Theo VOA-29.05.2016
Trong một bài bình luận mới đây trên website của Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, một học giả Trung Quốc đã nói huỵch toẹt âm mưu của Bắc Kinh một khi chiến tranh Trung – Việt nổ ra là sẽ tìm cách chia cắt Việt Nam từ phía biển.
Xin trích một đoạn trong bài “Học giả Trung Quốc bày mưu chia cắt Việt Nam từ phía biển” trên trang Giaoduc.net ngày 19/4/2016:“…Một khi lực lượng hải quân ngoại bang triển khai từ trên biển thì về mặt địa hình, Việt Nam như ‘dưa hấu gặp dao sắc’, có thể bị tấn công đổ bộ từ bất kỳ địa điểm nào dọc theo đường bờ biển đất liền… Nói cách khác, nếu Việt Nam để mất quyền kiểm soát Biển Đông thì bố trí quân sự của Việt Nam ở miền Bắc mất hẳn chỗ dựa, đầu đuôi khó ứng cứu cho nhau…”
Mặc dù Trung Quốc có thể tấn công đổ bộ từ bất kỳ địa điểm nào dọc theo bờ biển Việt Nam, nhưng tất nhiên họ sẽ nhắm đến những vị trí xung yếu nhất về an ninh quốc phòng.
Đó là những vị trí đáp ứng được ít nhất một trong những tiêu chí sau: (I) thuận tiện cho việc đổ bộ – vùng biển nơi đổ bộ phải đủ sâu cho tàu trọng tải lớn cập bờ, cho phép cả binh lính lẫn các loại vũ khí hạng nặng đổ bộ; (II) nếu đổ bộ thành công, Trung Quốc , họ sẽ khống chế được một khu vực rộng lớn có tầm quan trọng chiến lược; (III) chỉ cần một lực lượng quân sự vừa phải là đủ sức chia cắt Việt Nam tại đó; và (IV) tại vị trí đối diện bên kia biên giới Lào - Việt hoặc Campuchia - Việt Nam, Trung Quốc cũng thiết lập được căn cứ phố hợp, nhằm khi chiến tranh nổ ra, nó sẽ hiệp đồng tác chiến với lực lượng đổ bộ từ biển vào (hoặc với cả lực lượng nằm vùng tại vị trí đổ bộ) để hình thành nên một gọng kìm nguy hiểm.
Hiện nay, Trung Quốc đã chiếm lĩnh được hoặc đang tìm cách chiếm lĩnh nhiều vị trí xung yếu nằm dọc theo bờ biển Việt Nam như Vũng Áng (Hà Tĩnh), Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế), Hải Vân (Thừa Thiên – Huế), Silver Shores (Đà Nẵng), Vĩnh Tân (Bình Thuận), Duyên Hải (Trà Vinh), hay Châu Thành (Hậu Giang), v.v.
Cách đây hơn 2 năm, chúng tôi đã từng báo động về việc Trung Quốc sắp lập căn cứ tại Cửa Việt thông qua một “dự án kinh tế” của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam – một công ty sản xuất thức ăn gia súc, thuỷ sản và chăn nuôi hàng đầu Việt Nam, vốn thuộc tập đoàn C.P. Group của Thái Lan, nhưng đã bị Trung Quốc thâu tóm. Nhờ sự lên tiếng kịp thời của công luận, dự án này hiện đang bị tạm dừng.
Tuy nhiên, nếu ai đó vội tin rằng Trung Quốc vì thế mà đã từ bỏ âm mưu lập căn cứ ở Cửa Việt thì nhầm to. Đơn giản, Cửa Việt là một trong không nhiều nơi dọc theo bờ biển Việt Nam hội đủ cả 4 tiêu chí nêu trên. Vì thế, nó đã lọt vào “mắt xanh” của các ông chủ Trung Nam Hải từ lâu.
Trong dịp trở lại thăm Cửa Việt vừa qua, chúng tôi lại phát hiện ra là Trung Quốc đang lập một căn cứ khác sát nách cảng Cửa Việt thông qua thủ đoạn núp bóng người Việt để thâu tóm một doanh nghiệp thuỷ sản ở địa phương – đó là Chi nhánh Quảng Trị của Công ty Cổ phần Phát triển Thuỷ sản Huế tại thôn Phú Hội, xã Triệu An, huyện Triệu Phong.
