Sunday, May 8, 2016

Nhà nước ngăn chặn và bắt giữ người biểu tình vì an toàn môi trường

Gia Minh, phóng viên RFA 2016-05-08  
000_AB9K6.jpg
 Dân quân địa phương đứng gác trước Nhà hát lớn, nơi người biểu tình lên kế hoạch một cuộc biểu tình chống Formosa, nhưng bị cảnh sát Hà Nội phá vỡ bằng cách bắt giữ hàng chục người. Ảnh chụp ngày 8 tháng 5 năm 2016.  AFP PHOTO
Biểu tình vào ngày chủ nhật hôm nay 8 tháng 5 tiếp tục diễn ra tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn sau cuộc biểu tình hôm 1 tháng 5. Mục đích nhằm lên tiếng cho môi trường trong lúc vùng biển một số tỉnh miền Trung bị nhiễm độc khiến hải sinh vật chết trên diện rộng.
Tuy nhiên vào ngày chủ nhật 8 tháng 5, cơ quan chức năng chủ động ngăn chặn những người biểu tình.
Biểu tình trong ngăn trở
Những cuộc biểu tình vì môi trường sinh thái vào sáng 8 tháng 5 tại thủ đô Hà Nội và thành phố Sài Gòn không suông sẻ như vào chủ nhật 1 tháng 5.
Tôi bị bắt gần chỗ Nhà hát lớn khi tôi đang cùng tuần hành cùng bà con từ Bờ Hồ lên Nhà hát lớn.
- Ông Nguyễn Trường Chinh
Tuy nhiên theo ghi nhận, tại Hà Nội, một số người biểu tình đã tiến hành được việc lên tiếng của họ quanh Bờ Hồ, rồi tọa kháng trước trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố.
Tại Sài Gòn, những người biểu tình bị ngăn không được vào Công viên 30/4; tuy nhiên họ cũng tập trung được tại khu vực Nhà Thờ Đức Bà và đến khoảng 10 giờ phá được vòng vây của lực lượng chức năng rồi đi tuần hành một đoạn.
Hoạt động biểu tình kết thúc khi cơ quan chức năng đưa xe buýt đến đưa những người tham gia lên xe.
Bắt bớ - ngăn chặn
Blogger Nguyễn Hữu Vinh tại Hà Nội vào hơn 10:30 sáng cho biết từ nơi bị đưa đến sau khi bị chặn bắt giữa đường:
“Tôi đang ở Công an Quận Hoàng Mai. Sáng nay tôi đang đi bộ trên đường thì một nhóm người không có danh tính, chả có sắc phục nhảy xuống tự nhiên bắt tôi rồi đưa về số 7 Thuyền Quang, rồi lục soát.
Công an quận đưa tôi về làm việc mà tôi chưa biết làm việc gì. Tôi đang đề nghị họ cấp cho căn cứ, cơ sở luật pháp để làm việc.”
Anh Cao Hà Trực ở Sài Gòn cho biết từ ngày 7 sang đến sáng ngày 8 tháng 5 anh không thể nào ra khỏi nhà vì bị một lực lượng cả chục người canh gác quanh nhà anh:
“Hiện nay mười mấy người đang gác cửa nhà tôi không cho chúng tôi đi.”
Nhiều nhà hoạt động xã hội khác ở Hà Nội và Sài Gòn cũng chịu cảnh tương tự như anh Cao Hà Trực, mà theo như lời cô Nguyễn Trang Nhung là ở trong tình trạng mất tự do.
Thanh niên Nguyễn Hữu Tình cho biết tình hình tại nơi anh có mặt gần địa điểm Công viên 30/4 vào lúc 9:15 phút sáng như sau:

Người biểu tình ngồi toạ kháng trước Uỷ ban Nhân dân Hà Nội, ngày 8/5/2016.
“Hiện tại quanh khu vực công viên lực lượng an ninh rất nhiều, có cả rào gai, thép gai để chốt chặn tại đó. Ngày hôm nay rõ ràng làm căng, quanh đó người dân rất nhiều.”
Một số người khác có thể tham gia biểu tình nhưng nhanh chóng bị bắt như trường hợp của ông Nguyễn Trường Chinh tại Hà Nội. Ông kể lại việc bị bắt đi như sau:
“Tôi bị bắt gần chỗ Nhà hát lớn khi tôi đang cùng tuần hành cùng bà con từ Bờ Hồ lên Nhà hát lớn. Tôi bị bắt cùng hai người là bà Ngân và bà Hương và họ đang chở chúng tôi về số 1 Ngô Thì Nhậm, Hà Đông.
Họ bắt tôi lúc khoảng độ 9 giờ. Từ 8:30 phút là chúng tôi từ Bờ Hồ đi lên, vừa đi được hai ngõ thì bị bắt ngay, chúng tôi đi đầu nên bị bắt bởi bọn côn đồ và công an. Hiện đang bắt về phường Quang Trung, đường Ngô Thời Nhiệm. Tôi đang bị quản thúc ở số 9 Ngô Thời Nhiệm, Hà Đông.”
Vượt qua sợ hãi
Số lượng vài ngàn người tham gia cuộc biểu tình hôm ngày 1 tháng 5 vừa qua được cho là con số người tự giác xuống đường đông đảo nhất trong vòng hơn 40 năm qua tại Việt Nam để bày tỏ nguyện vọng của họ với chính quyền.
Trong lần đó có một số trường hợp bị đánh đập, bắt đưa về trụ sở chính quyền, công an; tuy nhiên vào sáng 8 tháng 5 nhiều người vẫn xuống đường đến nơi biểu tình. Anh Cao Hà Trực nhận định về thái độ đó như sau:
“Nhà cầm quyền nếu không dùng bạo lực thì chắc chắn họ không nắm quyền được. Thói quen đối với dân của họ từ xưa đến nay là dùng bạo lực để cai trị. Như bản thân tôi là một dân oan vườn rau phường 6, Tân Bình chỉ đi khiếu kiện oan thôi nhưng họ thường xuyên dùng bạo lực để đánh chúng tôi.
Nhưng tôi nghĩ đến lúc này người ta không có chùn bước trước bạo lực nữa đâu. Đến hôm nay gọi là ‘tức nước, vỡ bờ’ rồi. Vào ngày 1 tháng 5 vừa rồi người dân đổ ra đường với số lượng mà chúng tôi không thể tưởng tượng được. Trước kia mình cứ nghĩ người dân mình vô cảm, người dân mình sợ bạo lực. Nhưng vào ngày 1 tháng 5 vừa rồi chính tôi thấy người dân không hề biết đến chính trị, không muốn dính dáng đến Nhà nước, đã đứng lên đòi thông báo chính thức của nhà cầm quyền về chuyện ảnh hưởng môi trường như vậy.
Hiện tại những anh em bị bắt đưa về đồn công an, nhưng được biết trên xe buýt vẫn bình tĩnh, vẫn hát, giơ khẩu hiệu để phản đối việc bắt giữ vô cớ của nhà cầm quyền.
- Hà Vân
Anh coi nhiều đoạn video clip trên mạng mấy ngày hôm nay, những người bị đánh cương quyết đến đồn công an để hỏi tại sao đánh tôi, tại sao lấy chứng minh nhân dân của tôi. Theo quan điểm của tôi, người dân Việt Nam không còn sợ và thoát ra sự sợ hãi.”
Bạn nữ Hà Vân từ Hà Nội vào sáng ngày 8 tháng 5 cũng bị chặn không thể hòa chung vào đoàn người biểu tình đi quanh Bờ Hồ và tọa kháng trước Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, nhưng cô cho biết sẽ vẫn phải lên tiếng:
“Chắc chắn vẫn lên tiếng. Hiện tại những anh em bị bắt đưa về đồn công an, nhưng được biết trên xe buýt vẫn bình tĩnh, vẫn hát, giơ khẩu hiệu để phản đối việc bắt giữ vô cớ của nhà cầm quyền.”
Trong khi đó bà Cấn Thị Thêu, một người kiên trì đấu tranh vì đất đai, đưa ra lý do tham gia và cách thức lên tiếng trong thời gian tới:
“Việc môi trường bị ô nhiễm gây ra cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung, thì chúng tôi cũng là công dân Việt Nam, chúng tôi vẫn phải chịu những tác động từ ô nhiễm đó nên chúng tôi thấy trách nhiệm phải bảo vệ môi trường biển.
Tôi thấy những điều họ đưa ra là thể hiện sự vô trách nhiệm đối với môi trường biển của Việt Nam. Lúc thì họ nói do tác động hóa chất của con người, lúc thì nói thủy triều đỏ, tảo nở hoa… Rất nhiều điều mà chúng tôi thực sự không tin tưởng vào họ. Chúng tôi thấy họ đang thờ ơ với thảm họa thiên tai ở miền Trung, chúng tôi rất bất bình trước những việc làm của chính quyền nên bằng mọi giá thể hiện quyền công dân của mình, tiếp tục lên tiếng để bảo vệ môi trường biển của chúng tôi.
Tôi nghĩ họ có thể ngăn cản, đàn áp chúng tôi ngày hôm nay nhưng họ không thể ngăn cản chúng tôi được các ngày sau. Nên bằng mọi cách, bằng mọi giá chúng tôi cũng sẽ thể hiện trách nhiệm đối với môi trường, đối với cuộc sống của chúng tôi.”
Tin cho biết tại Nha Trang, một nhóm nhỏ các nhà hoạt động cũng xuống đường và bị lực lượng chức năng chặn mời về làm việc.

No comments:

Post a Comment