BẮC KINH (NV) - Cuối tuần vừa qua, Bộ Ngoại Giao Trung Quốc khoe là đã có hơn 40 quốc gia ủng hộ “lập trường của Trung Quốc về Biển Đông.”
Vương Nghị - Ngoại trưởng Trung Quốc, người đã và đang làm thuyết khách. (Hình: AP)
Theo Reuters, bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, khẳng định, hơn 40 quốc gia bày tỏ sự ủng hộ này hoặc bằng văn bản, hoặc “bày tỏ bằng các biện pháp khác nhau.” Thậm chí sự ủng hộ không chỉ ở bình diện quốc gia mà còn đến từ các khối quốc gia, ví dụ như liên đoàn các quốc gia Ả Rập.
Thời gian gần đây, Trung Quốc liên tục loan báo về những “thắng lợi ngoại giao” - thuyết phục được các quốc gia ủng hộ lập trường của mình về Biển Đông. Trong số này, đa số là các tiểu quốc như: Fiji (một chuỗi đảo ở phía Nam Thái Bình Dương với dân số chưa tới 900,000 người), Bosnia-Herzegovina (chỉ có khoảng bốn triệu dân ở Châu Âu),... hoặc những quốc gia rất nghèo như: Burundi, Niger, Mozambic,... (cùng ở Châu Phi).
Sở dĩ Trung Quốc ráo riết tìm kiếm sự ủng hộ “lập trường của Trung Quốc về Biển Đông” là vì Trung Quốc cần phải dọn đường để vô hiệu hóa hậu quả vụ Philippines kiện yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông tại Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.
Tuy liên tục khẳng định, Biển Đông là... di sản do tổ tiên người Trung Quốc để lại và vì vậy, Trung Quốc... có đầy đủ bằng chứng “bất khả tranh biện” về chủ quyền tại đó. Nhưng Trung Quốc từ chối tranh luận với Philippines trước Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc và dứt khoát không nộp bất kỳ bằng chứng nào để tòa xem xét. Trung Quốc cũng đã liên tục khẳng định, Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc không có thẩm quyền phân xử đơn kiện của Philippines.
Sau khi Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc tuyên bố thụ lý vụ kiện và dựa trên lập luận, chứng cứ mà Philippines đã nộp, các chuyên gia nhận định, phán quyết mà tòa này sắp công bố sẽ bất lợi cho Trung Quốc, Trung Quốc bắt đầu vận động các quốc gia khác ủng hộ quan điểm của mình: Đó là tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nên được giải quyết bằng các cuộc đàm phán song phương giữa Trung Quốc với từng quốc gia có bất đồng với yêu sách của Trung Quốc về chủ quyền tại Biển Đông.
Cho đến nay, Hoa Kỳ, Nhật, Úc, Liên Âu đều đã trực tiếp khuyến cáo Trung Quốc phải tôn trọng phán quyết mà Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc sẽ công bố. ASEAN thì nhấn mạnh, tôn trọng luật pháp quốc tế là phương thức duy nhất được chấp nhận để giải quyết các tranh chấp một cách ôn hòa và duy trì hòa bình, sự ổn định trong khu vực.
Trước viễn cảnh có thể bị biến thành “côn đồ quốc tế” vì không tuân thủ luật pháp quốc tế, không thực thi phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế, Trung Quốc mở một chiến dịch ngoại giao, vận động các quốc gia ủng hộ “lập trường của Trung Quốc về Biển Đông.”
Bloomberg từng tường thuật, sau khi dạo một vòng các quốc gia Đông Nam Á, ông Vương Nghị, Ngoại trưởng Trung Quốc đã đến Nga, Ba Lan ở Châu Âu, Gambia ở Châu Phi,... để tìm kiếm sự ủng hộ. Các đại sứ của Trung Quốc cũng ráo riết làm như thế.
Để tăng thêm tính thuyết phục, hồi cuối Tháng Tư, ông Vương Nghị, ngoại trưởng Trung Quốc từng khoe rằng, cả Brunei, Cambodia lẫn Lào đều đồng ý về cách thức giải quyết vấn đề Biển Đông của Trung Quốc. Tuy nhiên ngay sau đó, ông Phay Siphan, phát ngôn viên của chính phủ Cambodia đã vội vàng cải chính là ngoại trưởng Trung Quốc có đến thăm Cambodia nhưng hai bên không thảo luận và cũng không có bất kỳ thỏa thuận nào.
Sở dĩ Cambodia phải lập tức cải chính vì điều mà ông Vương Nghị “khoe” đã khiến Cambodia, Lào. Brunei bị các thành viên ASEAN chỉ trích kịch liệt do tiêu lòn với Trung Quốc. Lào và Brunei vẫn im lặng không thừa nhận cũng không phủ nhận “thành tích” của ông Vương Nghị.
Đó cũng là lý do người ta nghi ngờ việc có hơn 40 quốc gia ủng hộ “lập trường của Trung Quốc về Biển Đông.”
Giới quan sát thời sự tin rằng, ngay cả khi Trung Quốc có thể thuyết phục được một số quốc gia lên tiếng ủng hộ quan điểm của mình thì Trung Quốc cũng chỉ có thể giảm thiểu, chứ không thể loại trừ hậu quả bất lợi cho Trung Quốc từ việc phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng Tài về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment