(Baodatviet) - Triều Tiên đang đối mặt với nạn cướp lăng mộ, kẻ cướp lăng mộ đào bới lấy đi di hài và đồ cổ rồi đem bán sang Trung Quốc.
Di vật, cổ vật được chôn ở Triều Tiên đang được khai thác và bán cho Trung Quốc bởi những kẻ cướp mộ Triều Tiên theo cuốn sách Kim Jong Un’s 11 Dilemmas.
Một người đào tẩu đã tiết lộ trong cuốn sách Kim Jong Un’s 11 Dilemmas rằng một số lượng lớn các di vật, cổ vật ở Bắc Triều Tiên đã bị cướp từ ngôi mộ để bán ở Trung Quốc. Các tác giả cũng lưu ý rằng hàng hóa bị đánh cắp thường được bán với giá rẻ, và các công dân Triều Tiên thậm chí còn bình thường được cướp ngôi mộ để kiếm tiền.
Một binh sĩ Hàn Quốc đi ngang những ngôi mộ của các binh sĩnh Triều Tiên và Trung Quốc tại Nghĩa trang Quân thù, gần khu phi quân sự chia cắt hai miền Triều Tiên ở Paju, cách thủ đô Seoul (Hàn Quốc) 52 km về phía bắc. |
Cuốn sách Kim Jong Un’s 11 Dilemmas, phát hành vào tháng 4/2014, chứa đựng nhiều thông tin về thế giới khép kín ở Triều Tiên dựa vào thông tin từ những cuộc phỏng vấn với những người đào tẩu khỏi Triều Tiên sau năm 2011.
Những người đào tẩu cho biết có rất nhiều đồ gốm và đồ sứ trắng từ vương triều Koryo và Chosun vẫn còn chôn vùi trong các lăng mộ cổ. Những kẻ cướp lăng mộ thường hay đào bới những lăng mộ cổ ở tỉnh Hwanghae và thành phố Gaeseong, Triều Tiên.
Theo cuốn sách thì thị trường mua bán đổ cổ lớn nhất Triều Tiên là ở thành phố Sinuiju. Đây là nơi những kẻ cướp lăng mộ bán hàng hóa đánh cắp cho các đại lý của Trung Quốc, người đào tẩu cho biết thêm.
Di hài và những món đồ cổ bị cướp từ nhiều nơi ở Triều Tiên đã và đang được chuyển sang Trung Quốc khoảng 2-3 lần/tháng và những nhà buôn đồ cổ Trung Quốc chỉ trả dưới 1.000 USD cho một món đồ cổ, theo Kim Jong Un’s 11 Dilemmas.
Mặc dù những món đồ cổ quý giá được bán với giá như vậy là quá rẻ, nhưng một số thường dân Triều Tiên vì quá nghèo túng và rất cần tiền nên họ đã bán đổ bán tháo những món đồ cổ này.
Người đào tẩu ước tính có khoảng 100 kẻ cướp lăng mộ ở vùng Yangdok, Triều Tiên, thậm chí những quan chức cấp cao Triều Tiên hám lợi cũng tham gia vào các hoạt động cướp lăng mộ.
Bên cạnh nạn cướp lăng mộ, ở Triều Tiên còn xuất hiện tình trạng cung cấp ma túy cho Trung Quốc. Giữa tháng 8, nhóm người do cựu nghị sĩ Hàn Quốc Park Sun-young đứng đầu công bố hình ảnh được cho là chụp cây thuốc phiện được trồng tại thành phố Hoeryong thuộc tỉnh Bắc Hamgyong của Triều Tiên.
Ông tiết lộ hình ảnh do một nguồn tin Trung Quốc xâm nhập Triều Tiên chụp vào tháng 7/2013. Để tránh bị vệ tinh của Mỹ phát hiện, giới buôn bán hàng trắng Triều Tiên cho trồng cây thuốc phiện trong nhiều khu vực khác nhau dọc biên giới với Trung Quốc.
Báo Chosun Ilbo cho biết thuốc phiện thường được nhập lậu vào thị trấn Hợp Long và Trường Bạch ở tỉnh Cát Lâm để vận chuyển sang 3 tỉnh khác ở Đông Bắc Trung Quốc giáp thượng nguồn sông Đồ Môn và Áp Lục, những khu vực dòng chảy cạn nên dễ dàng cho hoạt động buôn lậu.
Một nguồn tin ở Trung Quốc cho biết đó là lý do tại sao Bắc Kinh phải thiết lập hàng rào thép gai dọc theo 2 bên thị trấn biên giới và giám sát chặt chẽ mọi người Triều Tiên qua sông.
Triều Tiên giờ nổi lên như một nhà cung cấp ma túy mới cho thị trường Trung Quốc. Theo một tạp chí của quân đội Trung Quốc, Bình Nhưỡng sản xuất khoảng 40 tấn thuốc phiện/năm và cho ra khoảng 3.000 kg ma túy tổng hợp, kiếm về từ 100 - 200 triệu USD/năm.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Triều Tiên bác bỏ những cáo buộc nước này sản xuất ma túy và cho biết điều này bị nghiêm cấm.
Quỳnh Vũ (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment