Kính Hòa, phóng viên RFA 2016-12-12
Bà Cần Thị Thêu tại tòa án nhân dân Hà Nội ngày 30 tháng 11 năm 2016. AFP photo
Luật pháp và luật sư
Việt Nam tiếp tục xuất hiện trong các báo cáo của các tổ chức nhân quyền quốc tế. Những người hoạt động dân sự, những nông dân mất đất, tiếp tục bị bắt giữ. Và những phiên tòa có kết cục biết trước vẫn xảy ra. Phiên tòa mới nhất xử bà Cấn Thị Thêu, bác bỏ lời kêu oan của bà, tiếp tục thi hành bản án tù giam cho người nông dân này.
Theo dõi phiên xử này, blogger, nhà báo Trương Duy Nhất nhớ lại phiên xử chính anh cách đây vài năm:
Phòng xử án, như thể có chủ ý từ khâu thiết kế. Tất tật bé tẹo, chủm hum vài hàng ghế, băng gỗ liền nối như kiểu lớp học vỡ lòng thời... thế kỷ trước. Cho dù trụ sở toà án nào cũng sừng sững nguy nga.
Những kịch bản được soạn sẵn. Thậm chí dự phòng cả phương án trấn áp. Một phương cách hành xử thô bạo, vi phạm nghiêm trọng luật Tố tụng từ chính 3 ngành toà án, kiểm sát, công an.
Đặc biệt, nhiều phiên toà Hà Nội, lực lượng an ninh còn bố ráp như đánh trận, đưa xe buyt lùa bắt dân như bắt... lợn!
Không ít vụ, cả luật sư cũng bị chặn đuổi không cho vào phòng xử.
Trong tư duy của họ, không có chỗ dành cho những suy nghĩ tốt đẹp về dân, về những người chỉ đơn giản là không tuân phục cái đảng của họ.
- Nhà báo Đoan Trang
Đấy, mới chỉ nói phần “thủ tục” và hình thức xét xử. Chưa bàn đến những nội dung trong toà, trong quá trình xét xử, tranh tụng...
Một nhà hoạt động dân sự trẻ tuổi, đồng thời cũng là blogger, Nguyễn Anh Tuấn có nhận xét về cái cách mà cơ quan chấp pháp Việt Nam làm việc, cũng như thái độ của báo giới chính thống Việt Nam, của xã hội Việt Nam về luận tội, về kết án:
Công an bắt được một nghi phạm. Người này chẳng hề được thông báo là anh ta có quyền im lặng, luật sư thì không được tiếp cận từ đầu để đảm bảo nghi phạm không bị bức cung, nhục hình. Báo chí, sau khi lấy tin từ công an, viết hàng loạt bài gọi luôn nghi phạm là 'tên tội phạm', mô tả chi tiết hành vi của nghi phạm như thể đó là sự thật khách quan, xong thì thay luôn quan tòa kết án. Viên chức dân cử thì đến thẳng buồng tạm giam, đóng luôn vai trò của điều tra viên, đặt ra các câu hỏi theo lối khẳng định luôn nghi phạm có tội để báo chí đưa tin. Cả xã hội theo đó sẽ ào ào lên hành xử với nghi phạm này như thể anh ta chắc chắn đã có tội, tạo ra một áp lực rất lớn đối với quá trình xét xử sau đó của Tòa án.
Có một bước tiến lớn trong lĩnh vực tư pháp ở Việt Nam trong thời gian cầm quyền hơn 40 năm qua của đảng cộng sản Việt Nam, đó là từ chỗ chỉ có những hội thẩm nhân dân được chỉ định bào chữa cho bị cáo, đã tiến đến sự xuất hiện của các luật sư. Sự xuất hiện của họ kèm theo cả những hy sinh: một số lớn những tù nhân chính trị, bất đồng chính kiến là những luật sư.
Tuy nhiên những người trong cuộc chưa hài lòng về sự dấn thân nghề nghiệp của các luật sư, nhất là trong lĩnh vực cải cách tư pháp. Luật sư Ngô Ngọc Trai viết về vai trò của Liên đoàn luật sư:
Vị thế vai trò của luật sư trong đời sống chính trị kinh tế xã hội còn thấp. Ngoại trừ mảng luật sư thương mại đầu tư được hưởng lợi từ những cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của nhà nước từ hàng chục năm qua, với các chính sách cải cách thủ tục hành chính, cải cách thủ tục đầu tư doanh nghiệp khiến cho hành lang pháp lý tương đối rõ ràng thuận lợi.
