Monday, January 20, 2014

Kinh tế Trung Quốc tiếp tục ‘hụt hơi’ và ‘thở dốc’

Sau một giai đoạn tăng trưởng “nóng” với mức tăng trưởng GDP liên tục đạt 2 chữ số, kinh tế Trung Quốc bắt đầu có dấu hiệu chững lại và “tụt dốc”. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), GDP của nước này trong năm 2013 chỉ tăng 7,7%, mức tăng chậm nhất kể từ năm 1999.

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục ảm đạm trong năm 2014
Theo Reuters, báo cáo của NBS công bố hôm 20/1 cho thấy kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng chậm lại trong quý IV/2013 và dừng lại ở mức 7,7%, thấp hơn so với mức 7,8% của quý III/2013. Đà tăng trưởng thụt lùi này đã kéo mức tăng trưởng GDP chung trong cả năm 2013 xuống 7,7%.
 
“Những con số này đã cho thấy kinh tế Trung Quốc thực tế đã gần chạm đáy ở quý III và tiếp tục duy trì mức tăng trưởng thấp ở những tháng cuối năm 2013”, Lý Tuệ Dũng - chuyên gia kinh tế của công ty chứng khoán Shenyin & Wanguo ở Thượng Hải - nói.
 
Đồng quan điểm với chuyên gia kinh tế Trung Quốc, ông Dariusz Kowalczyk - chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Credit Agricole CIB tại Hong Kong - cũng nhấn mạnh: “Đà tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc rõ ràng đang yếu đi. Sự giảm tốc đó đã thể hiện mỗi lúc một rõ trong quý IV/2013”.
 
Tuy nhiên, đó vẫn chưa phải là điểm dừng của đà thụt lùi về tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Trong khi một số cho rằng Trung Quốc vẫn còn cơ bật lên mức tăng trưởng 8% trong năm 2014 thì thì có vẻ phần đông các chuyên gia vẫn nghiêng về dự đoán 2014 sẽ tiếp tục là một năm tăng trưởng ảm đạm của nền kinh tế thứ 2 thế giới này với mức tăng dự kiến 7-7,5%, thấp nhất kể từ năm 1990.
 
Theo Li-gang Liu - kinh tế trưởng của RBS chi nhánh Trung Quốc, tăng trưởng trong năm tới của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ khoảng 7,2% do hoạt động xuất khẩu có xu hướng chậm lại, biểu hiện rõ nét nhất là mức tăng trưởng chỉ đạt 4,3% trong tháng 12/2013, giảm mạnh từ mức 12,7% hồi tháng 11.
 
Còn Dariusz Kowalczyk - chuyên gia kinh tế và chiến lược gia tại Credit Agricole - cho rằng món nợ công “khủng” tại các địa phương chính là tảng đá ngáng đường nền kinh tế Trung Quốc “cất cánh”. Hồi cuối tháng 12/2013, chính quyền Bắc Kinh đã chính thức công bố số nợ công tại các địa phương đã tăng vọt lên mức gần 3 nghìn USD, tăng 67% so với năm 2010. Tuy nhiên, Văn phòng kiểm toán vẫn lạc quan cho rằng mức nợ vẫn “trong tầm kiểm soát” dù còn phải xác định “rủi ro tiềm ẩn ở một số nơi”.
 
Trong khi đó, giới phân tích lại không quá ngạc nhiên với con số nợ công của chính quyền địa phương Trung Quốc này, thậm chí còn nghi ngờ đây chỉ là một phần nổi của tảng băng trôi mang tên “nợ xấu” đang bóp nghẹt nền kinh tế. Thực tế, từ lâu dưới mô hình tăng trưởng tín dụng của chính phủ, chính quyền địa phương Trung Quốc đã ồ ạt vay nợ ngân hàng để đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng và bất động sản nhưng không đạt hiệu quả kinh tế cao. Các chuyên gia Trung Quốc lo ngại sự “phình to” một cách đột biến của “khối u” nợ xấu sẽ không chỉ gây tổn thương cho toàn bộ hệ thống ngân hàng mà còn đe dọa trực tiếp đến đà tăng trưởng kinh tế.
 
Ngoài ra, sự lũng đoạn của hệ thống “ngân hàng ngầm” ở nước này cũng được coi là một mối đe dọa đối với nền kinh tế Trung Quốc. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã yêu cầu các ngân hàng liệt kê các tài sản không được đưa vào bảng cân đối kế toán và các nghĩa vụ nợ liên ngân hàng. Đây được coi là một phần trong nỗ lực của PBOC nhằm thắt chặt giám sát nền tài chính ngầm và ngăn chặn nguy cơ bùng nổ làn sóng vỡ nợ vì vay vốn “chợ đen”.
 
Tuy nhiên, theo ông Thẩm Kiến Quang, chuyên gia kinh tế Trung Quốc của công ty chứng khoán Mizuho ở Hong Kong cho rằng: “Việc chính phủ Bắc Kinh tăng cường kiểm soát ngân hàng bóng tối và nợ của chính quyền địa phương sẽ đẩy tình trạng khan hiếm tín dụng lên cao, tạo áp lực lớn đối với tăng trưởng kinh tế”. Đồng quan điểm, ông Kowalczyk cũng cho rằng nỗ lực trả nợ và hạn chế cho vay sẽ đẩy lãi suất lên cao, việc vay nợ mới để trả nợ cũ cũng vì thế mà “đắt đỏ” hơn, và điều này sẽ cản bước tăng trưởng kinh tế nói chung.
 
Nhưng điều nguy hiểm hơn cả là theo IMF, nợ thực tế ở Trung Quốc cao hơn nhiều so với báo cáo chính thức, khiến cho nền kinh tế đất nước tỷ dân này cũng mù mịt như làn sương mù đang bao trùm lấy các thành phố lớn, và đặt quốc gia này ở trong thế “dễ bị tổn thương trước các cú sốc kinh tế vĩ mô”.
 
 
Vân Du

No comments:

Post a Comment