Sunday, May 8, 2016

Biển chết: Bộ Tài nguyên và Môi trường đang ‘diễn’ gì ?

Thiên Điểu-09-05-2016

(VNTB) - Câu chuyện biển miền Trung bị đầu độc đang ngày càng lộ rõ một chiến dịch từ trên xuống dưới nhằm che giấu cho thủ phạm hơn là truy tìm kẻ phải chịu trách nhiệm.


Từ việc ngày Quốc tế lao động 1/5, truyền thông nhà nước hoàn toàn không hề đề cập tới những cuộc biểu tình nổ ra trên mấy tỉnh thành với hàng chục ngàn người tham gai. Các quan chức địa phương và vài Bộ “biểu diễn” tắm biển, ăn cá để trấn an dư luận nhưng không bưng bít nổi sự thật cá biển tiếp tục chết, bản đồ vùng nhiễm độc tiếp tục lan rộng đến những khu vực xa hơn. Một số “nhà khoa học” trong nước và cả một vài người nước ngoài được cho là “chuyên gia” nhưng không có bất cứ thông tin cụ thể nào về nơi làm việc có uy tín để xác định được đẩy ra để tung hỏa mù bằng những dự doán không có một căn cứ rõ ràng cho tới một số báo thuộc loại  tên tuổi như Báo Tuổi trẻ tung bằng chứng bị cộng đồng mạng bóc mẽ là sản phẩm Photoshop nhằm chứng minh có “thủy triều đỏ”  ở biển miền Trung Việt Nam.

Điều đáng nói hơn: Cơ quan chịu trách nhiệm quản lý trực tiếp cao nhất ở Việt Nam là Bộ Tài nguyên & Môi trường thì liên tục đưa ra những những thông điệp bất nhất.

Việc quan chức của Bộ Tài nguyên &Môi trường “phản pháo” hệ thống xả thải của Khu công nghiệp Formosa - đối tượng tình nghi lớn nhất đã gây ra vụ nhiễm độc – là có phép trong khi chính luật pháp Việt Nam lại không cho phép, vô tình chỉ ra Bộ này đã không hề thẩm định một cách nghiêm túc hồ sơ thiết kế và báo cáo đánh giá tác động môi trường ngay khi còn trong giai đoạn Dự án. Việc giám sát sau đó cũng phó mặc cho cấp dưới là Sở KH&CN Hà Tĩnh.

Tạm dừng đề cập những chuyện liên quan trách nhiệm của Bộ Tài nguyên & Môi trường xung quanh  KCN Formosa, bởi có vẻ như sau khi Hội đồng đánh giá thảm họa đã được lập ra dưới sự lãnh đạo của một Tiến sĩ chính trị thì Bộ Tài nguyên & Môi trường đã yên chí chờ đợi cỗ máy cho ra đời các lý do “để rút kinh nghiệm” nên quay  trở lại chủ đề của bài viết.

Bộ Tài nguyên & Môi trường đang ‘diễn’ gì?

Gần đây, một số Doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực trồng rừng, nuôi trồng thủy sản; khai khoáng; sản xuất công nghiệp.v.v. đang được “quan tâm” mời tham gia một chương trình có tên GIAO LƯU “DOANH NGHIỆP TIÊN PHONG ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XANH BỀN VỮNG” LẦN II – 2016.

Trong nội dung giới thiệu, chương trình này nhằm thảo luận “Chiến lược tăng trưởng xanh hướng đến là: nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu…” .

Chương trình với khách mời có nhiều đại diện các cơ quan TW rất hoành tráng và được một số người xưng danh là của Ban tổ chức thuộc Báo Tài Nguyên & Môi trường – đơn vị được giao tổ chức thực hiện chương trình liên hệ qua điện thoại. email.. với các doanh nhân lãnh đạo doanh nghiệp để “mời” tham gia vào cuối tháng này (dự kiến là 28/05/2016).
Chương trình gồm hai nội dung chính:

- Hội thảo giữa các Doanh nghiệp với đại diện Bộ Tài nguyên & Môi trường: Nghe các Doanh nghiệp góp ý kiến và thảo luận các chính sách liên quan chủ đề của chương trình đã nêu trên.

- Giao lưu giữa Doanh nghiệp và lãnh đạo Bộ, chụp hình, nhận Kỷ niệm chương của chương trình.

Điều này sẽ không có gì đáng nói nếu như trong các thủ tục tham gia được kèm theo một khoản phí tối thiểu là 20.000.000 VNĐ trở lên. Khoản phí này lại được “linh động”  thanh toán cho một tài khoản là của Báo tài nguyên môi trường, có hóa đơn VAT và một tài khoản cá nhân nếu không có VAT. Khoản phí này được hợp thức bằng một Hợp đồng soạn sẵn với Công ty Cổ phần Truyền thông HTV Việt Nam.

Câu chuyện tiền bạc loằng ngoằng cũng thôi không bàn mà để người đọc tự nghiền ngẫm và tham khảo thêm qua nội dung các văn bản kèm theo được chụp ảnh gửi kèm bài viết. Bởi cuối cùng cũng chỉ có thể kết luận một điều: Chương trình được ẩn sau một nội dung có vẻ rất lớn, Doanh nghiệp “được mời” tới để góp ý kiến nhưng thực chất chỉ để nghe đọc diễn văn, đóng tiền để nhận Kỷ niệm chương và “giao lưu, chụp hình..” với lãnh đạo. Chất lượng và ý nghĩa thế nào cũng tùy mỗi người đánh giá.

Điều muốn nói ở đây là: Bộ Tài nguyên & Môi trường đang làm gì trong khi thảm họa môi trường đang hoành hành trên biển?

Với những thể hiện qua một chương trình nói ở trên làm ví dụ, vấn đề môi trường và tài nguyên đất nước đã, đang và sẽ được quản lý ra sao? 

No comments:

Post a Comment