Lời tâm sự: Việt Nam hiện tại giống như một chiếc xe lỗi thời, tuy rằng nó vẫn còn vận hành được nhưng đây là chiếc xe cũ kĩ và cần phải có một cuộc đại tu. Nội lực của con dân Việt, xét cho cùng là một nguồn năng lượng tiềm ẩn, bền bĩ, chẳng khác nào cổ xe nồi đồng cối đá với sức chịu đựng và hoạt động kinh hoàng. Nhưng, muốn cho một chiếc xe chạy tốt, vấn đề không phải là tìm ra điểm mạnh “nồi đồng cối đá” của máy móc mà phải nhìn thấy những điểm yếu của nó, chẳng hạn như dây điện quá cũ, đã bong tróc, hoặc thùng xăng đã bị rò rỉ, ốc vít đã long… Tất cả những chi tiết nhỏ này, nếu không khắc phục, có khi chỉ trong phút chốc, chiếc xe trở thành một đống đổ nát vĩnh viễn. Với phương châm này, bài viết Tính Cách Người Việt Qua Lăng Kính Từ Thiện sẽ không đụng đến điểm ưu của người Việt mà chủ trương tìm ra những điểm yếu, những điểm nhược của người Việt hiện tại. Và với khả năng nhỏ bé nhưng nỗi thao thức thì không nhỏ trước hiện tình đất nước, tôi chỉ mong góp tiếng nói bé mọn của mình vào đại cuộc – tìm tương lai tự do, dân chủ và tiến bộ cho dân tộc Việt Nam. Bài viết này có thể đụng chạm rất nhiều, kính mong quí vị lượng tình vì đây là tâm thành của người cầm bút!
Kì 1: Tâm thức nông nghiệp dai dẳng
Người Việt, ai cũng biết và thuộc lòng phương châm “lá lành đùm lá rách”. Hiện tại, người ta đã phát triển lên cấp độ “lá rách đùm lá nát, lá nát đùm lá te tua”. Và, dường như mỗi khi đồng bào miền Trung nói riêng và bất kỳ đồng bào tỉnh nào trên cả nước gặp thiên tai, dịch họa, không riêng gì người Việt hay cộng đồng người Việt tại hải ngoại mà cả những người bạn không cùng ngôn ngữ Việt cũng chìa tay giúp đỡ. Ấy là tình người và lòng trắc ẩn vốn có đang luân chuyển nơi huyết quản.
Nhưng, cũng qua quan sát, tham gia nhiều đợt cứu trợ, theo dõi nhận cứu trợ, qua nhiều gói cứu trợ và qua nhiều hoạt động thiện nguyện, tiếp xúc, tương tác, phân tích, quan sát tổng quát… Tôi thực sự buồn khi phải đưa ra nhận xét: Người Việt Nam chưa bao giờ thoát khỏi tâm thức nông nghiệp. Mà không có gì đáng sợ cho sự phát triển của một dân tộc hơn là mọi thứ vẫn dẫm chân trong tâm thức nông nghiệp.
Vậy tâm thức nông nghiệp là gì? Nên hiểu như thế nào? Đặc trưng tâm thức nông nghiệp Việt Nam nằm ở đâu?
Để nói về tâm thức nông nghiệp, tôi khẳng định: Người Việt Nam hiện tại đã có cơ hội đi nhiều nơi, làm việc trong nhiều lĩnh vực và tương tác trong nhiều không gian hoàn toàn không có dấu vết nông nghiệp. Tuy nhiên, cái bóng nông nghiệp phủ nặng trong tâm thức vẫn chưa bao giờ được gọt bỏ ở một bộ phận không nhỏ người Việt. Số người đã thoát, đã loại bỏ thứ tâm thức nặng nề này hiếm hoi, không phải là không có nhưng chiếm tỉ lệ không cao trong xã hội Việt Nam hiện tại.
