WASHINGTON (NV) - Mỹ đang thảo luận với phía Việt Nam để lập kho tồn trữ trang bị quân sự ở nước này kể từ khi chiến tranh chấm dứt năm 1975, theo lời một viên chức chính phủ Washington D.C.
Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ vào Đà Nẵng năm 1965.
Qua một nguồn tin tiết lộ, hai chính phủ đang thảo luận để Mỹ sử dụng Đà Nẵng như một địa điểm tồn trữ các trang bị quân sự trên danh nghĩa dùng để đối phó với các thiên tai và thảm họa thiên nhiên trong khu vực.
Đà Nẵng có cảng biển và phi trường cỡ lớn vốn là một địa điểm chiến lược từng được Mỹ sử dụng để đổ hàng trăm ngàn quân hồi năm 1965, can thiệp vào cuộc chiến Quốc-Cộng tại Việt Nam.
Theo sự nhận định của giới phân tích thời sự, việc lập kho chứa dụng cụ trang bị quân sự sẵn sàng để sử dụng khi cần đến, nhiều phần mang tính biểu tượng hơn. Hai kẻ cựu thù hiện đang xích lại gần nhau hơn vì cùng một mối quan tâm chung là các hành động bá quyền bành trướng của Bắc Kinh ngày càng lộ liễu hơn trên Biển Đông.
Để che đậy tham vọng và dã tâm muốn biến Biển Đông thành “ao sau nhà mình,” Bắc Kinh cáo buộc Hoa Thịnh Đốn can thiệp vào các vụ việc của khu vực, nhất là khuấy động an ninh và ổn định trên Biển Đông khi cho máy bay và tàu chiến đi vào các vùng biển đảo Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố chủ quyền và bồi đắp đảo nhân tạo.
Ngày Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2016, Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama đặt chân tới Hà Nội chính thức thăm viếng nước cựu thù, một cách nhìn nhận cái nước độc tài đảng trị Cộng Sản này là một thành phần quan trọng trong chiến lược “xoay trục” về Á Châu.
Qua sự tiết lộ của những viên chức chính phủ tháp tùng ông Obama tới Việt Nam, Tòa Bạch Ốc cân nhắn và hy vọng có thể loan báo việc giải tỏa lệnh cấm vận bán võ khí sát thương cho Việt Nam trong chuyến du hành này. Nếu việc này xảy ra, nó sẽ cho người ta hiểu là mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi từ kinh tế, xã hội, giáo dục, tiến những bước tuy chậm chạp nhưng đáng để ý về mặt quan hệ quân sự.
Tuy nhiên, dù có được gỡ bỏ lệnh cấm bán võ khí sát thương, Việt Nam mua được những gì và có khả năng mua những gì vẫn còn nhiều rào cản từ tài chính đến nhân quyền.
Việt Nam không giấu diếm ý muốn Hoa Kỳ gia tăng diện diện quân sự trên Biển Đông khi không một nước nào ở khu vực có khả năng đối trọng với dã tâm bá quyền bành trướng của Bắc Kinh.
Việt Nam tuy cùng là “đồng chí anh em,” “núi liền núi, sông liền sông” với Trung Quốc, nhưng lại có 2 ngàn năm kinh nghiệm đối phó với dã tâm đế quốc của người Hoa. Trong cái thế như vậy, người Mỹ có cơ hội gia tăng mối quan hệ nếu không là đồng minh thì cũng là đối tác chiến lược để cùng chống lại cái tham vọng của phương Bắc.
Mối quan hệ giữa Bắc Kinh với Hà Nội là một mối quan hệ rất phức tạp. Đồng chí “4 tốt” và “16 chữ vàng” đấy nhưng gã khổng lồ phương Bắc không hề nể nang anh em yếu kém, vẫn cứ lấn tới, cướp thêm gì của anh em vẫn cứ cướp.
“Vì đó là một nước Cộng Sản nên Hoa Kỳ cũng như sự tôn trọng giá trị tự do của nước Mỹ lại đe dọa sự tồn tại của những kẻ cầm quyền tại Hà Nội. Nhưng tham vọng bành trướng đế quốc của bắc Kinh lại cũng đồng thời đe dọa sự tồn tại của một nước Việt Nam” độc lập và tự chủ. Đây là nhận định của ông Marvin Ott, một chuyên viên về Đông Nam Á tại Phân khoa nghiên cứu quốc tế của trường đại học John Hopkins, Hoa Thịnh Đốn.
Tuy mối quan hệ quân sự giữa Việt Nam và Mỹ đang nhích dần lên từng bước, Hà Nội vẫn luôn luôn ngó chừng phản ứng của Bắc Kinh dù chỉ là thảo luận cho Mỹ lập kho trang bị đối phó thiên tai, thảm họa.
“Việt Nam thận trọng cân nhắc để không vượt qua lằn ranh nguy hiểm với Trung Quốc và Hoa Kỳ tôn trọng điều đó.” Patrick Cronin, giám đốc Á Châu của tổ chức Center for a New American Security. “Chúng ta không đi tìm thêm địa điểm để đặt các căn cứ quân sự.”
No comments:
Post a Comment