Giới luật sư hơn ai hết phải gắn bó mật thiết và thúc đẩy cho các chương trình chính sách cải cách tư pháp, song xem ra Liên đoàn luật sư còn bàng quan và chưa nhìn ra những lợi điểm thuận lợi giúp cải thiện môi trường hành nghề cho giới mình.
Một luật sư khác là Lê Luân cho rằng luật sư Việt Nam không thể yên tâm sống trong một ngôi nhà pháp luật đầy bất công như hiện nay:
Nếu luật sư cứ tiếp tục hành động và sống chung một cách bình dị trong mái nhà luật pháp đầy bất công và dưới sự cai trị chuyên quyền phi lý thì cũng đồng nghĩa với việc họ đã, hoặc bỏ mặc chính nghề nghiệp của mình, hoặc từ bỏ chức phận của một người chân chính. Mà cả hai điều ấy thì đều tồi tệ như nhau đối với sự kìm hãm xã hội phát triển và văn minh. Đó cũng là đồng phạm của những tội ác mà họ không bao giờ thừa nhận hoặc dám nhìn vào nó để thức tỉnh mình thật sự.
Thay đổi
Không chỉ giới luật sư như luật sư Lê Luân nhận thấy sự kìm hãm phát triển xã hội, nhà văn Phan Hồng Giang trong lúc trả lời một trang mạng của giới blogger, nói rằng không thể giải quyết bằng những biện pháp trấn áp, kể cả trấn áp tư tưởng:
Quả là đạo đức xã hội đang suy đồi, đáng báo động ở mức cao nhất. Tăng cường nhiều công an tư tưởng là việc không nên làm, vì bản thân suy nghĩ – tư tưởng mới tồn tại trong đầu hoặc thể hiện qua lời nói, chữ viết ôn hòa thì chưa thể là – và không thể bị coi là – hành vi phạm tội. Còn tăng cường lực lượng cảnh sát, xây thêm nhà tù… ở khía cạnh trấn áp tội phạm, chừng mực nào đó, cũng có tác dụng ngắn hạn giáo dục đạo đức (ở mức tối thiểu là không vi phạm pháp luật). Và thực ra, theo tôi, tác dụng này cũng không quá lớn: Bằng chứng là dù số lượng cảnh sát đã tăng cao đến mức kỷ lục, nhà tù liên tục được mở rộng, xây thêm thì vẫn không đủ chỗ để nhốt tội phạm sinh sôi nẩy nở như nấm sau mưa!
Tương tự như vậy, blogger, nhà báo Đoan Trang viết rằng lực lượng chấp pháp tại Việt Nam nên thay đổi suy nghĩ của mình:
Trong tư duy của họ, không có chỗ dành cho những suy nghĩ tốt đẹp về dân, về những người chỉ đơn giản là không tuân phục cái đảng của họ. Trong đầu họ, chỉ rặt suy nghĩ đen tối về phong trào dân chủ, rặt những âm mưu đánh tổ chức này, phá sự kiện kia, diệt lũ đó, đập bọn ấy. Phá, phá, phá, và phá. Cuối cùng, cũng chỉ là để đạt mục đích ghi điểm, lập thành tích trước cấp trên, lập công dâng đảng, và kiếm chác.
Tôi cũng chán lắm mỗi khi phải viết những dòng như thế này, những dòng miêu tả, vạch mặt, chỉ trích và cả chọc tức họ – lực lượng an ninh bảo vệ đảng Cộng sản. Tôi vẫn nghĩ đó không phải là tính cách của tôi, càng không phải điều tôi muốn làm. Tôi chẳng thích thú gì khi phải viết về họ, hay phải ngồi đối diện, nhìn bộ mặt nhăn nhở của họ và nghe họ phán như thánh tướng về dân chủ, nhân quyền…
Đoan Trang viết tiếp rằng những điều cô muốn làm trong cuộc đời này là những công việc bình thường. Nhưng trong một bầu không khí khác thường của xã hội Việt Nam, Đoan Trang và nhiều bạn bè đã phải làm những chuyện mà đáng ra nó là bình thường trong một xã hội bình thường. Cô chống Trung quốc lấn áp Việt Nam trên biển Đông, chống việc chặt cây xanh vô tội vạ của các giới chức thủ đô Hà Nội, chống công ty Formosa gây ra thảm họa môi trường biển.
Đây sẽ là một cuộc đấu tranh lâu dài bởi chẳng có thành công nào dễ dãi và vì có quá nhiều kẻ đang làm giàu bất lương từ các đặc quyền mà chế độ hiện nay ban phát cho các thành viên của nó.
