Monday, December 12, 2016

Hà Tĩnh: Hai vụ biểu tình nổ ra trong cùng một ngày vì Formosa

Hơn 1000 ngư dân và là giáo dân giáo họ Làng Khe, thuộc giáo xứ Thu Chỉ tới UBND xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, yêu cầu đòi bồi thường. (Hình: GNsP)
HÀ TĨNH (NV) – Hàng ngàn người dân khu vực huyện Kỳ Anh và huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã biểu tình đòi đuổi công ty Formosa đầu độc môi trường cũng như đòi bồi thường thiệt hại thỏa đáng.
Theo bản tin của truyền thông Công Giáo Tin Mừng Cho Người Nghèo (GnsP) ngày 12 tháng 12, hàng ngàn người dân vùng biển thuộc xã Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh), và các xã Kỳ Văn và Kỳ Tân (huyện Kỳ Anh), tỉnh Hà Tĩnh, đã tập trung ngay đoạn đường đi vào thị xã Kỳ Anh, quốc lộ 1A, biểu tình đòi đuổi công ty gang thép Formosa cút khỏi Việt Nam. Ðồng thời họ đòi nhà cầm quyền bồi thường thỏa đáng cho bà con ngư dân.
Theo GNsP tường thuật, lý do chính mà bà con ngư dân xuống đường biểu tình vì “nhà cầm quyền đang làm ngơ trước sự mất mát cả cơ nghiệp của người dân và dân tộc Việt Nam, các gia đình lâm vào cảnh nghèo túng, trẻ em thất học…”
Theo bản tin của GNsP, Linh Mục Phaolô Lê Xuân Lộc, của Dòng Chúa Cứu Thế (DCCT), phụ trách trang Tin Mừng Cho Người Nghèo, có mặt tại hiện trường kể cho biết: “Người dân biểu tình tại quốc lộ 1, giao thông bị ùn tắc, di chuyển chậm. Nhà cầm quyền huy động nhiều xe biển số xanh, cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động có vũ khí chuyên dụng, an ninh mặc thường phục… đe dọa bà con.”
Nhiều băng rôn biểu ngữ được bà con mang theo với nội dung: “Khởi tố Formosa,” “Formosa là thảm họa của đất nước,” “Tôi cần biển, cần tôm, cần cá, không cần sắt thép”…
GNsP thuật lời một phụ nữ lớn tuổi tham gia biểu tình bầy tỏ sự phẫn nộ: “Chúng tôi yêu cầu Trung Quốc trả lại biển sạch cho chúng tôi, để chúng tôi có việc làm, bây giờ biết làm gì mà sống. Chính quyền hứa là sẽ bồi thường cho chúng tôi, nhưng đến tháng 12 rồi vẫn chưa nhận được gì. Chúng tôi ở Kỳ Hà. Bây giờ chúng tôi chỉ biết ngồi ở nhà, chứ biết làm nghề gì đây khi nghề chính của chúng tôi là đi biển. Chúng tôi ở ngay biển mà không nhận được đồng nào, không bồi thường cho chúng tôi thì chúng tôi xuống đường biểu tình.”
Trong một bản tin khác, GNsP cho biết, cùng ngày 12 tháng 12, 2016, hơn 1,000 bà con ngư dân và là giáo dân giáo họ Làng Khe, thuộc giáo xứ Thu Chỉ đã tới Ủy Ban Nhân Dân xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, “yêu cầu đòi bồi thường sau sự cố môi trường biển do ‘nhân tai’ Formosa gây ra.”
Hà Tĩnh: Hai vụ biểu tình nổ ra trong cùng một ngày vì Formosa
Dân tại xã Kỳ Hà, Kỳ Văn và Kỳ Tân, tỉnh Hà Tĩnh, biểu tình đòi tiền bồi thường và đuổi Formosa đi khỏi Việt Nam. (Hình: GNsP)
Họ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì môi trường đã bị nhà máy Fomosa gây ra. Từ nhiều tháng nay người dân nơi đây đã trực tiếp chịu nhiều thiệt hại về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Dẫn đầu đoàn ngư dân và là người đại diện pháp lý cho bà con là Linh Mục Phêrô Trần Phúc Cai, quản xứ giáo xứ Thu Chỉ, thuộc giáo phận Vinh.
Theo nguồn tin trên, bà con ngư dân nói rằng, sau khi xảy ra vụ thảm họa cho đến nay đã hơn 5 tháng mà tiền đền bù vẫn chưa đến tay các hộ gia đình. Bà con ngư dân yêu cầu, giới chức địa phương minh bạch các khoản đền bù, quan tâm đến cuộc sống nghèo của người dân. Vấn đề đáng nói ở đây là việc tiến hành chi trả bồi thường cho ngư dân lại diễn ra quá phức tạp, gây nhiều khó khăn, thậm chí làm suy giảm quyền lợi của ngư dân, chính điều này đã dẫn tới sự phẫn nộ cho bà con ngư dân.
Sau khi nhà máy gang thép Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, xả trực tiếp chất thải độc hại ra biển hồi đầu Tháng Tư 2016, tất cả các loại hải sản và các loại sinh vật biển đã trúng độc chết hết suốt một dọc 4 tỉnh miền Trung từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên-Huế.
Sau mấy tháng rềnh rang điều tra và kết quả của cuộc điều tra không được công bố đầy đủ cho dân biết, người ta chỉ thấy loan báo công ty Formosa nhận lỗi và trả số tiền bồi thường 500 triệu đô la. Nhiều nhà phân tích cho rằng số tiền bồi thường quá nhỏ so với sự thiệt hại cho môi trường biển Việt Nam còn kéo dài nhiều thập kỷ. Ngay trước mặt, hàng triệu người dân Việt Nam dọc theo các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế.
Nhà cầm quyền bắt đầu lấy số tiền bồi thường của Formosa phát lại cho dân nhưng chỉ bồi thường cho họ từ tháng 4 đến tháng 9, 2016 với số tiền rất nhỏ so với sự thiệt hại, trước một tương lai bất định. Tại một số địa phương, nhà cầm quyền đã đi thu lại một nửa tiền bồi thường của người dân.
Trước đó, vào hai ngày 26 và 27 tháng 9 vừa qua, người dân thuộc giáo xứ Phú Yên và các khu vực phụ cận thuộc huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, đã nộp 506 đơn kiện Formosa tại tòa án thị xã Kỳ Anh. Nhưng đến ngày 7 tháng 10, tòa án thị xã Kỳ Anh đã gửi trả tất cả 506 đơn kiện Formosa với lý do “không đủ chứng cứ chứng minh thiệt hại.”
Nếu sự đền bù cho các người dân bị thiệt hại vì Formosa đầu độc môi trường không thỏa đáng, những vụ biểu tình chống cả nhà cầm quyền và Formosa sẽ còn tái diễn. (TN)

No comments:

Post a Comment