(Baodatviet) - “Có những tư duy và hành động kiểu thế kỷ 18 bao gồm việc bành trướng bằng cách chiếm đất của quốc gia khác và xâm lấn trên biển”.
Phát biểu tại Tokyo, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã nói như vậy trong ngày 1/9. Theo đó phát biểu này được cho là thông điệp mà Thủ tướng Ấn Độ muốn hướng tới Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ cho rằng chủ nghĩa bành trướng chắc chắn sẽ không dẫn tới sự phát triển toàn cầu trong thế kỷ 21: “Nếu châu Á muốn trở thành châu lục lãnh đạo thế giới trong thế kỷ 21 thì Nhật và Ấn Độ cần phải lãnh đạo và quảng bá con đường phát triển hòa bình”, ông Modi nhấn mạnh.
Phát biểu này được đưa ra trong bối cảnh Thủ tướng Ấn Độ đến thăm Nhật Bản.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (trái) hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh TTXVN |
Trong suốt quá trình diễn ra chuyến thăm này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi có những biểu hiện cho thấy một mối quan hệ Nhật-Ấn nồng ấm, thắm thiết thông qua những cái ôm siết chặt và một chuyến du ngoạn đến thành phố cổ Kyoto.
Sự gắn bó này khiến tờ China Daily của Trung Quốc đưa ra cáo buộc, ông Abe đang “chia rẽ” mối quan hệ giữa Trung-Ấn đồng thời cũng cảnh báo: mối quan hệ Nhật-Ấn sẽ phải đối mặt với “sự bất ổn rất lớn” xét trong bối cảnh sự nổi lên của nhóm BRICS và mối quan hệ hợp tác ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
Trên thực tế mục đích cao nhất của hai nước Nhật Bản và Ấn Độ trong chuyến thăm của Thủ tướng Modi lần này là tìm cách kiềm chế các hoạt động đang gia tăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, biển Hoa Đông và Ấn Độ Dương.
Một giáo sư về nghiên cứu chiến lược ở Trung tâm Nghiên cứu Chính sách của New Delhi - ông Brahma Chellaney nhận định: "Mối quan hệ đối tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ có khả năng định hình nền địa chính trị của Châu Á nhiều như sự nổi lên của Trung Quốc hay chính sách chuyển hướng trọng tâm vào Châu Á của Mỹ”.
TTXVN đưa tin trong ngày 1/9, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và người đồng cấp Ấn Độ Narendra Modi đã nhất trí tăng cường hợp tác an ninh song phương, đồng thời đặt mục tiêu tăng gấp đôi vốn đầu tư của Nhật Bản vào Ấn Độ trong 5 năm tới.
Phương Nguyên
No comments:
Post a Comment