Monday, January 20, 2014

Sản phụ tử vong vì không được tiếp máu, y bác sĩ vẫn tươi cười?

Đã 6 tháng trôi qua nhưng gia đình vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin gì về cái chết của sản phụ Trần Thị Lân (sn 1977, tại thôn Đồng Bai, xã Lạc Hưng, huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình). Còn gì đau đớn hơn khi người xấu số phải thiệt mạng chỉ vì không có máu truyền kịp thời.
Cái chết oan uổng của sản phụ 
 
Như báo Đời sốngPháp luật đã thông tin, chị Trần Thị Lân đến bệnh viện huyện Yên Thủy để khám thai sản. Sau khi các bác sỹ tiến hành khám, siêu âm, chụp, chiếu đã kết luận chị Lân bị “nhau tiền đạo”. Các bác sĩ quyết định mổ đẻ cho phụ sản này lúc 14h30 ngày 24/6/2013. Người trực tiếp thực hiện ca mổ là bác sĩ Dương Văn Tiến, Giám đốc Bệnh viện và bác sĩ Chiến, trưởng khoa sản.
 
Sản phụ tử vong vì không được tiếp máu, y bác sĩ vẫn tươi cười? - Ảnh 1
Chị gái sản phụ khóc nức nở khi kể về sự ra đi tức tưởi của người em xấu số
 
Ca mổ bắt đầu lúc 14h chiều ngày 24/06/2013 đến khoảng 14h30 thì lấy cháu bé ra. Gần 1 tiếng đồng hồ sau, ông Dương Văn Tiến ra thông báo với gia đình là ca mổ khó, bệnh nhân mất nhiều máu cần phải tiếp máu mà bệnh viện không có máu dự trữ. Sau đó bệnh viện cho người đi xe máy đến bệnh viện đa khoa Ninh Bình lấy máu. Tuy nhiên, sản phụ đã tử vong vì mất quá nhiều máu.
 
Sau khi sự việc xảy ra, ông Tiến đã làm công tác tư tưởng với gia đình nạn nhân là đưa thi thể chị Trần Thị Lân về mai táng, nhưng anh Phạm Duy Đông (chồng nạn nhân) đã đi báo với cơ quan công an huyện Yên Thủy đề nghị làm rõ nguyên nhân cái chết của chị Trần Thị Lân. Khoảng 9h ngày 25/06/2013, pháp y cùng các cơ quan liên quan về mổ, khám nghiệm tử thi người xấu số.
 
Gạt nước mắt, chị Trần Thị Lanh (chị ruột sản phụ) cho biết :"Em tôi bị "nhau tiền đạo", nằm ở bệnh viện huyện cả tuần để theo dõi. Không biết chuyên môn, lương tâm các bác sĩ ở đâu khi không chuẩn bị máu trước ca mổ, phải chăng các bác sĩ không coi mạng người ra gì?".
 
Chợt người phụ nữ này bật khóc nức nở cho biết thêm ca mổ bắt đầu từ 14 h, đến 19h, khi gia đình đề nghị sang bệnh viện đa khoa Hòa Bình lấy thêm máu thì bác sĩ mới báo sản phụ Lân đã chết. Trong khoảng thời gian đó, các bác sĩ, y tá không hề nói gì với gia đình chị Lân mà vẫn đi lại nói cười như chưa có chuyện gì xảy ra.
 
Kể từ khi sự việc đau lòng xảy ra, chị gái sản phụ Trần Thị Lân đã đưa đứa bé tội nghiệp về hết lòng chăm sóc. Tuy nhiên, do thiếu hơi mẹ, không được bú sữa mẹ nên bé cứ còi cọc, hay ốm đau.
 
Một phụ nữ địa phương, từng bị "nhau tiền đạo" giống sản phụ Lân cho biết :"Bản thân tôi cũng bị nhau tiền đạo, trong lúc mổ mất rất nhiều máu, nên bác sĩ phải chuẩn bị trước vài lít máu. Đằng này, cán bộ bệnh viện lại dửng dưng, không chuẩn bị máu cho Lân trước khi mổ để cô ấy phải mất mạng như thế, thật đau lòng".
 
Sự việc đã xảy ra hơn 6 tháng, trong khi gia đình nạn nhân vô cùng đau lòng trước cái chết của người thân, thì các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái gì. Giám định pháp y nhưng đến giờ phút này vẫn chưa thông báo cho gia đình nạn nhân về nguyên nhân cái chết. Phải chăng trong chuyện này, có sự mờ ám, khuất tất nào đó chăng?
 
Chị Lanh trải lòng: "Em tôi chết oan uổng quá, Lân vốn có tính cẩn thận, trước khi mổ đã nằm viện suốt một tuần chỉ mong sao được mẹ tròn con vuông. Ấy vậy mà em tôi phải ra đi mãi mãi để lại 2 đứa con thơ dại".
 
Mạng sống của con người đang bị coi "rẻ".
Theo bà Lê Thị Kim Dung, bác sĩ phụ trách khoa sản Trung Tâm Y Khoa 178 Thái Hà, Hà Nội cho biết :"Do gây chảy máu lặp đi lặp lại nên nhau tiền đạo có thể khiến thai phụ bị thiếu máu, chảy máu trong một thời gian dài và thậm chí gây sốc cho người mẹ. Vì tử cung bị co nên thường xảy ra xuất huyết sau sinh. Ngoài ra, nhau tiền đạo bám gần cổ tử cung, sau khi sinh bị bóc tách khiến cổ tử cung bị hở, vi khuẩn xâm nhập vào khiến cho bề mặt âm đạo dễ bị nhiễm trùng. Vì vậy, nguy cơ mất máu là rất cao nên việc chuẩn bị máu là rất quan trọng, nếu bệnh viện tuyến huyện không có máu phải chuyển bệnh nhân lên tỉnh để đảm bảo tính mạng cho sản phụ".
 
Nhận thấy sự việc hết sức nghiêm trọng, phóng viên báo Đời sống và Pháp luật đã có buổi làm việc với ban lãnh đạo bệnh viện huyện Yên Thủy.
 
Ông Dương Văn Tiến, Giám đốc bệnh viện cho biết :"Chúng tôi đã xử lý hết rồi nhưng đây là tình huống rất bất ngờ nằm ngoài sự kiểm soát của chúng tôi, bệnh viện đã đến gặp chồng nạn nhân và gia đình chồng và họ rút đơn rồi, còn gia đình bên ngoại muốn kiện cáo thì tùy thôi".
 
Vị Giám đốc nói thêm: "Theo nguyên tắc chuyên môn, nhau tiền đạo không phải truyền máu, nhưng khi mổ thì phát hiện nhau tiền đạo cài răng lược nên ngoài tầm kiểm soát của chúng tôi. Đặc biệt máu chuyển về đây (bệnh viện huyện Yên Thủy - PV), chỉ để được 10 hôm, có khi không dùng đến nên rất lãng phí vì vậy chúng tôi mới không dự trữ máu".
 
Báo Đời sống và Pháp luật sẽ thông tin thêm về vụ việc này....
 
Loan Hoàng

No comments:

Post a Comment