Monday, December 12, 2016

‘Tài sản bảo đảm chiếm trên 90% tổng nợ xấu’ nhưng sao không giải quyết được?

‘Tài sản bảo đảm chiếm trên 90% tổng nợ xấu’ nhưng sao không giải quyết được?
Ngày 6/12/2016, một quan chức lãnh đạo của Ngân hàng nhà nước là Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh lại tìm cách trấn an: “Tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản bảo đảm chiếm trên 90% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, khâu xử lý tài sản bảo đảm của các tổ chức tín dụng gặp nhiều vướng mắc đã tác động đến tốc độ xử lý nợ xấu…”.
Trấn an trên được nêu ra tại Hội thảo “Quyền xử lý tài sản bảo đảm của tổ chức tín dụng”.
Nhưng chỉ cách đây hai tháng, vào tháng 10/2016, một báo cáo của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết “nợ xấu vẫn còn nhiều tiềm ẩn rủi ro và việc xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là nợ xấu liên quan đến vụ án chiếm tỷ trọng cao tới gần 49% trong tổng nợ xấu. Đây là khoản nợ khó xử lý và phần lớn các khoản nợ này vẫn chưa xử lý thu hồi được”. Đây là một bằng chứng mới nhất về nguồn gốc nợ xấu, húc đổ toàn bộ cơ sở luận của những kẻ chỉ muốn “lấy của người nghèo chia cho người giàu”, thông qua việc lấy ngân sách để “xử lý nợ xấu”.
Bằng chứng trên cũng trực tiếp phủ nhận lời trấn an của Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh về tỷ lệ nợ xấu có bảo đảm bằng tài sản, bảo đảm chiếm trên 90% tổng nợ xấu, tức nợ xấu sẽ dễ dàng thu hồi.
Trong thực tế của nhiều vụ án ngân hàng như vụ “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như lừa đảo ACB và Vietinbank đến 5,000 tỷ đồng, vụ Phạm Công Danh cùng Ngân hàng Xây dựng với 9,000 tỷ thất thoát, hay 3 Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng GP có tổng nợ xấu lên đến vài chục ngàn tỷ đồng và gấp đôi vốn điều lệ, quan chức nào dám bảo đảm rằng những cá nhân và ngân hàng đó có một phần tài sản bảo đảm để thu hồi nợ xấu?
Cũng trong thực tế, khả năng thu hồi số thất thoát do tham nhũng là rất thấp. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam lại quá tệ so với mặt bằng chung trên thế giới. Nếu Việt Nam luôn bị Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) liệt vào nhóm cuối của các nước trên thế giới về độ minh bạch nhưng lại đứng ở top đầu về nạn tham nhũng, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng ở Việt Nam chỉ khoảng 8% theo số báo cáo, so với yêu cầu quốc tế ít nhất 30%.
Kỳ họp quốc hội cuối năm 2016 cũng là một bằng chứng không thể chối cãi về việc cơ quan này đã không cách nào tìm được “nguồn lực phù hợp” để cứu vãn nợ xấu.
Từ khi ra đời vào năm 2013 cho tới nay, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) đã gần như không làm được bất kỳ việc gì để giải quyết nợ xấu. Tỷ lệ “xử lý nợ xấu” vào khoảng 10% tổng nợ xấu mà VAMC báo cáo thực ra chỉ là VAMC mua nợ xấu của các ngân hàng thương mại bằng… giấy. Thậm chí số tiền 2 ngàn tỷ đồng mà ngân sách nhà nước cấp cho VAMC từ lúc thành lập, cho đến nay VAMC vẫn chưa chi ra một đồng “tiền tươi thóc thật” nào để mua nợ xấu. Trong 3 năm qua, con số 2 ngàn tỷ đồng đó nếu được VAMC làm theo cách “lương thiện” nhất là gửi ngân hàng lấy lãi, thì cũng quá đủ nuôi sống toàn bộ máy của VAMC!
Lê Dung / SBTN  

No comments:

Post a Comment