Một điểm bầu cử tại Hà Nội trong ngày bầu cử toàn quốc. (Hình: Getty Images)
Chẳng hạn theo tờ Tuổi Trẻ, tuy chính quyền tỉnh Quảng Nam loan báo tại tỉnh này có 99.97% cử tri đi bầu nhưng trên thực tế, ít nhất cũng đã có trường hợp thôn Thuận An, xã Tam Hải, huyện Núi Thành: Chỉ thu về được 700 phiếu bầu trong khi danh sách cử tri của thôn này có tới 1,000 người. Cũng theo tờ Tuổi Trẻ thì có tới 300/700 phiếu bầu ở thôn Thuận An bị cử tri gạch bỏ toàn bộ ứng cử viên hoặc chỉ chừa lại một người.
Sự kiện vừa kể khiến người ta phải tự hỏi, con số 99.97% cử tri ở Quảng Nam đi bầu có đáng tin và có thật là dân chúng Việt Nam “hồ hởi, phấn khởi, nô nức thực hiện quyền công dân” như tuyên truyền?
Đến cuối tuần này, báo chí Việt Nam cho biết thêm, Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia vừa cho phép thành phố Cần Thơ tổ chức bầu thêm hai người đại diện cho dân chúng thành phố này tại Quốc Hội Việt Nam vì kết quả của đợt bầu cử vừa qua chỉ cho phép chọn được năm trong số bảy đại biểu Quốc Hội.
Dường như những lời kêu gọi tẩy chay cuộc bầu cử toàn quốc, gạch bỏ tất cả những nhân vật bất xứng đã có tác dụng cho dù để đối phó với những lời kêu gọi này, thậm chí để phòng ngừa việc xảy ra biểu tình trong ngày bầu cử toàn quốc, chính quyền Việt Nam đã từng phải tổ chức chặn Internet, chặn mạng điện thoại di động, không cho người sử dụng gởi những tin nhắn mà nội dung có từ “bau”!
Cả Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia, Ủy Ban Bầu Cử thành phố Cần Thơ lẫn báo chí Việt Nam đều không cho biết lý do tại sao thành phố Cần Thơ lại thiếu hai đại biểu Quốc Hội. Những ứng cử viên nào được “cơ cấu” để đại diện cho thành phố Cần Thơ tại Quốc Hội Việt Nam nhưng không được dân chúng thành phố Cần Thơ chọn.
Cần lưu ý là trước đó theo thông báo, tỉ lệ cử tri thành phố Cần Thơ đi bầu cũng xấp xỉ... 100% như tất cả các tỉnh, thành phố khác!
Tình trạng cử tri “hồ hởi, phấn khởi, nô nức thực hiện quyền công dân,” tỉ lệ cử tri đi bầu đạt 100% hoặc xấp xỉ 100% nhưng kết quả bầu cử không cung cấp cho các tỉnh, thành phố đủ số đại biểu tại Quốc Hội Việt Nam, không chỉ xảy ra riêng tại thành phố Cần Thơ. Ông Trần Văn Túy, ủy viên Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia kiêm Trưởng Ban Công Tác đại biểu, vừa thú nhận với báo chí, điều đó còn xảy ra ở một số tỉnh khác như: Sơn La, Đồng Nai, Sóc Trăng,... nhưng vì những tỉnh này chỉ thiếu một đại biểu so với dự kiến thành ra Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia không cho “bầu bổ sung.”
Ông Túy nói thêm, bởi diễn biến như vừa kể nên số đại biểu Quốc Hội của khóa 14 sẽ không đạt mức 500 như dự kiến và vì phải chờ kết quả “bầu bổ sung” hai đại biểu cho thành phố Cần Thơ tại Quốc Hội Việt Nam nên Hội Đồng Bầu Cử Quốc Gia chưa thể công bố danh sách đại biểu Quốc Hội Khóa 14 như dự kiến.
Đề cập đến kết quả bầu cử Đại Biểu Quốc Hội qua cuộc bầu cử toàn quốc hồi cuối tuần trước, tờ Tuổi Trẻ tiết lộ: “Khoảng 15 hay 16 cá nhân được trung ương giới thiệu về các địa phương làm ứng cử viên đại biểu Quốc Hội không trúng cử,” và nhận định: “Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định đến công tác tổ chức bộ máy nhà nước, đặc biệt là khi những ứng cử viên được quy hoạch làm đại biểu Quốc Hội chuyên trách không trúng cử thì có thể nảy sinh tình huống thiếu hụt nhân sự trong các cơ quan của Quốc Hội.”
Kết quả cuộc bầu cử toàn quốc ở Việt Nam cũng đã làm xáo trộn “công tác tổ chức” của nhiều địa phương. Chẳng hạn ở Bến Tre, ông Nguyễn Hữu Châu, ủy viên Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy, phó chủ tịch thường trực Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Bến Tre, vốn được dự kiến làm chủ tịch kiêm Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Dân tỉnh đã thất cử. (G.Đ)
29-05-2016 3:40:08 PM
No comments:
Post a Comment