Theo Người Việt-08-05-2016 2:43:59 PM
Phạm Chí Dũng
Người khắc khổ, kẻ thơn thớt
Ông Tom Malinowski, phụ tá ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách dân chủ, nhân quyền và lao động, có một thâm niên gian khổ đàm phán nhân quyền Việt-Mỹ, tương ứng với vẻ mặt khắc khổ của ông từ thời còn làm việc cho tổ chức Human Right Watch.
Thay thế người tiền nhiệm là Tiến Sĩ Daniel Baer vào năm 2014, ông Malinowski đã bất chợt đạt được kết quả khả quan khi đàm phán Việt-Mỹ lôi được đến 12 tù nhân lương tâm khỏi bóng tối trại giam của công an Việt Nam trong năm đó.
Nhưng đến cuối năm 2014, chỉ một tháng sau khi ông trở về Mỹ cùng với người tù Điếu Cày Nguyễn Văn Hải, chính thể Việt Nam lại bắt và tống giam ba blogger chỉ trong Tháng Mười Hai, 2014.
Sang năm 2015, tình hình vẫn không sáng sủa hơn. Kiểu dáng đánh đập và hành hạ những người bất đồng chính kiến, thay cho bắt bớ quá nhiều trước đó, đã lên ngôi vững chắc. Không một ai còn chút lương tri và tỉnh táo có thể tin nổi giới quan chức Việt mặt thơn thớt cười trên bàn đàm phán nhân quyền.
Đến Tháng Tư năm nay, vẫn khó để hình dung một kết quả xán lạn từ cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ, được tổ chức tại Washington, DC, bất chấp việc ngay trước đối thoại này, Thứ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ Antony Blinken đã nêu một số yêu cầu về nhân quyền trong chuyến công du Việt Nam của ông để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tổng Thống Barack Obama đến đất nước cựu thù vào cuối Tháng Năm.
So với năm 2006 là thời điểm phía Mỹ nhấc chế độ Việt Nam này khỏi Danh Sách Các Quốc Gia Cần Quan Tâm Đặc Biệt (CPC), mối tình Việt-Mỹ đang lạnh nhạt đi nhiều. Ngay cả nhiều đảng viên đảng Dân Chủ của Tổng Thống Obama cũng khó có thể chấp nhận tiến trình tròn một thập niên đi giật lùi của chính thể Việt Nam về thành tích nhân quyền.
Khá nhiều dấu hiệu cho thấy chính thể Việt Nam đã “lờn thuốc” trong vài năm qua. Những cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai quốc gia vẫn được duy trì, nhưng chủ yếu mang tính hình thức. Thậm chí, vào giữa năm 2015, ông Tom Malinowski, trưởng đoàn đối thoại nhân quyền của Hoa Kỳ, đã phải bực tức thốt lên: “Việt Nam không thể cứ thả một chục người này nhưng lại bắt một chục người khác để thay vào.”
Chuyến công du trả lễ Việt Nam của Tổng Thống Obama đã không diễn ra vào Tháng Mười Một, 2015 như dự kiến. Một số tin tức cho biết phía Mỹ cảm thấy “quá thất vọng” trước thành tích nhân quyền không những không cải thiện mà còn tồi tệ hơn của Việt Nam. Những gì mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng nói tuồn tuột ở Washington, DC, vào Tháng Bảy, 2015 về dân chủ và nhân quyền thực ra rất dễ làm người khác phải bịt mũi.
Không chỉ ông Obama không đến Việt Nam vào cuối năm 2015 mà ông Malinowski cũng vậy. Cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ dự kiến vào cuối năm ngoái đã bị hoãn lại cùng với vụ Bộ Công An Việt Nam bắt giam Luật Sư Nhân Quyền Nguyễn Văn Đài, tương tự việc Mỹ phải hủy bỏ đối thoại nhân quyền giữa hai nước vào cuối năm 2012, khi Luật Sư Nhân Quyền Lê Quốc Quân bị tống ngục tại cùng thời điểm.
