(GDVN) - Căn nhà thuê chật chội nằm sâu trong một con hẻm, vợ chồng chị Hồng chưa hết hoảng sợ kể lại câu chuyện nhặt được hơn 1 tỷ đồng từ chiếc hộp sắt cũ.
Cho đến bây giờ, Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) vẫn tạm giữ 5 triệu Yen Nhật (tương đương hơn 1 tỷ đồng) của chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (34 tuổi, quê Quảng Ngãi) để bảo đảm an toàn và tiến hành xác minh số tiền trên.
Trước đó, vợ chồng chị Huỳnh Thị Ánh Hồng phát hiện bên trong một chiếc hộp sắt chứa đầy tiền giấy mệnh giá 10.000 Yen, sự việc trên khiến cả một khu vực xung quanh nhà chị náo loạn. Trưa nay, tại căn nhà thuê nằm sâu trong con hẻm 84, đường Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình, với vẻ mặt chưa hết hoảng sợ và mệt mỏi, vợ chồng chị Hồng kể lại câu chuyện "có thật như mơ" của mình.
Hoảng sợ khi phát hiện "kho báu" tiền tỷ
Chị Hồng nhớ lại, trước đó vào khoảng tháng 11/2013, vợ chồng tôi có mua một hộp sắt cũ trên đường Trần Văn Quang từ một người đàn ông, lúc đó, chị mua với giá hơn 100 ngàn đồng. Đến hôm 21/3 vợ chồng chị mới đem chiếc hộp sắt ra đầu hẻm đập để lấy sắt vụn bán.
Chị Hồng tỏ vẻ mệt mỏi và chưa hết hoảng sợ sau khi phát hiện "kho báu" tiền tỷ |
"Khi hộp sắt bị vỡ thì thấy bên trong có 1 chiếc hộp bằng gỗ ép. Mở hộp gỗ ra, tiền từ trong tung ra, ông xã không biết tiền thật hay giả, nên đã cho một số người gần đó một vài tờ, số người khác thấy thế cũng đến xin", chị Hồng nhớ lại.
Khi mọi người trong xóm biết tin, liền sau đó có rất đông người tụ tập khiến vợ chồng chị hoảng sợ, ôm tiền chạy vào nhà đóng cửa lại. "Thật sự lúc đó tôi không biết tiền gì cả. Thấy đông người tụ tập quá nên tôi hoảng sợ, ôm tiền chạy vào nhà đóng cửa lại", chị Hồng vẫn chưa hết hoảng sợ nói.
“Từ hôm qua tới giờ tôi có ăn uống và ngủ nghỉ gì đâu. Mấy hôm nay, có nhiều người lạ cứ đứng trước nhà khiến tôi và mọi người ở đây không ai dám ngủ cả”, chị Hồng lo lắng nói.
Còn anh Trịnh Minh Vương (36 tuổi, chồng chị Hồng) cũng lo lắng nói: "Chỉ mong vụ này công an xử lí sớm để vợ chồng tôi còn yên tâm làm ăn mua bán, chứ mấy ngày nay, mệt mỏi và lo lắng vô cùng. Mong mọi người đừng chú ý nhiều đến gia đình anh".
Anh Vương cũng lo sợ cho biết, sau vụ này, vợ chồng anh sợ mất mối làm ăn mua bán, nên cũng không muốn thông tin về gia đình mình đưa lên báo chí nhiều quá, chỉ mong mọi thứ bình thường như lúc trước.
Gọi công an để giao nộp "kho báu" lạ
Nhận được tin báo từ gia đình chị Hồng, cơ quan công an đã xuống hiện trường mời vợ chồng chị Hồng về trụ sở làm việc. Tại Công an phường, các cán bộ công an giải thích, động viên chị Hồng tạm thời giao nộp số tiền trên cho Công an phường quản lý tránh việc bị đe dọa, gây rối và đám đông tụ tập gây mất an ninh trật tự.
Theo chị Hồng, vợ chồng chị vào Sài Gòn buôn bán ve chai cũng được 14 năm, từ trước đến giờ mới thấy được số tiền lớn đến như thế nhưng cái gì không phải của mình thì nên trả nó về chủ thật sự của nó.
Vợ chồng chị Hồng chỉ mong có cuộc sống bình thường và tiếp tục công việc mua bán ve chai |
“Tôi nghe họ giải thích nên tin tưởng, nhờ đứa em thuê trọ chung mang hết số tiền còn lại giao nộp cho công an phường, sau này quy định xử lý thế nào tôi cũng xin chấp hành”, chị Hồng cho biết.
Khi được hỏi, nếu được hưởng một phần trong số tiền trên, gia đình chị dự tính làm gì. Vợ chồng chị Hồng khẳng định: "Nếu được một số tiền thì đó là niềm vui lớn với gia đình tôi. Tôi sẽ dành một ít tiền biếu cho anh chị em cùng làm ở trong xóm này. Ai cũng khổ cả. Trong căn nhà này, có hơn 15 người tứ xứ về đây làm ăn. Phần còn lại, tôi dành dụm để lo cho 2 đứa con ăn học và làm vốn".
Bước đầu, công an đã lập hồ sơ tạm giữ 5 triệu Yen từ vợ chồng chị, trong đó có những tờ tiền còn mới và cũ với tổng cộng 520 tờ mệnh giá 10.000 Yên để tránh bị kẻ gian lợi dụng, gây rối hoặc có thể gây nguy hiểm cho người phát hiện. Đồng thời tiến hành xác minh số tiền trên là của ai, có hợp pháp hay không.
Hiện công an phường 10, quận Tân Bình, TP.HCM đã báo cáo toàn bộ sự việc lên công an quận Tân Bình xin ý kiến chỉ đạo, xử lý.
Trao đổi với luật sư Lê Quang Vũ, Phó trưởng Văn phòng Luật sư Người nghèo cho biết, theo quy định của Bộ luật dân sự, người nhặt được tài sản cụ thể ở đây là “vật” không được quyền chiếm hữu mà phải có nghĩa vụ giao trả nếu biết thông tin liên hệ của chủ sở hữu hay người quản lý hợp pháp.
Trường hợp, người nhặt không biết được thông tin người bị thất lạc “vật” thì người nhặt phải thông báo và giao nộp vật đó cho Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn hoặc cơ quan chức năng gần nhất để công khai thông tin cho chủ sở hữu nhận lại.
Sau một năm, kể từ ngày thông báo công khai về tài sản nhặt được mà không xác định được chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu không đến nhận, nếu vật đó có giá trị đến 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định thì vật đó sẽ thuộc sở hữu của người nhặt được.
Ngược lại nếu giá trị của vật vượt quá 10 tháng lương tối thiểu thì sau khi trừ đi chi phí bảo quản, người nhặt sẽ được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định cộng với 50% giá trị của phần vượt quá 10 tháng lương tối thiểu đó, phần giá trị còn lại của vật sẽ thuộc Nhà nước.
No comments:
Post a Comment