- Blogger Lãng Anh
Một blogger thường hay đưa những bình luận và phản biện sắc sảo trên mạng xã hội là Lãng Anh viết rằng tác giả tin rằng Việt Nam sẽ thay đổi, nhưng không tin rằng sự thay đổi đó thực hiện bằng hệ thống chính trị hiện tại của Việt Nam, mà là dựa vào các phong trào dân sự đang mạnh lên:
Tuy nhiên tôi cũng được chứng kiến những phong trào xã hội âm thầm nhưng mạnh mẽ. Ngày càng có nhiều người nói công khai về sự thay đổi, ngày càng có nhiều người chia sẻ với nhau những quan điểm về sự tự do. Những cái xấu bị lên án và ngày càng nhiều người được thôi thúc để hành động vì cái tốt. Có hàng nghìn người đã xuống đường vì thảm họa Formosa. Có hàng triệu người đã hưởng ứng phong trào “Một lá phiếu, một cái tên” trong cuộc bầu cử quốc hội khoá XIV vừa rồi, đủ đông đến mức làm thay đổi kết quả sắp xếp dự tính của ĐCS ở nhiều nơi. Tôi thậm chí biết rằng những tư tưởng xã hội tiến bộ được chia sẻ trên hệ thống truyền thông xã hội đang được tìm đọc không phải chỉ bởi những người Việt Nam khao khát tiến bộ và tự do, mà còn có cả nhiều thành phần cao cấp trong bộ máy nhà nước. Vẫn còn nhiều thứ để cứu vãn, vẫn còn nhiều thứ để đặt niềm tin và còn nhiều thứ để không bỏ cuộc.
Có thể nói các phong trào xã hội hướng tới tiến bộ là cách thức tốt nhất hiện nay để gây áp lực buộc thể chế hủ bại phải thoả hiệp. Sự lớn mạnh và thức tỉnh của xã hội nói chung sẽ đặt họ trước một tình huống lựa chọn: Hoặc thay đổi và nhượng bộ để cùng xây dựng một đất nước mới, hoặc níu kéo đặc quyền tới cùng để sẽ rồi là vực thẳm bạo loạn và chiến tranh khi các vấn nạn xã hội mà họ là thủ phạm đến giới hạn vô phương cứu chữa.
Đây sẽ là một cuộc đấu tranh lâu dài bởi chẳng có thành công nào dễ dãi và vì có quá nhiều kẻ đang làm giàu bất lương từ các đặc quyền mà chế độ hiện nay ban phát cho các thành viên của nó. Nhưng tôi chắc chắn là khi có đủ sự đoàn kết và thức tỉnh từ một số lượng đủ đông người Việt Nam, đất nước này vẫn còn tương lai.
Nhà báo Đoan Trang cũng hy vọng như vậy
Tôi có chán không? Câu trả lời cho đến nay vẫn là: Không. Nhưng nếu có mảy may nào, thì cái sự chán chỉ là vì chúng tôi cứ phải chiến đấu cho những điều đã trở thành hết sức bình thường ở những xã hội bình thường, trong khi cuộc chiến đấu đó đâu phải là tính cách hay niềm đam mê của chúng tôi.
Trở lại câu chuyện luật pháp, đầu tháng 12 này một cuộc hội thảo về án lệ được tổ chức tại thành phố Sài Gòn, và trước đó Việt Nam tham gia vào một tổ chức Liên minh các quốc gia củng cố chế độ pháp quyền, một luật sư người Nhật là ông Hirota Fushihara đang làm việc tại Việt Nam, viết bằng tiếng Việt rằng Đây là một sự kiện đáng ghi nhận cho Việt Nam. Ngoài ra ông có lời giải thích về các khái niệm pháp trị và pháp quyền, mới được đề cập trong công luận Việt Nam gần đây, và rất cần thiết để cải cách xã hội và dân chủ hóa thể chế:
Chúng ta biết về khái niệm Rule of law và Rule by law. Rule by law là cai trị bằng pháp luật, việc quản lý xã hội được thực hiện bằng việc sử dụng pháp luật, nên Rule by law có thê tồn tại ở bất kỳ quốc gia nào. Trong khi đó, Rule of law là việc loại trừ chi phối độc đoán của quyền lực nhà nước và ràng buộc mọi quyền lực bởi pháp luật, Do đó, không phải mọi quốc gia nào có Rule by law đều có Rule of law.
Ông viết tiếp rằng Việt Nam còn cần làm công việc gì để có được Rule of Law không. Đường đến đích đó có phải dài hay ngắn không. là tùy theo chính mình.
Blogger Lãng Anh thì nêu ra điều làm mình hy vọng ở sự thay đổi là ở Việt Nam hiện không còn ai tin vào sự giáo điều.
No comments:
Post a Comment