HÀ NỘI (NV) - Đó là đề nghị chính thức mà Hội Nghề Cá Việt Nam gửi Văn Phòng Chính Phủ Việt Nam và bốn bộ: Tài Nguyên-Môi Trường, Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, Khoa Học-Công Nghệ, và Tài Chính.
Bãi biển Thiên Cầm, cách thành phố Hà Tĩnh 20 cây số trong mùa du lịch. Thảm họa cá chết làm nhiều giới “chết chùm.” (Hình: Lao Động)
Tổ chức vẫn được xem là đại diện cho ngư dân Việt Nam nhắc lại đề nghị mà họ đã nêu ra vào ngày 28 tháng 4 - khoảng ba tuần sau khi xảy ra thảm họa cá chết trắng một đoạn bờ biển dài 250 cây số, chạy dọc bốn tỉnh phía Bắc miền Trung là: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.
Đến ngày 11 tháng 5 đề nghị vừa kể mới được Văn Phòng Chính Phủ CSVN trả lời bằng cách... yêu cầu bốn bộ: Tài Nguyên-Môi Trường, Nông Nghiệp-Phát Triển Nông Thôn, Khoa Học-Công Nghệ, và Tài Chính... xem xét, trả lời!
Nay, do đã hết tháng 5 nhưng bốn bộ hữu trách vẫn chưa trả lời, Hội Nghề Cá Việt Nam lập lại đề nghị của họ thêm một lần nữa.
Theo tổ chức vẫn được xem là đại diện cho ngư dân Việt Nam thì không chỉ ngư dân mà ngay cả người tiêu dùng Việt Nam cũng muốn biết tại sao cá chết trắng vùng biển phía Bắc miền Trung. Chậm xác định nguyên nhân khiến cá chết trắng biển chẳng những khiến ngư dân và những gia đình nuôi tôm, cá ven biển chưa thể tiếp tục kiếm sống như trước mà còn khiến người tiêu dùng bất an và vi phạm Hiệp Định SPS của WTO mà Việt Nam là một thành viên.
Hội Nghề Cá Việt Nam còn lưu ý là càng để lâu thì chất độc trong trầm tích ở đáy biển sẽ càng loãng. Do hết thời hạn lưu mẫu, các mẫu cá chết vào đầu tháng 4 đang được lưu tại các phòng thí nghiệm sẽ bị tiêu hủy và việc truy tìm, xác định nguyên nhân gây ra thảm họa sẽ khó khăn hơn.
Cũng theo Hội Nghề Cá Việt Nam thì việc hỗ trợ các nạn nhân của thảm họa cá chết sắp hết (quyết định hỗ trợ chỉ trong sáu tuần, với mức hỗ rợ là 15 ký gạo/người/tháng), nên họ đề nghị chính phủ Việt Nam tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ cho đến khi xác định được nguyên nhân gây ra thảm họa và việc kiếm sống của các nạn nhân được phục hồi.
Tổ chức này lập luận, nếu nguyên nhân gây ra thảm họa là do con người thì ngoài việc phải chịu trách nhiệm hình sự, thủ phạm còn phải bồi thường, kể cả bồi thường chi phí mà chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ các nạn nhân trong thời gian vừa qua. Theo họ, thảm họa cá chết cần được các bộ hữu trách xem như một bài học để soát xét lại toàn bộ chính sách kiểm soát môi trường, đặc biệt là việc xả các chất thải.
Cần nhắc lại là sắp tròn hai tháng kể từ ngày xảy ra thảm họa cá chết trắng biển. Các cơ quan hữu trách tại Việt Nam vẫn chỉ xác định cá chết là do nhiễm độc chứ không xác định độc chất là gì và từ đâu mà ra. Cũng vì vậy, dù các viên chức chính quyền từ trung ương đến địa phương dắt díu nhau ra biển tắm, thi nhau ăn hải sản để trấn an dân chúng Việt Nam là biển đã sạch, hải sản đã an toàn, song vẫn không thuyết phục được dân chúng Việt Nam tin vào những “Lê Lai cứu đảng” này.
Cục An Toàn Thực Phẩm của Bộ Y Tế Việt Nam cũng đã nhập cuộc bằng cách loan báo “kết quả xét nghiệm các mẫu hải sản, nước và rau tại những khu vực có hiện tượng cá chết bất thường ở miền Trung.” Theo đó, hầu hết là an toàn và các chỉ số nằm trong ngưỡng cho phép nhưng những thông tin mà dân chúng Việt Nam quan tâm nhất (trong nước biển có những độc chất nào làm cá chết và chúng từ đâu ra) vẫn chưa được công bố.
Thảm họa cá chết không chỉ đẩy ngư dân, giới cung cấp các dịch vụ liên quan tới ngư nghiệp, người làm muối,... đến chỗ khốn cùng mà còn khiến những hoạt động liên quan tới du lịch mấp mé tình trạng phá sản. Toàn bộ hoạt động liên quan tới du lịch ở khu vực phía Bắc miền Trung đã đình trệ. Hậu quả thậm chí còn nghiêm trọng hơn thời điểm đang xảy ra thảm họa. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment