Văn Sĩ Sài Gòn (Danlambao) - Biển đã nuôi sống dân Việt ngàn năm. Nay biển nhiễm độc, cá chết, muối cũng dính độc. Cá độc không còn ăn được, nhưng muốn sống con người vẫn phải nuốt muối. Sinh mạng của 90 triệu người Việt Nam, tất cả mọi thành phần xã hội sẽ chết dần mòn vì độc. Dân sẽ chết trước hay đảng chết trước? Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương nói: “Một sự kiện như Formosa là một vụ việc hết sức nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tâm lý, cả nền kinh tế nếu không nói là kể cả chính trị của chúng ta.” Thứ trưởng Hải nói không sai. Chỉ vài ngàn người xuống đường biểu tình cho môi trường, nhà cầm quyền thay vì cần minh bạch, lại đi đánh đập họ, bất kể ngày tổng thống Mỹ tới thăm đã gần kề. Phải có cái gì đó làm họ quá sợ để đánh dân?
Sự thiệt hại rất to lớn, vì kinh tế biển đóng góp tới 48% GDP (1) cho cả nước, tương đương với 90 tỉ USD. Nhà nước cần ít nhất 4,2 tỉ USD (17) cho quốc phòng (ngân sách năm 2014). Như vậy, do biển chết và thiên tai tại đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, nhà cầm quyền lấy đâu ra tiền để trả nợ công, nuôi quân đội, công an? Tiền đâu xây tượng đồ?
Chưa hết nguy cho đảng và nhà nước CSVN. Hãy nhìn qua lăng kính kinh tế vi mô. Bệnh trầm trọng của kinh tế biển sẽ di căn và làm nổ bong bóng bất động sản, và thị trường chứng khoán. Nhiều người sẽ bị phá sản từ đại gia, quân đội, công an, giai cấp trung lưu. Quân đội sẽ thức tỉnh, và ngã về chính nghĩa vì họ không thấy lợi ích gì để theo đảng làm tội đồ của dân tộc.
Động lực thay đổi chính trị 1: Giá của sự vô cảm đã quá đắt. Bản năng sinh tồn đã đánh thức người dân, vì họa diệt vong
Ai cũng biết đảng cộng sản bán nước, hèn với giặc ác với dân; Nhà cầm quyền nín thin khi Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Việt Nam, rượt bắn ngư dân như cơm bữa; Bất công xã hội xảy ra hàng ngày; công an vô cớ đánh chết người, cán bộ cướp tài sản của dân. Nhưng trước khi dịch cá chết xảy ra, trừ lúc Trung Quốc mang giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển Việt Nam, rất ít người đi biểu tình. Phần đông thụ động với bất công, bạo lực.
Thế nhưng biển đang giãy chết, cái giá của sự vô cảm đã quá đắt, vì nó đã đụng tới bản năng sinh tồn. Cá, mắm muối nhiễm độc, nước uống dơ bẩn, có giun sán ở Hà Nội (14). Nước sông Đà dùng ống nước của Trung Quốc đã bị vỡ 16 lần, lại làm bằng gang mềm có nguy cơ nhiễm chì trong nước (15). Nước sông trong Nam bị nhiễm mặn, có thể bào mòn vết hàn của ống nước, và nhiễm chì vào nước “sạch.” Trẻ con uống vào thần kinh bị ngớ ngẩn. Thịt thì đầy hóa chất tăng nạt, rau thì dơ bẩn. Hãy nghe blogger Huỳnh Thục Vy kể:
“Vợ chồng mình sợ thành phố, về quê ở, mà ăn rau quê cũng bị đau bụng liên tục, không biết tránh đâu cho khỏi nắng... Dù bị cộng sản đàn áp, mình chưa bao giờ nản lòng. Nhưng cứ nghĩ tới những thế hệ người bệnh tật trong tương lai, nguồn gen con cháu chúng ta bị hủy hoại mình gần như tuyệt vọng và thật sự sợ hãi.”
