Sunday, May 29, 2016

Tổng thống Obama đi đầu trong trận chiến cứu nguy nhân loại

1
1* Mở bài
Thảm họa khủng khiếp của biến đổi khí hậu đã được thế giới nhận ra cho nên ở Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu COP 21 ở Paris (Pháp), 200 lãnh đạo quốc gia và các vùng lãnh thổ đã đồng thuận cắt giảm khí thải carbonic (CO2) để đến năm 2030 nhiệt độ của bầu khí quyển không tăng quá 2 độ C.
Thời gian 14 năm (2016-2030) để thay đổi nhà máy chạy than, bằng những nhà máy chạy bằng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện và cả năng lượng hạt nhân, thì thật là quá cấp bách. Nếu không bắt đầu ngay từ bây giờ thì rất khó đạt được mục tiêu đề ra.
Biến đổi khí hậu không phải là mối đe dọa riêng của quốc gia nào, vì bầu khí quyển không có ranh giới giữa các quốc gia. Bầu khí quyển là mái nhà chung của loài người trên mặt địa cầu nầy.
Tổng thống Barack Obama là người đi đầu trong trận chiến cứu nguy nhân loại. Ông tuyên bố: “Biến đổi khí hậu là sự đe dọa lớn nhất đối với tương lai của hành tinh. Kế hoạch dùng năng lượng sạch là bước tiến quan trọng nhất, to lớn nhất để đương đầu với biến đổi khí hậu. Chúng ta là thế hệ đầu tiên nhận thức được sự tác hại của thay đổi khí hậu, và cũng là thế hệ cuối cùng có thể làm thay đổi tác hại nầy. Cuộc đối phó với thay đổi khí hậu là một trách nhiệm đạo đức. Tình trạng thay đổi khí hậu không phải là vấn đề của thế hệ sau. Nếu chúng ta không làm thì không có ai khác sẽ làm. Hoa Kỳ phải đi đầu. Đây là cơ hội để chúng ta làm điều tốt và đúng đắng cho những thế hệ mai sau”
Những tỷ phú người Mỹ cũng nhận lấy trách nhiệm đạo đức đối với thế hệ mai sau của nhân loại. Các tỷ phú Bill Gates, Mark Zuckerberg, George Soros, Richard Branson đã đóng góp tiền bạc để nghiên cứu những biện pháp xử dụng và lưu trữ năng lượng mặt trời.
Hai phi công người Thụy Sĩ Bertrand Piccard và André Borschberg đã thực hiện cuộc thám hiểm đầy nguy hiểm, lái phi cơ năng lượng mặt trời vượt đại dương, đi vòng quanh trái đất mục đích kêu gọi dùng năng lượng sạch.
2* Bay vòng quanh thế giới không tốn một giọt xăng
2.1. Bay vòng quanh thế giới
Hai phi công của chiếc phi cơ chạy bằng năng lượng mặt trời Solar Impulse 2, đã thực hiện chuyến bay vòng quanh thế giới kéo dài 5 tháng bằng 25 ngày bay, vượt qua hành trình 35,000 km và sẽ dừng chân ở 12 thành phố như sau:
Ngày 9-3-2015 khởi hành từ thành phố Abu Dhabi, thủ đô của nước Các Tiểu Vương Quốc Á Rập Thống Nhất (UAE=United Arab Emirates), đến các thành phố Muscat (Oman), Ahmedabad và Varansi (Ấn Độ), Mandalay (Myanmar), Trùng Khánh và Nam Kinh (Trung Quốc), Hawaii, Phoenix, New York, và trở về điểm khởi hành là thành phố Abu Dhabi.
“Chúng tôi sẽ hoàn thành chuyến bay vòng quanh thế giới đầu tiên bằng máy bay sử dụng năng lượng mặt trời để chứng minh rằng năng lượng mặt trời có thể thực hiện được những điều phi thường”, Piccard nói.
2.2. Phi công Bertrand Piccard và André Borschberg
1). Bertrand Piccard
Bertrand Piccard là bác sĩ tâm lý người Thụy Sĩ, sinh ngảy 1-3-1958. Tốt nghiệp Đại học Lausanne, Thụy Sĩ
2). André Borschberg
André Borschberg là nhà kinh doanh, sinh ngày 13-12-1952. Đồng sáng lập chương trình Solar Impulse.
2.3. Mục đích chuyến bay vòng quanh thế giới
Mục đích chuyến bay nhằm thúc đẩy việc xử dụng năng lượng sạch giúp chận đứng tác hại của thay đổi khí hậu. Nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về việc thay thế nhiên liệu dầu mỏ và than đá bằng công nghệ sạch.
2.4. Phi cơ Solar Impulse 2
1). Đặc tính của máy bay
Solar Impulse 2 (SI.2) được cấu tạo bằng vật liệu nhẹ, là sợi carbon silicon, nặng 2.3 tấn, tương đương với sức nặng của chiếc xe Ford Explorer. Sử dụng 4 động cơ cánh quạt chạy bằng điện do 17,248 viên pin mặt trời lắp dọc thân máy bay và sải cánh dài 72m. Buồng lái rộng 3.8m3, chỉ có một chỗ ngồi cho nên mỗi đoạn đường bay chỉ có một phi công trên máy bay điều khiển tay lái. Phi công kia làm hoa tiêu từ xa, họ liên lạc nhau bằng điện thoại vệ tinh thông qua trung tâm điều hành ở Thụy Sĩ.
Chuyến bay đêm do điện của ban ngày được lưu trữ vào bình accu. Tuy nhiên muốn có đủ điện để bay đêm thì ban ngày trời phải có nhiều nắng và ít gió.
Tốc độ 40m/giây (144km/giờ) phải mất 5 ngày để bay từ Nhật đến Hawaii. Trong khi đó, chiếc Boeing 747 chỉ mất 8.5 giờ để hoàn tất hành trình trên của SI.2.
2). Những điều phi công phải quan tâm
Sải cánh khổng lồ mà thân máy bay nhỏ, nhẹ nên gặp khó khăn trong khi giông bão, gió tạt vào cánh làm cho máy bay chao đảo và lệch hướng. Chế độ autopilot chỉ thuận tiện khi trời nắng ráo. Không gian của cabin nhỏ, chật chội nên không thể đứng dậy nhưng có thể ngồi hay nằm để thay đổi tư thế. Ghế ngồi có thể bật ra phía sau để nằm.
Phải đưa máy bay lên cao độ ở 8.5km để hứng nắng, và giảm độ cao còn ở 914m khi bay trên mặt biển ban đêm để tiết kiệm điện. Một điều quan ngại nữa là ở độ cao tối đa, cơ thể con người cần oxy nhưng cabin quá hẹp cho nên phi công phải mang mặt nạ dưỡng khí. Ở cao độ 8.5km, nhiệt độ rất lạnh nên phi công phải mặc nhiều lớp áo. Có một toilet trên máy bay nhưng các phi công cố gắng ăn uống bình thường và đi toilet bình thường. Một chiếc dù tự động bung ra khi gặp nạn.
2.5. Thực đơn đặc biệt cho phi công bay vòng quanh thế giới
Các nhà nghiên cứu của công ty Nestlé đã phát triển các thực đơn phù hợp cho các phi công, nhằm cung cấp dinh dưỡng tối ưu, bảo đảm sức khỏe trong khi phải đương đầu với mức độ căng thẳng về cao độ, mức oxy thấp và nhiệt độ cực cao.
2.6. Hai phi công đến Hội nghị COP 21
Tổng thống Pháp François Hollande (giữa) và TTK/LHQ Ban Ki-moon
Trên đường bay vòng quanh thế giới, hai phi công đã đến Paris ngay vào lúc Hội Nghị COP 21 đang diễn ra. Họ đến để đưa ra một thông điệp kêu gọi dùng năng lượng sạch giúp ngăn chặn thay đổi khí hậu. COP 21 là hội nghị thượng đỉnh quốc tế tổ chức ngày 30-11-2015 tại Paris, Pháp. Mục đích để đạt được một thỏa thuận quốc tế chống biến đổi khí hậu, cụ thể là cắt giảm khí thải carbonic (CO2) không cho bầu khí quyển vượt quá 2 độ C (Degree Celsius=°C) vào năm 2030.
2.7. Những công ty hỗ trợ hành trình chuyến bay vòng quanh thế giới
Các công ty tham gia hỗ trợ hành trình này bao gồm: Google, Solvay, Omega, Schindler, ABB, Altran, Bayer, Masdar, Swiss Re Corporate Solutions, Swisscom và Moët Hennessy, Nestlé.
3* Solar Impulse 2 vượt Thái Bình Dương
Hai phi công Bertrand Piccard và André Borshberg luân phiên nhau lái chiếc Solar Impulse 2 (SI.2) vượt Thái Bình Dương trong thời gian 5 ngày với hành trình 8,200km. Khởi hành từ Nhật đến Hawaii (Mỹ) rồi đến Moutain View, San Francisco.
Bertrand Piccard lái đoạn đường nầy, đã cho chiếc Solar Impulse 2 lượn qua cầu Cổng Vàng (Golden Gate Bridge), cây cầu nối vịnh San Francisco với Thái Bình Dương.
Chuyến hành trình qua Thái Bình Dương được đánh giá là một trong những chặng bay nguy hiểm nhất vì không có điểm hạ cánh nếu có trục trặc xảy ra.
