Khâm (ở xóm Giáp) bức xúc nói: "Vẫn biết chúng tôi làm vậy là sai nhưng không còn cách nào khác. Đơn thư chúng tôi gửi nhiều nhưng có cái nào là bị dập cái đó ngay ở cơ sở.
Trong những năm qua, DN trên đã khai thác các đồi cát ven biển ở làng một cách ào ạt, sai luật, xâm phạm rừng phòng hộ ven biển, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sinh thái và mồ mả người dân, đây là đỉnh điểm của sự bức xúc".
Sau khi nhận được phản ánh của báo chí, ngay trong ngày Chủ nhật (16.3), Sở Tài nguyên Môi trường (TNMT) tỉnh đã nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra thực địa và khẳng định việc sai phạm của DN; đồng thời quyết định đình chỉ ngay hoạt động của DN trong cuộc họp tại UBND xã Quảng Thọ vào trưa cùng ngày (16.3).
Ông Phạm Tiến Cảm - Chánh Thanh tra Sở TNMT kết luận, DN trên đã khai thác trái phép tại hai vị trí là phía bắc và phía nam mỏ với khối lượng rất lớn. Đồng thời, đã khai thác vượt công suất cho phép hơn 50%, hiện khu vực mỏ được cấp phép đã bị DN khai thác gần hết, mặc dù theo quy định là phải đến năm 2015.
Ông Nguyễn Hữu Thiện – Phó GĐ sở TNMT tỉnh cho biết, về việc phản ánh xâm phạm mồ mả, đoàn kiểm tra đã giao chính quyền địa phương xác minh và làm rõ những phản ánh của người dân.
Để tìm hiểu rõ hơn sự việc, ngày 17.3, sau nhiều lần "vất vả" để tìm gặp, thậm chí phải nhờ đến sự "can thiệp" của ông Nguyễn Chí Lâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch, phụ trách lâm thời Thị xã Ba Đồn, chúng tôi mới gặp được ông Lê Đình Lượng - Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ.
Khi PV hỏi, tại sao việc khai thác cát của DN trên vi phạm trong một thời gian dài mà địa phương không biết? Ông Lượng trả lời với thái độ rất bức xúc, rằng dân có phản ánh đâu mà tôi biết. Thời gian vừa qua xã không tổ chức kiểm tra nên không biết có sai phạm.
Họ thích thì họ kiện lên trên chứ có kiện qua ủy ban đâu. Ông Lượng khẳng định chưa hề nhận được một lá đơn nào về vấn đề này từ khi lên nắm quyền đến nay.
Ông còn nói, lâu nay làm nhiều việc để phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương nên chuyện khai thác tài nguyên ông không quan tâm(?!). Trả lời câu hỏi của PV rằng có hay không việc chính quyền xã đã buông lỏng quản lý, bao che cho hành vi sai làm trái của DN trên, ông Lượng cho rằng không bao giờ có chuyện đó.
Ông cho biết, trước đó DN trên đã đề xuất người nhà ông nộp tiền cổ phần vào để chia lợi nhuận nhưng ông không chịu. Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Chí Lâm - Phó Chủ tịch phụ trách lâm thời Thị xã Ba Đồn - cho biết, trách nhiệm đầu tiên thuộc về chính quyền xã Quảng Thọ và cá nhân đồng chí Chủ tịch UBND xã.
Liên quan đến sự việc, ông Lê Minh Ngân - GĐ Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Bình - cho biết, đã hoàn tất thủ tục trình UBND tỉnh ký quyết định rút giấy phép hoạt động của doanh nghiệp trên vì những sai phạm liên quan. Bên cạnh việc thu hồi giấy phép hoạt động, hiện Sở TNMT tỉnh đã hoàn thiện thủ tục xử phạt doanh nghiệp số tiền gần 100 triệu đồng và đề xuất kiểm điểm trách nhiệm liên quan đối với Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ vì chưa hoàn thành nhiệm vụ với tư cách là người quản lý trực tiếp tài nguyên, khoáng sản tại địa phương.
No comments:
Post a Comment