Monday, December 12, 2016

Tranh cãi quanh chuyện bổ nhiệm vụ phó 26 tuổi

Vũ Minh Hoàng (phải), người từng giữ chức Vụ phó Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong một bức hình được truyền thông trong nước nói là được chụp khi anh tham gia diễn đàn chính sách thanh niên Châu Âu vào tháng 4 năm 2014
Vũ Minh Hoàng (phải), người từng giữ chức Vụ phó Vụ Kinh tế Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, trong một bức hình được truyền thông trong nước nói là được chụp khi anh tham gia diễn đàn chính sách thanh niên Châu Âu vào tháng 4 năm 2014

 An Tôn - VOA
12.12.2016 
Một ban của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ kiểm tra lại quy trình bổ nhiệm một cán bộ trẻ gây nhiều tranh cãi. Trong khi đó, một chuyên gia kinh tế nói do thiếu sự giám sát của nhân dân nên quy trình của Việt Nam tưởng như chặt chẽ nhưng vẫn có nhiều vụ bổ nhiệm sai người.
Theo các báo mạng lớn tại Việt Nam, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ mới đây đã lập một tổ kiểm tra toàn bộ quy trình nhân sự liên quan đến ông Vũ Minh Hoàng, 26 tuổi. Ông Hoàng đã được bổ nhiệm làm Vụ phó Vụ Kinh tế của Ban hồi giữa tháng 1 năm 2016. Một tháng sau, ông chuyển công tác và được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ triển lãm thành phố Cần Thơ.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho hay, tổ công tác sẽ làm việc từ ngày 12 tháng 12, kiểm tra chi tiết các khâu từ tuyển dụng, cử đi học, bổ nhiệm chức vụ phó, chuyển công tác về Ủy ban Nhân dân Cần Thơ liên quan đến ông Hoàng, người có quê ở Bắc Ninh.
Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ có chức năng giúp Đảng Cộng sản chỉ đạo thực hiện các quyết sách của đảng về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo tường thuật của báo chí trong nước, khoảng đầu năm 2014, ông Vũ Minh Hoàng đến thăm một người chú khi đó là đại tá công an, giữ chức Vụ phó An ninh-Quốc phòng của Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Sau đó, vào đầu tháng 6 năm 2014, ông Hoàng được tuyển thẳng vào làm việc tập sự về xúc tiến đầu tư cho Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ dựa trên cơ sở là ông “thông thạo nhiều thứ tiếng” cũng như “tốt nghiệp thạc sĩ loại xuất sắc.”
Một tháng sau, ông được cử đi du học, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Nhật Bản đến tháng 9 năm 2017. Mặc dù quá trình học chưa kết thúc, ông đã liên tiếp được bổ nhiệm, luân chuyển như đã nêu ở trên.
Thiếu tướng Nguyễn Đoàn Kết, Vụ trưởng Vụ An ninh-Quốc phòng, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ, mới đây nói với một tờ báo Việt Nam rằng ông không biết việc tiếp nhận, đề bạt ông Hoàng. Ông cũng nói thêm là trong 10 năm công tác ở Ban, ông “chưa thấy trường hợp nào bổ nhiệm quá nhanh như Vũ Minh Hoàng."
Việc bổ nhiệm ông Hoàng tuy đã diễn ra từ đầu năm nay, song cách đây ít ngày được báo chí trong nước nêu lên, dẫn đến nhiều chỉ trích trong công luận về sự thiếu minh bạch và quan hệ thân hữu trong giới chức Việt Nam. Về sự việc này, chuyên gia kinh tế Pham Chi Lan nhận xét với VOA:
“Tại sao anh ta lại được bổ nhiệm lại nhất là còn đang trong quá trình đi học mà đã lại được bổ nhiệm vào những chức vụ tương đối cao? Chính các quy trình bổ nhiệm không rõ ràng, nó khá là mù mờ và không có một sự cạnh tranh thực sự thì làm cho mọi người thắc mắc. Rất cần có những người trẻ nhạy bén hơn với thời cuộc, nắm bắt nhanh hơn các vấn đề, để cho các người trẻ đó lên nắm các vị trí cao hơn trong lãnh đạo đất nước, cũng như các bộ ngành hay các địa phương. Nhưng mà việc cử bất cứ ai lên thì phải qua một quá trình minh bạch, sòng phẳng. Phải công khai ra. Thì nếu có một quá trình minh bạch thì chắc chắn sẽ không ai phản đối gì.”
Bà Lan cho rằng nhiều trường hợp bổ nhiệm công chức, quan chức ở Việt Nam gây phản ứng xấu trong công luận là do quy trình chọn lựa không có sự cạnh tranh và không rõ các chuẩn mực tuyển dụng. Bà chỉ ra một thực tế đáng lo ngại:
“Cái điều đáng buồn ở Việt Nam từ xưa nay về cán bộ hay là về bổ nhiệm, đề bạt, nhà nước đưa ra một quy trình tưởng như rất chặt chẽ và qua rất nhiều tầng nhiều nấc. Nhưng rút cục thì đã có khá nhiều trường hợp bổ nhiệm đúng quy trình nhưng vẫn sai về con người, vẫn không đúng con người đạt được chuẩn đó. Bản thân ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có lần phải thốt lên, phải nói là tuyển dụng là phải tuyển người tài, chứ không phải tuyển người nhà. Chuyện người nhà lâu nay nó trở thành một tình trạng quá đáng ở Việt Nam đến nỗi dư luận rất bức xúc.”
Cách đây ít hôm, ông Vũ Minh Hoàng nói với báo mạng VnExpress rằng bằng cấp của ông là đủ tiêu chuẩn để ông được tuyển dụng không qua thi tuyển vào Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Đồng thời, việc ông được Ban tuyển dụng có sự đồng ý từ cấp trung ương, chứ không phải nhờ ảnh hưởng của người chú ruột từng là Vụ phó An ninh-Quốc phòng của Ban.

No comments:

Post a Comment