Sunday, March 23, 2014

Công khai danh tính quan chức không chịu trả nhà

Phạm Tuyên-06:04 ngày 24 tháng 03 năm 2014
TP - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, với quan chức cố tình chây ỳ, không chịu trả lại nhà sau khi nghỉ, cần có biện pháp mạnh như: Công khai danh tính trên báo chí hoặc thậm chí có thể sử dụng đến biện pháp cuối cùng là cưỡng chế.
Thời gian gần đây, báo Tiền Phong đã có nhiều bài viết về tình trạng các quan chức đương nhiệm dùng nhà công vụ được phân giao cho người khác sử dụng hoặc quan chức đã về hưu nhưng vẫn không chịu trả lại nhà. Ông đánh giá thế nào về việc này?
Việc những quan chức, kể cả đương nhiệm hay đã về hưu, được phân sử dụng nhà công vụ nhưng lại không sử dụng mà chuyển cho con cái, họ hàng, thậm chí đem cho thuê... là có vi phạm về việc sử dụng không đúng mục đích của nhà công vụ. Điều này có thể diễn ra do các quy định hiện hành của pháp luật chưa được chặt chẽ. 

                                                                               Ông Lê Đăng Doanh 

Các quan chức được phân công quản lý tài sản nhà nước mà cảm thấy e ngại thì cần xem lại. Chính họ mới là người cần gương mẫu đầu tiên trong việc nhắc nhở các quan chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Ông Lê Đăng DoanhNên có quy chế nêu rõ chỉ được sử dụng nhà công vụ cho những người được phân công theo chức vụ. Nhà công vụ thường là những khu nhà riêng biệt, được xây dựng chất lượng tốt hơn. Việc thiếu quy định chặt chẽ đã dẫn đến tình trạng người đương chức thừa nhà, đem nhà cho con cái, cho người khác sử dụng trong khi những người khác lại không được sử dụng.

