Tố công an ép đưa hối lộ
Đơn khiếu nại của ông Nguyễn Văn Khôi (thường trú ở tiểu khu Đông Hải, thị trấn Vương, Tiên Lữ, Hưng Yên) gửi các cơ quan chức năng và Báo Lao Động & Đời sống về việc đại úy Trần Văn Hạnh (công an huyện Tiên Lữ, phụ trách địa bàn) cùng trưởng, phó công an thị trấn Vương đe dọa, ép con ông đưa hối lộ.
Theo nội dung đơn, anh Hùng - con ông Khôi làm vỡ chiếc gương xe máy (trị giá 50 nghìn đồng) của chị Thư, sau đó hai bên đã hòa giải trước chính quyền của thị trấn Vương. Nhưng, đại úy Hạnh cùng ông Vũ Công Luận và ông Bồ Xuân Điện – là trưởng, phó công an thị trấn Vương – vẫn có lời lẽ thô bạo nhằm ép Hùng phải đưa hối lộ. Trong đó, đại úy Hạnh nói: “Mày phải viết là, tôi công nhận hành vi hủy hoại tài sản của người khác là đúng”, “không viết, không ký thì đi luôn (?!).” Nghĩ đã hòa giải xong, nên Hùng có lời xin cho qua, nhưng ông Luận nói “thấp nhất phải 1 triệu đồng”, đại úy Hạnh tiếp lời “để mày nộp kho bạc khổ mày ra, mày nộp kho chúng tao chả được gì”.
Cuối cùng, trước những lời đe dọa đó, Hùng đã phải đưa 1 triệu đồng cho ông Điện - phó trưởng công thị trấn Vương. Ông Điện cũng cam kết, biên bản của Hùng ký không còn hiệu lực nữa.
Không chấp nhận sự đòi hối lộ trắng trợn này, ngày 22.4.2013, ông Khôi đi đòi lại tiền, nhưng ông Điện nói “Anh Luận và anh Hạnh bảo em nhận tiền của thằng Hùng thì em nhận, đòi lại bây giờ thì em không có, mai anh ra ủy ban thì hai anh ấy trả lại anh”. Sau đó 2 ngày, cả 3 vị công an này mời Hùng ra ủy ban thị trấn để trả lại 1 triệu đồng. Đồng thời, lúc Hùng nhận lại 1 triệu cũng là lúc nhận luôn quyết định xử phạt hành chính với mức 2 triệu đồng.
Theo ông Khôi, tất cả những câu đe dọa, ép đưa hối lộ, khi đòi lại tiền ... đều có ghi âm làm bằng chứng. Vậy đơn khiếu nại của ông Khôi đã được cơ quan chức năng giải quyết thế nào?
Từ rút kinh nghiệm sâu sắc đến...
Ngày 5.8.2013, đại tá Nguyễn Tiến Chuyển -Trưởng công an huyện Tiên Lữ ra thông báo số 508 trả lời đơn thư tố cáo. Theo thông báo này, có đủ căn cứ xác định Hùng đã có hành vi cố ý làm hư hỏng tài sản. Về cơ bản, các tình tiết nhận tiền nộp hộ, trả lại tiền, nhận quyết định xử phạt hành chính... trong thông báo cũng giống đơn khiếu nại của ông Khôi.
Về nội dung khiếu nại các hành vi dọa nạt, đòi và nhận hối lộ của 3 vị công an này, thông báo cho rằng, các đồng chí Hạnh, Luận “có thái độ xử sự, lời nói chưa đúng với lễ tiết, tác phong là đúng”. Còn hành vi nhận 1 triệu đồng, thông báo 508 khẳng định: “Đồng chí Điện trình bày do anh Hùng nhờ để nộp hộ tiền do xử phạt vi phạm hành chính. Theo quy định thì đồng chí Điện cầm 1 triệu đồng cùa Hùng là sai”. Biện pháp giải quyết được công an huyện đưa ra là “họp kiểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc” đối với các vị công an này.
