Monday, December 12, 2016

Ngư dân bỏ nghề

Thông tín viên VN 
Theo RFA-2016-12-12 
Anh Sáu, ngư dân Đà Nẵng.
  Anh Sáu, ngư dân Đà Nẵng.  RFA photo
Tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng trong những năm qua bởi Trung Quốc tiến hành nhiều biện pháp quyết đoán nhằm khẳng định chủ quyền gần 90% khu vực biển giàu tài nguyên thiên nhiên và là tuyến đường hàng hải quan trọng đó.
Hoạt động bành trướng trên biển như thể nhắm trực tiếp đến ngư dân miền Trung Việt Nam. Cụ thể trong thời gian qua, nhiều tàu đánh bắt hải sản của Việt Nam bị xua đuổi, cướp phá, đâm chìm và có cả trường hợp ngư dân mất mạng. Kế mưu sinh từ bao đời nay của ngư dân ven biển bị tác động đáng kể; thậm chí có người không thể nào trụ được với kế mưu sinh truyền thống mà bao đời cha ông họ theo đuổi.
Anh Sáu ở Đà Nẵng làm nghề đánh bắt cá được 20 năm nhưng nay phải bỏ nghề cho biết:
“Bây giờ không làm nữa, cá mắm không có. Bây giờ đi trong đất liền một ngày, hai ngày họ đi, chứ (ra xa) lâu ngày họ không còn đi, ít đi lắm, bây giờ họ bỏ biển rất nhiều.  Đà Nẵng giữa tầm cỡ chục chiếc là nhiều rồi, không tới chục chiếc.  Họ bỏ nghề hết rồi.”
Trên thực tế, nếu có tiếp tục đi đánh bắt cá thì cũng không đủ kinh phí để trả nợ mặc dù chính quyền có hỗ trợ dầu và cho vay để đóng tàu, nhưng theo anh:
“Bây giờ họ cho đó, ví dụ nhà nước hỗ trợ bao nhiêu phần trăm, rồi đóng tàu, rồi bao nhiêu năm trả, bây giờ họ mua biết đời con đời cháu nào họ trả cho nổi.”
Hiện nay anh Sáu hành nghề mới đưa khách du lịch từ thành phố ra đảo; tuy nhiên công việc mới đó cũng chật vật chứ không được như xưa. Anh cho biết:
“Hồi du lịch đây họ kêu mình đi thì ngày bao nhiêu đồng, thí dụ có thì đi không có thì ở nhà miết, chuyện đi hằng ngày thì chắc không có. Hồi xưa làm biển một người nuôi 5-10 người, bây giờ làm biển 1 người nuôi 2 người không nổi.”
Mong muốn của những người dân như anh Sáu hiện nay là ngày nào có việc gì làm để kiếm sống qua ngày đều tốt cả.
“Mong muốn ví dụ như nhà nước kêu gọi mình làm thứ gì bất kể không cần biết, làm sông làm biển làm bờ làm đâu không cần biết mà có việc làm là tôi sẵn sàng.”
Trường hợp của anh Beo cũng tương tự như anh Sáu. Anh phải bỏ nghề đi biển, chuyển chiếc tàu sang hành nghề chở khách du lịch. Khách kêu đâu chạy đó nhưng theo tài mỗi tàu chỉ được phân chở khách một lần mà thôi. Trong những ngày khác, anh phải kiếm việc làm thêm, anh chia sẻ về công việc mới này:
“Chú cũng vừa đi biển mà vừa giữ tàu, chú soạn ra chương trình để chở khách đi ra kiếm vài đồng để nuôi ba đứa nhỏ, có bao nhiêu một tuần chạy có một ngày, ngày có một triệu bạc hay 7-8 trăm cũng chỉ để phụ thêm để giúp thêm cho vài đồng nữa cho những đứa nhỏ học hành thêm.”
Ước mơ của những ngư dân không còn bám biển như hai anh Sáu và Beo tương tự của rất nhiều người tại Việt Nam trong tình hình công ăn, việc làm nói chung trở nên hạn hẹp bấy lâu nay.
Bản tính ‘chịu thương, chịu khó’ của người Việt không cho phép họ ngồi không; do đó không làm được nghề này, họ phải chuyển sang việc khác.

No comments:

Post a Comment