Sunday, May 8, 2016

Độc tố đỏ Formosa

Ngày 7 tháng 5 năm 2016
H,
Bắt đầu từ ngày 06/04/2016, cá nuôi trong các lồng bè xung quanh khu vực cảng Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, bỗng nhiên bị chết hàng loạt. Tiếp theo, cá lại chết la liệt ở Quảng Trạch, Đồng Hới… (tỉnh Quảng Bình), rối đến Gio Linh, Triệu Phong… (Quảng Trị) ; Thuận An, Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế).
Tổng cộng đến gần 300 kilomet bờ biển miền Trung bị ảnh hưởng.Cá bị chết lên đến vài chục tấn ở mỗi tỉnh, có đủ loại lớn nhỏ, từ vài trăm gram cho tới những con cá nặng đến 35 ký. Bị chết nhiều nhất là các loại cá sống ở tầng nước sâu 30 đến 40 mét như cá hồng, cá liệt, cá đuối, cá mú…
1Thảm họa ô nhiễm tại Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế gây rúng động công luận trong và ngoài nước, từ đầu tháng 4, với hàng tấn cá chết trôi vào bờ la liệt.
Truyền thông trong nước ngày 5/5 dẫn tin từ ngư dân Quảng Bình cho biết họ phát hiện vô số hải sản chết xếp lớp dưới đáy biểntrong phạm vi cách bờ 6 hải lý, nhiều hơn cả lượng xác cá dạt lên bờ.
Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Thừa Thiên Huế ngày 5/5 báo cáo cá nuôi trên vùng đầm phá trong tỉnh chết hàng tấn. Báo Giao thông cùng ngày loan tin tại khu vực Thanh Hóa mấy ngày nay, cá vẫn chết hàng tấn, trôi nổi trên sông, bốc mùi hôi thối. Hầu hết báo điện tử của Việt Nam vào ngày 5/5/2016 đều đưa tin thêm đợt thứ 3 cá chết bất thường tiếp tục xảy ra ở Thừa Thiên Huế từ ngày 2/5, trong vòng 3 ngày lượng cá biển trôi dạt vào bờ ở cửa biển Thuận An khoảng 8 tấn, cá nuôi lồng của người dân cũng chết hàng loạt nhưng chưa có thống kê.
Tờ Tiền Phong ngày 5/5 trích lời Thứ trưởng Nông Nghiệp-Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám loan báo kết quả phân tích của Bộ về hiện tượng cá chết ở các tỉnh miền Trung cho thấy có kim loại nặng. Nhưng, câu trả lời gọn lỏn, hết sức vô tình và tàn nhẫn với dân VN, được nhà nước đưa ra sau cuộc họp kín của 7 Bộ và 1 Viện Hàn lâm khoa học VN, khiến dân người ta không khỏi choáng váng, rằng: “Cá chết không liên quan đến Formosa!”. Tuy nhiên, báo chí đã đưa ra rất nhiều chứng cứ rõ ràng mà mọi hướng đều chứng minh “Thủ phạm là Formosa”. Như vậy Formosa là thứđộc tố đỏ giết hại cơ thể dân tộc Việt.
1
Mặt khác, Thảm họa môi trường xảy ra ngay sau khi nhà máy thép của Formosa tại Hà Tĩnh  chạy thử, xả khoảng 10,000 khối nước thải/ngày ra biển. Trong tương lai, nếu Formosa chính thức hoạt động và xả tới 45,000 mét khối nước thải/ngày đúng như mức mà Bộ Tài Nguyên-Môi Trường của nhà nước VC “cho phép,” tầm vóc của thảm họa sẽ khủng khiếp hơn rất nhiều. Nếu Formosa xả nước thải đúng mức giấy phép và dòng hải lưu biển Ðông đổi chiều vào mùa Hè thì tình trạng cá chết trắng biển sẽ không chỉ xảy ra từ Hà Tĩnh tới Cà Mau mà còn lan ngược đến vịnh Bắc Việt. Nói cách khác, cá có thể chết trắng suốt 3,000 cây số bờ biển chạy dọc Việt Nam. Vì vậy, ngay bây giờ người dân rất lo sợ sau này, ngay cả muối ăn người ta cũng tìm cách mua dự trữ, tức là mua muối sản xuất trước khi biển bị ô nhiễm, khiến hôm thứ Tư 27/4, VC ra lệnh cấm tiêu thụ, mua bán hải sản ở vùng này, trong lúc đang còn điều tra. Do đó, Formosa bị ép phải cúi đầu xin lỗi dù làm đúng giấy phép mà nhà nước đã cấp. (Xem hình: Pháp Luật TP.HCM)
Giáo sư Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình “Con người và Sinh quyển” của UNESCO nói trong cuộc tọa đàm của BBC ngày 05/05 rằng: “Cá chết là trên bề mặt, nhưng tồn lưu các chất ô nhiễm ấy nằm trong cơ thể cá, nó di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác…”
