BÀ RỊA-VŨNG TÀU (NV) - Có nhiều dấu hiệu cho thấy để lập thành tích “phá án nhanh,” công an đã tra tấn ba thiếu niên, ép chúng nhận tội. Không chỉ thủ phạm kêu oan mà nạn nhân cũng nghi ngờ bản án.
Tháng 10 năm ngoái, dựa trên các thông tin do công an cung cấp, nhiều tờ báo ở Việt Nam loan tin, sau khi có hàng loạt vụ cướp mà thủ phạm lẻn vào một số căn nhà ở huyện Châu Ðức, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, khống chế nạn nhân cướp tài sản, thậm chí đòi cưỡng hiếp nạn nhân, “qua truy xét và sàng lọc đối tượng, công an huyện Châu Ðức đã nhanh chóng tìm ra ba thiếu niên gây ra những vụ cướp đó.”
Hình chụp Lê Hoài Công, Hoàng Ðỗ Thanh Tú và Mai Công Bằng lúc vừa bị bắt. Công an “tạo điều kiện” cho báo giới đưa tin, khen ngợi công an “phá án nhanh.” (Hình: Giáo Dục Việt Nam)
Ba thiếu niên được xác định là “thủ phạm” gồm: Lê Hoài Công-15 tuổi, Hoàng Ðỗ Thanh Tú-14 tuổi, Mai Công Bằng-13 tuổi.
Theo kết luận điều tra của công an và cáo trạng của Viện Kiểm Sát thì Công, Tú và Bằng đã bàn bạc để ăn trộm lấy tiền tiêu xài. Khoảng ba giờ sáng ngày 13 tháng 9 năm 2013, cả ba tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Long, tọa lạc ở xã Bình Ba, thực hiện kế hoạch đã vạch sẵn. Bằng và Tú đứng bên ngoài quan sát động tĩnh, Công tìm cách đột nhập vào nhà sau khi vợ chồng ông Long rời nhà để vào rừng cạo mủ cao su. Lúc đầu, Công tính đập vỡ cửa kính nhưng sau đó đổi ý, “lấy cưa sắt cưa song cửa rồi dùng tay bẻ cong song cửa để chui vào trong nhà.” Khi lọt được vào nhà, Công dùng dao không chế cô con gái 16 tuổi của vợ chồng ông Long, cướp 350,000 đồng rồi mở cửa sau tẩu thoát...
Trong kết luận điều tra và cáo trạng, công an và Viện Kiểm Sát huyện Châu Ðức xác định, do Tú và Bằng chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự (dưới 15 tuổi), giá trị tại sản bị trộm cắp lại không lớn nên miễn tố cho cả hai.
Ở cả hai phiên xử: Sơ thẩm do Tòa án huyện Châu Ðức thực hiện hồi tháng 1 năm nay và phúc thẩm do Tòa án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thực hiện hồi tháng 8 năm nay, cả Công, Tú và Bằng đều kêu oan. Vào thời điểm xảy ra vụ cướp, Công và Tú đang ngủ ở một cây xăng, cách hiện trường vài cây số để trông coi cây xăng thế cho anh trai là một nhân viên làm thuê tại đó. Bằng thì ở nhà của mình.
Trước tòa, Công, Tú và Bằng khẳng định, cả ba nhận tội vì bị công an tra tấn. Luật Hình Sự Việt Nam qui định, khi lấy cung trẻ vị thành niên, phải có sự chứng kiến của người giám hộ, tuy nhiên thân nhân của ba thiếu niên khẳng định, họ không được tham dự. Công an buộc họ chờ ở bên ngoài. Lấy cung xong, họ mới được gọi vào để ký biên bản. Một nhà báo theo dõi vụ này khẳng định với tờ Pháp Luật TP.HCM rằng, thời điểm đó, anh ta đã ngồi cùng với thân nhân ba thiếu niên để chờ... tin.
Bà Phan Thị Diệu Hiền, mẹ của Mai Công Bằng - bị can nhỏ tuổi nhất (13 tuổi), kể rằng, khi con bà được thả, tất cả các đầu ngón tay đều tím bầm và rỉ máu. Bằng kể, công an dùng kẹp, kẹp chặt mười đầu ngón tay của em rồi dùng bút bi xoáy vào chỗ bị kẹp, bắt Bằng “thú nhận tội trạng” theo gợi ý của điều tra viên.
Trước tòa, bị Hội Ðồng Xét Xử đòi “chứng cứ,” bà Hiền bảo rằng, bà không biết phải đưa con đến bệnh viện lấy giấy chứng thương nên không có chứng cứ để xuất trình.
Ðáng lưu ý là nạn nhân trực tiếp - cô con gái 16 tuổi của ông Nguyễn Văn Long khẳng định, thủ phạm to con hơn Công, giọng nói khác hẳn Công. Còn ông Long thì cho rằng, tuy Công nhỏ con nhưng ông không tin Công có thể chui lọt qua lỗ hổng do các thanh sắt bị bẻ cong tạo ra.
Tuy vậy, ở phiên sơ thẩm, Tòa án huyện Châu Ðức vẫn phạt Lê Hoài Công ba năm sáu tháng tù. Tòa án tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn tuyên y án sơ thẩm. Trong bản án, hai hội đồng xét xử ghi nhận sự kiện Công phản cung nhưng nhận định “những lời khai trước đó của Công tại cơ quan điều tra phù hợp với các lời khai khác của những người có liên quan (Tú, Bằng) và lời khai của người bị hại”! (G.Ð)
09-02- 2014 3:03:05 PM
Theo Người Việt
No comments:
Post a Comment