Wednesday, December 10, 2014

Tại Hồng Kông, phong trào chiếc dù ngày càng gần điểm kết

 Maria Kruczkowska - Lê Diễn Đức dịch (*)



Sinh viên có thời gian cho đến thứ Năm để thu dọn các công cụ của mình và rời khỏi địa điểm biểu tình ở trung tâm của đô thị. Nếu họ không thực hiện, chấp hành viên của toà án được hộ tống bởi cảnh sát sẽ dẹp bỏ cả hai thành phố lều bằng bạo lực.

Hành động trên đây được dân biểu Paul Tse Wai-chun (Tạ Đình Phong) công bố trong ngày thứ Ba, 9 tháng 12, 2014. Theo ông, "nó sẽ  mất khoảng hai giờ". Tất nhiên, với điều kiện sinh viên không cưỡng lại.

Tuy nhiên, trong ngày thứ Năm tình hình có thể trở nên phức tạp. Ngay sau tuyên bố của Tạ, một trong những nhà lãnh đạo của sinh viên từ cuối tháng chín bao vây trung tâm của thành phố 17 triệu dân này, cảnh báo rằng họ có thể sử dụng vũ lực để ngăn chặn bạo lực nếu cảnh sát tấn công đầu tiên.

Tạ Đình Phong là một luật sư, đại diện cho hãng xe buýt tư nhân Kwoon Chung Bus Holdings. Công ty của ông phàn nàn về tình trạng tắc nghẽn giao thông, tòa án công nhận lý lẽ của ông và sẽ gửi chấp hành viên tới để làm sạch đường phố.

Cũng tương tự như thế, hai tuần trước người ta đã giải tán những người biểu tình từ trước các cửa hàng đầy máy móc điện tử và đồ trang sức trong khu vực Mongkok nằm ở phía bên kia của vịnh Victoria, bán đảo Kowloon.

Từ thời điểm đó có thể nhìn thấy một sự kết thúc của cuộc biểu tình đã từng làm Bắc Kinh bối rối khi cho thấy rằng thuộc địa của Anh giao trả cho Trung Quốc vào năm 1997 không hài lòng với sự cai trị của Bắc Kinh, chỉ còn là vấn đề thời gian.

Dân chúng phàn nàn về tình trạng tắc nghẽn giao thông và muốn cuộc sống trở lại bình thường

Phong trào Chiếm Trung tâm muốn dân chủ

Phong trào Chiếm Trung tâm với Love (Tình yêu) và Peace (Hòa bình), bao vây ôn hoà trái tim của một trong những thủ đô tài chính thế giới, để buộc chính quyền tự trị yêu cầu Bắc Kinh thay đổi phương thức bầu chọn người đứng đầu chính quyền địa phương trong năm 2017. Tuy nhiên, vào cuối tháng Tám, Bắc Kinh đã quyết định rằng các ứng viên sẽ được chọn lựa bởi một uỷ ban gồm những người ủng hộ Bắc Kinh.

Ban đầu, một nhóm các giáo sư của phong trào Chiếm Trung tâm muốn bao vây thành phố, nhưng đứng bên cạnh phong trào là những người sinh viên nhìn thấy tương lai của mình gắn kết với dân chủ. Họ đã làm cho các cuộc biểu tình hòa bình lan rộng chưa từng có. Vào lúc đỉnh cao của các cuộc biểu tình có đến 100 ngàn người tham gia.

Được gọi là phong trào chiếc dù (dùng để tránh nắng, mưa, nhưng cũng để chống lại bình xịt hơi cay của cảnh sát) đã đạt được sự đồng tình của toàn thế giới. Tuy nhiên, phong trào đã không làm được gì nhiều để giúp họ.

Bắc Kinh có thể hài lòng

Trên đại lộ tám lằn xe Connaught Road gần khu tổ hợp các cơ quan chính phủ vẫn thấy hàng trăm lều nhỏ. Tuy nhiên, sau 70 ngày nằm ngủ trên đường phố, và chạy khỏi nguy cơ của dùi cui cảnh sát sinh viên đã không đối đầu. Họ bị dồn vào chân tường. Người đứng đầu thuộc địa cũ CY Leung, một người của Bắc Kinh ở Hồng Kông, gần đây nói rằng "cuộc đàm phán là vô nghĩa".

Tổng kết của Phong trào Chiếm Trung tâm như thế nào?

"Lý do chủ chốt cho sự hài lòng của Bắc Kinh mà ba tháng trước đây phải đối mặt với thách thức chính trị lớn nhất kể từ sự kiện ở Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. - "Foreign Policy" viết: - Không chùn một bước nào trước đòi hỏi về nguyên tắc bầu cử. Bất chấp những lo ngại ban đầu, Bắc Kinh đã không đưa quân đội tới Hông Kông và làm việc sau hậu trường thông qua đồng minh của họ - một chính quyền đang sợ hãi phong trào lan toả và giới tinh hoa tài chính, mà quan trọng nhất là làm ăn với Trung Quốc. Ông già, như người dân địa phương gọi Bắc Kinh, cho thấy ai là người cai quản ở đây".

Theo tờ báo, thất bại lớn của phong trào chiếc ô là ở chính Hồng Kông: "Chính phủ không được lòng dân, cảnh sát đã mất niềm tin, liên kết xã hội suy yếu" - tác giả của "Foreign Policy" lập luận.

Willy Lam bình luận cho nhật báo "Gazeta Wyborcza"

- Chúng tôi đang đối diện với một tình huống mất-mất (lose-lose) điển hình, trong đó cả hai bên đều thất bại - Nhà bình luận Willy Lam từ Hồng Kông nói với nhật báo "Gazeta Wyborcza" - Sinh viên thất bại vì họ đã không lao đầu vào tường, nhưng khuôn mặt của người đứng đầu chính quyền tự trị CY Leung cũng bị mất. Người lãnh đạo gì mà khước từ đối thoại? - Lam đặt câu hỏi.

- Còn Bắc Kinh một lần nữa cho thấy rằng, không có gì được gọi là tiêu chuẩn và luật pháp quốc tế và không giữ lời hứa của họ. Đơn phương quyết định trong tuyên bố chung được ký kết với Anh quốc trong năm 1984 về tương lai của Hồng Kông, với lời hứa rằng, tương lai người Hồng Kông có thể lựa chọn chính quyền riêng của họ, là trống rỗng và lỗi thời.  Bắc Kinh cũng đã thay đổi mô hình riêng của mình "một đất nước, hai hệ thống" nhằm đảm bảo quyền tự trị cho thuộc địa cũ - Lâm nói thêm. - Một công thức tương tự Trung Quốc đã đề nghị Đài Loan, được xem như một hòn đảo nổi loạn, mà họ muốn sát nhập. Không phải không có lý do, một tuần trước đây, Quốc Dân Đảng, đảng cầm quyền ủng hộ Trung Quốc, bị thất bại nặng nề trong các cuộc bầu cử địa phương.

- Sau các cuộc biểu tình Hồng Kông sẽ trở nên tương tự như Trung Quốc, đó là điều đau khổ cho nhân dân; nhưng hiệu quả sẽ là người giàu sẽ ra đi - Lam nói.

Bản Việt ngữ © Lê Diễn Đức
12/09/2014 - 20:53 — ledienduc
---------------------------------------------------------

(*) Bài của Maria Kruczowska, phóng viên chuyên viết về châu Á của nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza, đăng ngày 9 tháng 12, 2014 tại link:
http://wyborcza.pl/1,75477,17103221,W_Hongkongu_coraz_blizej_konca_ruchu_parasolek.html 

ledienduc's blog

No comments:

Post a Comment