Chủ Nhật, 30/03/2014 07:43
(BDT.VN) - Đổ tiền tấn xây chùa, đại gia Việt ôm giấc mộng xây chùa trên khắp Việt Nam; nữ tiếp viên hàng không buôn lậu; bê bối nhận hối lộ…
Đại gia đổ tiền xây chùa
Chùa Bái Đính, chùa Vàm Ray và chùa Cà Hom… là 3 trong số những ngôi chùa lớn tại Việt Nam nhận được số tiền công đức lớn của các Phật tử đại gia.
Chùa Vam Ray
Trước khi xây mới hoàn toàn ngôi chùa Vàm Ray, ông Trầm Bê đã bỏ ra một số tiền lớn để mời "thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy di dời hai ngôi chùa cũ trong cụm chánh điện sang một vị trí mới, trùng tu và giữ nguyên trạng di tích ngôi chùa Vàm Ray cổ.Đầu tiên phải nhắc tới hai Chùa Vàm Ray và chùa Cà Hom tọa lạc cách nhau khoảng 4 cây số, tại xã Hàm Giang, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Hai ngôi chùa này được biết đến bởi việc ông Trầm Bê – 1 đại gia Ngân hàng đã hùn 30% kinh phí.
Doanh nhân Nguyễn Văn Trường được biết đến với việc mạnh tay đầu tư cả nghìn tỷ đồng vào Khu du lịch Tràng An - chùa Bái Đính ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình).
Ông Nguyễn Văn Trường được coi là một đại gia ẩn mình, là người sùng đạo phật, có cuộc sống bình dị ăn chay trường từ nhiều năm nay.
Cho đến nay, giới truyền thông chỉ nắm được ông là chủ nhân của khách sạn Hoa Lư, Ninh Bình. Khách sạn Hoa Lư trước kia do Sở Du lịch khai thác. Nay, cả ba công trình trên đều đã được tỉnh giao cho doanh nghiệp Xuân Trường.
Với Huỳnh Uy Dũng - ông chủ khu du lịch Đại Nam – người “ôm” giấc mộng xây 18 ngôi chùa trên khắp Việt Nam đã “khởi động” với khu Kim Điện dát vàng với số tiền lên tới cả ngàn tỷ đồng. Theo tiết lộ từ ông Dũng, số tiền đầu tư cho Kim Điện vào khoảng 1.000 tỷ đồng.
Khu vực Kim Điện rộng 9 ha, gồm hoa viên, núi non... trong đó đền thờ rộng hơn 5.000 m2 được làm từ các loại gỗ quý, vách gỗ, hoa văn được cho là dát một lớp vàng 24K. Đền thờ là nơi thờ Đức Phật, vua Hùng và 1.068 dòng họ của dân tộc Việt.
Do được dát bằng vàng nên dọc hành lang cả bên trong và bên ngoài đều có giải băng ngăn cách cùng tấm bảng nhắc nhở người tham quan không sờ vào hiện vật, hoa văn trong đền.
Huỳnh Uy Dũng, chia sẻ giấc mơ sẽ bán tất cả bất động sản của mình, ước tính tổng trị giá khoảng 2.000 tỷ đồng để xây dựng 17 ngôi đền trải dài khắp 3 miền đất nước (5 đền ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam mỗi miền 6 đền).
Ước tính mỗi ngôi đền có kinh phí xây dựng khoảng 100 tỷ đồng. Dự kiến 17 ngôi đền này sẽ hoàn thành sau 4 năm nữa và sẽ được mở cửa để người dân tự do vào tham quan.
Bê bối tham nhũng
Ồn ào nhất suốt tuần qua phải nói tới nghi án hối lộ, do chính phía đối tác Nhật Bản tố cáo một số lãnh đạo ngành đường sắt Việt Nam.
Thông tin mới nhất liên quan tới bê bối của ngành đường sắt là Bộ Trưởng Đinh La Thăng đã có buổi làm việc trực tiếp với ông Fukada Hiroshi - Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam.
Nhật tố cáo quan chức ngành đường sắt nhận hối lộ
Hai bên Việt – Nhật đã thống nhất sẽ tổ chức họp Ủy bạn hỗn hợp Việt Nhật lần thứ 1 tại Hà Nội. Ủy ban hỗn hợp này sẽ trao đổi thông tin và thảo luận những biện pháp phòng chống trong thời gian tới bao gồm cả biện pháp phòng chống tái phát và thảo luận về đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách nhằm ngăn ngừa, hạn chế tiêu cực.
Cũng trong tối 28/3, thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã rời Nhật Bản về nước sau chuyến tiếp cận và làm rõ nghi án nhận hối lộ của cán bộ đường sắt với cơ quan chức năng nước bạn.
Tuy nhiên, hiện hồ sơ tài liệu, danh sách những người liên quan thứ trưởng Đông thu thập được từ phía Nhật chưa được tiết lộ. Do phía Nhật yêu cầu hợp tác hai bên làm theo đúng quy trình.
Bộ GTVT cũng cho biết, đầu tuần tới, Bộ sẽ tổ chức họp báo quý I năm 2014, và thông tin liên quan đến vụ nghi án hối lộ sẽ được công bố. Trong đó có cả “danh sách đen” những người nhận hối lộ đang được dư luận xã hội quan tâm.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 1) được cho là dính líu đến nghi vấn hối lộ 80 triệu yên của Cty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) với cán bộ ngành đường sắt VN.
Đã có 4 cán bộ thuộc Cục Đường sắt và Tổng công ty Đường sắt VN phải tạm dừng công việc để làm giải trình về trách nhiệm cá nhân trong vụ việc.
10 cán bộ khác đã phải báo cáo trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Trong đó có 7 người đang đương chức, 3 người đã nghỉ hưu. Ông Lê Mạnh Hùng – nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT, người từng phụ trách lĩnh vực đường sắt khi còn đương chức cũng nằm trong danh sách làm báo cáo.
Tiếp viên VNA buôn lậu và hình ảnh quốc gia
Nhận được sự quan tâm không kém là vụ việc tiếp viên hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines buôn lậu.
Nữ tiếp viên Nguyễn Bích Ngọc (sinh năm 1988) bị cáo buộc xách lô hàng lậu trị giá 3 triệu Yen lên máy bay và nhận tiền công vận chuyển từ tháng 6/2013.
Tiếp viên Vietnam Airline Nguyễn Bích Ngọc khai với các nhà điều tra Nhật Bản rằng cô đã buôn lậu hàng hóa dưới sự giới thiệu và cho phép của cơ phó.
Cảnh sát Nhật Bản đã ra lệnh triệu tập 1 cơ phó và 4 tiếp viên khác của Vietnam Airlines liên quan tới đường dây vận chuyển hàng hóa đánh cắp trên theo lời khai của Ngọc.
Ngoài ra, các nhà điều tra Nhật Bản còn nghi ngờ 20 nhân viên khác của Vietnam Airlines tham gia vào đường dây này.
Mặc dù đã đình chỉ công tác với nữ tiếp viên này nhưng những vụ việc đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín, thương hiệu của hãng hàng không này.
Vụ việc, khiến ông Phan Xuân Đức - Phó Tổng Giám đốc Vietnam Airlines phải “muối mặt” lên tiếng nói lời xin lỗi về vụ việc.
Nhà sử học Dương Trung Quốc thẳng thắn “Người quản lý của hãng hàng không thì phải thấy ngành của mình là đại diện hình ảnh quốc gia mà đừng làm xấu nó. Muốn vậy thì phải giáo dục đạo đức cho nhân viên cho tốt lên".
Lam Lam
No comments:
Post a Comment