Monday, January 20, 2014

Cảnh báo chiêu lừa đảo qua điện thoại đang bùng phát tại miền Tây


(ĐSPL) - Với thủ đoạn điện thoại đến các đại lý đặt hàng với số lượng lớn, khi xe tải của đại lý giao hàng thì các đối tượng lừa đảo liền tung "hỏa mù" để chiếm đoạt số hàng vừa đặt.
Với chiêu lừa đảo tinh vi trên, hàng loạt nạn nhân rơi vào bẫy lừa đảo. Hiện chiêu lừa này đang nở rộ tại các tỉnh miền Tây.
Cảnh <a class=báo chiêu lừa đảo qua điện thoại đang bùng phát tại miền Tây" />
Những chiêu lừa đảo ngày càng tinh vi.
Hàng loạt nạn nhân bị lừa ngang nhiên
Thời gian vừa qua, đường dây nóng báo Đời sống và pháp luật liên tục nhận được các cuộc điện thoại phản ánh của nhiều bạn đọc tại các tỉnh miền Nam về việc bị các đối tượng sử dụng điện thoại lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Nhiều người không tỉnh táo đã trở thành nạn nhân của chiêu lừa này.
Để hiểu rõ hơn về chiêu lừa này, PV tìm gặp một nạn nhân của vụ việc là chị T.T.N., chủ một đại lý bia, nước ngọt tại TP. Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Chị N. cho biết: "Mới đây, tôi nhận được một cuộc điện thoại của một nam thanh niên đặt mua 150 thùng bia 333 và 50 thùng bia Heineken. Thấy có người đặt số hàng lớn ngay dịp cận Tết Nguyên đán nên tôi rất vui mừng. Ngay sau đó, tôi hỏi địa chỉ nơi giao hàng từ nam thanh niên. Có địa chỉ nơi giao hàng là tại xã Phước Thạnh, TP. Mỹ Tho, tôi cho tài xế lấy xe tải chở số bia đi giao cho người đặt".
Chị N. cho biết thêm: "Khi đến nơi, người thanh niên trên ra đón xe tải. Ra vẻ vồn vã, nam thanh niên này yêu cầu tài xế giao trước 50% số bia, số còn lại giao tại tiệm tạp hóa Anh Ngọc ở chợ Thân Cửu Nghĩa, (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Tài xế xe tải chở bia tưởng thật liền điều khiển xe chạy đến địa điểm mới đã giao. Tuy nhiên, khi đến nơi, tài xế chạy lòng vòng tìm tiệm tạp hóa Anh Ngọc nhưng không thấy. Ngay sau đó, tài xế vội quay lại địa điểm giao bia ban đầu thì phát hiện nam thanh niên cùng số bia đã giao biến mất. Hỏi thăm người dân xung quanh thì không ai biết. Trong vụ việc này, tôi bị thiệt hại tài sản khoảng 27 triệu đồng".
Cũng bị lừa với thủ đoạn tương tự, anh N.V. (ngụ tỉnh Tiền Giang) đau khổ cho biết: "Tôi là nhân viên kinh doanh của một công ty phân bón tại tỉnh Tiền Giang. Cách đây vài ngày, tôi nhận được điện thoại của một người đàn ông đặt mua 14,5 tấn phân bón, trị giá khoảng 60 triệu đồng, địa điểm giao hàng là tại xã An Thái Đông, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Khi tôi chở hàng đến điểm hẹn để giao hàng thì người đàn ông này yêu cầu giao trước 5 tấn, số còn lại chở đến một địa điểm tại khu vực phà Mỹ Thuận cũ để giao. Khi nào giao xong hàng, người đàn ông này sẽ giao tiền. Tuy nhiên, khi tôi đến địa điểm mới để giao thì không thấy có ai nhận. Vội liên lạc đến số điện thoại lúc nãy thì số thuê bao không liên lạc được. Chạy đến chỗ giao hàng đầu tiên thì người đàn ông cùng số phân bón đã biến mất".
