Sunday, May 8, 2016

Kinh tế Việt Nam ngày càng thêm bất ổn

Không thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng đã đề ra

HÀ NỘI (NV) - Năm nay, kinh tế Việt Nam không thể đạt chỉ tiêu tăng trưởng mà Quốc Hội Việt Nam đã đề ra là 6.7%. Đó là nhận định của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam.

Hồ Ea Blong, xã Ea Sol, huyện Ea H'Leo, tỉnh Đắk Lắk trơ đáy do hạn hán. Thiên tai khiến kinh tế Việt Nam vốn đã bất ổn càng thêm bất ổn. (Hình: Tuổi Trẻ)

Tại phiên họp chính phủ theo định kỳ mỗi tháng, vừa diễn ra trong hai ngày 4 và 5 tháng 5, Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam, giải thích, sở dĩ mức tăng trưởng của năm nay sẽ không đạt dự kiến vì kinh tế Việt Nam đang “đối diện với hàng loạt khó khăn và thách thức.”

Những phân tích của Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam về các “khó khăn và thách thức” khiến mức tăng trưởng của năm nay không đạt dự kiến cho thấy chính quyền Việt Nam đang xoay mòng mòng giữa vô số mâu thuẫn và chưa tìm ra lối thoát.

Ví dụ, vật giá gia tăng, lương không đủ sống đã đẩy chính quyền Việt Nam đến chỗ phải tăng lương để ổn định nhân tâm nhưng tăng lương lại trở thành một trong những nguyên nhân khiến chỉ số giá cả trong bốn tháng đầu năm tăng thêm 1.4% so với cùng kỳ năm ngoái và cũng vì vậy, chính quyền Việt Nam không thể kiểm soát để giữ lạm phát ở mức 5%.

Chẳng hạn để ngăn chặn tình trạng đô la hóa (tình trạng khối lượng ngoại tệ gửi vào ngân hàng chiếm tỉ lệ trên 30% tổng khối tiền tệ, bao gồm: nội tệ đang lưu thông, nội tệ và ngoại tệ được gửi ngân hàng) có thể khiến kinh tế bất ổn khi có biến động về tỷ giá, ngân hàng nhà nước Việt Nam hạ mức lãi gửi Mỹ kim xuống còn 0%. Tuy nhiên quyết định này khiến cho hệ thống ngân hàng không thu hút và sử dụng được nguồn ngoại tệ trong dân chúng như trước nữa.

Rồi giữa lúc chi tiêu tiếp tục gia tăng, chi thường xuyên (các khoản buộc phải chi để duy trì của hệ thống công quyền) đã lên tới 65% tổng chi thì thu cho ngân sách lại giảm vì các nguồn thu cho ngân sách đều đang có trục trặc.

Những biện pháp nhằm bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ đã khiến lãi suất vượt xa mức lạm phát, đẩy doanh giới từ chỗ rất khó khăn đến chỗ hết sức khó khăn. Trong bốn tháng đầu năm nay, có khoảng 10,000 doanh nghiệp xin tạm ngưng hoạt động có thời hạn, tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra còn có khoảng 16,000 doanh nghiệp ngưng hoạt động, tăng khoảng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể là khoảng 4.000, tăng khoảng 16% so với cùng kỳ năm trước.

Một trong những “khó khăn và thách thức” mà Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam liệt kê là tình trạng doanh nghiệp thiếu vốn, khả năng cạnh tranh giảm đã khiến “hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, xuất nhập cảng đều đang chậm lại so với trước.”

Trong bối cảnh như vậy, lẽ ra những khoản đầu tư để kích thích phát triển phải tăng thì theo Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam, “chi cho đầu tư phát triển đã giảm từ 30% của tổng chi xuống còn 17% của tổng chi.” Rối loạn thu-chi khiến Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam thú nhận: “Với khả năng thu như hiện nay, tổng thu ngân sách không đủ để chi thường xuyên và trả nợ. Toàn bộ chi đầu tư phát triển đều là đi vay.” Trong khi các khoản ODA (ngoại quốc cho vay để phát triển) đang giảm, ưu đãi dành cho các khoản vay ngày càng ít, thời hạn vay ngắn hơn và lãi suất cao hơn.

Cũng có thể vì tình trạng kinh tế, tài chính của chính quyền Việt Nam như thế nên đang có thực trạng mà Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam xem là một loại “khó khăn và thách thức”: Việc phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu kho bạc trong nước đạt kết quả rất thấp. Đối tượng mua trái phiếu chủ yếu chỉ còn là: Các tổ chức tài chính của nhà nước, như ngân hàng thương mại, bảo hiểm xã hội,...

Một trong những yếu tố mà Bộ Kế Hoạch-Đầu Tư Việt Nam dự đoán sẽ làm kinh tế vĩ mô không ổn định là hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào ruộng vườn, biển bị ô nhiễm trên diện rộng,... dân chúng kiệt quệ vừa đòi hỏi cần tiếp sức, vừa không còn khả năng trả những khoản đã vay ngân hàng nên cần xóa nợ, giảm nợ, giãn nợ. (G.Đ)

 05-07-2016 3:43:13 PM 

No comments:

Post a Comment