VIỆT NAM - Tất cả các chuyên gia tham dự cuộc hội thảo vừa được tổ chức hồi cuối tuần vừa qua về nợ nần của Việt Nam đều nhấn mạnh họ “hết sức lo lắng.”
Gần như tất cả các công trình hạ tầng tại Việt Nam đều vượt mức tính toán ban đầu đến 50%. Đó là bằng chứng của việc sử dụng ngân sách tùy tiện. (Hình: TBKTSG)
Thống kê mới nhất do Bộ Tài Chính Việt Nam công bố, xác định, nợ nần của Việt Nam hiện là 2.7 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên đó mới chỉ là khoản mà chính phủ Việt Nam đứng ra vay trực tiếp. Nếu tính đúng, tính đủ cả nợ của hệ thống doanh nghiệp nhà nước, nợ của chính quyền các địa phương mà bản chất cũng là nợ công thì nợ nần của Việt Nam lên tới 4.5 triệu tỷ đồng, tương đương từ 110% đến 120% GDP.
Nợ nần của Việt Nam không chỉ lớn mà còn tăng rất nhanh. Năm 2015, tổng số tiền mà chính phủ Việt Nam vay đã tăng gấp đối so với năm 2010.
Ông Lê Đăng Doanh, cựu viện trưởng Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Việt Nam, nhấn mạnh, tình thế đã tới mức phải soạn thảo phương án dự phòng cho tình thế Việt Nam không còn khả năng trả nợ (vỡ nợ).
Theo ông Doanh, sở dĩ Việt Nam rơi vào tình trạng nợ nần kinh khủng như hiện nay là vì chi tiêu quá tùy tiện.
Cũng vì vậy, phải siết lại việc chi tiêu, chi tiêu phải có kỷ luật. Ông Doanh đề nghị phải soạn thảo kế hoạch tái cơ cấu ngân sách, giảm biên chế - thu gọn bộ máy công quyền vốn quá cồng kềnh, chỉ chi tiền để đầu tư cho những dự án thật sự có hiệu quả và dứt khoát không chấp nhận việc chi thềm tiền cho những dự án ì ạch, thua lỗ.
Để kiếm thêm tiền cho ngân sách vốn liên tục bội chi trong nhiều năm, thậm chí phải vay tiền để “chi thường xuyên” (cách gọi những khoản chi nhằm duy trì hoạt động của hệ thống công quyền), ông Doanh đề nghị tăng thuế nhà đất. Đó cũng là cách hạn chế đầu cơ đất đai.
Ông Doanh lập lại tâm sự mà bộ trưởng Tài Chính tâm tình với Quốc Hội Việt Nam hồi năm ngoái: “Những năm vừa qua, điều hành ngân sách giống như đi trên dây!”, kèm cảnh báo: Coi chừng “dây” đứt.
“Dây” dường như sắp đứt!
Ông Nguyễn Công Nghiệp, cựu thứ trưởng của Bộ Tài Chính Việt Nam, phân tích, với số nợ và mức lãi như hiện nay, mười năm nữa, nợ nần của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi. Theo ông Nghiệp, vài năm nay, không chỉ nợ nần tăng nhanh mà tiền phải trả cho các khoản nợ trước đó cũng tăng rất nhanh trong khi khả năng trả nợ của chính phủ Việt Nam lại giảm. Từ năm 2013 đến nay vì thu không đủ chi và trả nợ nên Việt Nam bắt đầu vay các khoản nợ mới chỉ để trả cho những khoản nợ cũ. Năm ngoái, chỉ riêng khoản này đã là 125,000 tỷ đồng.
Ông Nghiệp lưu ý một rủi ro khác là lãi quá cao: Mức lãi phải trả cho các khoản vay theo hình thức ODA phổ biến là 1.7%/năm. Chưa kể 55% khoản vay trong nước thông qua trái phiếu có lãi suất lên tới 7.1%/năm. Theo ông Nghiệp, muốn quản lý được nợ nần thì phải nhận diện đúng thực trạng, nợ nần chính xác là bao nhiêu, khả năng trả nợ thế nào, hiệu quả của việc sử dụng tiền vay có tương xứng với mức lãi phải trả hay không (?).
Để vay được tiền của dân chúng trong nước, chính phủ Việt Nam không chỉ nâng lãi suất lên quá cao mà còn hỏi vay ngắn hạn, theo ông Trần Đình Thiên, viện trưởng Viện Kinh Tế Việt Nam, đó cũng là một thứ rủi ro bởi áp lực trả nợ càng ngày càng lớn.
Ông Thiên còn khuyến cáo phải minh bạch về nợ công. Ông than còn quá nhiều những dữ liệu liên quan đến ngân sách được xếp loại “mật” nên ngay cả những cơ quan và giới hữu trách cũng khó tiếp cận. Không tính đúng, tính đủ được nợ nần thì không thể có giải pháp thích hợp.
Ông Thiên dẫn chứng, trong khi Bộ Tài Chính loan báo tỉ lệ trả nợ/nguồn thu ngân sách là 16% thí có nhiều người khẳng định, tỉ lệ này đã vượt quá mức 25%. Vậy thì phía nào đúng? Không ai xác định được! (G.Đ)
No comments:
Post a Comment