Riêng doanh nhân khoáng sản và luyện kim Thành Nam, với kinh nghiệm của một doanh nghiệp đã từng làm về khoáng sản và luyện kim, trong bài viết đăng trên http://www.boxitvn.net, ngày 4-5-2016, có một số nhận xé như sau [xin trích nguyên văn]:
“Với sản lượng thép của FOMOSA là 7.1 triệu tấn/năm. Vậy FOMOSA sẽ phải thải ra môi trường xung quanh một lượng chất thải rắn thấp nhất là 7,1 triệu tấn/năm, tức 600.000 tấn/tháng: Thành phần của chất thải bao gồm: (Đất đá + Các kim loại nặng ngoài sắt + Phốt pho, lưu huỳnh + hóa chất để lọc quặng). (Xin bạn hãy lưu ý: Trong quặng sắt bao giờ cũng chỉ có trên 50% là sắt còn lại là các tạp chất khác). Nếu nhà nước bố trí một mặt bằng rất lớn ở trên cạn và thành lập những núi thải lớn, thì FOMOSA cũng phải bố tri một đoàn xe hùng hậu để chở thải đi đổ, chi cho vận tải chất thải là 30 tỷ VND/tháng. Nếu tống tất cả ra biển, chưa bàn đến ô nhiễm biển, cũng chưa tính toán kỹ các dòng hải lưu sẽ mang đi thì chỉ trong vài tháng, biển Hà Tĩnh chúng ta sẽ lội tới đầu gối. Cá chết ở miền Trung chỉ là chuyện nhỏ mà toàn bộ Biển Đông cá sẽ tuyệt chủng. Nếu Nhà nước buộc FOMOSA Phải tách các kim loại nặng & phốt-pho lưu huỳnh ra khỏi chất thải thì FOMOSA sẽ lỗ vốn chổng vó và phải đóng cửa ngay ngày hôm sau khi có lệnh ban bố của Nhà nước. Còn một vấn đề khác hết sức nghiêm trọng mà tôi thấy hình như người Việt Nam chưa ai quan tâm, đó là: Nếu để làm ra 7.1 triệu tấn thép trong một năm, vậy mỗi năm FOMOSA cần phải đốt hết, thấp nhất là 4 triệu tấn than cốc. Cả một lượng khí CO2 khổng lồ thải ra trên bầu trời Việt Nam, không biết Nhà nước tính toán tới vấn đề này chưa, và FOMOSA  đã có hạn ngạch thải khí CO2 với quốc tế chưa?”
Mặt khác, trong bài viết “Câu Chuyện Vũng Áng”, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết cũng cho biết [xin trích nguyên văn]:
“TS Nguyễn Thùy Trang, Tiến sĩ Sinh Vật/Hóa học đã lấy mẩu nước biển từ Vũng Áng để đưa về Âu Châu thử nghiệm, cho thấy mức độc hại ở nước biển miền Trung Việt Nam báo động đỏ. Các hóa chất nằm trong mẩu nước biển tại Vũng Áng được lấy ngày 24/4/2016 và đưa về Âu Châu thử nghiệm ngày 26/4/2016 bao gồm 5 hóa chất độc hại chính và Cyanide:
  • Lead, Chì: Ngộ độc có thể gây suy giảm tinh thần và thể chất nặng.
  • Cadmium Toxicity: Nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính và khí phế thũng, độc hại cho thận theo đường hô hấp mãn tính nếu nuốt phải.
  • Mercury, Thủy Ngân: Tiếp xúc với thủy ngân ở mức độ cao có thể gây tổn hại cho não, tim, thận, phổi và hệ thống miễn dịch. Mức độ cao của thủy ngân trong máu của thai nhi và trẻ nhỏ có thể gây tổn hại cho hệ thần kinh phát triển, làm cho trẻ ít có khả năng suy nghĩ và tìm hiểu.
  • Arsenic, Polychlorinated biphenyls (PCBs): (PCB) là một tổng hợp, hợp chất clo hữu cơ có nguồn gốc từ biphenyl, mà là một phân tử bao gồm hai vòng benzen. PCBs chia sẻ chế độ độc hại giống như chất độc Da cam/Dioxin. Tác động độc hại như nội tiết gián đoạn (đặc biệt là ngăn chặn các hệ thống tuyến giáp hoạt động) và nhiễm độc thần kinh được biết đến.
  • Polynuclear aromatic hydrocarbons (PAHs): Nghiên cứu cho thấy rằng các chất chuyển hóa PAH nhất định sẽ tương tác với DNA và trở thành genotoxic, gây ra khối u ác tính và tổn thương gen di truyền ở người. Ở người, tiếp xúc với các hỗn hợp của PAHs gây nguy cơ đáng kể của phổi, da, và nguyên nhân ung thư bàng quang.
Chúng tôi nghĩ đây là một sự thật vì căn cứ vào kết quả phân tích nước thải của những khu công nghệ tượng tự, ngoài 5 loại hóa chất độc hại trên còn có thêm Mangan, Sắt, Đồng v.v.. Kim loại nặng thường có tính bền vững rất cao. Do vậy, chúng sẽ tồn tại rất lâu trong đất, nước, không khí. Nếu các sinh vật hấp thụ các kim loại này thì chất độc sẽ được tích lũy và chuyển qua các sinh vật (động vật cũng như thực vật) khác nhau qua chuỗi thức ăn (food chain). Con người thường là điểm đến cuối cùng của chuỗi thức ăn trên và các kim loại này sẽ đi vào cơ thể qua việc ăn uống. Ngoài ra, chúng cũng có thể xâm nhập qua đường hô hấp và qua da. Các kim loại nặng nầy sẽ theo dòng chảy chìm dần xuống đáy biển do tỷ trọng cao; từ đó có thể giải thích hiện tượng sò, ốc dưới đáy biển cũng chết hàng loạt, chạy dài cho đến Đà Nẵng hiện nay. Trên lý thuyết, những kim loại nặng có tác hại khôn lường và rất khó chẩn đoán. Các loại hải sản ở khu vực nhiễm độc đều có thể bị nhiễm nặng. Lượng độc tố có thể ngấm sâu xuống mạch nước ngầm và gây hại lâu dài. Tình trạng ở Vũng Áng có tầm nguy hại ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của dân chúng trên bình diện rộng, do dòng hải lưu và phân phối hải sản tiêu thụ trên một vùng rộng lớn, chứ không chỉ giới hạn ở Vũng Áng. Lịch sử thế giới đã ghi nhận rất nhiều trường hợp thương tâm về việc nhiễm kim loại nặng từ môi trường và cuộc đấu tranh pháp lý rất phưc tạp, nhứt là khi CS Bắc Việt đã bán linh hồn cho TC.”
Phần ông Jean HETZEL, hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực môi trường và phát triển bền vững, hiện là chủ tịch công ty tư vấn JOHANSON International, cũng nói với đài RFI rằng: “Đã rất lâu rồi tôi mới biết một vụ ô nhiễm môi trường như vậy, trải dài khoảng 200 km. Vụ việc xảy ra ở vùng biển thì khá hiếm vì hiện tượng này thường xảy ra ở các vùng sông. Rõ ràng đây là một cú sốc vì cá chết phơi bụng nhiều. Cũng không được quên các loài rong, tảo là nguồn thức ăn của cá, khi không chịu nổi chất gây ô nhiễm cũng sẽ chết… Khó khăn lớn đối với Việt nam là vụ việc xảy ra ở biển, rất khó dừng ô nhiễm ở biển vì nó lan nhanh xuống các tầng nước, khi xuống tầng nước sâu thì khó tìm được dấu vết…”
Sau cùng, không thể che giấu mãi được nên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Vũ Văn Tám hôm 5/5 phải nói với báo chí Hà Nội là các mẫu cá chết ở Bắc Trung bộ mà Bộ phân tích cho thấy cá bị nhiễm kim loại nặng. Tuy vậy Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết ông không được phép công bố chi tiết, về chủng loại, thành phần cũng như số lượng kim loại nặng mà cá bị nhiễm từ nước biển, vì Thủ tướng chỉ đạo tất cả kết quả phải được chuyển cho Bộ Tài nguyên Môi trường và chỉ có Bộ Tài nguyên Môi trường là cơ quan được phép công bố nguyên nhân cá chết hàng loạt ở miền Trung.
1
Còn nhớ trước đây, nhà máy bột ngọt Vedan ở Biên Hòa, 3 năm liên tiếp được Hội Chữ thập đỏ và UBND Tĩnh Biên Hòa khen thưởng. Nhà máy này cũng xả nước thải và có đường ống ngầm xả nước thải làm ô nhiễm dòng sông Thị Vải…  Phế thải lõng chảy tới tận khu Thanh Đa, khu Cầu Bình Lợi…; và cá chết cũng nổi lên giống như tình trạng ở biển miền Trung hiện nay [xem hình]. Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài, với sản phẩm chủ yếu là: bột ngọt, hạt nêm, đường mạch nha, tinh bột, phân bón hữu cơ, xút, acid, và các loại sản phẩm công nghệ sinh học khác….
Nhìn vào hiện trạng trên, ông David Brown, một nhà ngoại giao Mỹ đã nghỉ hưu, hiện là một cây bút thường xuyên bình luận về Việt Nam đương đại, đã có bài viết “Vụ Xả Hóa Chất Của Công Ty Đài Loan Được Cho Là Đã Giết Chết Cá Hàng Loạt Tại Việt Nam” nhận định: “Các lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh đã vận động nhiều năm để có được dự án FHS (Formosa). Được biết, họ đã xem dự án như chìa khóa để xoay chuyển số phận của một tỉnh lạc hậu.  Cũng như các quan chức hàng đầu của chính phủ trung ương, dường như họ rất miễn cưỡng trong việc kết nối FHS với vụ cá chết quá bất thường” [bài được ông Trần Văn Minh thuộc nhóm Chống Tàu Diệt VC chuyển dịch, GG in đậm và gạch đưới].
1
Chuyện miễn cưỡng đó đã thấy rõ qua việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, ngày 17-9-2015, tới dự “Lễ khánh thành Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 và Tổ máy số 1 – Nhà máy nhiệt điện Formosa tại Khu kinh tế Vũng Áng”, do UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, tổ chức [xem hình] trong khi “Dự án đầu tư và xây dựng Nhà máy liên hợp luyện gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa) do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư, đã được Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp phép đầu tư với thời hạn 70 nămkhi chưa được Chính phủ đồng ý…” [xem phụ đính 1].
Vấn đề trở nên trầm trọng hơn khi trả lời Tuổi trẻ TP.HCM hỏi về việc “Từ khi nhà máy hoạt động thì vùng biển quanh đường ống xả ngầm ra biển không còn tôm cá hay sinh vật biển, ông Chu Xuân Phàm – trưởng văn phòng Formosa tại Hà Nội – đã có những phát biểu khiến dư luận nổi giận”. Ông Phàm cho rằng: “Muốn bắt cá, bắt tôm hay nhà máy, cứ chọn đi. Nếu chọn cả hai thì làm thủ tướng cũng không giải quyết được…” [Sau đó Chu Xuân Phàm bị cho nghỉ việc và triệu về nước].
Chỉ bằng ấy chữ, Chu Xuân Phàm đã làm rơi chiếc mặt nạ của Đảng Cộng sản Việt Nam, qua đó người dân thấy rằng Formosa là nơi xả chất thải hủy diệt môi sinh biển là có thật, và cái có thật thứ hai là Đảng đang âm thầm ra sức bao che cho sự thật này bằng các công bố lững lờ sai trái.
Do vậy, Blogger Lang Anh viết rằng:
“Tôi buộc phải nói rằng việc chế độ này tồn tại đang tiếp tục là đại họa khủng khiếp cho người dân. Khi những kẻ cai trị bằng cách tiếm quyền và không được dân bầu thì dù không có Formosa cũng sẽ có một thứ quái vật tương tự khác. Giống như hàng lậu từ Tàu đang giết nền kinh tế và làm giàu cho kẻ xâm lăng; giống như thực phẩm bẩn đang giết dần người dân; giống như hạn mặn lan tràn miền Nam trong sự bất lực và bó gối của chính quyền vì đã chẳng làm gì trong quá khứ để ứng phó vì người dân; giống như tình trạng tham nhũng và trơ tráo đến vô luân của hầu hết những kẻ nắm quyền; giống như sự bất công lan tràn trong xã hội; và giờ đây thêm cơn thảm họa biển miền Trung. Giọt nước đã tràn ly. Tôi thực sự kêu gọi tất cả những người Việt Nam có hiểu biết và có lương tri, hãy tiến hành những hoạt động bất tuân dân sự một cách rộng khắp để phản đối sự vô cảm của chính quyền. Chúng ta đóng thuế làm gì để nuôi một lũ vô luân? Xin hãy cất tiếng nói, xin hãy cùng ký các đơn từ tập thể, xin các luật sư và các nhà phản biện xã hội hãy vào cuộc, xin các nhà khoa học có hiểu biết và có lương tâm hãy tiến hành các phân tích độc lập, xin các đồng bào Việt Nam ở nước ngoài hãy giúp đỡ những người trong nước để tìm ra sự thật, xin hãy nói giúp với thế giới điều gì đang diễn ra ở đây và xin toàn bộ người Việt Nam hãy ủng hộ những người dũng cảm dẫn đầu, đừng để họ lẻ loi và bị khủng bố trong đơn lẻ.”
Lời kêu gọi của blogger Lang Anh đã được đáp ứng sâu rộng, cả trên tầm vóc quốc tế. Thật vậy, chuyện cá chết ở miền Trung quá trầm trọng đã khiến văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ở khu vực Đông Nam Á (OHCHR) bày tỏ lo ngại về tác động của vụ cá chết hàng loạt dọc bờ biển miền trung của Việt Nam đối với việc thụ hưởng quyền con người của quốc gia này, đặc biệt là quyền y tế và thực phẩm. Ông Laurent Meillan, Quyền đại diện Khu vực của OHCHR, nói: “Chính quyền Việt Nam cần áp dụng các khuôn khổ pháp lý và pháp luật để chống lại tác hại môi trường gây cản trở việc thụ hưởng các quyền con người, và đảm bảo rằng tất cả những người bị ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là ngư dân, có quyền tiếp cận các biện pháp hiệu quả”.
1
Đại nạn Formosa càng lúc càng trở nên trầm trọng hơn. Nó khiến người dân tự động đứng lên phản kháng. Các cuộc biểu tình rầm rộ đã diễn ra ngày 1-5-2016, ngay khi đảng và nhà nước vừa trơ trẽn tổ chức lễ mừng ngày Quốc Hận 30 tháng 4, ngay tại nơi người dân bị ảnh hưởng trực tiếp như Quảng Bình, cho tới các địa phương khác, từ Hà Nội vào Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tàu, Sài Gòn… mà nội dung chính của các cuộc biểu tình đều tập trung vào nạn cá chết trắng bờ…, với các khẩu hiệu gồm “Chúng tôi muốn sống”, “Toàn dân Việt Nam cứu biển”, “Tôi yêu môi trường và tôm cá”, “Trả lại biển sạch cho dân” đến những yêu sách cụ thể hơn như “Formosa hãy rời khỏi Việt Nam”, “Cá cần nước sạch, dân cần minh bạch”, “Yêu cầu Bộ trưởng Tài Nguyên – Môi Trường từ chức”.
Nhìn chung, các cuộc tuần hành diễn ra một cách khá thành công, suôn sẻ, có nơi số người tham dự lên tới con số hơn ngàn người, như Hà Nội, Sài Gòn, tuy có vài vụ xô xát, đặc biệt tại Sài Gòn; nhưng công an không dám mạnh tay đàn áp như nhiều lần trước. Linh mục Phê-rô Lê Xuân Lộc, một trong những người biểu tình ở Sài Gòn, kể lại sau khi từ cuộc biểu tình trở về: “Sáng nay đúng hẹn theo lịch sẽ có biểu tình tại Công viên 30/4; trước 9 giờ tôi cùng một nhóm các bạn trẻ đến tập trung tại Nhà thờ Đức Bà. Còn các nhóm khác cũng tập trung gần đó. Sau đó 9 giờ, chúng tôi tiến ra ngay trước Công viên 30/4. Cuộc biểu tình mau chóng thu hút được vài ngàn người biểu tình kéo đến và hô vang các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ môi trường cũng như đuổi Formosa ra khỏi Việt Nam…. Biểu tình ở Công viên 30/4 được khoảng chừng 10 phút, rồi đoàn biểu tình đi quanh Nhà thờ Đức Bà, xuống đường Đồng Khởi, qua trước nhà hát Sài Gòn, đi qua phố đi bộ Nguyễn Huệ, kéo về đường Lê Lợi, sau đó đến công viên Quách Thị Trang và tập trung ở đó khoảng 15 phút; sau đó tiếp tục lên đường xuống Hàm Nghi. Rất đông công an được điều động đến đó để chặn đoàn biểu tình. Sau đó đoàn biểu tình tọa kháng ngay đường Hàm Nghi. Và có một vài trường hợp bị đánh đập, bị bắt bớ như một bạn quen của chúng tôi đang bị bắt ở ngoài đó và hiện tại chưa biết đang bị giữ ở đâu. Sáng nay ở Dòng Chúa Cứu Thế cũng có bắt bớ khoảng 4-5 người. Khi anh Tú, chị Nghiên, cô Tân, và 1 bạn nữa mà tôi không rõ tên đến hầm xe thì khoảng 20 an ninh đã ập vào hầm xe bắt 4 người đó đi và hiện tại chúng tôi không biết họ đang bị giam giữ ở đâu… Một số người đang tập trung tại Phòng Công lý ở đây chuẩn bị đi ‘tìm’ người!..” [xem hình]. Ngay như 2 người bị bắt giữ là Trương Minh Tam và Chu Mạnh Sơn cũng được thả ra sau mấy ngày bị tạm giam mà không bị truy tố.
Đến ngày 8/5/2016, cả nước Việt Nam sẽ tiếp tục biểu tình vụ cá chết miền Trung. Lời kêu gọi toàn dân tiếp tục xuống đường vì môi trường được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội hôm 6/5, sau một tháng chưa được công bố thủ phạm gây cá chết hàng loạt tại miền Trung. Theo thư ngỏ phổ biến trên mạng, biểu tình dự kiến diễn ra vào 9 giờ sáng chủ nhật 8/5 tại Nhà hát lớn Hà Nội, Công viên 30/4 Sài Gòn, Công viên Tứ Tượng ở Huế, hay ‘bất cứ địa điểm công cộng nào ở các tỉnh khác’. Thư viết “Chúng tôi, những người đã tổ chức, thực hiện và tham gia cuộc biểu tình vì môi trường ngày 1/5 vừa qua tiếp tục kêu gọi đồng bào cả nước hướng về ngư dân miền Trung thân yêu’ để yêu cầu chính phủ công bố ‘thủ phạm đầu độc biển miền Trung”, bất chấp những tin tức và hình ảnh về một số vụ hành hung, bắt bớ của lực lượng công an đối với người biểu tình hồi Chủ nhật tuần trước.
Tin củng cho biết những người đã từng tham gia khẳng định họ không chùn bước. Huỳnh Phương Ngọc, một người tham gia cuộc tuần hành tại Sài Gòn, nói với VOA Việt ngữ: “Bây giờ biểu tình vẫn là phương pháp em lựa chọn mà em nghĩ là tốt nhất. Ngoài cách đó ra, mình không bao giờ phản kháng được bằng cách nào khác với vị trí của mình hiện nay để nói lên nguyện vọng, mong muốn đối với các vấn đề của đất nước. Việc người biểu tình bị đánh đập chỉ càng làm tăng thêm sự phẫn nộ mà thôi”. Nhà hoạt động xã hội Thái Văn Dung từ Nghệ An nói biểu tình là quyền thể hiện quan điểm được Hiến pháp quy định và công dân nên mạnh dạn thực hành quyền này để cùng lên tiếng vì môi trường trong sạch, thúc đẩy xã hội phát triển. Ông nói: “Tôi kêu gọi người dân đứng lên tuần hành để đòi các quyền lợi của mình. Chúng ta đòi quyền về môi trường-môi sinh là điều tốt chứ không có gì xấu, nhưng nhà cầm quyền lại có chính sách đàn áp. Tôi mong nhà cầm quyền nên xem xét lại, tìm hiểu tâm tư-nguyện vọng của người dân để cùng nhau phát triển đất nước”.
1
Từ đó, Giáo Già nhớ tới bài viết của Étienne de La Boëtie (1530 – 1563), tính đến nay có hơn 400 năm tuổi thọ, mà sao như nó mới vừa được tác giả khởi bút diễn tả “bản chất con người và thế giới”. Nó giúp tôi hiểu ra rằng: “Bất kỳ thời điểm nào, trong quá khứ, hiện tại hay trong tương lai; bất cứ ở nơi đâu có sự sống của con người thì kẻ thống trị luôn dùng mọi thủ đoạn để lấy đi thứ quý giá nhất của con người là TỰ DO, chỉ vì ‘Sự Nô Lệ Tự Nguyện’ của Loài Người”. Bất hạnh thay người dân Việt cũng không ra khỏi cái đại họa này.
Nhưng, sau 41 mùa Quốc Hận, dân tộc Việt đang trên đường thoát dần cái đại họa “nô lệ tự nguyện” bằng sự dấn thân của tuổi trẻ, bằng sự phản tỉnh của thành phần trí thức u mê theo cộng sản, mà cuộc xuống đường ngày 1/5/2016 đánh dấu một bước phát triển mới của phong trào phản kháng trong nhân dân. Với nhiều ngàn người xuống đường ở các thành phố từ Sài Gòn ra Vũng Tàu, Nha Trang, Quảng Bình… đến Hà Nội. Nó không chỉ ở qui mô mà còn ở sự trật tự và trách nhiệm, chưa cần có người lãnh đạo. Họ xuống đường để lên tiếng vì một đất nước cho chính tương lai của họ, trước sự lúng túng của bạo quyền Cộng Sản như kẻ hấp hối chờ chết.
Trong một tháng qua, guồng máy chính quyền Cộng Sản biểu hiện đầy đủ các triệu chứng hấp hối đó. Nó hoảng loạn, ngay từ ngày 28 tháng 4, tại làng biển Cảnh Dương tỉnh Quảng Bình, rồi từ Hà Nội vào đến Sài Gòn trong ngày 1 tháng 5, 2016; và [theo tường thuật của Lê Nguyễn Hương Trà] “Tại thành phố Huế, sáng nay 29.4 nhóm nghệ sĩ Viet Art Space gồm Lê Nguyên Mạnh, Maxime Lacino (Pháp), Lý Trực Sơn, Nguyễn Văn Hè, Phạm Chí Líp, Trần Nhật, Philip Pham đã tổ chức nghệ thuật trình diễn (Performance art) tại bờ Nam cầu Tràng Tiền [xem hình]. Tuy nhiên, ý tưởng “Nỗi đau của những con cá” mang tính thời sự này, trong không gian trình diễn quanh sông Hương – đã bị các bác Sở VH-TT&DL Thừa Thiên – Huế thổi còi…. mời vào Trung tâm Dịch vụ Du lịch Festival Huế làm việc. Lý do: không có giấy phép trình diễn”.
Tất cả khiến Giáo Già nhớ đến cô giáo dạy Văn ở Hà Tĩnh Trần Thị Lam với bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh”, với lời thơ đơn giản, thật thà, thể hiện được những trăn trở của cả hàng triệu người Việt Nam hiện nay. Bài thơ đăng trên facebook của cô chưa đầy 5 phút đã được rất nhiều người đồng cảm, chia sẻ, phổ nhạc và hát một cách say mê, như chính những lời từ trái tim của họ vậy [xem phụ đính 2]. Nó đã phơi bày sự thật. Rất nhiều người dân Việt Nam đã qua đó nhìn thấy những tồn tại của đất nước mình. Cho dù sau đó công an địa phương buộc cô phải gỡ xuống, nhưng mọi chuyện coi như đã rồi, thơ và nhạc càng lúc dàng lan rộng hơn… Xin mời nghe nó qua các youtube đính kèm:
Mặt khác, quan sát rất kỹ từng chi tiết qua nhiều video về cuộc biểu tình môi trường nổ ra ngày 1/5/2016 tại Hà Nội, Sài Gòn và một số địa phương khác, mọi người cùng có chung nhận xét:không còn thấy cờ đỏ, như vẫn thường thấy chúng hiện diện trong nhiều cuộc biểu tình trước đây. Nếu có những tấm ảnh cho thấp thoáng thấy cờ đỏ và cờ búa liềm thì đó chỉ là cờ được các nhà dân và trụ sở công quyền phô ra, vào dịp lễ 30 tháng Tư, 1 tháng Năm, theo chỉ đạo bắt buộc của nhà cầm quyền địa phương. Trong đám đông biểu tình cũng không ai thấy có người nào mặc áo in hình cờ đỏ sao vàng. Thay cho cờ đỏ là những khẩu hiệu biểu tình. Như vậy độc tố đỏ Formosa đã giết cờ đỏ và khiến CSVN lên cơn hấp hối.
Hẹn con thư sau,
Giáo Già [chờ ngày Mother Day, 8.5.2016]
(Đại gia đình Nguyễn Ngọc Huy)
Phụ đính 1
Hà Tĩnh cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý
Thứ Năm 9:08 26/03/2015
(HNMO) – Dự án Formosa là tổ hợp dự án bao gồm các hạng mục chính là nhà máy luyện gang thép, hệ thống cảng biển nước sâu có năng lực cập tàu 30.000 tấn và nhà máy nhiệt điện công suất 2.100 MW, trong đó quy mô nhà máy thép giai đoạn 1 đạt trên 7 triệu tấn phôi thép/năm.
Formosa đã cam kết sẽ huy động tối đa nguồn lực, phấn đấu đến năm 2015 sẽ hoàn thành 3 lò cao với công suất 10,5 triệu tấn thép/năm, có 13 cầu cảng đi vào hoạt động và năm 2017 sẽ hoàn chỉnh 32 cầu cảng, đáp ứng yêu cầu vận chuyển, xuất khẩu thành phẩm của nhà máy gang thép này.
Công trường xây dựng nhà máy nhiệt điện tại khu liên hợp gang thép của tập đoàn Formosa ở Hà Tĩnh. Ảnh: Kinh tế Sài Gòn
Công trường xây dựng nhà máy nhiệt điện tại khu liên hợp gang thép của tập đoàn Formosa ở Hà Tĩnh. Ảnh: Kinh tế Sài Gòn
Dự án có tổng diện tích hơn 3.300 ha, bao gồm cả diện tích mặt đất và mặt biển (cảng Sơn Dương), tổng số tiền cho thuê đất, mặt nước trong thời gian 70 năm là khoảng hơn 96 tỉ đồng. Để phục vụ cho dự án, tỉnh Hà Tĩnh đã phải thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng gần 2.000 ha đất, với gần 3.000 hộ thuộc 9 xã của huyện Kỳ Anh.
Tính đến tháng 12.2014, có tổng cộng khoảng 40.000 lao động đang làm việc tại dự án Formosa, trong đó có gần 7.000 người nước ngoài đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tạm trú, chủ yếu là lao động Trung Quốc với 5.659 người.
Cấp phép đầu tư 70 năm cho Formosa khi chưa được Chính phủ đồng ý
Đó là một trong những nội dung kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án tại Hà Tĩnh vào chiều 25.3.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, dự án đầu tư và xây dựng Nhà máy liên hợp luyện gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương (dự án Formosa) do Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Đài Loan làm chủ đầu tư, đã được Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban quản lý khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là vượt quá thẩm quyền, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Phát biểu tại buổi công bố kết luận thanh tra, ông Võ Kim Cự, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, thừa nhận việc Ban quản lý khu kinh tế Vũng Áng cấp phép đầu tư với thời hạn 70 năm khi chưa được Chính phủ đồng ý là không phù hợp. UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản báo cáo giải trình Thủ tướng Chính phủ và Thanh tra Chính phủ.
Dự án có nhiều vướng mắc
Ngày 4.6.2014, Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS) có văn bản gửi Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (nay là Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Hà Tĩnh) về việc xin cấp phép xây dựng miếu thờ trong Khu kinh tế Vũng Áng. Công ty FHS quy hoạch xây dựng miếu thờ ở phía trước bên phải tòa nhà hành chính và phía trước bên phải khu nhà 9 tầng. Diện tích miếu thờ khoảng 18 m2; chiều rộng 3,6 m; chiều dài 5,1 m; cao 4,5 m. Dù chưa được phép nhưng FHS vẫn ngang nhiên tiến hành xây dựng.
Miếu thờ mà FHS xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Vũng Áng – Ảnh: Nguyên Dũng
Miếu thờ mà FHS xây dựng trái phép tại Khu kinh tế Vũng Áng – Ảnh: Nguyên Dũng
Đến ngày 19.7.2014, ông Trần Đình Thuyên, Phó chánh văn phòng Tỉnh ủy Hà Tĩnh cho biết, Tỉnh ủy Hà Tĩnh có chỉ đạo về việc dừng xây miếu thờ trái phép trong dự án Formosa.
Ngày 27.7.2014, một nhóm công nhân của Công ty V.N.C.N đang xây dựng hạng mục nhà máy nước tại Dự án Formosa, thuộc Khu kinh tế Vũng Áng, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thì xảy ra vụ sập giàn giáo nghiêm trọng. Vụ tai nạn khiến 2 người chết tại chỗ, 3 người bị thương nặng.
Ngày 29.7.2014, Công ty Formosa Hà Tĩnh có văn bản gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị chấp thuận cho phép các nhà thầu của 28 gói thầu sử dụng 8.426 lao động nước ngoài.
Ngày 5.9.2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản về việc tuyển dụng lao động nước ngoài làm việc tại 9 gói thầu thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh theo đề xuất của Công ty Formosa Hà Tĩnh. Tại văn bản gửi Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh cho biết đã đồng ý về nguyên tắc cho phép 9 nhà thầu thuộc dự án Formosa Hà Tĩnh tuyển dụng 2.976 lao động nước ngoài vào làm việc theo như đề xuất của Công ty Formosa.
Ngày 20.10.2014, liên quan đến đề xuất xin thành lập đội tàu chạy các tuyến đường thủy nội địa của Công ty gang thép Formosa, Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết dự kiến cùng ngày, Bộ GTVT có văn bản trả lời Formosa, trên tinh thần không chấp nhận cơ chế riêng với bất kỳ doanh nghiệp nào.
Formosa còn thiếu gần 200 tỉ đồng tiền thuế
Về thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, phí xả nước thải, đến thời điểm kết thúc thanh tra trực tiếp tại địa phương, Công ty Formosa chưa kê khai và chưa nộp gần 137 tỉ đồng tiền thuế tài nguyên vào ngân sách nhà nước; phí bảo vệ môi trường còn thiếu 53,89 tỉ đồng chưa nộp ngân sách so với số phát sinh đến ngày 31-3-2013. Việc chậm thu thuế và thu chưa đủ phí này là không đúng quy định.
Cũng tại dự án của Công ty Formosa ở huyện Kỳ Anh, việc xác định tiền thuê đất còn chưa chính xác. Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư, ký cam kết cấp giấy chứng nhận đầu tư, ký hợp đồng thuê đất có nội dung miễn tiền thuê đất 15 năm cho Công ty Formosa. Công ty này đã thuê hơn 33 triệu m2 đất, mặt nước với giá tiền thuê đất 80 đồng/m2/năm và tiền thuê mặt nước 10 triệu đồng/km2/năm.
UBND tỉnh Hà Tĩnh báo cáo công ty đã nộp tiền thuê đất nhưng căn cứ theo quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước và theo giấy chứng nhận đầu tư, hợp đồng thuê đất… thì số tiền phải thu thêm thấp nhất là hơn 46 tỉ đồng…
Ngoài những sai phạm xảy ra liên quan đến dự án của Formosa, Thanh tra Chính phủ cũng xác định Hà Tĩnh còn nhiều sai phạm, khuyết điểm trong việc chấp hành pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý, sử dụng đất đai đối với một số dự án trên địa bàn tỉnh. Thanh tra Chính phủ đã phát hiện tổng số tiền sai phạm hơn 493 tỉ đồng.
Từ những kết quả được chỉ ra sau cuộc thanh tra, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm khắc phục và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác này; kiểm điểm nghiêm túc tập thể, cá nhân có liên quan đến sai phạm, khuyết điểm được nêu ra; trường hợp phát hiện có dấu hiệu vụ lợi cá nhân chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch – đầu tư xem xét, xử lý việc cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Formosa 70 năm sai quy định; giao Bộ Tài chính chủ trì phối hợp các bộ, cơ quan liên quan rà soát, tính toán lại tiền thuê đất, thuê mặt nước tại dự án Formosa…
HT tổng hợp
Phụ đính 2

1
1
Theo VietNamDaily.News

No comments:

Post a Comment