Và đáng buồn hơn nữa là ngay trong cả một số nhà hoạt động xã hội dân sự, nhà đấu tranh dân chủ, cái bóng của tâm thức nông nghiệp vẫn còn đè nặng. Và đáng sợ hơn cả là hầu hết các giấc mơ về dân chủ của Việt Nam đều bị tình trạng “bóng đè” này. Điều đó dẫn đến hệ lụy là công cuộc đấu tranh dân chủ, nhân quyền và tiến bộ tại Việt Nam vẫn luôn trong tình trạng chậm chạp, chưa bao giờ có sự bứt thoát như những gì các nhà phân tích dự đoán và chưa tương xứng với nỗ lực đấu tranh, phổ biến dân chủ của các nhà dân chủ, hoạt động xã hội dân sự…
Vì sao? Vì nếu viết ra thì đụng chạm và nguy cơ bị ném đá sẽ rất cao nhưng tôi chấp nhận mọi cục đá để nói lên những gì mình cảm nhận (và thấy rằng nó chính xác!) là người Việt Nam trải qua quá lâu các triều đại phong kiến, đặc biệt là thứ giáo dục Khổng Nho đã làm người ta đánh mất khả năng sáng tạo, tiếp đến là Cộng sản xã hội chủ nghĩa, một thứ môi trường chứa đầy độc tố lưu manh hóa con người đã làm cho đất nước tiếp tục lao đốc. Ông cha chúng ta chưa có công trình nào gọi là sáng tạo. Ngay từ cái xe nước của nông dân cũng do cụ Phạm Phú Thứ sang Pháp học được mà mang về phổ biến cho nước Việt. Bởi Khổng Giáo là thứ giáo dục người ta chỉ biết tin và tin, đáng sợ hơn cả là tin vào người đi trước, tin vào lời của người đi trước, rằng nó luôn đúng.
Ngay bản thân Khổng Tử, khi viết Tứ Thư, Ngũ Kinh, ông không hề sáng tạo bất kỳ một chữ nào trong đó và điều này được ông khẳng định rằng “chỉ ghi chép lại điều của người xưa dạy vì thấy nó đúng”. Và trong Ngũ Kinh thì Kinh Lễ được chép kĩ nhất. Bởi bản thân Khổng Khâu là một thầy cúng, ông chuyên đi cúng cho các gia đình có đám ma, đám giỗ hay các đám trừ tà từ lúc còn rất trẻ. Và Lễ ở đây đừng hiểu là Lễ Độ hoặc Lễ Phép với người cao tuổi, là chừng mực ứng xử xã hội như cách diễn dịch của các nhà Khổng Học tự nhận mà là lễ bái, lễ nghi cúng kính. Cái câu “Tiên Học Lễ Hậu Học Văn” được các ông sau này dùng treo ở các trường là bê nguyên văn của Khổng Tử. Trong khi đó, Lễ của thời Khổng Tử là lễ cúng đối với thần linh và lễ bái đối với bậc vua chúa, quan lại. Nghĩa là biết kính và biết lạy với các quan, với thiên tử.
Vô hình trung, sự tôn thờ, quì lụy trước các vua chúa, quan lại được chuyển tiếp từ thời phong kiến sang thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa và người ta mặc nhiên đón nhận điều này như một thứ triết lý giáo dục. Hệ quả của nó là thứ văn hóa đội trên đạp dưới, đè đầu cưỡi cổ, chui luồn, tôn sùng lãnh đạo. Ngay trong đám cưới, đám tang, lời phát biểu của chủ hôn hay chủ tang cũng đặt việc “kính thưa các cấp lãnh đạo địa phương” lên trước mọi thứ kính thưa và việc kính thưa đã chiếm gần hết bài phát biểu… Mọi thứ nhan nhản từ cơ quan nhà nước cho đến công ty, xí nghiệp tư nhân, gia đình… ngay trong hiện tại chứ không đâu xa.
Và, bên cạnh đó, kiểu làm ruộng rất ư lạc hậu và manh mún của người Việt suốt cả ngàn năm nay cũng đẫn đến tình trạng tâm lý ức chế, chưa bao giờ vượt thoát khỏi lũy tre làng hay bờ đê, bờ ruộng. Người ta dù có cố thoát vẫn phải ngoi ngóp trong vạt ruộng đời. Thậm chí, số phận người ta biểu hiện trên đám ruộng của người ta, những mảnh ruộng eo óc, nhỏ nhôi, chắp vá, cằn cỗi.