Nhưng điều đáng nói nữa là vẫn có không ít quan chức đã nghỉ hưu nhưng vẫn sử dụng, chưa bàn giao lại các căn nhà công vụ đã được phân trước đó.
Báo Tiền Phong đã nêu ra nhiều trường hợp quan chức có vi phạm trong sử dụng nhà công vụ. Cái sai này là rõ ràng. Anh đã nghỉ hưu đương nhiên phải bàn giao lại nhà công vụ. Nếu anh lại tiếp tục cho con cháu đến ở, cái sai này còn nặng gấp đôi. Điều này cũng cần quy định tường minh trong quy chế sử dụng nhà công vụ. 
Hy vọng những quan chức đã nghỉ hưu nhưng vẫn giữ lại nhà công vụ để sử dụng cho cá nhân hoặc cho con cháu ở, hãy gương mẫu thực hiện việc trả lại nhà công vụ cho Nhà nước để phân cho người khác sử dụng. Dứt khoát phải bàn giao lại, không được để cho con cháu tiếp tục ở như hiện nay.
Thói quen sử dụng nhà công vụ, được nhiều quan chức cho rằng, đây là “tiêu chuẩn” của tôi. Quan điểm suy nghĩ này là tàn dư của thời bao cấp. Họ nghĩ, Nhà nước giao cho tôi thì tôi có quyền sử dụng. Tôi cho rằng, những người xây dựng các quy định về nhà công vụ cần lưu ý ở điểm này. Nếu trong quy chế hiện nay chưa có thì cần sửa đổi, bổ sung.
Phóng viên Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với một số cựu Thứ trưởng của các Bộ: NN&PTNT, Tài nguyên – Môi trường và các cựu quan chức này khẳng định: “Trả lại nhà thì không biết ở đâu”. Ông đánh giá thế nào về các ý kiến này?
Đây là do sơ hở trong quy định trước đây. Họ trả lời như vậy khó chấp nhận được. Bảo trả nhà thì không biết ở đâu. Vậy trước kia anh ở đâu? Trước khi được phân nhà công vụ, chả nhẽ anh ở ngoài đường sao? Không nên suy nghĩ như vậy.
Phải chăng do một số quan chức đang được các chế độ như: có lái xe, người giúp việc, được ở nhà công vụ nên họ đã quen và có cách suy nghĩ như vậy?
Thực tế đã có nhiều trường hợp lãnh đạo rất cao đã trả lại nhà công vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác. Như nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã trả lại căn nhà ở 72 Phan Đình Phùng sau khi kết thúc nhiệm kỳ. Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải cũng trả lại nhà. Căn nhà này hiện đã được phân cho người khác ở. Các lãnh đạo cấp cao đã chấp hành như vậy, tại sao một số quan chức khác lại suy nghĩ và không chấp hành quy định. Theo tôi, đây là điều rất không nên.
Trước tình hình hiện nay, cơ quan chức năng nên đưa ra lời nhắc nhở đồng thời có một thời hạn nhất định cho các quan chức đang đương nhiệm cũng như đã về hưu chấn chỉnh lại việc sử dụng nhà công vụ. Với những người đã nghỉ hưu, đưa ra thời gian cụ thể của việc thu hồi nhà, có thể là trong khoảng thời gian 3 – 5 tháng, để họ có sự chuẩn bị. Lập luận như trên là cách suy nghĩ không phải. Các cơ quan quản lý, pháp luật phải thực thi quy định một cách nghiêm minh, nghiêm chỉnh. Ở các nước không thể có chuyện như vậy.
Thời ông còn công tác, ông cũng như nhiều cán bộ khác có được hưởng tiêu chuẩn nhà công vụ và việc thu hồi nhà này được thực hiện thế nào?
Thời tôi còn công tác, chúng tôi có tiêu chuẩn về nhà công vụ. Nhưng như tôi thì không được ở nhà công vụ. Tôi chỉ được phân một căn hộ ở nhà chung cư. Sau đó, khu nhà này được hóa giá và ai có điều kiện thì mua. Tôi đã trả tiền và mua lại căn hộ này. Giờ căn hộ đã có sổ đỏ và là tài sản của tôi.
Một số quan chức Bộ Xây dựng khi được hỏi, đều cho rằng, họ cảm thấy tế nhị và ngại đụng chạm do hầu hết các cán bộ được phân nhà công vụ đều có hàm từ Thứ trưởng trở lên ở các bộ ngành. Để việc thượng tôn pháp luật được nghiêm chỉnh chấp hành, theo ông cần làm gì?
Các quan chức được phân công quản lý tài sản nhà nước mà cảm thấy e ngại thì cần xem lại. Chính họ mới là người cần gương mẫu đầu tiên trong việc nhắc nhở các quan chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Việc yêu cầu quan chức trả lại nhà công vụ sau khi kết thúc nhiệm kỳ công tác nên thực hiện ngay. Nhưng cũng cần có thông báo nhắc nhở trước và có thời gian để họ chuẩn bị để bàn giao nhà. Sau đó cũng cần có chế tài với những quan chức không chịu bàn giao lại nhà. Những người cố tình chây ỳ, ban quản lý cần có báo cáo các cơ quan có liên quan đồng thời nếu cần thiết, có thể công khai danh tính các quan chức không chịu trả lại nhà để người dân và mọi người cùng biết.
Thậm chí, sau 6 tháng hay 1 năm, nếu quan chức không trả nhà dù đã được thông báo, có thể dùng các lực lượng cưỡng chế để thu hồi nhà.
Cảm ơn ông.

Ở các nước cũng có nhà công vụ giao cho các quan chức sử dụng trong thời gian công tác. Nhưng quy định của họ rất chặt. Chỉ cần quan chức đó hết nhiệm kỳ hay chuyển công tác là phải bàn giao lại nhà công vụ cho Chính phủ trong thời gian khoảng 3 tháng sau đó. Nếu không bàn giao sẽ bị xử phạt, phải bồi thường. Đây là những quy định mà Việt Nam cần áp dụng.

No comments:

Post a Comment