Monday, December 12, 2016

Lũ lụt và mùa giáp hạt tại miền Trung

Nhóm phóng viên tường trình từ VN 
Theo RFA-2016-12-12  
Nhiều người nuôi cá lồng bè bị mất trắng vì thủy điện xả lũ.
 Nhiều người nuôi cá lồng bè bị mất trắng vì thủy điện xả lũ.  RFA photo
Mùa giáp hạt ở miền Trung không gay gắt, đói kém như mùa giáp hạt ở các tỉnh miền núi phía Bắc. Nhưng nếu như thiên tai, nhân họa rơi vào mùa giáp hạt thì câu chuyện lương thực của người miền Trung sẽ hết sức bi thảm bởi nhiều yếu tố. Trong đó vấn đề cạn lương thực dự trữ và mất vụ đệm sẽ dẫn đến hệ quả khó lường.
Lương thực dự trữ và vụ đệm
Để hiểu được thế nào là lương thực dự trữ và vụ đệm, có lẽ phải nghe ông Bình, một nông dân ở Đại Lộc, Quảng Nam chia sẻ: “Thường thì vụ ni là vụ đệm, ở miền Trung có các bãi biền để làm vụ này. Người ta trồng dưa leo, đậu xanh, đu đủ, cà chua, cà tím, cà trắng… Các loại hoa củ quả gần như đầy đủ ở vụ đệm này. Vụ này giá thành rất cao, có thể gấp mười, mười lăm lần những vụ khác. Ví dụ như một chục (12 bó) cải xanh trong vụ này lên đến 100 đến 150 ngàn đồng. Vụ này là vụ thu hoạch cao nhất của người nông dân, dành tích lũy cho cả năm. Nhưng nếu gặp mưa lụt thì coi như xong…”.
Ông Bình cho biết thêm là khái niệm mùa giáp hạt ở miền Trung khá mờ nhạt kể từ năm 1995 đến nay, nghĩa là từ khi có Khoán 10, chia đất ruộng cho người nông dân tự canh tác. Nhưng ở một số năm, mùa giáp hạt lại nổi lên như một hiện tượng tự nhiên. Ví dụ như năm 1999, năm có lụt lớn, năm 2010, và năm nay. Những trận lũ lụt liên tục kéo về khiến cho vấn đề dự trữ lương thực bị trục trặc.
Vụ này là vụ thu hoạch cao nhất của người nông dân, dành tích lũy cho cả năm. Nhưng nếu gặp mưa lụt thì coi như xong…
- Một nông dân Quảng Nam 
Cái trục trặc đầu tiên là lúa bị ướt, hầu hết lúa gạo dự trữ ở Lệ Thủy và ba Đồn, Quảng Bình, ở Hương Khê, Hà Tĩnh đều bị ướt, ngấm nước và nảy mầm. Hiện tại, lúa ở Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam cũng bị ướt với số lượng không nhỏ. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến lương thực dự trữ của nông dân. Vì vụ chuyển tiếp từ Hè Thu Muộn sang Đông Xuân là vụ dài nhất, kéo dài gần hai tháng, cộng thêm thời gian chờ thu hoạch lúa Đông Xuân nữa là ngót nghét 5 tháng ròng. Trong khi đó, mùa mưa, không thể làm gì để kiếm tiền, người nông dân phải bán bớt lúa để chi tiêu việc khác. Một khi lương thực dự trữ bị ngập ướt thì nguy cơ đói hiện ra rất rõ.
Và mùa giáp hạt ở miền Trung thực sự trở thành vấn đề nan giải đối với người nông dân một khi thiên tai, nhân họa ập xuống. Còn ở những năm không có thiên tai, người nông dân miền Trung với bản tính ham làm, yêu ruộng đồng của mình, họ không những không bị đói kém mà còn có thể sống một cách thoải mái nhờ nào vụ đệm.
Một nông dân khác tên Trung, Bình Sơn, Quảng Ngãi chia sẻ: “Ở các xã đều ngập hết nước, ngập nhiều, chết người cũng có, ngập hết các loại hoa màu hết. Từ Mộ Đức tới Nghĩa Hành đều bị ngập. Năm nay lúa bị ngập ít do người ta kịp dọn. Riêng hoa màu thì ớt bị ngập hư hết 100% luôn!”.
Giải thích thêm về vụ đệm, ông Trung nói rằng chỉ có miền Trung là có vụ đệm rõ nét nhất. Bởi vì với đặc thù trung du, đồi núi nằm liền kề đồng bằng và có những con sông mang phù sa chảy từ Trường Sơn xuống Biển Đông đã tạo nên những bãi biền bạt ngàn, những khu vườn rộng thoáng. Và những khu vườn, bãi biền này chỉ có thể canh tác tốt nhất vào mùa mưa bởi thời tiết nắng hạn mùa hè không thể canh tác. Vô hình trung, khi các miền khác không thể canh tác hoa màu, rau xanh vào mùa mưa thì miền Trung lại là nơi sản xuất và cung cấp các loại củ quả, rau xanh cho cả nước. Lúc này, giá rau xanh và củ quả khá cao, người miền Trung bội thu vụ rau này.