... phải có hình thức xử lý kỷ luật
Một lần nữa ông Khôi lại tiếp tục khiếu nại. Ngày 12.2.2014, Giám đốc công an tỉnh, thiếu tướng Trần Huy Ngạn ký quyết định (số 04) giải quyết khiếu nại lần 2. 
Quyết định này nêu tóm tắt 5 nội dung khiếu nại: Một, đại úy Hạnh – cán bộ công an huyện Tiên Lữ “ép cung” anh Hùng phải viết theo lời nói của đồng chí Hạnh khi lập biên bản xử lý vi phạm hành chính; Hai, đại úy Hạnh và trưởng, phó công an thị trấn Vương đã đe dọa, gò ép anh Hùng phải đưa hối lộ; Ba, đại úy Hạnh và ông Luận - trưởng công an thị trấn Vương chỉ đạo ông Điện nhận 1 triệu đồng của anh Hùng; Bốn, ông Luận -Trưởng công an thị trấn Vương chửi, lăng mạ, xúc phạm, đe dọa anh Hùng và gia đình Hùng tại UBND thị trấn Vương; Năm, công an huyện Tiên Lữ giải quyết đơn khiếu nại của ông Khôi chưa đúng với hành vi của 3 công an nêu trong đơn.
Quyết định số 04 này khẳng định: 4 nội dung khiếu nại đầu tiên là không đúng vì “không có căn cứ ...” hoặc “không có cơ sở kết luận...”.
Nội dung khiếu nại thứ năm của ông Khôi được giám đốc Công an tỉnh cho là đúng vì “công an huyện Tiên Lữ xử lý hành vi vi phạm đối với đồng chí đại úy Trần Văn Hạnh chưa đúng với sai phạm vì trong khi làm việc với anh Hùng, đồng chí Hạnh xưng hô “mày tao” đã vi phạm về quy tắc ứng xử khi giao tiếp với nhân dân ...”. 
Thiếu tướng Trần Huy Ngạn quyết định: “Yêu cầu đồng chí Trưởng công an huyện Tiên Lữ tổ chức họp kiểm điểm nghiêm túc và có hình thức xử lý kỷ luật đối với đại úy Trần Văn Hạnh; kiến nghị UBND huyện Tiên Lữ, xem xét có hình thức xử lý đối với 2 đồng chí Vũ Công Luận và Bồ Xuân Điện vì có vi phạm đã nêu trên.”
Những câu hỏi không thể không đặt ra
Sáng 14.3, đại tá Dương Quang Mậu - Chánh thanh tra công an tỉnh Hưng Yên và thượng tá Trần Đăng Thoa - Phó chánh thanh tra đã tiếp phóng viên Báo Lao Động & Đời sống.
Với câu hỏi “các ông nghe băng ghi âm do người tố cáo cung cấp có rõ không?”, Thượng tá Thoa cho biết, ông Khôi mang cả loa đến trụ sở để cho chúng tôi nghe băng ghi âm nhưng không rõ lắm, do nhiều nhiễu. “Vậy các ông có nghe thấy đoạn đưa và nhận 1 triệu đồng không?”, câu trả lời đưa ra, vấn đề là ông Điện đã thừa nhận có cầm 1 triệu rồi, nên nghe thấy hay không không quan trọng. Chúng tôi đưa ra câu hỏi tiếp “vậy việc nhận 1 triệu đồng này liệu có được coi là dấu hiệu của tội nhận hối lộ?”. 
