Anh Vũ, thông tín viên RFA 2016-05-22
Biểu tình vì môi trường trước cổng trường Hòa Bình, Sài Gòn vào ngày 8 tháng 5. RFA PHOTO
Tại khu vực miền nam; đặc biệt ở Sài Gòn (SG), trong ngày Chủ Nhật 22/5/2016 biện pháp ngăn chặn của cơ quan chức năng vẫn rất nghiêm ngặt không để xảy ra hoạt động biểu tình hay phản đối nào.
Từ Sài Gòn bà Phạm Thanh Nghiên cho biết:
“Trên thực tế việc rời khỏi nhà đi biểu tình của một số người là bất khả kháng, vì công an Sài Gòn sẵn sàng dùng bạo lực đối với bất cứ ai, bất kỳ lúc nào. Trong hoàn cảnh như vậy, tôi vẫn hy vọng hôm nay sẽ có những việc làm cụ thể. Tôi xin khẳng định, thông điệp của những người xuống đường ngày Chủ Nhật 22/5 hay những ngày tới là, yêu cầu nhà nước đưa ra các thông tin minh bạch và giải thích vì sao cá chết hàng loạt như thế?”
Việc rời khỏi nhà đi biểu tình của một số người là bất khả kháng, vì công an Sài Gòn sẵn sàng dùng bạo lực đối với bất cứ ai, bất kỳ lúc nào.
- Bà Phạm Thanh Nghiên
Theo bà Phạm Thanh Nghiên cho biết, chính quyền Sài Gòn đã huy động một lực lượng rất lớn công an cùng các lực lượng khác để siết chặt an ninh, với mục đích bảo vệ an toàn cho ngày này. Bà trình bày:
“Không chỉ từ ngày hôm nay, mà từ 2-3 ngày trước, nhà của những người đấu tranh cho Nhân quyền, những người thường xuyên đi biểu tình đã bị canh gác và công an, mật vụ đã khủng bố. Theo thông tin từ trang Dân Làm Báo có công bố nội dung công văn của ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy SG gửi tới Sở Du lịch, yêu cầu ngày thứ 7 và Chủ nhật này không cho các chuyến tham quan của khách nước ngoài đến các điểm: Dinh Độc Lập; Nhà thờ Đức Bà; công viên 23/9; Chợ Bến Thành; Đường Nguyễn Huệ… Vì đây là các điểm thường xảy ra biểu tình.”
Theo anh A Lầu một thanh niên người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn, hai ba tuần qua vào những ngày cuối tuần, công an thường giám sát nhà riêng những người hay xuống đường và mạng Facebook ở VN đã bị chặn từ chiều hôm 21/5 là nguyên nhân khiến cho các thông tin về cuộc xuống đường vì môi trường hầu như không xuất hiện. Anh nói:
“Trong lúc này trước cửa nhà tôi đang có khoảng 10 người mặc thường phục đứng đó, trong đó tôi thấy cả công an Phường. Theo tôi nghĩ đó là hành động của nhà cầm quyền không muốn cho tôi đi ra đường và khi đi ra đường thì họ cho người theo dõi để ngăn chặn quyền tự do đi lại của tôi. Với mục đích không cho mình xuống đường, tôi nghĩ như vậy.”
Được biết ngay sau đó anh A Lầu đã bị cơ quan an ninh mời đi làm việc ở đâu không rõ.
Bà Trần Ngọc Anh một nhà hoạt động xã hội ở Vũng Tàu cho biết tình trạng của bà:
“Sáng nay tôi đi ra đường để đi trị bệnh thì có 5 tên công an bao vây tôi, khi mẹ con tôi chạy ngược lên thì có thêm 1 thằng nữa ra chặn, trong lúc 5 thằng kia đuổi theo. Họ đe dọa rằng sẽ giết cả nhà tôi. Bây giờ, ngay lúc này, chúng nó đang bao vây nhà tôi. Bọn công an này không phải là công an bình thường, mà là bọn An ninh PA88, có cả bọn quân đội nữa cũng đang có mặt tại địa phương tôi.”
