Saturday, February 15, 2014

'Việt Nam đã học được bài học cảnh giác'


Chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979
Cuộc chiến tranh Biên giới phía Bắc 1979 giữa Việt Nam và TQ tròn 35 năm.
Việt Nam đã học được bài học về sự 'cảnh giác' từ cuộc chiến biên giới Trung - Việt diễn ra tròn 35 năm về trước, theo nguyên Viện trưởng Viện Sử học Việt Nam.
Bài học này là việc Việt Nam phải luôn luôn 'sẵn sàng' và chuẩn bị về nội lực để đối phó với bất cứ ai miệng nói lời 'tốt đẹp' nhưng lại có thể sẵn sàng 'chĩa súng', 'chĩa bom đạn' vào Việt Nam, theo Giáo sư Trần Đức Cường, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam từ Hà Nội.
Theo sử gia này, Trung Quốc đã hoàn toàn sai trái khi xua quân đội xâm lược Việt Nam vào ngày 17/2/1979 và Việt Nam đã chiến thắng khi bảo vệ được cương thổ của mình và các lập luận cho rằng Trung Quốc chỉ tiến hành cuộc chiến tranh tự vệ hay phản vệ đều là sai trái.
Nhân dịp này, nhà sử học cũng chia sẻ những quan điểm mang tính chất tư vấn về giải pháp mà theo ông Việt Nam cần thực hiện nhằm bảo vệ và giữ vững chủ quyền, độc lập và an ninh lãnh thổ, từ phía tăng cường nội lực cũng như nghiên cứu tận dụng các lực lượng ủng hộ từ môi trường quốc tế và khu vực.
"Bài học qua cuộc chiến đấu ấy là chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng ở trong một tư thế như thế nào đó để cho đất nước được giàu mạnh, để sẵn sàng đối phó với bất kỳ một người nào có thể nói những lời tốt đẹp, nhưng họ lại sẵn sàng chĩa bom đạn, chĩa mũi súng vào đất nước chúng ta"
GS. Trần Đức Cường
Trước hết, nhìn lại tuyên bố 'dạy cho Việt Nam một bài học' của cố lãnh đạo Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình trong cuộc chiến Việt - Trung năm 1979 và bài học mà Việt Nam có thể rút ra sau tròn 35 năm cuộc xung đột, Giáo sư Cường nói:
"Tôi không nghĩ là ông ấy dạy cho Việt Nam một bài học, bởi vì người Việt Nam chúng ta có tấn công vào đất nước của ông ta đâu, mà ông ta rõ ràng là có một hành động xâm lược vào lãnh thổ quốc gia của Việt Nam,
"Còn nói về bài học, thì riêng cá nhân tôi, tôi cũng rút ra được một bài học qua cuộc chiến đấu ấy là chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng ở trong một tư thế như thế nào đó để cho đất nước được giàu mạnh,
"Để sẵn sàng đối phó với bất kỳ một người nào có thể nói những lời tốt đẹp, nhưng họ lại sẵn sàng chĩa bom đạn, chĩa mũi súng vào đất nước chúng ta, có lẽ đối với chúng ta thì đấy cũng là một bài học."

'Sẽ kỷ niệm hay không?'

Mặc dù cho rằng cuộc chiến tranh biên giới 1979 do Trung Quốc phát động là một hành động xâm lược nhắm vào Việt Nam và rằng lịch sử cần phải được thể hiện một cách trung thực và toàn diện, Giáo sư Cường cho hay Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam trong đợt 17/2/2014 sẽ không tổ chức bất cứ hoạt động kỷ niệm, hoặc đánh dấu chính thức nào.
Ông Cường nói:
"Vì hiện nay chưa có điều kiện để tổ chức một hình thức tưởng niệm nào riêng của Hội Khoa học Lịch sử, chúng tôi động viên các Hội viên của mình tham gia trực tiếp vào các nơi, các địa phương, hoặc các lĩnh vực công tác mà họ đang đảm nhiệm."
Phát biểu này của Giáo sư Cường trên tư cách của đại diện ban lãnh đạo Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam dường như có sự khác biệt nhất định với phát biểu của một thành viên cao cấp khác trong cùng Hội sử này.
Hôm 11/2, Giáo sư Vũ Minh Giang, nguyên thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương của Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nói với tờ Lao Động, Hội Khoa học lịch sử sẽ tổ chức đánh dấu sự kiện chiến tranh Biên giới phía Bắc.
"Lễ tưởng niệm dự kiến sẽ được tổ chức gắn với một hội thảo khoa học về đề tài này. Sự kiện này chúng ta chưa tổ chức bao giờ, nên đây sẽ là lần đầu tiên. Vì vậy, chúng tôi dự kiến không trọng quy mô, mà trọng chiều sâu, nêu đúng bản chất của vấn đề. Chủ trương của Hội Sử học là dứt khoát phải thể hiện quan điểm"
GS Vũ Minh Giang nói với tờ Lao Động
"Lễ tưởng niệm dự kiến sẽ được tổ chức gắn với một hội thảo khoa học về đề tài này," ông Giang được tờ báo của Việt Nam trích thuật nói.
"Sự kiện này chúng ta chưa tổ chức bao giờ, nên đây sẽ là lần đầu tiên.
"Vì vậy, chúng tôi dự kiến không trọng quy mô, mà trọng chiều sâu, nêu đúng bản chất của vấn đề. Chủ trương của Hội Sử học là dứt khoát phải thể hiện quan điểm."

'Làm bộ quốc sử'

Hôm thứ Sáu, Giáo sư Cường, cho BBC hay Hội sử học đang đảm nhiệm một công trình sử học quy mô về lịch sử qua các thời đại, trong đó ở giai đoạn sử cận hiện đại, các cuộc chiến tranh như Biên giới phía Bắc 1979, biên giới Tây Nam 1979 và các cuộc xung đột vũ trang trên Biển Đông, như Hoàng Sa, Trường Sa v.v... sẽ được phản ánh.

Tàu sân bay của Trung Quốc
 
Tàu sân bay của Trung Quốc gần đây được điều tới khu vực Biển Đông.
 Ông Cường nói:
"Hội khoa học lịch sử vừa qua được giao cho việc xây dựng một đề án để biên soạn một bộ lịch sử Việt Nam nhiều tập mà chúng tôi dự kiến là 24 tập và tập hợp đội ngũ các nhà sử học ở tất cả các vùng miền, cũng như các cơ sở nghiên cứu, các viện nghiên cứu, các trường đại học và cũng tính đến mời các nhà sử học ở nước ngoài cùng tham gia,
"Trong đó chúng tôi cũng nói rõ rằng để phản ánh trung thực lịch sử của dân tộc ta, trong đó khi chúng tôi thảo luận, chúng tôi cũng nói về cuộc chiến tranh bảo vệ Biên giới phía Bắc, phía Tây Nam cũng như các vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa, thì chúng tôi cũng sẽ đưa vào công trình này."
Sử gia nói thêm rằng Hội sử học VN cũng đã có những kiến nghị đưa các cuộc chiến tranh và xung đột này vào hệ thống sách giáo khoa và cho biết mục đích của việc này.
Ông nói:
"Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã có những đề nghị với các cơ quan có trách nhiệm có những hình thức phù hợp để kỷ niệm trận chiến đấu này, cái đó là với những người đã hy sinh tính mạng của mình để bảo vệ biên giới, biên cương của Tổ quốc như là nhiều trăm năm trước, hàng nghìn năm trước, ông cha ta đã làm, đã thực hiện,
"Chúng ta phải hết sức cảnh giác, chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất, còn họ làm hay không, cái đó tùy thuộc vào cuộc đấu tranh của nhân dân VN, và cũng như là thái độ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới"
GS Trần Đức Cường
"Và cũng đã có những hình thức nhất định ở trong giới có những hình thức nghiên cứu, đồng thời cũng đề xuất những vấn đề như vậy, kể cả Hoàng Sa, Trường Sa, cũng như cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Tây Nam, thì cũng đưa vào sách giáo khoa, để giáo dục cho những thế hệ người VN trẻ tuổi thấy được xương máu mà ông cha, các thế hệ kế tiếp nhau đã đổ ra để bảo vệ lãnh thổ."

'Nếu TQ hung hăng hơn?'

"Nhân dịp này, Giáo sư Cường đưa ra quan sát của ông về các động thái gần đây của Trung Quốc ở khu vực và trên Biển Đông, nhất là sau các sự kiện quy định bản đồ "đường lưỡi bò" trên Biển Đông, mở "vùng thông báo bay" mới ở Biển Hoa Đông, thông báo quy định về vùng cấm đánh cá ở Biển Đông gần đây...
Ông Cường nêu quan điểm trong trường hợp Trung Quốc tỏ ra 'hung hăng' hơn trên Biển Đông, ông nói:
"Chúng ta phải hết sức cảnh giác, chúng ta phải luôn luôn sẵn sàng đối phó với tình huống xấu nhất, còn họ làm hay không, cái đó tùy thuộc vào cuộc đấu tranh của nhân dân, và cũng như là thái độ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới,
"Chứ không phải thời buổi này là thời kỳ của chính sách pháo hạm của các nước thực dân như cách đây vài thế kỷ."

Biểu tình chống TQ ở VN
 
Sử gia cho rằng nhà nước thời nào cũng cần phải 'cấu kết được lòng dân' để chống ngoại xâm hữu hiệu.
 
Theo sử gia, trong lúc cân nhắc khả năng cụ thể có nên có các quan hệ đồng minh hay không, bên cạnh việc phát huy nội lực, Việt Nam cũng cần quan tâm tới phối hợp với các quốc gia Đông Nam Á (Asean) để củng cố an ninh và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ trước khả năng Trung Quốc lấn tới ở khu vực.
Ông nói: "Ngoài nội lực, thì chúng ta cũng phải dựa vào sức mạnh của khối đoàn kết của các nước Asean và Việt Nam hết sức có nhiều cố gắng để có được mối quan tâm, cũng như các mối liên kết ấy là một, và thứ hai, chúng ta có mối quan hệ với gần hết các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước lớn, các nước có vai trò vị trí..."
Theo sử gia, các mối quan hệ này cũng có vai trò 'ràng buộc' đối với các bên liên quan, bởi vì nếu Trung Quốc tuyên bố "vùng cấm bay trên Biển Đông", thì vấn đề sẽ không "liên quan đến một mình Việt Nam."
Trả lời câu hỏi nhà nước Việt Nam từ góc độ đối nội liên quan tới quốc phòng, cần làm gì để tận dụng được lòng yêu nước của người dân, Giáo sư Cường nói:
"Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, luôn luôn phải cấu kết được lòng dân, và cái này thì nhà nước cũng như các tổ chức chính trị, xã hội khác cũng phải hết sức tham gia cùng với nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc," sử gia nói với BBC.
BBC.

No comments:

Post a Comment