Và đáng sợ nhất là giai đoạn kinh tế tập trung bao cấp, nông nghiệp tập thể thời đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Từ công chức nhà nước, trí thức cho đến người nông dân chân lấm tay bùn, không có ai thoát khỏi cảnh xếp hàng, chầu chực miếng ăn, lo sợ mất miếng ăn. Đây là thời kì làm cho mọi giá trị ý chí cũng như sáng tạo bị thui chột nặng nề nhất.
Chưa hết, sau kinh tế tập trung bao cấp thì liền đó là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa kéo dài mãi cho đến hiện nay. Nếu như kinh tế tập trung bao cấp, nông nghiệp tập thể làm cho người ta lo sợ, thui chột trước miếng ăn bao nhiêu thì kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa khiến cho người ta bị lưu manh hóa nhanh chóng bấy nhiêu.
Bởi chính cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” đó đã hàm chứa bên trong nó lợi ích nhóm, lợi ích đỏ. Và nó nhanh chóng phát sinh hàng triệu thứ đeo bám vào quyền lực đảng. Để được dẫm chân lên lợi ích nhóm, người ta tự đánh tráo lý tưởng của mình bằng miếng ăn, chỗ ở và tiền bạc. Không thiếu, thậm chí có rất nhiều người trẻ có năng lực, mặc dù không tin vào chủ nghĩa Cộng sản nhưng vẫn nỗ lực để vào đảng hoặc chạy chọt bằng mọi giá để vào cơ quan nhà nước với mục đích kiếm miếng ăn một cách dễ dàng trong hệ thống này. Và với thứ qui trình/qui luật thăng tiến dựa trên lý lịch chứ không dựa trên năng lực trong hệ thống nhà nước Cộng sản, bất kì trí thức nào khi bước vào nó, muốn thăng tiến thì phải nỗ lực cho có được cái thẻ đảng, nó như một thứ bùa hộ mệnh.
Một khi có được đà thăng tiến thông qua lợi ích nhóm và quyền lực đỏ, người ta phải chấp nhận luật chơi và dấn sâu vào thế giới của nó, thủ đoạn, sự bẩn thỉu, tính ích kỉ, lòng tham và tính manh mún được khai triển, được biểu hiện rõ nét trong giai đoạn này. Chính vì vậy, tất cả các công chức nhà nước tử tế đều rất cô đơn, thậm chí cô độc và đời sống của họ gần như là đời sống “lập dị”, dựa vào đồng lương và chăn nuôi, làm thêm, qua quýt qua ngày đoạn tháng rồi chờ ngày hưu, chờ vào khoản lương hưu tuổi già, khép kín và yếm thế. Ngược lại, những kẻ cơ hội khi nắm quyền bính trên tay thì họ nhanh chóng trở thành ông vua một cõi. Chuyện này nhan nhản trong xã hội Việt Nam hiện tại, đi đâu cũng thấy, ngửi trong không khí cũng nghe mùi.
Về phía người nông dân, họ không nằm trong các nhóm lợi ích, họ không nằm trong quyền lực đỏ, thế nhưng họ vẫn không thoát được vòng xoáy của xã hội. Người nông dân nhanh chóng trở thành nạn nhân và tòng phạm của thời đại. Về khía cạnh nạn nhân, người nông dân vốn thật thà, chất phác, ít quan tâm đến chuyện chữ nghĩa, người nông dân dễ dàng bị mắc bẫy của nhà cầm quyền từ địa phương tới trung ương. Đất đai vốn nhỏ hẹp, phúc lợi xã hội vốn teo tóp của người nông dân bị chính quyền tùng xẻo, xâu xé đến mức hàng ngàn nông dân phải màn trời chiếu đất, hàng triệu dân oan ra đời và chưa dừng ở đó…
(Còn nữa…).
No comments:
Post a Comment