Việc chăn nuôi cũng vậy, các ao nuôi cá và lồng cá trên sông ở miền Trung thường bội thu vào mùa mưa theo con nước tự nhiên. Thế nhưng một khi các đập thủy điện xả đập, lưu lượng nước dâng lên một cách bất thường sẽ kéo theo hậu quả hoa màu, rau củ quả và các loài cá nuôi không kịp thích nghi, chết hàng loạt. Cứ mỗi lần thủy điện xả lũ thì người miền Trung bị mất trắng vụ đệm mùa Đông.
Hiện tại, nước lũ vẫn tiếp tục dâng cao ở Bình Định, Quảng Ngãi và Quảng Nam, vụ rau đệm và chăn nuôi mùa Đông của nông dân nơi đây xem như hoàn toàn phá sản.
Chính quyền đã nói gì, làm gì?
400.jpg
Thùng rác cũng phải xích lại sợ lũ cuốn trôi. RFA photo
Trước tình hình mưa lũ miền Trung, từ Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh đến Nghệ An, chiều dài của gần một nửa đất nước Việt Nam bị ba lần chìm trong mưa lũ, thiệt hại về tính mạng người lên đến ngót nghét 50 người, thiệt hại về tài sản nhiều vô kể. Nhưng đài tiếng nói Việt Nam trong tuần này đã phát đi bản tin lũ lụt miền Trung với nội dung: “Do người dân chưa có thói quen phòng chống lũ và quá chủ quan với lũ lụt nên hậu quả xảy ra rất nặng. Người dân cần phải tập thói quen đề phòng, phòng chống lũ lụt”.
Bản tin này chẳng khác nào lời lên án người dân sống ơ hờ với bản thân, thiếu cảnh giác trước lũ lụt nên hậu quả mà người dân gánh chịu là chuyện đương nhiên. Bản tin cũng tuyệt nhiên không nhắc đến những lần xả đập, nguyên nhân gây ra lũ lụt và trách nhiệm của thủy điện đối với thiệt hại do xả đập gây ra.
Đủ các loại thủy điện hết. Mà thủy điện do chủ tịch tỉnh quyết định nên dân bị nặng. Nông dân mất trắng hết giống, nông dân khổ lắm em ơi.
- Một chủ tịch huyện
Một Chủ tịch huyện miền núi ở Quảng Nam không muốn nêu tên, tỏ ra bức xúc: “Xả đập trên sông Vu Gia có tới 9 thủy điện luôn. Từ A Vương, Sông Tranh 1, Sông Tranh 2, Sông Bung 1, Sông Bung 2… Đủ các loại thủy điện hết. Mà thủy điện do chủ tịch tỉnh quyết định nên dân bị nặng. Nông dân mất trắng hết giống, nông dân khổ lắm em ơi."
Theo vị này, vấn đề lợi ích nhóm đã nhiễm quá nặng trong hệ thống nhà nước và nó chi phối toàn bộ hệ thống thông tin cũng như các hệ thống có tính kế cận của nhà nước. Chính vì vậy, khi đụng tới thủy điện cũng có nghĩa là đụng tới lợi ích nhóm. Mà để có được lợi ích nhóm, các nhóm lợi ích sẵn sàng đánh đổi mạng sống cũng như tài sản của hàng triệu dân đen để có nó, đó là một thực tế. Bởi họ quan niệm rất đơn giản rằng mỗi nhà chỉ thiệt hại vài triệu đồng hoặc trâu bò, heo gà, hoặc một mạng người thì không ảnh hưởng gì đến cái chung của một thể chế và một hệ thống chính trị.
Chính vì vậy, chuyện lũ lụt miền Trung do xả đập cũng là chuyện bình thường, người dân phải tự lo lấy thân và qui luật kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, bản chất của nó có tính bắc cầu, mỗi thây rơi là một nhịp cầu như thơ Tố Hữu vậy!
Và thực ra, cái mà người nông dân miền Trung phải chuẩn bị để đón nhận là biển sẽ ngày càng hẹp lại, trở nên dữ tợn và độc hại, rừng ngày càng teo tóp, đất đai khô cằn vào mùa nắng bởi thủy điện tích nước để sản xuất điện và trở thành biển nước vào mùa mưa nếu như lưu lượng mưa lớn, thủy điện xả nước để bảo vệ thân đập. Đó là một loại chân lý mới dành cho người miền Trung nếu như còn muốn tồn tại.
Nói đến đây, ông chủ tịch huyện kỳ lạ này nói thêm là nếu rảnh thì cùng ngồi uống với ông vài ve rượu và đừng hỏi gì thêm. Bởi cho đến lúc này, ông cũng không nghiệm ra mình đang là loại người nào trong dân tộc Việt Nam này!

No comments:

Post a Comment