3.1. Dùng thôi miên và yoga để giữ bình tĩnh.
Hai phi công Bertrand Piccard và André Borschberg thay phiên nhau lái chiếc Solar Impulse 2 trong chuyến bay dài nhất là vượt Thái Bình Dương. Trên phi cơ chỉ có một phi công.
1). Tự thôi miên
Để giữ tĩnh táo trong các chuyến bay, Bertrand Piccard, bác sĩ tâm lý, dự định sẽ ngủ 12 giấc ngắn, mỗi giấc 20 phút. Thời gian còn lại ông dùng tự thôi miên để tập trung tinh thần.
2). Giữ bình tĩnh bằng yoga và thiền
Phần phi công André Borschberg, ông cho biết trong chặng đường do ông lái, cách tập trung của ông được thực hiện bằng phương pháp yoga, bao gồm thiền mà các tư thế của cơ thể giúp máu huyết lưu thông và thư giản cơ bắp.
4* Kế hoạch năng lượng sạch của Tổng thống Obama
4.1. Công bố kế hoạch
Ngày 3-8-2015 Tổng thống Obama công bố Kế Hoạch Năng Lượng Sạch “America’s Clean Power Plan” để ứng phó với biến đổi khí hậu, chủ yếu là cắt giảm khí thải carbonic (CO2) từ các nhà máy điện chạy bằng than đá. Mục tiêu là cắt giảm 17% khí CO2vào năm 2020 và nâng con số lên từ 26 đến 28% vào năm 2025.
Kế hoạch do Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA=Environmental Protection Agency) soạn thảo.
Tổng thống Obama tuyên bố: “Biến đổi khí hậu là sự đe dọa lớn nhất đối với tương lai của hành tinh. Kế hoạch nầy là bước tiến quan trọng nhất, to lớn nhất để đương đầu với biến đổi khí hậu. Chúng ta là thế hệ đầu tiên nhận thức được sự tác hại của thay đổi khí hậu, và cũng là thế hệ cuối cùng có thể làm thay đổi tác hại nầy. Cuộc đối phó với thay đổi khí hậu là một trách nhiệm đạo đức. Tình trạng thay đổi khí hậu không phải là vấn đề của thế hệ sau. Nếu ngay bây giờ chúng ta không làm thì không có ai khác sẽ làm. Hoa Kỳ phải đi đầu. Đây là cơ hội để chúng ta làm điều tốt và đúng cho những thế hệ mai sau”
4.2. Thực hiện kế hoạch
Theo kế hoạch, chính phủ yêu cầu các tiểu bang đáp ứng những tiêu chuẩn cắt giảm CO2 bằng phát triển năng lượng sạch như năng lượng gió, mặt trời, thủy điện, hạt nhân…
Theo thống kê thì năng lượng than đá cung cấp 37% (1/3) số lượng điện cho nước Mỹ. (2012). Hạt nhân: 19%. Thủy điện: 7% . Gió: 5%.
Theo kế hoạch thì mỗi bang sẽ được giao chỉ tiêu cắt giảm CO2 và trình lên Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) những kế hoạch cụ thể, để đạt được chỉ tiêu đã giao phó. Hồ sơ phải đệ nạp trước tháng 9 năm 2018.
Nhà Trắng tuyên bố chính thức khởi động “Capital Solar Challenge”, một chương trình khuyến khích các cơ quan thuộc liên bang, các cơ sở quân sự, những tòa nhà lớn ở thủ đô Washington, D.C., lắp thêm những tấm pin năng lượng mặt trời trên mái nhà, trên các nhà để xe ôtô và các khu đất trống. Chính phủ cũng dành một ngân khoản 15 triệu USD để hỗ trợ cho các cộng đồng cư dân, lắp đặt các thiết bị xử dụng năng lượng mặt trời tại các nhà dân và công ty.
Để gia tăng ngân sách thực hiện năng lượng xanh, Tổng thống Obama quyết định loại bỏ các trợ cấp và giảm thuế, cho các ngành công nghiệp dầu mỏ và than đá.
Kế hoạch năng lượng sạch của Tổng thống Obama vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của đảng Cộng Hòa và những công ty than đá và dầu mỏ.
5* Những phản đối kế hoạch năng lượng sạch của Tổng thống Barack Obama
5.1. 24 bang phản đối kế hoạch năng lượng sạch
Ngày 23-10-2015, 24 bang đã nạp đơn lên tòa án Washington, D.C. khiếu nại cơ quan EPA đã vượt quá quyền hạn trong việc yêu cầu các bang phải cắt giảm khí thải CO2.
Đơn kiện tập thể đứng tên West Virginia, một bang sản xuất than đá hàng đầu của Mỹ. Các bang khác cùng tham gia đơn kiện gồm Alabama, Arkansas, Arizona, Colorado, Florida, Georgia, Indiana, Kansas, Kentucky, Louisiana, Michigan, Missouri, Montana, Nebraska, New Jersey, North Carolina, Ohio, South Carolina, South Dakota, Texas, Utah, Wyoming và Wisconsin.
Theo đó, đến năm 2030 các nhà máy phải giảm 32% khí CO2, như thế làm cho 200 nhà máy điện chạy bằng than sẽ phải đóng cửa. Nhiều công nhân sẽ mất việc làm.
5.2. Phản đối của đảng Cộng Hòa
Lãnh đạo phe đa số của đảng Cộng Hòa ở Thượng Viện, TNS Mitch McConnell (CH. Kentucky) gởi thơ đến 50 bang kêu gọi họ đứng lên phản đối kế hoạch năng lượng sạch (CPP=Clean Power Plan) của Tổng thống Obama.
Tất cả các ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa như Jeb Bush, Marco Rubio nhất loạt phản đối, cho đó là cuộc chiến tranh than đá (War on Coal) mà phải kiên quyết chiến đấu đến cùng.
Những người bên đảng Cộng Hòa cho rằng kế hoạch năng lượng sạch của Mỹ sẽ trở nên vô ích khi mà Trung Quốc, Ấn Độ và những quốc gia khác tiếp tục phóng khí thải độc hại vào bầu trời, vì không có một ranh giới nào trên bầu khí quyển làm hàng rào ngăn chặn những đám mây mang khí thải cả. Khí độc bay lên trời, tụ vào mây thì gởi gió cho mây ngàn bay, bay đi khắp bốn phương trời…
Hiệp Hội Than Ohio cũng chống lại kế hoạch năng lượng sạch nầy. Hội Đồng Trao Đổi Pháp Luật, một tổ chức được yểm trợ tài chánh bởi những công ty sản xuất điện chạy bằng than đá và các nhà khai thác than, đã kêu gọi Quốc Hội Mỹ chống lại kế hoạch CPP.
Trong một phiên điều trần tại Hạ Viện, một số dân biểu tính toán rằng kế hoạch năng lượng sạch sẽ khiến cho nền kinh tế Mỹ thiệt hại 1.5 ngàn tỷ USD. Các nhà máy điện chạy than đá phải đóng cửa, ngành sản xuất than giảm sản lượng khiến cho nhiều người mất việc.
5.3. Phản đối của Quỹ Heritage
Quỹ Heritage là trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Mỹ cho biết, kế hoạch năng lượng sạch của Tổng thống Obama sẽ làm cho 80,000 người Mỹ bị mất việc. GDP của Mỹ giảm 28 tỷ USD và thu nhập trung bình của mỗi gia đình Mỹ sẽ giảm 300USD vào năm 2030.
Trả lời ý kiến nầy, Tổng thống Obama cho biết, kế hoạch năng lượng sạch không giết chết việc làm mà trái lại còn thúc đẩy thị trường lao động. Riêng ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đã tạo ra việc làm nhanh gấp 10 lần hơn các ngành khác trong nền kinh tế Mỹ.
5.4. Nhận xét của giới phân tích
Giới phân tích nêu nhận xét về căn bản pháp lý của kế hoạch năng lượng sạch, cho rằng kế hoạch chưa đủ vững chắc về mặt pháp lý trước hai đạo luật của Hiến Pháp Hoa Kỳ.
  1. Tu chính án số 10 của Hiến Pháp có quy định về việc bảo vệ các tiểu bang trước “sự can thiệp thái quá” của chính phủ liên bang
  2. Đạo luật về khí sạch ban hành năm 1963, quy định rằng chính phủ liên bang có thể đưa ra những hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kiếng đối với “nguồn khí thải hiện tại”. “Nguồn khí thải hiện tại” chỉ nhà máy điện chớ không phải là đối với tiểu bang.
6* Phe ủng hộ Kế Hoạch Năng Lượng Sạch của Tổng thống Obama
6.1. 15 bang ủng hộ
15 bang ủng hộ kế hoạch năng lượng sạch của Tổng thống Barack Obama, và cam kết phản đối về những ngăn chặn việc triển khai kế hoạch nầy.
6.2. Bốn đại công ty ủng hộ kế hoạch năng lượng sạch
Các công ty Apple, Google, Microsoft và Amazone đã đưa ra những đệ trình hỗ trợ kế hoạch, cho biết: “Việc trì hoãn và không có hành động đối phó với tác hại của biến đổi khí hậu, khiến cho con người ngày càng phải trả giá đắt hơn”. Nếu đẩy mạnh chuyển sang nền kinh tế ít cacbon sẽ mang lại nhiều lợi ích cho phát triển kinh tế bền vững, sức khỏe cộng đồng, khả năng chống chịu với các thảm họa tự nhiên và sức khỏe môi trường toàn cầu”.
4 công ty này cho biết: “Nên chú ý rằng hiện tại họ đang là những nhà tiêu thụ điện chính, mong muốn sẽ có thể sử dụng toàn bộ năng lượng tái sinh và họ đang có những bước tiến lớn đi theo hướng này. Đó chính là điều khiến họ có tư cách để đưa ra góc nhìn thực tế về vấn đề được nêu lên”. Apple, Google, Microsoft, và Amazon chung tay ủng hộ dự án năng lượng sạch của Tổng thốngObama.
6.3. Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường quyết bảo vệ kế hoạch năng lượng sạch
Cơ Quan Bảo Vệ Môi Trường (EPA) tuyên bố sẵn sàng đối đầu với những cáo buộc pháp lý. Phát ngôn viên EPA, Liz Purchia, khẳng định, EPA và Bộ Tư Pháp Mỹ quyết tâm bảo vệ kế hoạch chống biến đổi khí hậu nhằm bảo đảm sức khỏe của người dân Mỹ. “Kế hoạch năng lượng sạch dựa trên nền tảng kỹ thuật và pháp lý vững chắc”.
6.4. Ứng cử viên Hillary Clinton ủng hộ kế hoạch năng lượng sạch
Bà Hillary Clinton nói, Bà sẽ bảo vệ kế hoạch năng lượng sạch của chính phủ Obama nếu trúng cử để thay thế ông Obama. “Kế hoạch này sẽ cần được bảo vệ, vì những người hoài nghi và chủ bại ở đảng Cộng Hòa, bao gồm tất cả các ứng cử viên tổng thống của phe Cộng hòa, sẽ không đưa ra biện pháp khả thi nào”. Và bà nói rõ: “Sự thật là họ không muốn một biện pháp nào cả”.
Nếu được đắc cử, thực hiện chương trình 10 năm bằng cách lắp đặc 500 triệu tấm pin mặt trời (Solar panel) để cung cấp điện tới từng hộ gia đình Mỹ.
7* Nhà máy điện năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới
7.1. Nhà máy Ivanpah, California
Nhà máy sản xuất điện chạy bằng năng lượng mặt trời lớn nhất thế giới hiện nay được xây tại sa mạc Mojave, California, diện tích 14 triệu m2, do hai công ty năng lượng NRG và BrighSource & Google đầu tư. Công suất cung cấp điện đủ cho 140,000 hộ dân ở California. Cắt giảm 400,000 tấn khí thải carbonic (CO2) mỗi năm, tương đương với lượng khí CO2 của 72,000 chiếc xe thải ra mỗi năm.
7.3. Năng lượng mặt trời có khả năng cung cấp điện cho toàn thế giới
Các nhà khoa học cho rằng, không cần thủy điện, nhiệt điện thậm chí kể cả điện nguyên tử, chỉ cần sản xuất điện mặt trời cũng đủ cung cấp cho toàn thế giới. Với trình độ phát triển như hiện nay cũng cho phép cấp điện cho toàn cầu.
Tờ Daily Mail đưa tin, Viện Công Nghệ Massachusetts (MIT=Massachusetts Institute of Technology), viện nghiên cứu hàng đầu của Mỹ, cho rằng các tấm pin mặt trời hiện đang được xử dụng có thể tạo ra đủ lượng điện cho cả thế giới.
Dân số thế giới hiện nay đang xử dụng 15 terawatt được cung cấp từ nhiều nguồn khác nhau.
1 terawatt=1,000,000MW
Năng lượng mặt trời có thể tạo ra nguồn điện đủ lớn theo nhu cầu vào năm 2050. Nhưng vấn đề trở ngại không phải là khoa học kỹ thuật, mà là do đầu tư.
Hiện nay thế giới không cần làm một cuộc cách mạng về năng lượng mặt trời, nhưng chỉ cần một số điều chỉnh thì cũng có thể tạo ra sự khác biệt. Nước Mỹ là một ví dụ điển hình. Dân số Mỹ chiếm 5% dân số thế giới nhưng lại xử dụng đến 26% so với năng lượng toàn cầu. Thế nhưng điện mặt trời chiếm chưa tới 1% của tổng sản lượng điện của Mỹ.
GS Robert Armstrong, người đứng đầu chương trình Sáng kiến Năng lượng của MIT, cho biết: “Điện mặt trời có số lượng khí thải carbon thấp nhất, có thể nhân rộng trên quy mô toàn cầu và đạt công suất cao, nó sẽ là một yếu tố cần thiết cho mục đích đẩy lùi biến đổi khí hậu”.
8* Đầu tư thực hiện ba công nghệ năng lượng sạch cho tương lai
8.1. Gây quỹ đầu tư Breakthrough Energy Coalition
Bill Gates.            Richard Branson                         Mark Zuckerberg
Người sáng lập Microsoft, tỷ phú Bill Gates, đã công bố quỹ dự án đầu tư năng lượng sạch Breakthrough Energy Coalition của nhóm 28 người, gồm có các tỷ phú như Mark Zuckerberg, người sáng lập Facebook , tỷ phú George Soros được xem là nhà đầu tư tài chánh vĩ đại nhất lịch sử, và Richard Branson.
Dự án gồm ba công nghệ mới mà Bill Gates tin tưởng có thể cứu được cả thế giới. Người đại diện của ông Gates cho trang Tech Insider biết: “Liên minh nầy có sẵn nhiều tỷ USD làm vốn đầu tư”.
Mục tiêu của dự án là nghiên cứu những công nghệ mới để sản xuất năng lượng mặt trời hầu giải quyết khủng hoảng năng lượng và chống lại những tác động xấu đe dọa nhân loại do biến đổi khí hậu tạo ra.
8.2. Ba công nghệ mới
Theo định nghĩa,  “Công nghệ (Technology) là sự tạo ra, biến đổi, sử dụng, và kiến thức về các công cụ, máy móc, kỹ thuật, kỹ năng nghề nghiệp, hệ thống, và phương pháp tổ chức, nhằm giải quyết một vấn đề, cải tiến một giải pháp đã tồn tại, đạt một mục đích, hay thực hiện một chức năng cụ thể”.
Ánh sáng mặt trời là nguồn cung cấp điện, nhưng ánh sáng mặt trời không phải lúc nào cũng có, ngay cả giữa ban ngày mà bầu trời bị mây hoặc sương mù bao phủ thì thì việc thu nhận ánh sáng bị hạn chế. Đó là vấn đề phải giải quyết là làm thế nào lưu trữ điện để xử dụng khi không có ánh sáng mặt trời.
Ba công nghệ dùng để thu ánh sáng và lưu trữ điện do ánh sáng nầy tạo ra là: Biến năng lượng mặt trời (điện) trở thành nhiên liệu hóa thạch. Xây dựng pin dựa trên “năng lượng dòng chảy”. Nước sơn năng lượng mặt trời.
  1. Biến năng lượng mặt trời thành nhiên liệu hóa thạch.
Nhiên liệu hóa thạch là những chất đốt chôn vùi dưới lòng đất như dầu mỏ, than đá và khí thiên nhiên.
Phương pháp biến điện mặt trời thành hóa thạch hiện do Viện Nghiên cứu của California Institute of  Technology, do GS Nathan Lewis dẫn đầu đang triển khai phương án nầy.
  1. Xây dựng “pin dựa trên năng lượng dòng chảy”
Pin mặt trời (Solar panel) là những tấm bảng mà trên mặt được thiết kế những linh kiện điện tử thu ánh sáng và biến nó thành điện.
Gọi là “pin dựa trên năng lượng dòng chảy” vì nó tạo ra dòng điện bằng bằng những tác động qua lại bên trong bồn chứa. “Bồn chứa” có thể xem như một bình accu vĩ đại vì nó bằng một hồ bơi (Swimming pool). Dụng cụ giữ điện nầy có kích thước rất lớn có thể cung cấp điện cho các cơ sở sản xuất công nghiệp. Dụng cụ nầy có thể kéo dài hoạt động trong nhiều thập niên và có thể sạc đi sạc lại 1,500 lần. Hiện tại, trường Kỹ thuật và Khoa học ứng dụng của Đại học Harvard là nơi đang nghiên cứu và triển khai loại dụng cụ nầy.
Tóm lại, ba công nghệ mới mà quỹ đầu tư Breakthrough Energy Coalition do nhóm của tỷ phú Bill Gates tài trợ đang được các trường đại học tìm cách lưu trữ điện để xử dụng khi không có ánh sáng mặt trời.
  1. Nước sơn năng lượng mặt trời
1
Sơn năng lượng mặt trời có khả năng biến ánh sáng thành điện năng
Sơn năng lượng mặt trời là phủ lên vật liệu một lớp sơn theo công nghệ tiên tiến có khả năng bắt nhạy ánh sáng để biến chúng thành điện. Công nghệ nầy đang được nghiên cứu và phát triển tại các đại học: Đại học Sheffield của Anh, Đại học California San Diego và Lucelo Technologies ở Texas.
Ông Bill Gates cho biết: “Về lý thuyết, ai cũng có thể làm được việc nầy đơn giản như sơn môt bức tường trong nhà”.
9* Những thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra
9.1. Biến đổi khí hậu
Khí hậu là tình trạng về nhiệt độ, độ ẩm, lượng mưa, áp suất của bầu khí quyển xảy ra trong một thời gian dài nhất định ở một khu vực nào đó. Trái lại, thời tiết là tình trạng khí hậu ở một thời gian ngắn như sáng, trưa, chiều tối.
Biến đổi khí hậu là bầu khí quyển bao quanh trái đất nóng lên do khí carbonic giữ sức nóng của mặt trời tạo ra. Khí carbonic (CO2) do xe hơi chạy xăng và do các nhà máy chạy than đá thải ra bầu không khí bao quanh trái đất. CO2 hấp thụ sức nóng và giữ nó lại khiến cho bầu khí quyên nóng lên.
Khí CO2 là nguyên nhân tạo ra biến đổi khí hậu. Muốn chống biến đổi khí hậu cụ thể là loại bỏ các nhà máy chạy than đá và thay thế vào bằng việc xử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện hoặc hạt nhân.
Loại bỏ năng lượng than khiến cho công nghiệp ngành than phản đối. Đó là trở ngại chính đối với kế hoạch năng lượng sạch của Tổng thống Obama.
9.2. Thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra
1). Quốc tế đồng thuận cắt giảm khí carbonic
Đe dọa của biến đổi khí hậu là nguy cơ chung của nhân loại. Không có ai thắng, ai thua trong việc chống đại họa nầy, vì tất cả đều cùng chung một số phận, cùng chung một bầu khí quyển.
Hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra, còn múc độ nghiêm trọng như thế nào thì do con người quyết định.
Con người có công nghệ và khoa học kỹ thuật hiện đại, có quỹ tài trợ, chỉ còn trình độ nhận thức và quyết tâm của các quốc gia để giải quyết vấn đề nầy.
Ông Tổng Thư Ký LHQ, Ban Ki-moon, kêu gọi tất cả các quốc gia hãy đồng tâm nhất trí hiệp lực ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh COP 21 ở thành phố Le Bourget, Paris (Pháp) từ 30-11-2015 đến 11-12-2015, dưới sự chủ tọa của ông TTK/LHQ, Ban Ki-moon, và Tổng thống Pháp, FranÇois Hollande, 200 lãnh đạo quốc gia và vùng lãnh thổ đã đạt được một thỏa thuận, đồng ý cắt giảm khí thải CO2 để nhiệt độ của bầu khí quyển không tăng quá 2 độ C vào năm 2030.
2). Thảm họa do biến đổi khí hậu tạo ra
  1. Nhiều thành phố bị nhấn chìm dưới mặt nước
Biến đổi khí hậu khiến nước biển dâng cao.
Hầu hết các nhà khoa học thế giới đều công nhận rằng biến đổi khí hậu đã gây ra lụt lội, bão tố, hạn hán, lốc xoáy, cháy rừng…Những đe dọa nầy làm tuyệt chủng một số động vật và thực vật, đe dọa đời sống con người.
Băng tuyết ở Bắc Cực và Nam Cực tan ra làm cho mực nước biển nâng cao sẽ nhấn chìm nhiều vùng lãnh thổ của những quốc gia ở ven biển. Theo dự đoán, nước biển có thể dâng cao tới 1m.
Nhóm chuyên gia LHQ, (GIEC: Groupe International d’Experts sur le Climat )
cho biết nếu như nhiệt độ cứ tiếp tục tăng vượt quá 2 độ C thì chắc chắn 700 hòn đảo của Indonesia và các thành phố như New York, London, hay Amsterdam sẽ hoàn toàn biến mất.
Ở Việt Nam, Đồng Bằng Sông Cửu Long, Sài Gòn, Hải Phòng đều bị nhấn chìm khi mực nước dâng cao. Biến đổi khí hậu là nguy cơ xóa sổ ngành nông nghiệp của Việt Nam.
  1. Những thảm họa tồi tệ trong năm 2015.
Trước và sau thảm họa
Trong năm 2015, đã có 150 thiên tai lớn ảnh hưởng đến hàng triệu người trên thế giới.
Trận động đất ở Nepal hồi tháng 4 năm 2016, cường độ 7.3 độ Richter đã làm cho 9,000 người chết. Phá hủy toàn bộ 505,000 ngôi nhà, làm hư hại 279,000 ngôi nhà khác.
Nắng nóng kéo dài. Thống kê LHQ cho biết nhiệt độ cao nhất trong năm 2015 từ 46 đến 49 độ C đã giết hại 2,500 người Ấn Độ, 2,000 người Pakistan.
Cháy rừng ở Indonesia, là một thảm họa lớn nhất thế kỷ đã phá hủy 21,000km2 diện tích rừng gây ra 50,000 ca bịnh hô hấp.
Lũ lụt. Trên toàn cầu lũ lụt tác động đến 21 triệu người mỗi năm, dự đoán sẽ tăng lên tới 54 triệu vào năm 2030.
10* Nhân loại cũng còn lối thoát
7.3 tỷ người có thể tránh được tác hại của biến đổi khí hậu.
Thỏa thuận COP 21 nêu rõ, các quốc gia cam kết kềm giữ tổng lượng khí thải CO2 từ nay đến năm 2030 không vượt quá 55 tỷ tấn. Điều nầy sẽ giúp cho 7.3 tỷ người trên trái đất tránh được hậu quả của bến đổi khí hậu.
11* Tổng thống Barack Obama và nước Mỹ đi đầu trong trận chiến cứu nguy nhân loại
11.1. Tổng thống Barack Obama kêu gọi một thế giới không có vũ khí hạt nhân
“Tổng thống Obama và ước mơ trở thành một nhà vô địch chống biến đổi khí hậu”. Đó là cái tựa bài viết của nhật báo La Croix (Pháp)
Ngay từ nhiệm kỳ đầu, Tổng thống Mỹ đã dồn nổ lực vận động các nước công nghiệp, hạn chế việc thải những khí gây ô nhiễm vào bầu khí quyển của trái đất.
Ông Obama nêu rõ, biến đổi khí hậu đang đe dọa nền kinh tế, sức khỏe, thịnh vượng và an ninh của nước Mỹ. Ông nhấn mạnh, thời gian rất cấp bách và biến đổi khí hậu không còn là vấn đề của thế hệ sau. Ông tuyên bố: “Không có một biện pháp nào có thể đảo ngược được tác động của biến đổi khí hậu, nhưng vì các thế hệ tương lai chúng ta phải có bổn phận phải làm mọi việc có thể làm được”.
Ngoài việc bảo vệ nhân loại chống biến đổi khí hậu, Tổng thống Mỹ còn quan tâm đến sự an nguy của loài người trên hành tinh nầy bằng việc cắt giảm vũ khí giết người hàng loạt. Vũ khí hạt nhân.
Ngày 8-4-2010, Tổng thống Obama và Tổng thống Nga Dmitri Medvedev đã ký Hiệp Ước cắt giảm vũ khí hạt nhân START (Strategic Arms Reduction Treaty-START) tại thủ đô Prague (Praha) của Cộng hòa Czech.
Mỗi bên cắt giảm 2/3 vũ khí hạt nhân trong kho để còn lại mỗi bên là 1,700 đầu đạn hạt nhân. Mỹ có 6,000 đầu đạn, Nga có 5,500.
Tại Praha, Tổng thống Obama tuyên bố: “Là cường quốc hạt nhân duy nhất đã từng sử dụng vũ khí hạt nhân, Nay Mỹ có trách nhiệm đạo đức khi hành động”.
 Sau khi tham dự Hội Nghị G-7 ở Nhật vào hai ngày 26 và 27-5-2016, Tổng thống Obama đến thăm thành phố Hiroshima, nơi mà Mỹ đã thả trái bom nguyên tử làm cho 140,000 người chết hồi Thế Chiến II năm 1945.
Cuộc viếng thăm gây nhiều tranh cãi. Ông Obama khẳng định: “Mục tiêu của tôi không phải là xét lại quá khứ, mà để xác nhận rằng rất nhiều người dân vô tội của các bên đã chết trong chiến tranh. Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy hòa bình và đối thoại trên khắp thế giới, hướng tới thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Chuyến thăm Hiroshima của tôi là nhằm tôn vinh những người đã thiệt mạng trong Thế chiến II và tái khẳng định mục tiêu chung về một thế giới không có vũ khí hạt nhân”.
11.2. Tổng thống Barack Obama nhận giải Nobel hòa bình
Ngày 9-10-2010 Ủy Ban Nobel Na Uy quyết định trao tặng cho Tổng thống Obama giải Nobel Hòa bình năm 2009. Với những lý do như sau: “Cho những nổ lực phi thường của ông trong việc tăng cường ngoại giao quốc tế và sự hợp tác giữa các dân tộc. Ủy Ban Nobel cũng nêu thêm lý do “thành tích không phổ biến vũ khí hạt nhân và nổ lực kiến tạo một bầu không khí mới cho trái đất”.
12* Kết luận
Nhân loại đang bị đe dọa bởi những tai họa làm chết người hàng loạt bao gồm biến đổi khí hậu và vũ khí hạt nhân. Nhân loại có thể tránh khỏi tai họa nầy nếu có quyết tâm và cùng chung nổ lực hành động.
Tổng thống Obama là người đi đầu trong trận chiến cứu nguy nhân loại nầy bằng việc thúc đẩy cắt giảm vũ khí hạt nhân và kế hoạch xử dụng năng lượng sạch để chống biến đổi khí hậu. Lãnh đạo các quốc gia cần tiếp bước theo đầu tàu Hoa Kỳ.
Ông Obama không những quan tâm đế sự an nguy của người dân Mỹ, mà còn nổ lực cứu nguy nhân loại.
Tổng thống Barack Obama rất xứng đáng nhận giải Nobel hòa bình.
Trúc Giang
Minnesota ngày 26-5-2016
Theo VietNamDaily.News

No comments:

Post a Comment