VIỆT NAM - Đó là ước đoán của Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Việt Nam (CIEM), tuy nhiên chính quyền Việt Nam không làm được vì “nghiện” kiểm tra, kiểm soát.
Doanh giới thì kêu, chính quyền thì hứa và cải thiện thủ tục thì vẫn là chuyện đang ở tương lai. (Hình: Người Lao Động)
Ông Nguyễn Đình Cung, viện trưởng CIEM than rằng, hệ thống công quyền Việt Nam từ trung ương đến địa phương “nghiện” kiểm tra, kiểm soát do hoạt động này “hấp dẫn,” “cai” chứng này rất khó dù mức độ thiệt hại của chứng này gây ra cho quốc gia càng lúc càng lớn!
Chính quyền Việt Nam vừa ban hành một “nghị quyết” (Nghị Quyết 19/2016) nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, trong đó có đề cập đến cải thiện thủ tục xuất nhập cảng, vốn vẫn được xem là quá rườm rà, giúp các viên chức hữu trách nhũng nhiễu.
Tuy nhiên doanh giới Việt Nam không hào hứng vì họ không tin thủ tục xuất nhập cảng có thể đơn giản, dễ dàng.
Ông Trương Văn Cẩm, phó chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm về của các doanh nhân ngành này về “cải thiện thủ tục xuất nhập cảng.” Theo đó, năm 2009, Bộ Công Thương Việt Nam ban hành một thông tư (Thông Tư 32), buộc các doanh nghiệp muốn nhập vải phải trả chi phí giám định formaldehyde là hai triệu đồng/lần. Sau sáu năm doanh giới ngành dệt may kêu gọi xem lại Thông Tư 32, năm 2015, Bộ Công Thương Việt Nam ban hành Thông Tư 37 - sửa Thông Tư 32. Kết quả của việc cải thiện thủ tục là kiểm tra ngặt nghèo hơn, chi phí và thời gian đều mất nhiều hơn.
Ông Nguyễn Sơn, phó chủ tịch Hiệp Hội Bông Sợi Việt Nam, cũng nêu thực trạng tương tự đã xảy ra với ngành này. Trước đây, chi phí kiểm dịch thực vật cho mỗi container bông nhập cảng làm nguyên liệu là 1 triệu đồng/mẫu, thời gian khoảng ba đến tám ngày. Do doanh giới ngành bông sợi liên tục than thở, đề nghị xem lại, Bộ Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn vừa công bố dự thảo mới về kiểm dịch thực vật. Cảm giác của doanh giới ngành bông sợi chuyển từ “sợ hãi” thành “thật sự kinh hoàng.”
Ông Nguyễn Đình Cung khẳng định, trước giờ, lối quản lý của hệ thống công quyền Việt Nam với doanh giới là “không thân thiện.” Nỗ lực “cải thiện” chỉ là “cho có.” Song ông Cung trấn an doanh giới rằng, lần này, việc tổ chức thực hiện Nghị Quyết 19/2016 có Văn Phòng Chính Phủ đồng hành. Cơ quan này sẽ thành lập các đoàn kiểm tra - giám sát, thúc đẩy việc thực hiện Nghị Quyết 19/2016 và sẽ truy trách nhiệm đến cùng.
Tuy nhiên cứ như lời ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, một thứ trưởng của Bộ Tài Chính Việt Nam - bộ được xem là có thiện chí nhất về cải thiện thủ tục xuất nhập cảng - thì “chỉ riêng vấn đề thông quan hàng hóa đã liên quan tới... 14 bộ và ngành.” Ngay cả ông Tuấn cũng không rõ những bộ, ngành đó sẽ phối hợp với nhau thế nào, thành ra theo ông, có thể phải chờ đến năm... 2019, Quốc Hội Việt Nam ngồi lại với nhau, sửa một số luật thì mới có thể đạt được mục tiêu là giảm thủ tục xuống còn một nửa so với hiện nay!” (G.Đ)
No comments:
Post a Comment