BẮC GIANG (NV) - Cho đến 11 năm sau khi ông Nguyễn Văn Triển được công an mời làm việc rồi mất tích, thân nhân của ông mới nhận được lời hứa sẽ “xác minh” từ công an tỉnh Bắc Giang.
Sau hàng chục năm vật nài xin được biết tung tích của con, nay cha mẹ ông Triển đã kiệt sức, chỉ còn tựa cửa chờ tin. (Hình: VietnamNet)
Ông Triển, sinh năm 1968, ngụ tại xã Tân An, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, đột nhiên mất tích hồi đầu Tháng Sáu, 2005. Cha mẹ và vợ ông Triển đổ đi tìm ông thì mới biết ông được công an huyện “mời làm việc.”
Thân nhân của ông liên tục xin được biết lý do ông bị “mời làm việc” và ông đang bị giam giữ tại đâu nhưng công an từ huyện đến tỉnh không thèm trả lời. Mất một năm vật nài họ mới nhận được công văn của công an huyện. Công văn cho biết vì một nhà máy trong vùng bị mất hai tấn sắt, nghĩ rằng có thể ông Triển biết manh mối nên ngày 31 Tháng Năm, công an huyện đã cử người đi tìm ông Triển và mời ông về trụ sở chính quyền xã Tân An hỏi chuyện.
Do hôm đó là ngày nghỉ, các phòng làm việc trong trụ sở chính quyền xã Tân An đều bị khóa, không có chỗ để ngồi làm việc, các sĩ quan của công an huyện cho ông Triển ra về. Công an huyện khẳng định, chưa bao giờ bắt giữ ông Triển!
Nhưng những nhân chứng khác khẳng định công văn vừa kể không chính xác.
Một người ngụ cùng xóm với ông Triển khẳng định, chính mắt anh trông thấy ông Triển bị công an áp giải. Nhân chứng này khẳng định, anh nghe thấy ông Triển xin công an cho về nhà thay quần áo nhưng không được chấp nhận.
Ông Hướng Xuân Đính, trưởng công an xã Tân An, xác nhận có thấy người của công an huyện Yên Dũng áp giải ông Triển về trụ sở chính quyền xã. Đúng là lúc đó các phòng làm việc đều đóng cửa, còn sau đó thế nào thì ông không rõ.
Cựu chủ tịch xã Tân An giai đoạn đó bảo rằng, khi gia đình ông Triển đi tìm tung tích của ông và nghe nói ông bị công an huyện bắt, ông có hỏi người trực tiếp bắt ông Triển và viên sĩ quan này bảo rằng, chỉ hỏi ông Triển vài câu, lập biên bản xong thì cho về.
Từ thân nhân tới hàng xóm, các viên chức chính quyền và công an xã đều khẳng định, ông Triển là một người hiền lành, chẳng bao giờ làm mất lòng ai. Tuy công an huyện khẳng định chưa bao giờ bắt giữ ông Triển, nhưng rõ ràng là sau khi bị mời làm việc, ông đột nhiên mất tích.
Cựu chủ tịch xã Tân An giai đoạn đó cho rằng, phỏng đoán ông Triển sợ hãi vì bị mời làm việc rồi bỏ trốn là điều vô lý vì nếu đúng như thế thì chắc chắn công an đã bủa đi tìm kiếm ông hoặc phát lệnh truy nã toàn quốc!
Cứ cho là công an huyện chỉ mời ông Triển về trụ sở chính quyền xã “làm việc” và đã cho ông về ngay sau đó thì công an huyện Yên Dũng cũng không thể vô can trong vụ ông Triển mất tích. Luật pháp Việt Nam không cho phép công an “mời làm việc” bằng cách chặn ai đó giữa đường, cưỡng bức họ phải theo mình về trụ sở của hệ thống công quyền.
Luật pháp Việt Nam cũng buộc công an phải thông báo cho thân nhân của những người bị công an bắt giữ về lý do giam giữ, thời hạn giam giữ, nơi giam giữ. Công an huyện Yên Dũng đã không làm như vậy. Dẫu công an huyện khinh dân tới mức, trước sự khẩn cầu liên tục của thân nhân ông Triển, một năm sau mới hạ cố xác nhận có mời ông làm việc và đã để ông ra về ngay trong ngày, nhưng 11 năm qua, công an tỉnh Bắc Giang vẫn không thèm ngó ngàng để phân giải đúng sai và tìm kiếm ông Triển.
Suốt 11 năm sau khi ông Triển mất tích, do tác động của báo giới, bị Bộ Công An Việt Nam chỉ đạo, công an tỉnh Bắc Giang mới bảo rằng họ “rất thông cảm với gia đình ông Triển” và sẽ “xác minh.”
Bao giờ có kết quả thì họ không xác định được. (G.Đ.)
No comments:
Post a Comment