Ông Thoa cho rằng, khi nhận tiền xong ông Điện đã gọi điện cho đại úy Hạnh ngay để báo cáo xin chỉ đạo về nghiệp vụ chứ không phải nhận hối lộ. Đồng thời, thượng tá Thoa cũng khẳng định, trưởng phó công an thị trấn cũng thừa nhận, để giúp người dân, trong nhiều trường hợp công an thị trấn cũng nhận tiền nộp phạt của dân để... nộp hộ vào kho bạc. Không ngờ có tình tiết này (hóa ra các vị công an này đã “nhận hộ tiền” quen rồi), chúng tôi đưa ngay câu hỏi: “Vậy những lần đó các vị này có gọi điện xin ý kiến nghiệp vụ với đại úy Hạnh không?”. Câu trả lời nhận được là, những vụ đó không liên quan đến vụ khiếu nại này nên chúng tôi không làm rõ.
 
Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Thiếu tướng Trần Huy Ngạn - Giám đốc công an tỉnh Hưng Yên . 
Đồng thời, chúng tôi cũng thắc mắc tại sao vụ việc như vậy mà các vị thanh tra này không yêu cầu họ nộp đĩa ghi âm để nghe lại, để phân tích và gửi bộ phận kỹ thuật hình sự giám định giọng nói? Các vị này cho rằng, chúng tôi cũng đã yêu cầu gửi cho công an một đĩa ghi âm nhưng đến nay ông Khôi vẫn không gửi.
Tuy nhiên, lúc 10h30 sáng cùng ngày, tại trụ sở UBND thị trấn Vương ông Khôi khẳng định đã gửi đĩa ghi âm cho công an tỉnh và họ trả lời là đã nhận được. Ông Khôi cũng cho chúng tôi nghe 4 file ghi âm thì có 2 file nghe khá rõ, còn 2 file khác có tạp âm nhiều, nhưng nếu chú ý nghe thì vẫn có thể rõ phần nào nội dung. Chúng tôi tin rằng, với kỹ thuật hiện nay, để loại bỏ tạp âm này không khó. Vậy đâu là lý do khiến công an tỉnh không cho đi giám định đĩa ghi âm này?
Mặt khác, chỉ xét về logic để làm rõ phần nào đây là hành vi nhận hối lộ hay “giúp dân”, dư luận mong cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt: Thứ nhất, ngày 15.3.2013, việc nhận 1 triệu đồng của anh Hùng, ông Điện nói là để nộp phạt hộ. Nhưng điều đáng nói là, thời điểm ấy chưa có quyết định xử phạt hành chính thì nộp hộ ai, biết bao nhiêu tiền mà nộp? Vậy cho rằng hành vi công an cầm tiền để ... nộp hộ dân (lại nhiều lần như vậy) có thuyết phục được dư luận?
Thứ hai, ngày 22.4, ông Khôi (bố của anh Hùng) đến nhà ông Điện đòi lại tiền thì ông Điện nói hẹn ra UBND thị trấn để gặp cả đại úy Hạnh và trưởng công an thị trấn. Hai ngày sau (ngày 24.4), anh Hùng ra UBND thị trấn thì được trưởng công an trị trấn trả lại 1 triệu đồng, đồng thời Hùng cũng phải nhận luôn quyết định (ký ngày 20.4) xử phạt hành chính (2 triệu đồng). 
Với những động thái này, dư luận có quyền đặt câu hỏi: Tại sao chỉ khi có việc đòi lại tiền mới tống đạt quyết định xử phạt hành chính? Mặt khác, lý do gì phải một tháng sau khi lập biên bản vụ việc mới có quyết định xử phạt hành chính?
Những câu hỏi này không hề khó giải đáp, chúng tôi xin nhường lại cho các cơ quan chức năng làm rõ và Lao Động & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin về cách xử lý vụ việc này.
Giải quyết khiếu nại lần 1, công an huyện Tiên Lữ quyết định: Chỉ đạo đội XDPT và PTX về ANTT họp kiểm điểm điểm và rút kinh nghiệm sâu sắc đối với đại úy Hạnh. Sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại lần 2 của Giám đốc công an tỉnh, công an huyện đã xử lý kỷ luật đại úy Hạnh với mức: Khiển trách.