Theo BBC-22 tháng 5 2016
Tại Việt Nam, dư luận có ý kiến trái chiều về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.
Một số người cho rằng họ sẽ đi bầu cử, vì đó là thể hiện quyền của họ.
Quỳnh Giao, một người trẻ sống tại Sài Gòn nói về lựa chọn của cô trong ngày bầu cử: "Trong số những ứng viên đó, vẫn có những người rất tử tế và thực sự muốn làm điều tốt cho dân. Thậm chí nếu không chọn được cái tốt, hãy chọn cái ít xấu nhất. Từ bỏ quyền chọn, tức là mất tất cả."
"Hãy chọn người trẻ, có chuyên môn rõ ràng, ít bằng cấp chính trị. Vì đó là những người có nhiều khả năng tạo ra thay đổi nhất. Bạn không thể đòi một chính trị gia từ công an từ trường Đảng đi nói chuyện môi trường, chuyện kinh tế hay viết luật biểu tình cho bạn đâu."
"Một người không thay đổi được hệ thống, nhưng nếu nhiều người như vậy ở cùng nhau, tuy không thay nhưng vẫn lọc máu." - Quỳnh Giao nói.
Từ Thành phố Hồ Chí Minh, Quỳnh Giao sẽ trở về quê nhà cô ở một tỉnh miền Tây Nam Bộ để bầu chọn cho một ứng viên mà cô đã tìm hiểu từ nhiều tuần qua.
'Không đi bầu'
Một người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh nói ông 'không nhận được thẻ cử tri' và không hề biết gì về việc đi bầu cử ngày 22/5.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, có hộ khẩu tại Quận 12, Tp.HCM nói với BBC Tiếng Việt: "Cho đến sáng nay tôi vẫn chưa nhận được thẻ cử tri. Tuy tôi không ở nhà mình, nhưng hộ khẩu vẫn ở đó. Gia đình tôi không nhận được thẻ cử tri của tôi. "
Ông Tuấn cho biết hôm nay 'không đi bầu cử' dù ông có nhận được tin nhắn vào điện thoại từ nhà mạng từ sớm.
"Tôi nghĩ là có sự sắp đặt hết rồi, nên có tôi hay không có tôi cũng không có ý nghĩa gì. Tôi biết có một danh sách đại biểu nhưng toàn những người lạ hoắc, chương trình hành động không rõ ràng."
"Vậy nếu tôi đi bầu chẳng phải cũng chỉ là chọn hên xui hay sao, chỉ nhìn vào tấm ảnh mà chọn."
"Nếu có gặp đại biểu ngoài đời, hay nhìn chương trình hành động, tôi còn biết mà chọn lựa. Đây họ chỉ toàn người lạ, tôi chỉ biết họ qua tiểu sử có bằng tiến sỹ này, thạc sỹ kia. Không trung thực ngay thẳng ngay từ đầu làm sao làm đại biểu được."
Luật sư Lê Công Định từ Thành phố Hồ Chí Minh cũng tuyên bố ông "không đi bầu".
Ý kiến ông nêu ra trên mạng xã hội có đoạn: "Chúng ta không thể chấp nhận một quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp là công cụ của đảng cầm quyền, nơi chỉ có những ông bà nghị nếu không gật gù, thì cũng ngủ gục, chưa bao giờ là đại diện thực sự của nhân dân, chưa bao giờ quan tâm đến lợi ích chung của mọi tầng lớp nhân dân và dân tộc Việt Nam, và sẵn sàng chấp nhận thân phận của những con rối chính trị đáng thương."
Trong ý kiến này, ông Định cũng nói "các ứng viên tự do không theo sự đề cử của đảng cộng sản đều đã bị loại bỏ một cách thô bạo".
'Giám sát'
Nguyễn Anh Tuấn, một nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam, nói trên trang cá nhân: " Tôi đã nói rất rõ là dứt khoát không đi bầu."
"Vậy nên, tôi sẽ giữ lại thẻ cử tri này để giám sát, phòng trường hợp khu vực bỏ phiếu của tôi sau ngày bầu cử tuyên bố 100% cử tri đi bầu, thì tôi sẽ khiếu nại đó là một kết quả dối trá."
Ông Tuấn và nhiều người tại Việt Nam đã chụp lại thẻ cử tri của họ và đăng trên mạng xã hội, với ý kiến riêng về cuộc bầu cử.
Ông Tuấn nói: "Tôi còn giữ lại thẻ cử tri này để làm chứng rằng tôi không góp phần tạo ra Quốc hội và Chính phủ khoá XIV tới đây, cũng như không chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm của họ trong tương lai."
Ông Nguyễn Anh Tuấn là một trong những người có mặt ở khu vực Vũng Áng, Hà Tĩnh khi thảm họa cá chết xảy ra ở miền Trung Việt Nam. Ông và Tổ chức Voice giúp đỡ gạo cho ngư dân qua kênh nhà thờ và cập nhật thông tin về việc đánh bắt cá của người dân qua mạng xã hội.
Ông Hoàng Dũng, nhà hoạt động của Phong trào Con Đường Việt Nam nói "nên đi bầu cử".
"Đó là quyền của quý vị, và hãy thực hiện nó, tận dụng nó làm sao hữu ích nhất. Tôi đồng ý rằng nhiều vị không đi bầu vì đủ các lý do tương tự mục 1 nêu trên. Không đi bầu cũng là cách thực hiện quyền của mình. Nhưng tôi cho nó không hữu ích nhất. Đi bầu là cách thể hiện quan điểm tốt nhất."
"Tôi sẽ rất mừng nếu phong trào không đi bầu cử nó lớn đến mức tỷ lệ không đi bầu thấp ở mức chưa từng có. Nhiều người tuyên bố tẩy chay bầu cử, nhưng tôi chưa thấy một phong trào nào lớn mạnh như phong trào chúng tôi tuyên bố ra ứng cử. Làm gì đi chứ! Nếu chỉ là những hành động đơn lẻ và rời rạc, sẽ mãi chẳng có ý nghĩa gì." - Ông Dũng phân tích trên Facebook cá nhân.
Trong khi đó Tiến sỹ Nguyễn Phương Mai, học giả hiện sống và làm việc tại nước ngoài, viết trên trang cá nhân của cô:
"Là một công dân có trách nhiệm với chính mình, xin bạn đừng thờ ơ với chính trị. Ngày xưa, khi đảng cộng sản còn đang tranh đấu, ai cũng nói chuyện chính trị như hát hay. Mẹ tôi trình độ lớp 3 những mở miệng ra là duy tâm với lại duy vật. Ông cụ thân sinh tôi là Hiệu trưởng trường Đảng Hải quân, nhìn thấy cả hình Các Mác Lê Nin trong từng cọng rau mà ông bí mật nhặt nhạnh ở đống rác ngoài cửa hàng mậu dịch vì lương Đại tá không đủ trang trải cuộc sống, nhưng vẫn không ngừng khát khao vì một tương lai công nông hoàn mỹ."
"Giờ đây, chính trị trở thành từ huý, như một con ngáo ộp ở dưới gầm giường không ai dám động tới. Chúng ta bị sự sợ hãi mơ hồ làm cho lú lẫn mà quên rằng chính trị chính là những điều thiết thân hàng ngày, là nước mắm không được làm từ cá chết nhiễm kim loại, là muối ăn không được khô tụ bởi nước biển nhiễm độc, là đưa con cái đến trường không phải lo càng học con càng ... hư, là mơ ước một tương lai những thiên thần bé nhỏ bạn yêu hơn cả bản thân mình không phải nơm nớp, quỵ luỵ, gù lưng mọp gối để được để yên cho mà sống."
"Đấy. Bây giờ là quyết định của bạn. Nếu bạn thực sự tin tưởng vào kiến thức của mình về chất lượng của cuộc bầu cử và chất lượng cử tri thì hãy nghiêm túc cầm lá phiếu đi bầu. Nếu bạn không tin, thì hãy thẳng thắn nói lên lý do tại sao tôi không đi bầu, và đòi hỏi sự minh bạch. Bạn hầu như chỉ có hai lựa chọn đó thôi. Việc thờ ơ với cuộc sống, vô tâm với chính trị, vô trách nhiệm với bản thân mình không bao giờ là lựa chọn bền vững."
No comments:
Post a Comment