Nhà hoạt động xã hội Đinh Quang Tuyến cho biết, do hôm nay là ngày bầu cử và việc Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hà Nội nên an ninh được siết chặt ở mức cao nhất, hầu như những người đi biểu tình không thể nhúc nhích được. Qua quan sát cho thấy tại các công viên, quảng trường ở Sài Gòn chỉ có công an và các lực lượng sắc phục khác nhau, hầu như không có dân thường. Theo ông, người xuống đường tập trung ở các khu đông dân cư và vờn nhau chính là chủ trương của những người biểu tình ở Sài Gòn ngày hôm nay. Song điều kiện đã không cho phép họ làm việc đó. Ông tiếp lời:
“Tôi nghĩ hôm nay là canh bạc nặng nhất nên đảng CS sẽ phải dốc hết sức, vì họ biết rằng ngày hôm nay là hết sức căng thẳng đối với chế độ. Thái độ của dân chúng thì đan xen giữa sục sôi, hào hứng và sợ hãi. Trong lúc thái độ của phía chính quyền thì rất căng thẳng và hoảng sợ. Nếu họ không làm căng thì họ sẽ mất hết tức thì, việc họ sẽ thẳng tay đàn áp là việc dễ hiểu.”
Chuyến thăm VN của Tổng thống Hoa Kỳ Obama hôm nay cũng là tiêu điểm trong vấn đề thời sự. Bà Phạm Thanh Nghiên bày tỏ:
Thái độ của dân chúng thì đan xen giữa sục sôi, hào hứng và sợ hãi. Trong lúc thái độ của phía chính quyền thì rất căng thẳng và hoảng sợ.
- Ông Đinh Quang Tuyến
“Đối với người dân VN và những người tranh đấu thì là sự kiện hết sức mong chờ, riêng cá nhân tôi rất có cảm tình đối với nước Mỹ cũng như cá nhân Tổng thống Obama. Vì toàn thể nhân loại đều biết nước Mỹ là một quốc gia văn minh, giàu có và có nền dân chủ hàng đầu thế giới. Tuy vậy tôi coi rằng chuyến thăm này là quan hệ giữa chính phủ Mỹ và đảng CSVN. Vì thế tôi xin không bình luận về chuyến thăm của ông Obama trong lần này.”
Trước đây ít hôm, truyền thông đưa tin nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh và nhạc sĩ Tuấn Khanh đã bày tỏ quan điểm cho rằng, ngày Chủ Nhật 22/5 nên gác lại chuyện biểu tình bảo vệ môi trường, thay vào đó là sự chuẩn bị cho việc đón chào Tổng thống Obama. Ông Đinh Quanh Tuyến bình luận:
“Tôi hoàn toàn toàn tán thành với ý kiến của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh và nhạc sĩ Tuấn Khanh, chúng ta nên tránh đối đầu với một đối thủ đang trong tình trạng hoảng loạn. Còn việc đón Tổng thống Obama thì chúng ta cũng không thể tổ chức hoành tráng như mình nghĩ được. Vì Nhà nước này họ không phân biệt được đâu là mít tinh ủng hộ hay biểu tình phản đối. Tôi nghĩ không nên để có mùi máu trong việc đón tiếp đó.”
Nhận xét về cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa 14, ông Đinh Quang Tuyến khẳng định:
“Việc năm nay người dân VN công khai tẩy chay bầu cử mà nhà nước không dám gây áp lực, điều đó đã cho thấy sự thay đổi cực lớn. Đó là một sự thành công mà có thể để cho chúng ta hy vọng, đây là một cuộc bầu cử dàn xếp mang tính chất hề. Một khi sự tẩy chay và bất hợp tác nó đã lớn mạnh như vậy rồi thì tôi nghĩ rằng, bất luận kết quả bầu cử hôm nay như thế nào thì sự tồn tại của cái thể chế này cũng coi như xong rồi đó.”
Kết thúc bản tường trình bằng nhận định của bà Phạm Thanh Nghiên khi nói với RFA rằng, trong những ngày qua tuy xảy ra tình trạng đàn áp hết sức khốc liệt, song những người biểu tình, đặc biệt là những người trẻ - những người mới biết hiện tình đất nước qua vụ cá chết, tham gia lần đầu tiên mà bà được dịp tiếp xúc. Họ có một nhiệt huyết rất tuyệt vời, với những ứng xử hết sức văn minh, tuân thủ các nguyên tắc bất bạo động gần như tuyệt đối. Theo bà thì đó là một điểm để có thể nghĩ đến một tương lai tươi sáng của đất nước.
No comments:
Post a Comment