Một ngày bầu cử trôi qua, và các phương tiện truyền thông nhà nước Việt Nam lại bắt đầu thống kê những tỉnh nào bầu cử sớm, việc ấy xem như là một thứ công tác thi đua trong đợt bầu cử này. Tất cả các tổ bầu cử trên cả nước đều chăm bẵm thi đua.
Nhạc cổ động bầu cử năm nay lại dùng nhạc cổ động bầu cử khóa 13 nên đi bất kì điểm bầu cử nào trên cả nước đều có cảm giác đang trong mùa bầu cử quốc hội khóa 13.
Và cũng như mọi năm, danh sách hội đồng cấp xã, cấp thấp nhất luôn là danh sách ứng viên thật, ít có tình trạng chỉ định. Bởi điều này như một thông lệ, người dân khi đi bầu rất quan tâm đến danh sách hội đồng cấp xã và người ta chủ yếu là bầu cấp này. Riêng cấp tỉnh, quốc hội và cấp huyện thì hầu hết người dân gạch cho vui, ví dụ như lá phiếu yêu cầu chừa lại hai người thì người ta gạch chừa hai hoặc chừa một, có khi gạch hết…
Riêng lá phiếu hội đồng cấp xã, vì hầu hết người đi bầu thấy những kẻ lãnh đạo này xấu cỡ nào hay tốt cỡ nào đều ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mình nên phải chọn. Nhưng đây là sự lựa chọn bất đắc dĩ. Bởi lựa chọn của cử tri không thoát khỏi thủ đoạn của hội đồng bầu cử.
Ví dụ như trong lá phiếu có tám ứng viên, yêu cầu gạch ba, chừa năm. Trong đó có năm người là do hội đồng nhân dân xã khóa trước đề bạt, toàn những gương mặt quen, xấu tốt, tham lam hay thật thà thì dân đã biết hết, và ba người mới gồm hai công nhân và một chủ doanh nghiệp hoặc một giáo viên mà nói đúng nghĩa thì họ vô danh, thậm chí người dân chưa bao giờ biết họ.
Nếu ứng viên là chủ doanh nghiệp thì đó cũng là một tay thợ mộc hay thợ hồ, học chưa hết lớp 9, làm ăn khấm khá rồi đăng ký kinh doanh, treo một cái bảng nhưng đầu ốc thì đặc sệt. Hai ứng viên công nhân hoặc lao động phổ thông kia cũng vậy, khi tìm hiểu ra thì chẳng có gì ngoài khả năng ngày tám tiếng hai mười hai tiếng đi cày kiếm cơm và bản thân họ bị chủ ép ngày công, cũng là nạn nhân, họ chưa bao giờ dám đấu tranh…
Cuối cùng thì cử tri biết lựa chọn ai ngoài những ứng viên do đảng chỉ định. Bởi chí ít thì họ cũng từng làm một khóa trước và họ có kinh nghiệm. Chứ bầu thêm những người không biết gì vào giữa một đám vốn dĩ tham lam và dốt nát thì chỉ thêm rách chuyện. Đó là tâm lý chung khi đi bầu hội đồng nhân dân cấp xã. Riêng cấp huyện, cấp tỉnh và bầu quốc hội thì chẳng ai quan tâm. Bởi đã qua rồi cái thời người ta tin các đại biểu này sẽ đứng ra nói lên nguyện vọng của người dân, sẽ là những người có tài có đức. Thậm chí, khi nghe hai chữ tài đức trong danh sách bầu cử, một cảm giác tởm lợm và buồn nôn hiện ra rất rõ.
Và bên cạnh đó, cái điều gọi là “mặt trận nhân dân” để huy động người đi bầu được đảng sử dụng đến mức cao nhất. Nghĩa là các hội đồng bầu cử đều do Mặt trận tổ quốc (cánh tay phải của đảng Cộng sản Việt Nam, hầu hết là do các cựu chủ tịch ủy ban chuyển sang làm chủ tịch Mặt trận…) đảm nhiệm. Và Mật trận Tổ quốc có cánh tay nối dài chính là Mặt trận nhân dân, dó các ông trưởng thôn, trưởng xóm răm rắp tuân phục. Khi có một ai chưa hoặc không đi bầu thì chính những ông này đến nhà kêu gọi, đôn đốc, thậm chí hối thúc và đe nẹt… Đương nhiên đây là cách làm hoàn toàn phi pháp nhưng họ vẫn làm.
Bên cạnh, các nhà mạng Mobiefone, Vinafone, Viettel đều liên tục nhắn tin hối thúc người dân đi bầu. Và có một vấn đề nữa là hầu hết thẻ cử tri đều phát trước ngày bầu cử một tuần nhưng danh sách ứng viên cũng như thông tin về họ thì chỉ niêm yết và phát thanh, phổ biến cách ngày bầu cử hai ngày. Và hệ quả của việc cố tình chậm trễ (mà bản chất của nó là sự dối trá được chuyển hóa thành kịch bản bầu cử nhằm che đậy tính độc tài, độc đảng và lừa mị nhân dân) là nhân dân không biết gì về các ứng cử viên, thậm chí qua nhiều cuộc bầu cử, nhân dân đâm ra chán ngấy bởi điều này không những không mang lại lợi ích nào cho nhân dân mà còn gây tốn kém và quá mất thời gian của nhân dân.
Hệ quả của một bên nhà nước cố tình diễn kịch và lừa mị nhân dân, một bên nhân dân chán chường, phải đi bỏi phiếu trong tình thế ép buộc bởi nếu không đi bầu, mai mốt khi lên xã, lên phường chứng giấy tờ tùy thân hay làm bất kì một thủ tục gì cũng bị phiền hà, rối rắm (điều này được “mặt trận nhân dân” nói toạc móng heo với cử tri) nên đành phải đi bầu. Nói là đi bầu nhưng người ta cầm lá phiếu trên tay một cách vô hồn, vô nghĩa. Bởi khi bầu cử, chí ít cũng phải có niềm tin của cử tri gửi gắm vào lá phiếu, đằng này đi bầu cho xong chuyện, cho khỏi rắc rối.
Kiểu đi bầu của cử tri Việt Nam giống như những bà vợ bị ép buộc phải làm dâu xứ người, những cô gái bị bán sang Trung Quốc để làm vợ những ông cụ chịu bỏ tiền ra mua (trong khi khoản tiền bán thân xác đó các cô lại không được giữ, không được sở hữu). Khi các cụ cần giải quyết nhu cầu thì phải cố gắng chịu trận, cố gắng tỏ ra mình đang là người vợ để sáng mai khỏi bị đánh bầm dập, khỏi bị bán tiếp cho một người đàn ông khác.
Có nỗi khổ nào khổ hơn các cô gái Việt phải gồng mình nhận những trận mưa móc xác thịt của những gã chồng không cùng ngôn ngữ, không cùng tiếng nói, không đồng cảm, không có mọi thứ cần có của một người chồng mà chỉ có tiền để bỏ ra mua bản thân cô gái ấy để phục vụ y như một người vợ?
Và có nỗi khổ nào lớn hơn cho một dân tộc mà khi cầm lá phiếu bầu cử trên tay nhưng trong lòng trống rỗng, có một chút khinh khi thoáng qua khi liếc những cái tên trên phiếu bầu và lại nhắm mắt để gạch bỏ những cái tên mà đôi khi mỗi nhát gạch lại thấy có chút gì đó tội nghiệp và thấy mình hơi ác. Thấy mình ác không phải vì đã cố tình loại bỏ một tài năng phục vụ đất nước mà thấy vậy bởi vì tội nghiệp cho người bị gạch, bởi họ có tội gì đâu, họ chỉ là người lao động bình thường, cui cút kiếm sống qua ngày, sao lại nỡ bỏ họ vào danh sách, gieo cho họ một thứ ảo tưởng quyền lực để rồi hất họ xuống bằng những nhát gạch của nhân dân?
Thực sự, hiếm có cảm giác gì lạ lẫm, trống rỗng pha lẫn thương cảm và tởm lợm hơn cảm giác khi cầm lá phiếu bầu cử trên tay để rồi lại gạch, lại bỏ vào thùng, lại thấy rằng khi đi ra khỏi điểm bầu cử, sau lưng mình là một hố đen trống rỗng, và giữa hố đen ấy, những kẻ nhân danh nhân dân lại bắt đầu cuộc chơi, bắt đầu vở kịch múa may quay cuồng của họ!
Và có đất nước nào mà nhân dân khi đi bầu lại cảm thấy việc bầu bán của mình giống việc phục vụ của một bà vợ không hề có chút cảm giác với ông chồng, thậm chí thấy ông ta là một thứ gì đó giống thú hơn là người. Nhưng vì sao nhân dân lại vẫn phải tiếp tục nếm mùi cay đắng một lần nữa? Lẽ nào dân tộc này thực sự bị tê liệt khả năng phán đoán và suy xét dưới gọng kiềm của nhà cầm quyền độc tài Cộng sản?
Hi vọng đây không phải là vấn đề. Mà vấn đề nằm ở chỗ nhân dân còn đủ kiên nhẫn để chịu xem kịch, chịu đựng mọi thứ đến bao giờ. Bởi khi tức nước thì vỡ bờ, khi sóng lớn thì thuyền lật, đó là qui luật!
No comments:
Post a Comment