HÀ NỘI (NV) – Nhà cầm quyền Việt Nam “kiên quyết phản đối” việc Trung Quốc tổ chức kỷ niệm cái gọi là “70 năm thu hồi Hoàng Sa, Trường Sa” và kêu gọi đừng “gây phức tạp tình hình.”
Hôm 8 tháng 12 tại Bắc Kinh, nhà cầm quyền Trung Quốc tổ chức kỷ niệm “70 năm thu hồi các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” biểu dương “quyết tâm bảo vệ chủ quyền không thể tranh cãi trên Biển Ðông.” Tờ Hoàn Cầu Thời Báo viết như thế và dụ dỗ rằng Trung Quốc “sẵn sàng hợp tác với các nước láng giềng.’
Tờ Hoàn Cầu Thời Báo còn dẫn lời Tướng Ngô Bang Lập (Wu Shengli) tư lệnh Hải Quân Trung Quốc khoe khoang rằng, “Thu hồi các quần đảo này là một thành quả quan trọng của Trung Quốc chống lại ngoại xâm, chứng tỏ Trung Quốc cương quyết bảo vệ trật tự thế giới sau chiến tranh (Thế Chiến Thứ Hai) và khẳng định đất nước bảo vệ lợi ích và chủ quyền quốc gia trên Biển Ðông.”
Tờ báo trên nói năm 1946 Trung Quốc đã cho 4 chiếc tàu tới thu hồi các quần đảo do Nhật chiếm trên Biển Ðông. Một cuộc triển lãm “150 nhóm hình ảnh” về “thu hồi” các đảo trên “Nam Nải” được tổ chức ở thành phố Hải Khẩu, thủ phủ của tỉnh Hải Nam vào ngày 12 tháng 12, 2016, bản tin Tân Hoa Xã nói.
Tại Hà Nội, nhà cầm quyền Việt Nam cho phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao lên tiếng phản đối các hành động kỷ niệm “thu hồi” các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà thực chất chỉ là những lần đi cướp.
“Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, lãnh thổ lâu đời của Việt Nam. Sau Chiến Tranh Thế Giới Thứ Hai, cộng đồng quốc tế đã bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với hai quần đảo này.” Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình nói ở Hà Nội hôm 12 tháng 12, 2016.
Ông Lê Hải Bình nói tiếp rằng, “Hoạt động nói trên của Trung Quốc không thể làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đi ngược lại xu thế phát triển quan hệ hiện nay giữa hai nước, gây phức tạp tình hình. Việt Nam kiên quyết phản đối.”
Ở thế yếu, Việt Nam chỉ phát biểu những lời phản đối suông, không có một hành động nào khác khả dĩ làm Trung Quốc chùn lại các hành động bá quyền bành trướng.
Tuần trước, người ta đã thấy Bắc Kinh kêu gọi Hà Nội “kềm chế,” “không làm phức tạp thêm tình hình” khi nghe tin Việt Nam cải tạo luồng lạch cho tàu vào đảo chìm Ðá Lát ở quần đảo Trường Sa.
“Trung Quốc thúc giục các nước liên quan tôn trọng chủ quyền và lợi ích của Trung Quốc, chấm dứt các sự chiếm đóng và xây dựng bất hợp pháp, cũng như kềm chế không có hành động nào làm phức tạp thêm tình hình.”
Dịp này, Lục Khảng, Pphát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc nói rằng: “Trung Quốc có chủ quyền ‘không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa gồm cả Nhật Tích Tiêu’ và kêu gọi các nước liên quan tranh chấp ‘làm việc với Trung Quốc cho hòa bình và ổn định trên Biển Ðông.’”
Tuy tuyên bố có chủ quyền “không thể tranh cãi” với hơn 80% Biển Ðông theo cái vạch 9 đoạn hình “lưỡi bò” nhưng Bắc Kinh chỉ cướp một số bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa sau cuộc chiến ngắn ngủi hồi năm 1988 ở bãi đá cạn Gạc Ma, trước đó cướp quần đảo Hoàng Sa năm 1974 sau trận hải chiến với VNCH.(TN)
No comments:
Post a Comment