Trước kia, đây là một cơ sở thuộc Công ty Thuỷ sản Quảng Trị, một doanh nghiệp nhà nước. Năm 2005, Công ty Thuỷ sản Quảng Trị bị phá sản. Năm 2007, UBND tỉnh Quảng Trị giao cơ sở thuỷ sản này cho một doanh nghiệp nhà nước khác là Công ty Xi măng Quảng Trị. Sau 3 năm trực thuộc Công ty Xi măng Quảng Trị và không hoạt động gì, đến năm 2010, cơ sở này lại được bán cho Công ty Cổ phần Phát triển Thuỷ sản Huế. Và đến Tết Bính Thân vừa rồi, nó đã bị Trung Quốc thâu tóm thông qua một người Việt tên là Hoà, quê ở Thanh Hoá, với mức giá 8 tỷ VNĐ.
Hiện nay, các ông chủ người Hán đang gấp rút sửa sang lại nhà xưởng và xây dựng khu nhà ở cho công nhân trong khi tiếp tục hoàn thiện các thủ tục pháp lý còn lại để cho ra đời một doanh nghiệp Trung Quốc trá hình tại khu vực hết sức nhạy cảm về an ninh quốc phòng này.
Vị trí do người Trung Quốc kiểm soát bao gồm 2 khu: khu văn phòng + nhà ở công nhân và khu nhà xưởng. Tổng diện tích 2 khu này lên tới khoảng 9.000m2.
Người dân địa phương cho chúng tôi biết, nền móng khu nhà ở công nhân được xây hết sức kiên cố và đặc biệt là sâu khác thường: khoảng cách từ nền nhà xuống đáy móng lên đến 2,3m. Các hố móng được lấp đầy cát trắng, với các ống nhựa cắm xung quanh, nghĩa là lượng cát đó có thể được hút ra bất cứ lúc nào để trở thành một hệ thống hầm ngầm bí mật.
Khu vực đã bị Trung Quốc thâu tóm và các vị trí nhạy cảm về an ninh quốc phòng xung quanh
Trước khi rơi vào tay Trung Quốc, đây là Chi nhánh Quảng Trị của Công ty Cổ phần Phát triển Thuỷ sản Huế.
Khu văn phòng & nhà ở công nhân (bên trái) và khu nhà xưởng (bên phải) nhìn từ cầu Cửa Việt.
Khu văn phòng & nhà ở công nhân (bên trái) và khu nhà xưởng (bên phải) nhìn từ cầu Cửa Việt.
Từ Cửa Việt lên cửa khẩu Lao Bảo chỉ khoảng 80km, giao thông rất thuận tiện nhờ tuyến đường nhựa lớn nối với quốc lộ 9 chạy thẳng lên Lao Bảo. Bên kia cửa khẩu Lao Bảo là tỉnh Savanakhet, một địa bàn tập trung rất nhiều người Hán cùng các “dự án kinh tế” của họ trên đất Lào.[i] Một khi chiến tranh Việt – Trung nổ ra, lực lượng Trung Quốc từ Savanakhet đánh sang và lực lượng ngoài biển phối hợp với đội quân nằm vùng ở Cửa Việt đánh vào sẽ tạo nên một gọng kìm vô cùng nguy hiểm, đe doạ chia cắt Việt Nam ở khu vực này.
Những căn cứ ven biển của Trung Quốc không chỉ nguy hiểm về mặt quân sự mà, giống như đại thảm hoạ môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra ở Miền Trung thời gian qua, chúng còn âm thầm đầu độc môi trường biển, khiến ngư dân – những “cột mốc chủ quyền” trên biển – không còn tha thiết với việc ra khơi để góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Về lâu dài, tình trạng ô nhiễm môi trường biển sẽ làm thui chột nòi giống Việt trong tương lai.
Trong khi lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam vẫn không ngớt tụng niệm câu thần chú “4 tốt, 16 vàng”, lãnh đạo Bộ Quốc phòng vẫn chìm đắm trong vòng xoáy kim tiền cùng các màn “giao lưu quốc phòng” với “bạn” thì những gọng kìm của chủ nghĩa Đại Hán vẫn đang ngày đêm âm thầm siết chặt dải đất hình chữ S của chúng ta.
*Ảnh trong bài: Lê Anh Hùng
_______
Ghi chú:
[i] Đây là thông tin mà chúng tôi đã tìm hiểu từ những người hay qua cửa khẩu Lao Bảo sang đất Lào.
* Blog của Lê Anh Hùng là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment