Sunday, March 30, 2014

Lừa đảo xuất khẩu lao động lấy tiền của dân

10:51, 30/03/2014

VOV.VN -Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân nghèo ở xã Thủy Phù (Huế) trở thành nạn nhân của việc lừa xuất khẩu lao động
Năm 2007, Văn phòng Công ty CP hợp tác lao động ngoài nước tại Huế (LOD) với danh nghĩa là Văn phòng đại diện của Chi nhánh Công ty CP Du lịch Hà Tây đã tuyển hàng chục lao động ở xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên- Huế đi làm việc ở Cộng hòa Czech. Thế nhưng, công ty này đã không đưa lao động đi nước ngoài như hợp đồng đã ký mà chiếm đoạt hơn 1,5 tỷ đồng của người dân rồi bỏ rơi người lao động. Sau hơn 6 năm bị lừa tiền, nhiều người dân ở vùng quê nghèo này vẫn chưa hết lao đao.
Bà Trần Thị Thanh Hương tại cơ quan điều tra

Để có tiền cho con trai Lê Văn Tài đi xuất khẩu lao động, ông Lê Viết Song, ở thôn 8A xã Thủy Phù, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên Huế phải vay mượn hơn 40 triệu đồng nộp cho đơn vị tuyển dụng là Chi nhánh Công ty CP Du lịch Hà Tây, đóng tại Hà Nội. Công ty lại ngang nhiên chiếm dụng toàn bộ số tiền này đẩy gia đình ông vào cảnh nợ nần.
Ông Lê Viết Song ngậm ngùi: “Hiện đang nợ ngân hàng tổng cộng 46 triệu. Hiện gia đình cũng có nhu cầu vay để trồng rừng, chăn nuôi… nhưng còn nợ nên ngân hàng không cho vay”.
Nhiều năm nay, hàng chục hộ dân nghèo ở xã Thủy Phù trở thành nạn nhân của việc lừa xuất khẩu lao động. Tháng 10/2007, qua giới thiệu của Sở LĐ-TB và XH tỉnh Thừa Thiên-Huế, Văn phòng Công ty cổ phần hợp tác lao động ngoài nước tại Huế đã tuyển 57 người trên địa bàn đi làm việc có thời hạn tại Cộng hòa Czech. Sau 2 tháng học nghề, mỗi người nộp 16 triệu đồng và được chuyển sang cho Công ty CP Du lịch Hà Tây do bà Trần Thị Thanh Phương làm Giám đốc. Sau đó, mỗi người phải nộp thêm 30 triệu đồng từ nguồn vốn vay tại Ngân hàng CSXS thị xã Hương Thủy. Sau khi  nhận được tiền, Công ty đã gửi thông báo đến người lao động với nội dung thị trường lao động tại Czech đóng cửa và chuyển số lao động đã đăng ký đi Czech sang thị trường Slovakia. Nhiều người không đồng tình, đòi lại tiền thì công ty không chịu trả.
Bà Trần Thị Thanh Phương, Giám đốc chi nhánh Công ty CP Du lịch Hà Tây biện bạch: “Việc mình thu tiền trước của người lao động theo quy định là sai, nhưng vào thời điểm đấy để thử nghiệm làm một thị trường mới, thị trường cao cấp. Bản bản thân doanh nghiệp bỏ tiền làm cho lao động các khoản đó thì rất khó nên cũng lách qua hình thức thu hộ, chi hộ cho người lao động những khoản trước khi  có Visa”.
Vụ lừa đảo ngày càng trở nên phức tạp, Cơ quan CSĐT- Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Trần Thị Thanh Phương, trú tại thị trấn Mộc Châu, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, Giám đốc chi nhánh Công ty Cổ phần Du lịch Hà Tây với tội danh “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Cơ quan CSĐT bắt tạm giam đối tượng để tiếp tục điều tra, xử lý.
Thiếu tá Trần Văn Sung, Đội phó Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng: Thủ đoạn lừa đảo của Công ty này là sử dụng hợp đồng cung ứng lao động đã hết giá trị để tuyển và thu tiền của người lao động rồi chiếm đoạt:
“Một công ty đi tuyển lao động xuất, khi họ đi tuyển lao động thì họ phải có hợp đồng cung ứng lao động ký kết với đối tác nước ngoài. Hợp đồng họ ký kết phải được Cục quản lý lao động ngoài nước của Bộ LĐ-TB và XH cho phép thực hiện. Riêng về thu tiền của người lao động, chỉ được thu tiền dịch vụ và tiền môi giới của người lao động khi người lao động  phía nước ngoài chấp nhận vào làm việc và được cấp Visa”.
Hiện Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đang tiếp tục điều tra, làm rõ trách nhiệm và mức độ sai phạm của những tổ chức, cá nhân có liên quan đến vụ lừa đảo này. Bà con nơi đây đang trông chờ vào tính nghiêm minh của pháp luật./.
Lê Hiếu/VOV-Miền Trung

No comments:

Post a Comment