Theo NLĐO-29/05/2016 22:35
Nhà máy, cơ sở sản xuất xả thẳng nước thải, chất thải vào các nguồn nước khiến sông, suối, kênh, rạch ô nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí, những con kênh được đầu tư nhiều tỉ đồng để cải tạo cũng không thoát khỏi tình trạng tái ô nhiễm
Thời gian gần đây, tình trạng ô nhiễm trên cả nước đang ngày càng nghiêm trọng khiến nhiều sông, suối, kênh, rạch “chết” dần.
Nhuộm đỏ, vàng nguồn nước
Tại Hà Nội, sau nhiều phương án cải tạo, nạo vét..., tình trạng ô nhiễm nước sông, hồ vẫn chưa cải thiện mà còn có dấu hiệu càng tăng. Các điểm ô nhiễm nặng nhất trên sông Tô Lịch là đoạn chảy qua phường Đại Kim (quận Hoàng Mai); khu vực Ngã tư Sở, đường Nguyễn Khang (quận Cầu Giấy). Tại đây, có những thời điểm nước đen kịt, đặc quánh, mùi hôi thối nồng nặc và cá gần như không còn xuất hiện. Sông Nhuệ, sông Kim Ngưu cũng đang ô nhiễm nặng nề do người dân thường xuyên vứt rác xuống.Nằm trong kế hoạch được cải tạo nhưng hồ Linh Quang (quận Đống Đa) hằng ngày phải tiếp nhận nước thải sinh hoạt từ các hộ dân. Thêm vào đó là tình trạng lấn chiếm khiến diện tích hồ ngày càng hẹp, mặt nước cạn dần. Rác sinh hoạt nổi trắng cả một khu mặt hồ cùng xác động vật và cá chết.
Tỉnh Quảng Ngãi có 2 cụm công nghiệp và 1 khu kinh tế, 11 cụm công nghiệp, 22 làng nghề và hơn 3.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động, trung bình mỗi ngày thải khoảng 5 triệu m3 nước thải, hàng chục tấn chất thải độc hại. Thế nhưng, phần lớn các DN, cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý, thu gom rác thải, chất thải. Riêng TP Quảng Ngãi có trên 1.300 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhưng chỉ khoảng 300 DN có hồ sơ đăng ký bảo vệ môi trường và khoảng 800 DN, cơ sở sản xuất không có hệ thống thu gom rác thải, chất thải. Rất nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất thường xuyên xả thải ra môi trường. Các nhánh sông, suối quanh KCN Quảng Phú (TP Quảng Ngãi) đang liên tục bị nước từ các cơ sở sản xuất không có hệ thống xử lý nước thải nhộm đỏ, vàng, bốc mùi hôi thối.
Giữa năm 2015, tình trạng cá nuôi của người dân cạnh nhà máy thuộc Công ty CP Sản xuất sô-đa Chu Lai (xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) liên tục chết hàng loạt. Mỗi lần như vậy, cơ quan chức năng đến lập biên bản nhưng không thấy xác định nguyên nhân cũng như trách nhiệm thuộc ai. Cuối tháng 11-2015, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai có văn bản yêu cầu nhà máy chấm dứt xả nước thải không đạt quy chuẩn cho phép ra môi trường nhưng kết quả phân tích mẫu nước thải và nước mưa chảy tràn từ nhà máy ra môi trường vào ngày 8-11-2015 vẫn cho thấy một số thông số như độ pH, TSS, BOD5, amoni, tổng nitơ, natri vượt quy chuẩn cho phép. Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai đã báo cáo UBND tỉnh Quảng Nam và cơ quan này đã có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) sớm thanh tra, kiểm tra nhưng đến nay chưa thấy tiến hành.
Ở tỉnh Gia Lai, từ khi Thủy điện An Khê - Kanak tích nước chặn dòng, cứ vào mùa khô là dân thị xã An Khê và các huyện phía hạ du lại “lãnh đủ” bởi có hàng chục nhà máy cùng xả nước thải ra sông Ba.
Mới đây, nước sông Ba tại địa bàn huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai bỗng đổi màu xanh lá, bốc mùi hôi thối nồng nặc khiến người dân hoang mang, lo lắng. Nước sông xanh như nước rau má, có chỗ như màu thuốc nhuộm kéo dài gần 5 km nên không ai dám thả lưới bắt cá. Tuy nhiên, cạnh bờ sông, người dân vẫn phải đào hố lấy nước sử dụng.
Rác phủ dày trên mặt rạch Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh, TP HCM)Ảnh: Gia Minh
Ông Hà Văn Vinh - Phó Chủ tịch UBND xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa - cho biết đã khuyến cáo người dân không lấy nước từ lòng sông Ba để sử dụng và cho gia súc uống.
Sau khi xét nghiệm 4 mẫu nước tại 4 vị trí khác nhau, Sở TN-MT tỉnh Gia Lai kết luận nước sông Ba ô nhiễm cục bộ dẫn đến hiện tượng tảo nở hoa, không diễn ra rộng khắp, đồng đều trong các khoảng thời gian và toàn bộ diện tích thủy vực. Tại vị trí tảo nở hoa, nước bị ô nhiễm hữu cơ. Việc chặn dòng của các thủy điện khiến nước ít luân chuyển, cùng hiện tượng El Nino trong thời gian qua làm nước sông cạn kiệt, ảnh hưởng tới khả năng pha loãng, lưu thông các chất ô nhiễm trong hồ. Nguồn nước cuối lưu vực phải tiếp nhận nhiều nguồn thải từ các nhà máy công nghiệp, nước thải sinh hoạt… là nguyên nhân gây hiện tượng tảo nở hoa.
Cải tạo hàng ngàn tỉ vẫn ô nhiễm
Tại TP HCM, tình trạng ô nhiễm kênh, rạch ở mức báo động và có nguy cơ bùng phát trở lại ở những nơi đã được cải tạo. Đơn cử như kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã được đầu tư hàng ngàn tỉ đồng để cải thiện chất lượng nguồn nước nhưng gần 70 tấn cá đã chết chỉ sau 1 cơn mưa đầu mùa vào chiều 16-5.
Mỗi ngày, công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP HCM phải vớt cả chục tấn rác từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Nặng nhất là tại khu vực gần cầu Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), cầu Trần Khánh Dư (quận Phú Nhuận), cầu Công Lý (quận 3) và đoạn cuối dòng kênh ở quận Tân Bình. Tại những khu vực trên, đủ loại rác phủ trên mặt kênh kết thành từng mảng lớn, hôi nồng nặc.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN-MT TP HCM, chất lượng nước ở các kênh, rạch trên địa bàn TP đã có cải thiện nhưng mức độ ô nhiễm vẫn còn cao, nhất là ô nhiễm hữu cơ. TP đang vào mùa mưa nên nhiều kênh, rạch phát sinh tình trạng ô nhiễm hữu cơ cục bộ. Mưa đầu mùa mang theo nhiều chất độc hại, ô nhiễm tích tụ trong suốt mùa khô và kéo theo rác thải ở các ngóc ngách, cống thoát nước xuống kênh. Riêng ở kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, đầu nguồn không liên thông với sông hay kênh, rạch tự nhiên mà chủ yếu là cống thoát nước thải dẫn đến tình trạng nước bị ô nhiễm chất hữu cơ và khí độc nghiêm trọng hơn các kênh khác. Dù đã có hệ thống máy bơm, xử lý nước thải và ngăn rác nhưng do lượng nước thải quá lớn khiến hệ thống xử lý không hết, khiến nước kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè ô nhiễm.
Ngoài kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, kênh Tân Hóa - Lò Gốm (chạy qua địa bàn các quận 6, 11, Tân Bình và Tân Phú), bờ kênh sau khi cải tạo đã thông thoáng, sạch đẹp nhưng nhiều khu vực bị lấn chiếm trở lại để mở quán nhậu, cà phê, bãi đỗ xe… Nhiều người đổ rác xuống kênh. Các kênh, rạch như Văn Thánh, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Hân, Xuyên Tâm (quận Bình Thạnh); kênh Đôi, kênh Tẻ (quận 8); rạch Bàu Trâu (giáp ranh giữa quận Tân Phú và quận 6); kênh Nước Đen (quận Bình Tân)… từ lâu được mệnh danh là các “dòng kênh đen” bởi nhiều đoạn ô nhiễm trầm trọng. Nhiều đoạn kênh, mương thoát nước bị lấn chiếm, gây ách tắc dòng chảy và ngập úng.