Đối diện với diệt vong, dân bắt đầu tỉnh thức. Nếu tiếp tục vô cảm, họ được sống yên thân để ăn chén cơm dính độc, uống ly nước bẩn, hít thở không khí bụi bặm, được vài năm rồi cũng chết đau đớn vì ung thư. Các em sinh viên sợ nhà trường không dám đi biểu tình, ngoảnh mặt khi đất nước lâm nguy, thì cũng chỉ học được một mớ kiến thức lỗi thời rồi thất nghiệp. Công an đánh dân, nhưng vợ con họ không tránh khỏi ngộ độc. Có tiền mua gì cũng không an toàn. Sự vô cảm đã quá đắt!
Để sống còn người dân đổi thói quen, trước hết là dự trữ muối và nước mắm, cất giữ vàng và đô la, tìm đường đi ra nước ngoài, hoặc xuống đường. Họ bớt sợ bạo lực. Tranh đấu bất bạo động với guồng máy cai trị độc tài, họ bị đánh, bắt giam. Sinh viên có thể bị đuổi học. Nhưng chọn con đường đấu tranh ôn hòa, bất hợp tác với nhà nước, người dân sẽ có một cơ hội, dù nhỏ, nhưng có thể thay đổi xã hội.
Nhà cầm quyền có thể tàn sát dân theo kiểu Thiên An Môn? Có thể nhưng khó xảy ra vì họ đang khát tiền, cần vay nợ nước ngoài; các quí tử của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh tụ khác đang kẹt du học; tiền bạc tham nhũng nằm trong nhà băng Thụy Sĩ, Panama, nhóm lãnh tụ cũng sợ Mỹ và Âu Châu nổi giận điều tra và giữ lại những gói tiền ấy.
Động lực thay đổi chính Trị 2: Bong bóng địa ốc nổ, tài sản cá nhân bốc hơi. Việt Nam vỡ nợ không còn tiền để nuôi bộ máy đàn áp
Sau 41 năm chiếm được Sài Gòn, Việt Nam chưa sản xuất được ốc vít. Nhà nước CSVN không chú trọng giáo dục, y tế. Tiền bán tài nguyên, xuất khẩu lao động, bán trái phiếu và vay mượn của nước ngoài, họ đổ dồn vào địa ốc. Vì quyền lợi dính với đảng, ngân hàng cho các doanh nghiệp quốc doanh vay tiền bừa bãi. Tiền do tham nhũng, rút từ doanh nghiệp quốc doanh chạy vào bất động sản, hay đổ vào thị trường tín dụng đen để kiếm lãi cao. Kết quả bong bóng địa ốc căng phồng, giá nhà tại các thành phố lớn tại Việt Nam cao ngất ngưởng thế giới, khi lợi tức trung bình của một đầu người khoảng $2000 USD/năm. Quân đội, công an trung thành với đảng vì quyền lợi mà họ được hưởng. Nhà của họ đáng giá trăm, ngàn hoặc trăm ngàn cây vàng. Giới trung lưu tuy ghét đảng cộng sản, nhưng nhà đất có giá, có thể gởi con du học, nên họ chưa đồng hành với những nhà tranh đấu.
Cố tiến sĩ Alan Phan viết, "giá nhà thật sự phải dựa trên thu nhập người dân. Bất động sản trung bình ở Việt Nam gấp khoảng 25 lần thu nhập, trong khi ở Thái Lan là 6,3 lần, Singapore là 5,2 lần… Khi giá quá cao, thì đó là hiện tượng bong bóng, và bong bóng sẽ nổ vì không ai có thể chịu đựng nổi" (4). Ông khuyên đừng có mua nhà, vì thị trường bất động sản như chiếc ghế đong đưa trước gió, bốn chân đã gãy hai.
Thảm họa biển chết sẽ đánh gãy hai chân còn lại của thị trường địa ốc. Không ai muốn sống, hay du lịch một đất nước mà khi nuốt một muỗng cơm là phải lo sợ không biết còn mạng. Giới nhà giàu đoán biết bong bóng địa ốc sắp vỡ, khó làm ăn đã tìm cách tháo chạy. Họ bán nhà trong nước, mua nhà tại Mỹ, Canada để chuyển tiền ra nước ngoài, gởi con đi du học. Họ bỏ tiền mua công khố phiếu của Mỹ tuy lời không bao nhiêu nhưng an toàn. 7,3 tỉ USD tuồn ra nước ngoài trong quý 3 năm 2015 theo viện nghiên cứu kinh tế và chính sách Việt Nam (VERP). Con số thật phải cao hơn!
