Sunday, May 22, 2016

Cá chết ở VN và nước mắm ở Mỹ

Bùi Văn Phú Gừi cho BBC Tiếng Việt từ San Jose 22 tháng 5 2016 

Image copyrightBUI VAN PHU
Image captionNước mắm trong siêu thị của Mỹ đã bị đẩy giá lên vì người Việt đổ xô đi mua
Hơn một tháng qua vấn đề cá chết ở nhiều nơi tại Việt Nam đã gây lo lắng cho người tiêu dùng thủy sản.
Nhiều nghìn ngư dân miền Trung những tuần qua không còn ra biển đánh cá và ở Sài Gòn thì không ai muốn mua cá để làm thực đơn cho bữa ăn. Hiện nay nhiều người nhịn ăn cá hay đổi qua thịt, dù giá cả có đắt hơn thủy sản.
Trong nước, những cuối tuần qua có xuống đường biểu tình và lực lượng an ninh đã tìm mọi cách để ngăn cản hay giải tán. Nhiều nhà hoạt động bị công an anh giữ không cho ra khỏi nhà, nhiều người khác bị bắt, bị tạm giam vì đã tham gia xuống đường. Có người biểu tình bị an ninh tấn công, có người bị túm bắt đẩy lên xe cảnh sát chở về đồn công an.
Mục đích của những người xuống đường chỉ là đòi có nước sạch cho cá và nhà nước phải minh bạch trong các chính sách môi sinh.
Hiện tượng cá chết hàng loạt ở Việt Nam cũng đã khiến cho cộng đồng người Việt hải ngoại bức xúc và lên tiếng qua nhiều hình thức.
Một thỉnh nguyện thư gửi Bạch Ốc yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ quan tâm đến vấn đề này đã có 130 nghìn người ký tên ủng hộ chỉ trong vài ngày. Ở khía cạnh pháp lý có thỉnh nguyện thư đòi kiện công ty Formosa ra tòa.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng lên tiếng quan ngại về việc Hà Nội ra tay đàn áp người biểu tình vì họ chỉ ôn hòa lên tiếng đòi bảo vệ môi trường sinh sống cho chính mình.
Nhiều nơi tại Hoa Kỳ, yểm trợ cho tiếng nói của người dân trong nước là những cuộc biểu tình ở Little Saigon Quận Cam, ở San Jose, trước đại sứ quán Việt Nam ở Thủ đô Washington.
Một vài tổ chức hải ngoại cũng đã vận động tài chánh để giúp các ngư dân đang gặp khó khăn vì họ đã không thể ra biển đánh cá, đem lại nguồn thu nhập nuôi sống gia đình trong nhiều tuần qua.
Image copyrightAFP
Image captionNguyên nhân thảm họa cá chết tại miền Trung Việt Nam vẫn chưa được làm rõ

Quan ngại... nước mắm

Sự kiện cá chết hàng trăm tấn cũng làm nhiều người quan ngại đến nước mắm, đến các loại mắm và muối sản xuất tại Việt Nam trong tương lai sẽ nhiễm độc nên đã bảo nhau mua hàng để dành mà dùng sau này.
Đây là điều lo xa cũng có lý với những ai chưa quen với những thức ăn khác ngoài món ăn Việt, nhất là các vị cao tuổi.
Trong thức ăn của người Việt, nước mắm là một loại gia vị không thể thiếu để nấu nướng. Thiếu nước mắm mỗi ngày không thể có bữa ăn vừa miệng. Thiếu nước mắm sẽ không còn tô phở, bát canh, tô bún hay đĩa cá kho tộ, nồi thịt kho, chén nước chấm mang hương vị Việt.
Cũng vì đổ xô đi mua nước mắm nên đã có người lợi dụng để hốt bạc. Ba tuần trước ghé một tiệm bán bánh mì và thực phẩm ở Oakland thấy một cụ bà mua một lúc hơn chục chai nước mắm, nhiều chai hiệu con mực của Thái Lan, một chai giá chỉ 1 đô 39 xu, trong khi đó nước mắm Việt Hương hiệu ba con cua xanh, giá bán sale rồi mà đến 3 đô 99 xu một chai, nhưng một khách hàng chỉ được mua hai chai một lúc. Thấy tôi chỉ mua bánh mì, bà cụ nhờ mua giùm cho hai chai.
Về nhà kể chuyện nước mắm cho nhà tôi nghe, cô ấy bảo bình thường một chai ba cua xanh giá lúc bán sale (giảm giá) chỉ trên dưới ba đô la Mỹ.
Hai hôm trước đi chợ ở San Jose, thấy bảng giá nước mắm trong một siêu thị tại khu Little Saigon mà hết hồn. Cũng nước mắm Việt Hương, giá bình thường được đẩy lên 6 đô 99 xu, rồi bán giảm giá còn 5 đô la 69 xu. Nước mắm Phú Quốc hiệu sư tử bay đề giá bình thường 4 đô la 69 xu, giảm giá còn 4 đô la 19 xu.
Image captionNgười dân tại Việt Nam biểu tình vì lo ngại cá chết là biểu hiện của môi trường sống bị hủy hoại
Còn nước mắm sản xuất tại Việt Nam, trên nhãn hiệu ghi rõ 'Product of Vietnam', có Red Boat 40oN, ngay từ khi mới đổ vào thị trường Hoa Kỳ cho đến nay giá vẫn cao gấp nhiều lần so với các loại nước mắm người Việt hải ngoại ưa dùng là hiệu sư tử bay và ba con cua xanh, là những sản phẩm của Hồng Kông, với hàng chữ Product of Hong Kong trên thương hiệu.
Trong khi đó nước mắm ghi 'Product of Thailand' (Sản phẩm của Thái Lan) giá vẫn rẻ hơn, thương hiệu con mực có mặt lâu đời nhất trên thị trường Mỹ, giá trên một đô, còn hiệu 30oN mới ra cũng chỉ trên 3 đô cho một chai cùng dung lượng 700ml.
Tôi có nghe kể, không biết sự thực ra sao, là nước mắm trên thị trường Hoa Kỳ dù là 'Product of Hong Kong' hay 'Product of Thailand' thì cũng có thể là sản phẩm từ Việt Nam. Các công ty của người Thái, người Tàu vào mua nước mắm ở Việt Nam, đem về đóng chai rồi xuất khẩu qua Hoa Kỳ và các nơi trên thế giới.
Hôm ở siêu thị San Jose, nghe hai chị đi chợ đứng nhìn bảng giá rồi nói với nhau tại sao mình lại đổ xô đi mua nước mắm để cho bọn con buôn làm giàu. Một chị nói nước mắm có nhiễm độc thì cũng hai năm nữa mới đến Mỹ, làm gì phải lo thiếu lúc này.

Cần minh bạch

Nghe thật có lý. Người Việt thường dễ tin để bị lợi dụng. Cũng như cách đây chừng chục năm, có tin sẽ không có gạo nhập vào Mỹ nữa nên người mình đổ xô đi mua về tích trữ. May là trong cửa hàng bách hóa Costco ở Mỹ có bán gạo nhiều loại, có cả gạo Thái, nên việc lợi dụng cơ hội đẩy giá lên không cao nhiều như có siêu thị Việt đang đẩy giá nước mắm lên quá cao.
Image copyrightREUTERS
Image captionDù có nhiều cuộc họp báo, Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam vẫn chưa công bố nguyên nhân làm chết cá là gì
Những con buôn ở Mỹ tăng giá nước mắm có thể đã vi phạm luật thương mại Hoa Kỳ.
Người Việt trong nước đã trải qua nhiều khủng hoảng thực phẩm. Bánh phở có phoọc-môn trước đây gây rúng động cả nước và nhà nước đã nhanh chóng kiểm soát ngay được.
Nhưng khủng hoảng cá chết không biết sẽ kéo dài bao lâu, vì không chỉ ở biển mà còn xảy ra trên sông, trong ao hồ và kinh rạch. Cá đã chết trên sông Hồng ở miền Bắc, trong ao hồ ở miền Trung, trong kinh Nhiêu Lộc ngay giữa Sài Gòn.
Dân Việt trong nước, cũng như ở nước ngoài, đang chờ đợi những lý giải minh bạch, khoa học từ chính phủ Việt Nam để có thể tiêu dùng thủy sản mà không phải lo bị di hại tới sức khoẻ về sau và công nghiệp thủy hải sản Việt Nam không bị ảnh hưởng xấu.
Bài viết thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả, một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California

No comments:

Post a Comment