WASHINGTON (NV) - Đó là điều mà Phó Đô Đốc Colin Kilrain, chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy các chiến dịch đặc biệt tại Thái Bình Dương (SOCPAC) của quân đội Hoa Kỳ, vừa tiết lộ với Reuters.
Tập luyện chung giữa lực lượng đặc biệt của Hoa Kỳ và Philippines. (Hình: AFP)
Phó Đô Đốc Kilrain cho biết, hôm 25 tháng 5, ông đã thảo luận với một trong những sĩ quan chỉ huy lực lượng đặc công của Việt Nam tại Florida và cả hai cùng mong muốn quan hệ giữa các lực lượng tinh nhuệ của quân đội hai bên sớm chặt chẽ hơn. Vấn đề chỉ còn là bao giờ thì chính phủ Hoa Kỳ và Việt Nam quyết định để họ thực hiện mong muốn ấy.
Theo Phó Đô Đốc Kilrain thì đặc điểm của các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt (nhỏ, linh hoạt, dễ điều động) có thể hữu dụng cho việc thiết lập và củng cố quan hệ giữa quân đội hai bên.
Mỗi quân chủng của quân đội Hoa Kỳ đều có lực lượng đặc biệt, chẳng hạn bộ binh có biệt kích (Green Beret, Ranger,...). Hải quân có hải kích (Navy Seal) và lực lượng đột kích của thủy quân lục chiến (Marine Raider)... Không quân có tiền sát không yểm (Combat Controller), giải cứu mặt đất (Pararescue),...
Bên cạnh Bộ Chỉ Huy lực lượng đặc biệt của các quân chủng còn có Bộ Chỉ Huy phối hợp cho các chiến dịch đặc biệt (JSOC) với những đơn vị tinh nhuệ nhất của lực lượng đặc biệt thuộc các quân chủng, chẳng hạn Delta Force (một đơn vị Green Beret của bộ binh), Seal Team 6 (một đơn vị Navy Seal của hải quân),... và Bộ Chỉ Huy các chiến dịch đặc biệt cho từng khu vực, trong đó có SOCPAC.
Cũng vì vậy, khi Phó Đô Đốc Kilrain đề cập đến sự hợp tác giữa lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ với đặc công Việt Nam thì triển vọng hợp tác sẽ ở nhiều góc độ của chiến tranh đặc biệt bao gồm cả tình báo, tuần thám,...
Thông tin mà Phó Đô Đốc Kilrain tiết lộ, xuất hiện gần như cùng lúc với nhận định của Trung Tướng Stephen Lanza, Tư Lệnh Quân Đoàn 1 của bộ binh Hoa Kỳ - quân đoàn mà phạm vi trách nhiệm bao gồm toàn bộ khu vực Thái Bình Dương: Bộ binh Hoa Kỳ và Việt Nam có thể luyện tập chung bất kỳ lúc nào mà giới lãnh đạo cao cấp của hai bên thấy có thể.
Tất cả những thông tin, nhận định vừa kể được loan báo ngay sau khi tổng thống Hoa Kỳ đến thăm Việt Nam. Quyết định hủy lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam dường như là bước khởi đầu cho những bước khác để quan hệ an ninh - quốc phòng giữa hai bên sớm chặt chẽ hơn.
Mức độ tiến triển của quan hệ An Ninh-Quốc Phòng giữa Hoa Kỳ và Việt Nam nay phụ thuộc vào chính quyền Việt Nam.
Do sức ép cả từ Trung Quốc lẫn dân chúng Việt Nam càng ngày càng lớn, trong vài năm gần đây, chính quyền Việt Nam đã gia tăng sự hợp tác về An Ninh-Quốc Phòng với nhiều quốc gia nhưng mặt khác vẫn khăng khăng khẳng định, sẽ tiếp tục duy trì “chính sách ba không”: Không liên minh quân sự, không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam, không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác.
Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam đã mở quân cảng Cam Ranh, chấp nhận cho các chiến hạm của Hoa Kỳ cùng với các chiến hạm của Nhật, Nga ghé vào bảo trì, nhận tiếp liệu,...
Theo giới quan sát thời sự thì lối hành xử của chính quyền Việt Nam cho thấy, họ chưa vượt qua được sự ngán ngại Trung Quốc.
Sự phối hợp giữa quân đội Việt Nam với quân đội Hoa Kỳ được chính quyền Việt Nam kiềm giữ ở mức: Xin viện trợ, nhờ đào tạo, tổ chức giao lưu thường niên riêng trong lực lượng hải quân.
Các đợt giao lưu thường niên giữa hải quân Hoa Kỳ với hải quân Việt Nam chỉ xoay quanh những hoạt động phi tác chiến và nâng cao những kỹ năng liên quan đến quân y, tìm kiếm - cứu nạn, an ninh hàng hải, bên cạnh các hoạt động phục vụ cộng đồng, giao lưu thể thao. Mãi tới gần đây mới có thêm các hoạt động nhằm nâng cao kỹ năng điều khiển chiến hạm, kiểm soát thiệt hại trên tàu, giải cứu tàu ngầm.
Đối với những cuộc tập trận đa quốc gia do Hoa Kỳ tổ chức, Việt Nam chỉ gửi “quan sát viên.”
Liệu chính quyền Việt Nam đã sẵn sàng để nhảy một bước dài nhằm thoát ra khỏi sự ngán ngại Trung Quốc?
Tuy chưa ai dám khẳng định rằng có hay không nhưng tín hiệu mới nhất, đáng chú ý nhất là Việt Nam đang thảo luận với Hoa Kỳ về kế hoạch xây dựng hệ thống kho tiếp liệu tại Đà Nẵng.
Đại Tướng Dennis L. Via, tư lệnh Bộ Chỉ Huy Tiếp Vận của bộ binh Hoa Kỳ từng giới thiệu kế hoạch này, theo đó, hệ thống kho tiếp liệu, dự trữ quân cụ, quân nhu tại Việt Nam nhằm giúp quân đội Hoa Kỳ triển khai nhanh nhờ các nguồn tiếp liệu đã sẵn sàng.
Tuy Tướng Via nhấn mạnh, quân nhu và quân cụ dự trữ chỉ nhằm hỗ trợ thực hiện các chiến dịch nhân đạo, ứng cứu và giúp giải quyết hậu quả thiên tai nhưng rõ ràng tính chất hệ thống kho tiếp liệu của quân đội khác rất xa với hệ thống kho dự trữ của các tổ chức cứu trợ nhân đạo. (G.Đ)
No comments:
Post a Comment