Tài sản đã bốc hơi thì cả nước đã thành dân oan. Khi đảng đã sạch tiền, thì công an, quân đội sẽ về với dân.
Theo David Robinson, báo Financial Times (7), nhà cầm quyền Việt Nam đã nổi tiếng với những dữ liệu giả dối. Trong năm 2014, cơ quan xếp hạng toàn cầu ước tính tỉ lệ nợ xấu của Việt Nam 15%, so với con số 2,5% Hà Nội báo cáo (xem hình, cột màu đỏ là báo cáo nợ xấu của Hà Nội, màu hường là của quốc tế). Chưa tính nợ thị trường tín dụng đen, nợ công đã lên đến 65% GDP (16). Nhà nước CSVN nợ thế giới ngập mặt, tài nguyên đã phá nát, chỉ sống còn nhờ tiền vay được.
Nhưng khổ thay, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) tuyên bố sẽ không cho Việt Nam vay ưu đãi vào năm 2017, và như thế thì Việt Nam cũng khó đi vay chổ nào khác để đáo nợ. S&P xếp hạng tín dụng Việt Nam BB-, không đáng đầu tư (non-investment grade). Nếu khủng hoảng kinh tế xảy ra, họ còn hạ tín dụng Việt Nam xuống, lại càng khó vay mượn.
Nhà cầm quyền Việt Nam đã làm đủ mọi cách để giữ giá bất động sản, giúp hệ thống ngân hàng. “Họ thành lập công ty Quản lý tài sản Việt Nam (VAMC), một quỹ của nhà nước tập trung vào tái cơ cấu các khoản nợ xấu để làm giảm lượng nợ xấu trong hệ thống tài chính. Kể từ năm 2013, VAMC đã mua 191,3 ngàn tỉ VNĐ nợ xấu trong 218,9 ngàn tỉ việt nam đồng (9,9 tỷ USD) giá trị nợ xấu” (7).
Thế nhưng nợ xấu vẫn còn nằm trong nước, không bán ra nước ngoài để gỡ gạc được, vì phần lớn là nợ bất động sản rất rủi ro. Luật pháp Việt Nam ấn định quyền sở hữu đất đai là của toàn dân. Mua nợ nhà, mà không có quyền sở hữu đất, lại thêm thủ tục phiền phức luật pháp lôi thôi, nên giấy nợ Việt Nam chỉ là tờ giấy lộn trên thị trường quốc tế.
Hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), và ảnh hưởng kinh tế Trung Quốc
Để cứu vãn kinh tế, tập đoàn Hà Nội xin vào TPP, ký giấy chịu lép cho các công đoàn lao động được tự do hoạt động. Con đường vào TPP đầy chông gai, vì ứng cử viên tổng thống đảng Cộng Hòa là tỉ phú Donald Trump, không mấy được dân Mỹ có cảm tình, nên đảng Dân Chủ có thể kiểm soát quốc hội vào cuộc bầu cử sắp tới tháng 11, 2016. Đảng Dân Chủ hay bảo vệ việc làm trong nước Mỹ, không mấy mặn mà với TPP. Cho dù quốc hội Mỹ có thông qua, thì chẳng nước nào dám mua hải sản, thực phẩm Việt Nam xuất cảng. Xem ra giấc mơ cứu nguy chế độ do vào được TPP là cơn ác mộng.
Kinh tế Việt Nam lại lệ thuộc vào kinh tế Trung Quốc, nhưng gã khổng lồ Trung Quốc cũng bị ngập nợ (total debt, xem hình dưới đây) đến 260% GDP, và bong bóng địa ốc sắp vỡ (8). Khi truyền thông Bloomberg phỏng vấn về Trung Quốc, Tỉ phú George Soros trả lời: Kinh Tế Trung Quốc sẽ rớt, không thể tránh được. Tôi không có đoán, tôi đang nhìn thấy nó (A hard landing is practically unavoidable, I’m not expecting it, I’m observing it) (6).
Hệ thống nhà băng Trung Quốc có khối tài sản 30 ngàn tỉ USD, gần 40% GDP thế giới, nên kinh tế Trung Quốc gãy cánh, thì cơn bão sẽ nhận chìm kinh tế Việt Nam, và cái ngai vàng của đảng cộng sản Việt Nam.
Kết luận
Thảm họa biển chết đẩy tất cả người dân đến con đường cùng, đối diện với họa diệt vong. Thành trì cuối cùng của chế độ là lực lượng công an, quân đội, nhưng chính họ cũng lãnh họa môi trường, và tài sản bốc hơi vì những bão nóng kinh tế do thiên tai, và chính sách sai lầm của đảng và nhà nước CSVN. Nạn đói và dịch độc đang đứng trước mắt. Con người ai cũng có bản năng sinh tồn, không ai ngồi một chổ để lãnh đạn. Khi 90 triệu người cùng có suy nghĩ giống nhau, và cùng hành động thì không có gì có thể cản trở được những thay đổi chính trị và kinh tế.
Chế độ chính trị nào cũng tham quyền, nhưng tập đoàn cai trị tại Việt Nam lại tàn ác tham quyền cố vị nhất trong lịch sử sẵn sàng bán đứng đất đai tổ tiên để lại, bám dựa vào Trung Quốc để giữ địa vị độc tôn của đảng. Do thiên tai, và thảm họa biển, nợ ngập đầu, ngân khố đã cạn để nuôi công an và quân đội. Nhà cầm quyền sợ dân nên sẵn sàng đàn áp, nhưng họ cũng thấy bài học của Gaddafi, Saddam Hussein, những nhà độc tài cứng đầu chống đối khi thế lực đã tàn, rồi bị dân giết. Các lãnh tụ sẽ không chờ tới giờ phút chót để trốn ra ngoại quốc. Chế độ cộng sản đã đến bước đường cùng.
*
Tham Khảo:
1. Anh Minh. (2013). Kinh tế biển và mục tiêu góp một nửa GDP vào 2020. VN Economy. Retrieved from
2. Nguyễn Hưng Quốc. (May 11, 2016). Nghĩ về các cuộc biểu tình liên quan đến cá chết. VOA. Retrieved from
3. Thanh Hiếu Bùi. (May 14, 2016). Uy Tín Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc. Facebook. Retrieved from
4. Alan Phan. (2012). Bây Giờ Có Tiền Cũng Không Bỏ Vào Bất Động Sản. Retrieved from http://www.gocnhinalan.com/bai-tieng-viet/%E2%80%9Cbay-gio-co-tien-cung-khong-bo-vao-bat-dong-san%E2%80%9D.html
5. Alan Phan. (2014). Bất Động Sản và Kinh Tế Thị Trường. Retrieved from
6. Katherine Burton. (January 21, 2016). Soros says China hard landing will deepen the rout in Stocks. Bloomberg. Retrieved from
7. David Robinson. (2015). Bad debts bedevil Vietnam’s banks. Financial Times. Retrieved from
8. Simon Rabinovitch. (May 2016). Finance in China Big But Brittle. Economist. Retrieved from
9. Trọng Khánh & Nguyen Anh Thu. (November 26, 2014). Vietnam moves to allow foreigners to buy homes. Wall Street Journal. Retrieved from
10. Phạm Chí Dũng. (2016). Phản kháng ô nhiễm môi trường: Từ câm lặng đến đứng lên! Người Việt. Retrieved from
11. Nguyễn Tuyền. (2016). Thực phẩm bẩn đã tuồn cả vào siêu thị uy tín. Dân Trí. Retrieved from
12. Mai Ngọc. (2016). Hiện Tượng Găm Giữ Ngoại Tệ Trong Dân Tăng Lên. Retrieved from
13. Dien Luong. (March 16, 2016). Why Vietnam Loves the Trans-Pacific Partnership. The Diplomat. Retrieved from
14. (2016). Kinh hoàng giun sán lúc nhúc trong nước sinh hoạt ở Hà Nội. Báo Gia đình & Xã hội. Retrieved from
15. (2016). TQ làm đường nước sông Đà: Gang dẻo có thể nhiễm chì độc. Phụ Nữ online. Retrieved from
16. (2015). Vietnam’s public debts forecast to occupy 62.3 percent of GDP in 2015. Tuoi Tre News. Retrieved from
17. Zachary Abuza. (2015). Analyzing Southeast Asia’s Military Expenditures. Retrieved from
18. Trần Đình Thiên. (2015). Tham luận tại Diễn đàn kinh tế mùa xuân 2015. Retrieved from
21.05.2-16
No comments:
Post a Comment