Tuesday, September 2, 2014

Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc: Sắp đạt 40 tỷ USD!

(Baodatviet) - Tính đến hết tháng 8/2014 nhập khẩu từ Trung Quốc đã lên tới khoảng 27,06 tỷ USD, dự tính năm 2014 con số này có thể chạm mốc 40 tỷ USD.
VN nhập khẩu gấp 3 lần xuất sang TQ
Cụ thể, báo cáo của Bộ Công thương cho thấy có 7 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD trở lên gồm: máy tính linh kiện điện tử 2,73 tỷ USD, máy móc thiết bị 5 tỷ USD, điện thoại linh kiện đạt 3,71 tỷ USD...
Đặc biệt, dù sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại biển Đông, việc đa dạng hóa thị trường, giảm nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc đã được nói đến nhiều nhưng thực tế nhiều mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu từ Trung Quốc nhập về vẫn tăng, như vải các loại tăng 24,06%, đạt 3,03 tỷ USD; sắt thép các loại tăng 26,88%, đạt 2,07 tỷ USD…
Hàng trăm xe container đang chờ làm thủ tục xuất khẩu hàng sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh: LĐO
Hàng trăm xe container đang chờ làm thủ tục xuất khẩu hàng sang Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh: LĐO
Trong khi đó, Việt Nam chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc khoảng 9,79 tỷ USD, tức trung bình mỗi tháng xuất khẩu 1,2-1,3 tỷ USD, chỉ bằng 1/3 lần con số nhập khẩu từ Trung Quốc.
“Trung Quốc cũng là một trong những nước Việt Nam nhập siêu lớn nhất, sự lệ thuộc ngày càng nhiều. Trong ba năm gần đây, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng trung bình hằng năm 800 triệu USD, nhưng nhập khẩu tăng 3-3,5 tỉ USD/năm”, báo cáo của cơ quan chuyên môn Bộ Công thương viết.
Nhập siêu từ Trung Quốc tăng 100 lần
Thực tế, hàng hóa Trung Quốc hiện đã tràn ngập vào thị trường Việt Nam, thậm chí từ bao lì xì, dây thun, chiếc tăm, nơ buộc tóc, giày dép, quần áo... cũng nhập từ Trung Quốc và duy trì nền kinh tế được coi là phụ thuộc trong hầu hết các lĩnh vực.
Điều này được chứng minh bằng con số nhập siêu từ Trung Quốc tính từ năm 2001 đến nay đã tăng gấp 100 lần. Hàng Trung Quốc đã phủ khắp các chợ, cửa hàng tạp hóa vùng ven, siêu thị, trung tâm thương mại... Người bán hàng luôn ưu ái hàng Trung Quốc hơn vì hai tiêu chí mẫu mã và giá cả.
Lãnh đạo một số chi cục hải quan phụ trách những cảng biển lớn ở TP.HCM nói rằng hàng Trung Quốc nhập khẩu quá nhiều đến mức việc thống kê, lấy dữ liệu nhập khẩu vô cùng khó khăn.
Nhận định về việc hàng hóa Trung Quốc có thời điểm chiếm tới 90% lượng hàng hóa được bày bán tại chợ đầu mối Đồng Xuân (Hà Nội) cung cấp hàng hóa đi hầu khắp các chợ miền bắc, trung các tiểu thương tại đây cho biết, hàng hóa Trung Quốc có giá thành phải chăng, mẫu mã đẹp đặc biệt thương nhân, doanh nghiệp Trung Quốc biết cách bán hàng tiếp thị đến từng tiểu thương người Việt.
Hàng Trung Quốc chiếm số lượng lớn tại chợ Đồng Xuân do mẫu mã đẹp, giá phải chăng, doanh nghiệp Trung Quốc còn tiếp thị tận tay tiểu thương, không đặt điều kiện số lượng.
Hàng Trung Quốc chiếm số lượng lớn tại chợ Đồng Xuân do mẫu mã đẹp, giá phải chăng, doanh nghiệp Trung Quốc còn tiếp thị tận tay tiểu thương, không đặt điều kiện số lượng.
Họ sẵn sàng bán từ 2-3 đôi dép, cho phép đổi lại nếu lỗi, hỏng trong khi doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu phải mua với số lượng từ 200-300 đôi dép/lần.
Thậm chí, đến ngành chủ lực như sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, sản xuất da giày, dệt may cũng phụ thuộc nguyên liệu đầu vào đến xuất khẩu.
Theo đó, đầu vào cho sản xuất lúa gạo như giống lúa, phân bón, thuốc trừ sâu của Việt Nam đều được nhập khẩu tới hơn 50% từ Trung Quốc.
Ở một số tỉnh phía Bắc còn gieo trồng 100% giống lúa nhập khẩu từ Trung Quốc mặc dù giống lúa này có giá bán cao hơn so với giống lúa trong nước, chất lượng kém hơn, hàm độ dinh dưỡng không bằng nhưng lại cho năng suất và sản lượng cao hơn hẳn.
Nguồn phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc cũng chiếm tới 49% tổng kim ngạch nhập khẩu của mặt hàng này, tức là khoảng hơn 2 triệu tấn, tương đương 0,8 tỷ USD. Cùng với đó, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu chính thuốc trừ sâu, chiếm 49,7% tổng kim ngạch nhập khẩu, tăng 3,8% so với thị phần của năm 2012.
Không chỉ nông nghiệp, sản xuất công nghiệp ở các ngành sản xuất da giày, dệt may cũng trong tình trạng tương tự.
Mặc dù dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, tốc độ tăng trưởng 20%/năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhưng hiện nay gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài: 70% nguyên phụ liệu dệt may Việt Nam phải nhập khẩu.
Trong đó, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm chiếm tới 32,53% trong tổng kim ngạch nhập khẩu ngành dệt may, da giày là 2,73 tỷ USD.
Tâm An

No comments:

Post a Comment