Không được giải quyết triệt để
Ông Đinh Văn Thu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, từng nhấn mạnh sẽ kiên quyết không cấp phép các dự án không bảo đảm về môi trường. Thực tế, nhiều năm qua, người dân tỉnh Quảng Nam hết sức bức xúc trước tình trạng môi trường bị ô nhiễm kể từ khi các nhà máy, KCN mọc lên, nhất là tình trạng khai thác vàng có phép cũng như không phép đã đầu độc nhiều dòng sông, con suối. Việc ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân nhưng không được cơ quan chức năng giải quyết triệt để.
Khó xử phạt
Theo thống kê của Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện có 5 công ty, DN và cá nhân dù bị chính quyền các cấp ở tỉnh này ra quyết định xử phạt hành chính vì gây ô nhiễm môi trường nhưng chưa nộp phạt. Đáng chú ý là Công ty TNHH Hello Quốc tế Việt Nam (cụm công nghiệp Hương Sơ, TP Huế) bị xử phạt 180 triệu đồng. Tại cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề Thủy Phương (thị xã Hương Thủy), nhiều năm qua, người dân bức xúc trước tình trạng một số DN sản xuất giấy vàng mã, tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường trầm trọng, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của họ. Các DN này gồm: Công ty TNHH Sản xuất giấy Như Ý, Công ty TNHH Sản xuất tái chế giấy Hà Xuyên, 2 DN sản xuất và tái chế nhựa là Thùy Dương và Thế Phương.
Cuối năm 2014 và đầu 2015, Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế kết luận 4 cơ sở sản xuất nói trên gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Theo đó, Công ty TNHH Sản xuất tái chế giấy Hà Xuyên xả nước thải có thông số COD vượt 1,7 lần, màu vượt 14,5 lần, khí thải có thông số H2S vượt 1,9 lần, không xây lắp công trình xử lý khí thải. Công ty TNHH Sản xuất giấy Như Ý xả nước thải có thông số màu vượt 26,9 lần, BOD5 18,5 lần, COD 9,8 lần, thải khí CO vượt 1,8 lần. DNTN Nhựa Thùy Dương xả nước thải có BOD5 vượt 15,1 lần cho phép, COD vượt 17 lần, màu vượt 39,6 lần so với quy chuẩn kỹ thuật về chất thải trong trường hợp thải lượng nước thải nhỏ hơn 5 m3/ngày... Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra quyết định xử phạt Công ty TNHH Sản xuất tái chế giấy Hà Xuyên trên 114 triệu đồng, Công ty TNHH Sản xuất giấy Như Ý trên 120 triệu đồng, DNTN Nhựa Thùy Dương trên 94 triệu đồng. Chánh Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế xử phạt DN Thế Phương 57 triệu đồng, đồng thời yêu cầu các đơn vị nói trên khẩn trương có biện pháp khắc phục ô nhiêm.
Ông Phan Bồng, Phó Phòng TN-MT thị xã Hương Thủy, cho biết vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế để có phương án xử lý một số DN không chấp hành quyết định xử phạt. Cụ thế, 2 cơ sở tái chế nhựa chỉ khắc phục một phần hậu quả, riêng Công ty TNHH Sản xuất tái chế giấy Hà Xuyên không chấp hành.
Trong khi đó, một cán bộ của Thanh tra Sở TN-MT tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng do khi kiểm tra không tạm giữ bất kỳ tài sản nào của DN vi phạm nên rất khó xử phạt; việc lập đoàn cưỡng chế cũng không hề đơn giản vì nhiều thủ tục, liên quan đến nhiều ngành.
Q.Nhật
Nhóm Phóng viên
No comments:
Post a Comment