Một chút khả quan
Một chút khả quan trong chuyến đi Việt Nam vào Tháng Tư của Antony Blinken là bớt lặng lẽ hơn thời điểm ông đến Việt Nam vào giữa năm 2015 trước chuyến đi của Tổng Bí Thư Trọng đến Washington, DC.
Ngày 21 Tháng Tư, phát biểu tại Đại Học Quốc Gia Hà Nội, ông Antony Blinken kêu gọi chính quyền Việt Nam tôn trọng các quyền con người như đã cam kết với cộng đồng quốc tế. Đáng chú ý là tất cả các lĩnh vực nhân quyền được nêu ra trong diễn văn của ông Blinken đều tương ứng với các yêu cầu trong văn thư của các dân biểu Quốc Hội Mỹ gởi Tổng Thống Obama:
-Trả tự do vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị, tôn giáo và lương tâm.
-Ngưng ngay các hành động sách nhiễu, bắt bớ và truy tố các nhà hoạt động dân chủ và các blogger.
-Tôn trọng quyền tự do phát biểu và tiếp cận Internet.
-Cải tổ luật cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền.
-Điều tra những hành vi của giới chức thẩm quyền vi phạm nhân quyền.
-Tôn trọng quyền thành lập nghiệp đoàn tự do và độc lập của người lao động.
-Thông qua luật tín ngưỡng và tôn giáo phù hợp tiêu chuẩn quốc tế về tự do tôn giáo hay niềm tin.
Vào năm 2015 khi đến Việt Nam, trong bài phát biểu tại tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ ở Sài Gòn, ông Blinken đã chỉ nói chung chung: “Chúng tôi thường xuyên thảo luận về chủ đề nhân quyền với các quan chức cao cấp của Việt Nam. Chúng tôi nhận ra rằng đã có một số bước tiến quan trọng, tích cực trong lĩnh vực này, và điều quan trọng là thừa nhận chúng.”
“Dù vậy, chúng tôi tiếp tục có mối quan tâm thực sự về một số trường hợp nhà hoạt động bị giam giữ, đe dọa, đánh đập vì bày tỏ quan điểm chính trị. Đó là một vấn đề thực sự. Chúng tôi trao đổi trực tiếp với những người trong chính phủ Việt Nam để bày tỏ những quan ngại,” ông nói tiếp.
Việc chính quyền Việt Nam chấp nhận cho Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nêu công khai những yêu cầu về nhân quyền trước công chúng ngay tại Hà Nội vào Tháng Tư có thể được xem là một thắng lợi an ủi của áp lực quốc tế về nhân quyền.
Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều hành vi trấn áp, đàn áp nhân quyền vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Ngay trong chuyến thị sát của đại sứ lưu động về tự do tôn giáo của Hoa Kỳ vào đầu Tháng Tư, nhiều tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo ở An Giang đã bị công an hành hung dữ dội. Ngay sau đó, giáo xứ Hướng Phương ở Quảng Bình bị công an ném lựu đạn cay khiến một số giáo dân bị thương. Tín đồ Tin Lành ở những khu vực khác như Gia Lai, Bình Định, cũng bị đàn áp. Hầu hết các hội đoàn xã hội dân sự độc lập vẫn bị ngăn cản hoạt động.
Vụ đánh đập nhân quyền sắt máu nhất vừa diễn ra vào ngày 1 Tháng Năm, khi cuộc biểu tình của dân chúng phản đối vụ “cá chết Formosa” nổ ra, công an nhiều nơi, đặc biệt là công an ở Sài Gòn đã bắt bớ một loạt nhà hoạt động nhân quyền và đấm đá họ tàn nhẫn. Có người bị đánh đến bốn lần từ ngoài đường vào trong đồn công an. Hình ảnh những phụ nữ hoạt động nhân quyền bị nam công an Cộng Sản bẻ ngoặt tay và đánh vào đầu vào mặt là chẳng khác mấy thời trại tập trung của chế độ phát xít...
Dấu hiệu hy vọng duy nhất cho tới giờ phút này lại không phải lộ ra từ nội dung cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ vào Tháng Tư. Chỉ ít ngày sau khi bắt giữ hai nhà hoạt động môi trường Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn, công an hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình đã phải trả tự do cho hai người này. Các dư luận viên không giấu nổi vẻ thất vọng vì “nhà nước quá nương tay.”
Khả năng nhiều nhất cho việc thả trên có lẽ đến từ áp lực của phía Mỹ, ngay trước chuyến công du Việt Nam của Obama.
Hai điểm yếu của chính thể Việt Nam
Áp lực nhân quyền chỉ có thể đạt hiệu quả khi “đánh” trúng những điểm yếu của chế độ vi phạm.
Hiện nay, hai khó khăn lớn nhất mà chính thể Việt Nam phải mau chóng tìm cách xử lý là áp lực gây hấn có thể dẫn đến nguy cơ chiến tranh từ Trung Quốc, và cơn bĩ cực ngân sách lẫn suy thoái kinh tế.
Nếu khó khăn thứ nhất đang phụ thuộc vào một sự hứa hẹn của Mỹ về “đồng minh quân sự” thì khó khăn thứ hai tùy thuộc vào túi tiền của Ngân Hàng Thế Giới (WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF), hai chủ nợ thuộc loại lớn nhất của Việt Nam.
Muốn được Hoa Kỳ gỡ bỏ từng phần tiến tới gỡ bỏ toàn phần lệnh cấm bán vũ khí sát thương, chính thể Việt Nam phải có những hành động “có thể chứng minh được” về cải thiện nhân quyền. Tương tự, muốn vào được TPP để cứu vãn nền kinh tế khỏi sụp đổ, cũng như vay được tiền của WB và IMF hầu mong có thể trả lương cho đội ngũ công chức viên chức lên đến 4 triệu người cùng 1 triệu quân trong lực lượng vũ trang, chính quyền Việt Nam không còn cách nào khác phải “cải cách thể chế” càng nhanh càng tốt bằng việc ban hành những bộ luật thiết yếu với xã hội dân sự và quyền con người như Luật Biểu Tình, Luật Lập Hội.
Không phải ngẫu nhiên mà vào Tháng Mười Hai, 2015, cùng với quyết định ngừng các khoản cho vay ưu đãi đối với Việt Nam, đại diện WB tại Hà Nội, bà Victoria Kwa Kwa, đã thẳng tay trao cho chính phủ quốc gia đầy rẫy vi phạm nhân quyền này một bản khuyến nghị 7 điểm, với khuyến nghị đầu tiên có tính chất rất đặc biệt: Việt Nam cần mau chóng ban hành Luật Lập Hội.
Áp lực từ Quốc Hội Mỹ có lẽ là yếu tố đủ quan trọng mà đã khiến cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ vào Tháng Tư vẫn phải kéo dài, ít nhất cho tới khi ông Tom Malinowski đến Hà Nội dự kiến trong hai ngày 9 và 10 Tháng Năm.
Vào Tháng Năm này, kết quả chuyến công du của ông Obama đến việt Nam sẽ phụ thuộc một phần vào những điều kiện nhân quyền của Mỹ có được đáp ứng phần nào hay không. Tinh thần “vào cuộc” của Quốc Hội Hoa Kỳ về cài đặt những điều kiện tự do tôn giáo và nhân quyền vào TPP từ năm 2014 cho đến nay đã khẳng định rằng, nền hành pháp Mỹ không thể nhận được sự ủng hộ của giới lập pháp nếu không tỏ thái độ dứt khoát với chính thể Việt Nam về yêu cầu phải cải thiện mạnh mẽ về nhân quyền.
No comments:
Post a Comment