Cũng là một nạn nhân của chiêu lừa trên, nhưng anh L.T.A. (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) may mắn lấy lại được số hàng của mình. Trao đổi với PV, anh A. cho biết: "Cách đây 2 ngày, tôi nhận được điện thoại của một phụ nữ đặt mua 100 thùng nước ngọt để bán tết tại khu vực tỉnh Bình Dương. Thấy có mối hàng lớn, tôi cho tài xế chở hàng đi giao. Khi đến điểm hẹn, người phụ nữ này yêu cầu tài xế giao trước 60% số hàng, số còn lại giao tại địa bàn xã khác. Khi tài xế lên xe chở số hàng còn lại đi giao thì phát hiện người phụ nữ có dấu hiệu bất minh. Ngay sau đó, tài xế yêu cầu người phụ nữ giao tiền số hàng đã lấy. Sau một hồi cù cưa thì người phụ nữ này viện cớ có việc rồi bỏ đi mất".
Cần tỉnh táo trước... bẫy lừa
Theo tìm hiểu của PV, tại nhiều tỉnh, thành phía Nam đang nở rộ chiêu lừa này. Ngoài các nạn nhân đi trình báo cơ quan công an, thì còn có rất nhiều nạn nhân do số hàng mất mát không lớn nên không trình báo đến cơ quan công an. Nhiều nạn nhân cho biết, qua trao đổi với nhiều bạn hàng, họ phát hiện rất nhiều người trở thành nạn nhân của chiêu lừa trên. Nhiều người bỏ công truy tìm các đối tượng lừa đảo để đòi lại số hàng đã mất nhưng đều bất thành.
Chị N. cho biết, chiêu lừa đang nở rộ tại các tỉnh miền Tây trên là chiêu lừa mới xuất hiện. Các đối tượng lừa đảo lợi dụng cách thức làm ăn của các đại lý kinh doanh hàng tết là giao hàng rồi mới lấy tiền nên tung chiêu lừa. Do chủ các đại lý quá tin tưởng vào người đặt hàng nên rơi vào cái bẫy lừa đã được đối tượng giăng sẵn. Đến khi phát hiện ra chân tướng sự việc thì đối tượng lừa đảo đã cao chạy xa bay. Nếu cơ quan chức năng có thống kê chính thức thì số nạn nhân bị lừa đảo là rất nhiều, số tiền thiệt hại là rất lớn.
Trao đổi với PV, một đại diện cơ quan CSĐT công an tỉnh Vĩnh Long cho biết, trước hàng loạt thông tin trình báo của các nạn nhân về chiêu lừa đảo trên, cơ quan CSĐT vừa có công điện khẩn gửi các đơn vị công an trực thuộc, huyện, thành phố cùng phối hợp tuyên truyền cho người dân cảnh giác với chiêu lừa đảo mới, nhất là dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014. Cơ quan CSĐT đánh giá hiện các đối tượng lừa đảo đang gia tăng hoạt động tại các tỉnh miền Tây, đặc biệt là các huyện vùng sâu, vùng xa. Do đó, người dân, nhất là những hộ kinh doanh phải hết sức cảnh giác với chiêu lừa trên.
Đánh giá về chiêu lừa này, tiến sĩ Nguyễn Công Thoại, chuyên gia tâm lý Hội Tâm lý - Giáo dục Việt Nam, phân tích: "Vào thời điểm cận Tết Nguyên đán, các đối tượng lừa đảo thường gia tăng các hoạt động phạm pháp của mình. Các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng vào tâm lý ham kiếm tiền của người dân vào dịp cận tết để giăng bẫy. Vào các thời điểm cận Tết Nguyên đán các năm trước, các đối tượng lừa đảo tung ra hàng loạt chiêu lừa, năm nay lại xuất hiện chiêu lừa mới. Để tránh trở thành nạn nhân của các đối tượng này, những người dân làm ăn, buôn bán phải tìm hiểu về đối tác trước khi hợp tác. Khi phát hiện các đối tượng có các hành vi mờ ám, người dân cần phải báo tin cơ quan chức năng ngay".
Phạm tội có tổ chức sẽ bị phạt tù cao nhất là 7 năm
Luật sư Phạm Văn Phúc, Văn phòng tư vấn luật Phúc & Đồng sự, cho biết: "Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ 500 ngàn đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 500 ngàn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt từ 6 tháng đến 3 năm. Ngoài ra, người nào phạm tội có tổ chức, tính chất chuyên nghiệp, tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.

Nhóm PV

1 comment: